Sunday, 30 July 2023

CHÍNH SÁCH CHO GIÁO VIÊN MẦM NON: CÁC ÔNG BÀ CÓ CON CÓ CHÁU BỚT VÔ CẢM ĐI! (Chu Mộng Long)

 



CHÍNH SÁCH CHO GIÁO VIÊN MẦM NON: CÁC ÔNG BÀ CÓ CON CÓ CHÁU BỚT VÔ CẢM ĐI!   

Chu Mộng Long

29-7-2023  12:02   · 

https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/pfbid02zSDB7PurJUozM7pkkSUq8V2Tdo8nmqJbHgGf8DU8s2uTNUVqZKa89Y5Nz18dwr7dl

 

Tại Diễn đàn Người lao động năm 2023, do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức chiều 28-7, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề xuất: “Xem xét đưa giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại“. Điều này tôi đã kiến nghị cách đây gần vài chục năm sau những vụ bạo hành ở nhà trẻ, nay mới có Bộ trưởng tiếp thu và đề xuất chính thức.

 

Không ngờ, trên một số trang mạng của những người có học, rất nhiều người phản đối bằng đủ lời lẽ mỉa mai miệt thị. Rằng “từ ngành nghề cao quý đến ngành nghề nặng nhọc, độc hại” là sao? Rằng “chẳng lẽ trẻ em là đối tượng độc hại”? Rằng, “c*t trẻ em chó ăn được, có con nào chết đâu mà độc hại”?

 

Các bạn có quyền bày tỏ chính kiến, nhưng không chừng các cơ quan hữu trách nghe vậy thì bác bỏ luôn ý kiến của ông Nguyễn Kim Sơn? Và giáo viên mầm non suốt đời phải làm thân phận “con ở”?

 

Thứ nhất, điểm xuất phát ý kiến của ông Nguyễn Kim Sơn là dựa vào Khoản 1 Điều 10 Nghị định 113/2015/NĐ-CP của Chính phủ:

 

Điều 10. Điều kiện hưởng

 

1. Nhà giáo dạy thực hành, dạy tích hợp (sau đây gọi chung là nhà giáo dạy thực hành) tại phòng thực hành, xưởng thực hành của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ với những ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có một trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sau:

 

a) Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc; dạy thực hành ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc các bệnh truyền nhiễm theo quy định;

 

b) Dạy thực hành trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh vượt quá tiêu chuẩn cho phép;

 

c) Dạy thực hành những ngành, nghề học phát sinh tiếng ồn lớn hoặc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép;

 

d) Dạy thực hành ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

 

Bốn khoản a, b, c, d, dành cho nhà giáo, không có khoản nào dành cho giáo viên mầm non. Đó là lý do ông Nguyễn Kim Sơn đề xuất bổ sung.

 

Cụm từ “nặng nhọc, độc hại” là cho cả nhóm đối tượng được hưởng theo Nghị định. Ông Sơn chẳng ngu dốt đến mức xem môi trường nhà trẻ, đối tượng trẻ em hay c*t trẻ em là “độc hại” (như chất phóng xạ) để mọi người phải tách chữ “độc hại” ra xuyên tạc, mỉa mai.

Thứ hai, sự đề xuất của tôi cách đây gần vài mươi năm, không chỉ sau các vụ bạo hành ở nhà trẻ mà từ thực tế bám sát môi trường giáo dục mầm non.

 

Về thời lượng công việc, giáo viên mầm non làm hơn 10 tiếng một ngày, thậm chí không nghỉ hè, nghỉ dịch. Sáng sớm đến trường trước trẻ em cả tiếng để chuẩn bị dọn dẹp, trang bị phòng ốc, không nghỉ trưa (vì phải canh các cháu ngủ), về nhà sau trẻ em gần cả tiếng để dọn dẹp. Nhiều nơi không nghỉ hè. Chưa kể thức thâu đêm để làm giáo án, đồ chơi. Giáo viên được đào tạo để dạy học, nhưng làm tất tần tật, từ thợ hồ, thợ xây đến nấu ăn, lao công.

 

Trẻ em mầm non khác cấp học khác, khóc nhè suốt cả ngày, phải dỗ dành, có đứa ỉa đùn, ỉa luôn trong lúc ăn. Một giáo viên mầm non của nước văn minh chỉ chăm không quá 4 cháu, trong khi 2 giáo viên mầm non ở Việt Nam chăm đến 35 cháu. Có nặng nhọc không?

 

Về lương, mỗi cô giáo mầm non chỉ được hưởng lương không quá 3 triệu một tháng. Đồ chơi trẻ em lẽ ra phải lấy từ nguồn học phí hay ngân sách, các cô phải bỏ ra một triệu để làm đồ chơi. Có khốn nạn không?

 

Về áp lực công việc, giáo viên mầm non bị đè nén từ trên xuống, từ dưới lên. Trên là những quy định nghiệt ngã, từ thời gian cho các cháu ăn, phải đúng bữa, không quá 15 đến 20 phút, quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, Trẻ em là cái mầm, chỉ một sơ suất là có thể mắc bệnh hoặc tử vong. Để trẻ khóc lâu, giáo viên bị đe dọa trừ lương. Cuối tháng trẻ không tăng cân cũng bị trừ thi đua… Dưới thì chỉ cần trẻ bị trầy xước cô giáo đã bị phụ huynh tấn công.

