Monday 31 July 2023

ERDOGAN VÀ HUNSEN (Nguyễn Ngọc Chu)

 



ERDOGAN VÀ HUNSEN

Nguyễn Ngọc Chu

30-7-2023  07:03   

https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/pfbid0T9aRLKmunPkVBgNkmEoPpLwpb96A7FcoA5sU3zhhhhxg5P8HUiBo4CZFk9Hcvhy6l

 

1. ERDOGAN

 

Theo dõi cách hành xử của Erdogan, hiện ra khuôn mặt của một chính khách lão luyện. Erdogan là một “tay chơi chính trị” nhiều mang. Dù là Nga, Mỹ, châu Âu hay NATO, với phe nào, Erdogan cũng thu được lợi.

 

Ví như Nga và Putin đã nhiều phen phải ngậm bồ hòn làm ngọt với Erdogan. Erdogan gián tiếp đối đầu với Nga, giúp Azerbaijan chiếm lại lãnh thổ thành công trong xung đột Nagorno- Karabakh chống Armenia được Nga hậu thuẫn. Erdogan trực tiếp đối đầu với Nga, không ngần ngại bắn rơi Su 25 của Nga ở Syria khi vừa xâm phạm vùng trời vài trăm mét. Đóng eo biển không cho chiến hạm Nga vào biển đen. Giúp vũ khí cho Ukraine, Bán máy bay không người lái Bayraktar TB2 cho Ukraine và đầu tư sản xuất tại Ukraine. Giúp Ukraine vận chuyển ngũ cốc. Thả các tù binh “Azov” trước thời hạn. Ủng hộ Ukraine gia nhập NATO. Đó là những hành xử làm cho Putin phải nuốt hận. Putin trong lòng căm Erdogan, muốn ăn tươi nuốt sống Erdogan, mà ngoài mặt vẫn phải làm lành. Erdogan còn đi xa hơn nữa, nhưng Putin cũng không thể bỏ Erdogan. Vì Putin không thể đẩy Erdogan thành kẻ thù. Erdogan là chiếc cầu nối quan trọng của Putin để chấm dứt chiến tranh. Trong cuộc chơi với Putin, Erdogan biết tận dụng tối ưu lợi thế của mình, khai thác tối đa điểm yếu của đối phương.

 

Mỹ, châu Âu và NATO cũng không ưa Erdogan. Nhưng họ biết cách giải quyết với Erdogan. Với Erdogan, cái cuối cùng là lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cho nên, dù Erdogan có mua S -400, có cản trở Phần Lan, Thuỵ Điển gia nhập NATO thì cuối cùng Erdogan cũng phảỉ đi cùng với Mỹ, châu Âu và NATO. Vì đó là lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ. Và tất nhiên là vì Mỹ, châu Âu và NATO không thể đẩy Erdogan vào vòng tay Nga. Erdogan đã biết dùng vị thế của Thổ nhĩ Kỳ để mặc cả. Và trong cuộc chới với Mỹ, châu Âu và NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã thu được lợi rất nhiều. Erdogan còn mục tiêu là ước mơ gia nhập EU từ năm 1959 của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thành hiện thực. Và sẽ nhìn thấy những điều mặc cả của Erdogan về mục tiêu này trong tương lai.

 

Nga, Mỹ, châu Âu, phe nào cũng không ưa Erdogan mà không thể bỏ. Nước ở thế yếu hơn mà trên bàn cờ chính trị không yếu hơn. Erdogan làm cho kẻ mạnh hơn không những không thể bắt nạt, mà còn phải sợ, phải nể, vì dùng thế liên kết với kẻ mạnh khác. Sau đế quốc Ottoman, Thổ Nhĩ Kỳ làm thế giới nhớ đến trong cuộc khủng khoảng hạt nhân Cuba 1962. Kết thúc là Liên Xô không đặt tên lửa ở Cuba và Mỹ tháo dỡ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Jupiter IRBM khỏi Thổ nhĩ Kỳ. Erdogan đang khai thác hiệu quả vị trí địa lý của Thổ Nhĩ Kỳ, làm hiện lên bóng dáng của đế quốc Ottoman.

