Saturday, 29 July 2023

MỘT THẾ HỆ BẤT ỔN TỪ CHỦ NGHĨA LÝ LỊCH (VietTuSaiGon / Blog RFA)

 



Một thế hệ bất ổn từ chủ nghĩa Lý Lịch

VietTuSaiGon   /  Blog RFA   

Thứ Sáu, 07/28/2023 - 17:15 — VietTuSaiGon

https://www.rfavietnam.com/node/7718

 

Nạn tham nhũng hoành hành và tàn phá nặng nề nhất lịch sử, có thể nói là bây giờ, bởi chưa bao giờ đất nước lại “như hôm nay”. Mà ghê gớm hơn, sự tàn phá này lại trở nên bình thường một cách bất bình thường, tức người ta không còn thấy mình tội lỗi, người  ta có thể ung dung mà lẫy Kiều hoặc bình thản nói vợ chuẩn bị tiền để nộp cho mình đi nghỉ mát trong... tù! Nhìn chung là một thế hệ quan lại Cộng sản hết sức bất ổn.

 

Sự bất ổn này đến từ nhiều hướng, giáo dục, kinh tế, chính trị, xã hội... hay nói theo kiểu xã hội học xã hội chủ nghĩa thì đây là thành tựu của một mối quan hệ tổng hòa trong xã hội, mọi thứ đều có tính tác động tương hỗ. Và một khi đất nước có những “sản phẩm con người” đặc biệt đến như vậy, chắc chắn rằng dân tộc này đã trải qua một quá trình gì đó hết sức ghê gớm.

 

Trong tác phẩm Xá Lợi Đỏ của nhà văn Liêu Thái - một tác phẩm chứa các mảnh rời của xã hội Việt Nam với đầy rẫy các bi kịch, đau thương và cười ra nước mắt, có một câu làm tôi liên tưởng đến câu này “Những đoàn rồng rắn xếp hàng chờ miếng ăn một thời đã làm thay đổi tập tính một dân tộc”. Cái “một thời” kinh hoàng và đầy ác mộng ấy đã để lại di chứng của nó quá rõ ràng, khiến tội nghĩ đền thế hệ  6X và 7X và cận 8X, đây là các thế hệ chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo Cộng sản xã hội chủ nghĩa hiện nay.

 

Ai trải qua cảnh xếp hàng nhận tem phiếu của kinh tế tập trung bai cấp rồi, chắc chắn sẽ nhớ đến một điều duy nhất: Miếng Ăn. Thuở ấy miếng ăn chi phối mọi thứ, nó khiến con người không còn là một con người nữa. Nó khiến người ta hoặc là chạy trốn khỏi đất nước để tránh cái cảnh rùng rợn và hãi hùng này, nhưng đâu phải ai cũng có đủ điều kiện và động cơ để chạy trốn. Và những người mắc kẹt trong thân phận lịch sử phải đối mặt với hai trạng thái, hoặc là chấp nhận lao đầu vào tranh giành miếng ăn, hoặc là tự đẩy mình ra ngoài rìa xã hội và sống chết phó thác cho trời đất.

 

Những gia đình bị mất tích trên biển Đông, những số phận bị vùi dập trong sóng dữ, đau đớn và tang tóc, những nấm mộ vắng khói nhang nằm tạm bợ đâu đó trên đất khách, bên kia rào trại tị nạn hoặc nằm đâu đó trên quê nhà... Mọi nơi, mọi dấu vết, mọi ký ức như những chỉ dấu lịch sử, về một thời kinh hoàng của dân tộc, một dân tộc bị đẩy xuống trạng thái súc vật, tranh nhau miếng ăn, chầu chực miếng ăn và manh nha bi kịch.

 

Cái thứ bi kịch manh nha ấy hình thành trong những não trạng non nớt, trong trẻo và đầy hi vọng. Cái thời kinh tế tập trung bao cấp sau “giải phóng”, thanh niên phân thành hai loại rất rõ ràng: Ta và Ngụy. Ta chính là những con ông cháu cha, con của gia đình có công, con của gia đình chính sách... những “trí thức tương lai” của đất nước, được ưu ái và nuôi cấy. Còn Nguỵ là con của thành phần chế độ cũ, là con của kẻ thù, là những thanh niên không được phép bước vào tương lai tri thức, có ước mơ gì thì thây kệ nhưng không bao giờ được bước vào cổng trường đại học, cao đẳng hoặc trung cấp xã hội chủ nghĩa. Chúng mày học giỏi hả? Ừ thì chúng mày cứ học đến lớp 12, đó là cơ hội cuối cùng cho chúng mày đấy!

 

Còn với Ta, chúng cháu có học dốt chăng nữa thì cơ hội làm trí thức của chúng cháu vẫn cứ ngời ngời, rạng rỡ. Nếu chúng cháu học được đến lớp 12, thì hãy cứ thi vào đại học, nhà nước bao cấp tất cả; nếu chúng cháu học không nổi, thì đã có sẵn hệ 9 + 2 (tức học xong lớp 9, học thêm 2 năm trung cấp nghề) để được làm việc cho nhà nước, để có đồng lương mà sống qua ngày, để về già có đồng lương hưu... Bằng mọi giá phải vào được chân nhà nước. Vào nhà nước như một thứ bảo chứng cho số phận, một niềm hi vọng cho cái bao tử và tương lai gia đình khỏi phải lăn lộn, khỏi phải mò cùa bắt cá, mò tro hốt trấu...