 

 

2. HUNSEN

 

Nếu ở phương Tây có Erdogan thì ở phương Đông, ở một mức độ nào đó, có Hunsen. Hunsen cũng là một chính khách không được ưa, nhưng không thể bỏ. Cũng giống như Erdogan, Hunsen biết khai thác tối đa vị thế của mình. Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam, Mỹ và châu Âu, thì chơi với bên nào, Hunsen cũng thu được lợi. Có người nói Hunsen phụ thuộc vào Trung Quốc. Trung Quốc thu được nhiều lợi từ Campuchia. Nhưng đường lối chính trị của Hunsen không phụ thuộc vào Trung Quốc. Lãnh đạo Camphuchia và Trung Quốc chưa bao giờ tuyên bố chung ý thức hệ, chưa bao giờ tuyên bố cùng phe, cùng mục tiêu. Hunsen có đường lối chính trị độc lập với Trung Quốc. Các nghị quyết của Liên hợp quốc về cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraine, Campuchia bỏ phiếu khác với Trung Quốc. Trong vấn đề Biển Đông, Camphuchia bị sức ép quyền lợi từ Trung Quốc, Hunsen hành động vì quyền lợi Campuchia. Trung Quốc sợ Campuchia xa rời. Hunsen có thể nhảy vào vòng tay người khác chỉ trong nháy mắt. Hunsen biết tận dụng nỗi sợ hãi của Trung Quốc để thu lợi. Hunsen làm cho các đối tác phải ve vãn, chứ không thể bắt nạt.

 

Tất nhiên, vị thế Campuchia khác với Thổ Nhĩ Kỳ, nên mức ảnh hưởng của Hunsen khó bì với Erdogan. Sự khác biệt về thể chế cũng tạo nên thang bậc vai trò. Một trong những điều khác biệt giữa Erdogan và Hunsen là cách được nắm quyền và quyền quyết định về người kế nhiệm. Erdogan không thể quyết định người kế nhiệm. Chức vụ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là do toàn dân Thổ Nhĩ Kỳ bàu ra. Còn Hunsen đưa con trai mình lên ngôi thủ tướng. Hunsen là một “ông vua”.

 

Nhưng không phải là một “vua tập thể”. Hunsen muốn bảo vệ quyền lực gia đình, cùng với lợi ích dân tộc, chứ không phải sự tồn vong của chính thể. Trước cái sai của cấp dưới trong hệ thống, Hunsen trừng trị thẳng tay mà không phụ thuộc vào ai. Kẻ làm sai sợ hãi. Sợ hãi chứ không xu nịnh. Vì thế, ít kẻ xu nịnh bao quanh. Như một “ông vua” phong kiến, Hunsen chọn con trai có tài trong số con mình, cho đào tạo bài bản và nhường chức. Vua phong kiến cũng có bậc anh minh. Gặp thời minh trị, đất nước cũng có cơ hội phát triển. Nhưng chế độ cha truyền con nối, về cơ bản đã bị đào thải. Con trai Hunsen được Âu học. Việc truyền đời quyền lực của Hunsen khó có thể kéo dài như ở Bắc Triều tiên.

 

 

3. CÂU HỎI ĐỂ NGỎ

 

Nhắc đến Erdogan và Hunsen là để nói đến các cá nhân nâng cao được vị thế quốc gia trên bàn cờ chính trị thế giới, dù quốc gia bị sức ép tranh chấp ảnh hưởng từ các nước lớn. Không ưa nhưng không thể bỏ. Cứng mà không gãy. Đa phương mà không phụ thuộc vào một. Sẵn sàng rời bỏ mà không sợ hãi. Bắt người phải tôn trọng mình vì khả năng liên minh với người khác. Đó là các chiến lược trò chơi quan hệ quốc tế của những chinh khách như Erdogan và Hunsen.

 

Liệu còn quốc gia nào cần có những chính khách như Erdogan?

 

 

HÌNH :

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=3039018549564888&set=pcb.3039019596231450

Erdogan

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=3039018906231519&set=pcb.3039019596231450

Hun Sen






No comments:

Post a Comment

View My Stats