 

Chính vì cái thứ chủ nghĩa lý lịch với Ta và Ngụy, thứ cấp phát miếng ăn như trại súc vật ấy đã đẩy dân tộc đi đến chỗ nháo nhào và không ít kẻ trở nên ráo hoảnh với nỗi đau của chiến hữu, quay lưng với chiến hữu, trơ tráo chối bỏ lý lịch, thay đổi lý lịch, tìm đến những cò Ta (tức những kẻ chuyên làm lý lịch đỏ để kiếm ăn, từng là cán bộ Cộng sản trong thời chiến tranh) để khai công trạng “từng hoạt động trong lòng địch”, từng có công “nuôi quân”, thậm chí có kẻ soán luôn cả phần liệt sĩ của người bà con để làm bàn đạp, cơ hội. Những câu chuyện tưởng chừng là tưởng tượng hoặc chỉ có trong tiểu thuyết Xá Lợi Đỏ này kỳ thực đầy rẫy ngoài xã hội lúc bấy giờ và nó nhanh chóng đẩy con người đến bờ vực mất nhân tính. Mọi người đều trở thành nạn nhân của miếng ăn.

 

Đặc biệt, cái thế hệ được ưu ái của Ta ấy là thế hệ bản lề, thế hệ trí thức tiên phong xã hội chủ nghĩa, một thế hệ vừa hãnh tiến trong miếng ăn xã hội chủ nghĩa, thế hệ mài đũng quần trên giảng đường xã hội chủ nghĩa, bụng đói móp meo và trông mong đến giờ kẻng đánh, lại mang chén, đũa xuống nhà ăn tập thể để nhận khẩu phần, để rồi ví von đầy chất thơ về “nồi canh toàn quốc và nước mắm đại dương”, tức nồi canh lỏng bỏng vài cọng rau, đi cả nước mới mò ra cọng rau, còn nước mắm thì toàn muối, cứ như nước đại dương, hoặc “một lát thịt heo như kính hiển vi/Anh soi tìm mặt trời em qua đó”... Toàn là thơ, và ám ảnh cái ăn trên mọi nẻo đường... thi ca!

 

Thế hệ bản lề này có thể nói là thế hệ may mắn nhất trong sự nghiệp chính trị xã hội chủ nghĩa. Vì sau khi ra trường, họ được đặc cách, chỉ định làm việc và có ngay biên chế nhà nước. Đương nhiên đây cũng là lớp lãnh đạo đầu tiên sau 1975, họ được cất nhắc vì họ có chữ hơn so với lãnh đạo cơ quan toàn những thành phần vừa xong chuyên môn rúc rừng, bắn tỉa, “tề gian diệt ngụy”, giải phóng miền Nam...

 

Một thế hệ bị ám ảnh bởi miếng ăn, nắm những chức quyền tiêu điểm xã hội và bước vào một thời kì kinh tế mới với nguồn tiền chảy như sông quê trước mặt, họ làm sao, nghĩ gì, làm thế nào để thoát được ma lực của nó? Một thế hệ mà Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch Quảng Nam là điển hình, rất tự tin rằng mình có “trí tuệ, có năng lực và tận cống hiến” cho dù đứng trước vành móng ngựa vì ăn đến tận cái chết của đồng loại, ăn đến tận mồ hôi của các em đĩ tha phương, không từ bỏ ai khi nói về cái ăn của họ nhưng vẫn ung dung đọc thơ để ca ngợi quê hương, con người và bản thân trước khi lãnh án.

 

Các thế hệ 6X, 7X và cận 8X hiện tại đang là thế hệ nắm lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam, những người đồng lứa với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và cả những người trước và sau đó một chút đều được đảng Cộng sản đưa ra nước ngoài để học, được đại thọ từ A tới Z để về nước phục vụ Đảng, phục vụ Nhân Dân... dường như đều mang vết thương xã hội học, đều bị thứ động cơ Miếng Ăn chi phối nặng nề nhất. Thế nên đừng ngạc nhiên khi họ tham những một cách tàn bạo chưa từng thấy, đụng tới đâu cũng toàn là củi, người đốt lò Nguyễn Phú Trọng có tăng công suất bao nhiêu thì củi cũng tăng theo bấy nhiêu, đốt cho hết đời ông, rồi đốt cho đến hết đời sau ông cũng chưa hết củi nếu chịu lục tìm... Bởi đất nước này là một đất nước của củi. Bởi công nghiệp trồng người của đảng Cộng sản là một công nghiệp trồng củi.

 

Bởi những cánh rừng nguyên sinh đã bị chủ nghĩa Cộng sản phá tan nát, sau đó họ tiếp tục loại bỏ những giống loài gỗ tự nhiên, họ trồng độc nhất một thứ cây công nghiệp Xã Hội Chủ Nghĩa, khi những cây ấy mọc lên, trưởng thành, sinh sôi nảy nở, thì bản chất của nó vốn là loài cây tạp, hút sạch dưỡng chất của đất Mẹ nhưng không cho được gì ngoài củi.

 

Hậu họa của thế hệ lãnh đạo này sẽ còn lâu mới chấm dứt, khi thế hệ này về vườn, sẽ có thế hệ tiếp theo không còn bị ám ảnh bởi miếng ăn nhưng lại là thế hệ nghiện hưởng lạc, một thế hệ đã được cha mẹ của chúng cấy ghép, nuôi dưỡng trong tiền bạc, vật dục, ngông cuồng, hãnh tiến, hách dịch, vô cảm... Và rất khó để mơ về tương lai tốt đẹp nếu như chủ nghĩa Lý Lịch còn tồn tại trên đất nước này!

 

 

VietTuSaiGon's blog






No comments:

Post a Comment

View My Stats