 

Có giáo viên còn khóc kể với tôi, rằng nhiều phụ huynh điện thoại hạ nhục cô giáo, dọa tấn công cô giáo vì “cô ăn hết phần các cháu nên con tôi không tăng cân”. Khi bị áp lực, cũng như con người bình thường chứ không phải thánh, ắt cô giáo phải đánh, phải bóp họng trẻ em, bắt trẻ em ăn lại phần đã mửa ra. Và thế là thành án hình sự, nhưng không ai chịu trách nhiệm ngoài cô giáo. Có nguy hiểm không?

 

Nói c*t đái không độc hại chỉ có thể là người đã quen ngửi c*t. Tôi nói thật để các người thông mũi, rằng người bình thường chỉ ngửi mùi ai đó đánh rắm đã nhức đầu. Trong khi cô giáo suốt ngày vật lộn với c*t đái. Có độc hại không?

 

Đến tận nơi, nhìn tận mắt công việc của giáo viên mầm non (đừng đi như lãnh đạo sở, phòng cỡi ngựa xem hoa trưng bày của mấy má mì hiệu trưởng), tôi mới hiểu vì sao bạo hành thường xảy ra ở nhà trẻ. Giáo viên là nạn nhân khốn nạn của cơ chế kéo theo trẻ em thành nạn nhân của cô giáo. Cô giáo như người mẹ khốn khổ, cùng đường, có yêu thương con mình hết cỡ cũng không tránh khỏi trút hận vào chúng.

 

Thời điểm tôi viết bài đề xuất ấy, tôi có nói, ông Bộ trưởng và các ngài quản lý trên Bộ, trước khi nhậm chức, hãy thử làm giáo viên mầm non một lần, như là trải nghiệm thực tế, dù chỉ một tuần thôi cho thấm đòn nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại đã, để khi ngồi ghế trên cao thì mới có chính sách đúng. Nếu không các ngài sẽ nhầm tưởng làm cô giáo mầm non ai cũng làm được và bị đối xử như con ở.

 

Các người đều có con có cháu. Chính sách đúng, thậm chí ưu đãi cho cô giáo mầm non, thực chất là cho con cháu các người. Mức phụ cấp thấp nhất bằng 5% và cao nhất bằng 15% lương cơ bản, chẳng là bao, nhưng là nguồn động viên bước đầu cho cô giáo mầm non chăm sóc, nuôi dạy các cháu tốt hơn, trong đó có con cháu các người. Cách đây gần 20 năm, lương của tôi chỉ có 5 triệu, mà tôi đã thuê osin7 triệu/tháng. Vì ai? Vì để chăm sóc tốt hơn cho con mình. Chẳng ai đố kỵ khi so sánh giữa lương giảng viên đại học với lương osin, huống hồ giáo viên mầm non là giáo viên chứ không phải osin!

 

Tất nhiên, lương, phụ cấp nghề nghiệp theo tôi mới chỉ là một vấn đề trong nhiều vấn đề ở giáo dục mầm non cần tháo gỡ trước. Cùng với cải cách lương, phụ cấp cho loại giáo dục đặc biệt này cần:

 

1) Phân chia đào tạo giáo viên và cô nuôi hay cấp dưỡng ra thành hai chuyên ngành. Giáo viên chỉ dạy, không làm những việc khác,

 

2) Không được phép bắt giáo viên phải làm lao công, thợ hồ và những việc ngoài chuyên môn như một hình thức bóc lột, vắt kiệt sức lao động của giáo viên,

 

3) Đồ chơi, học liệu do nhà trường chi trả, không phải bòn vét từ lương giáo viên,

 

4) Gỡ bỏ những quy định về giờ giấc, từ giờ đến trường đến giờ ăn giờ ngủ. Bởi trẻ em không phải là cái máy, chúng cần được điều chỉnh từng bước,

 

5) Một năm đào tạo cả vạn giáo viên, không thiếu, cần giảm số lượng trẻ em xuống mức mỗi giáo viên chăm không quá 4 em bé,

 

6) Ưu đãi đất đai, mở rộng nhà trường thành vườn trẻ để từng bước dẹp bỏ những nhà trẻ ổ chuột.

 

Đó là 6 vấn đề căn bản cùng với cải cách lương, phụ cấp.

 

Nên nhớ, giáo dục như trồng cây, vạn thử thách đè lên đầu người trồng, không phải trồng cây cổ thụ như lãnh đạo vẫn trồng mà chăm ở giai đoạn ươm mầm.

 

Nếu không làm được những vấn đề tôi nêu trên, tôi đề nghị xếp giáo viên mầm non vào diện “lao động khổ nhục”. Chắc chắn khổ nhục hơn cái Tý trong Tắt đèn, hơn cả chị Út Tịch trong Người mẹ cầm súng. Cái Tý hay chị Út Tịch không phải học, trong khi giáo viên mầm non phải học 3 năm cao đẳng hay 4 năm đại học và bỏ cả đống tiền để đối phó các loại chứng chỉ mà trên bịa ra để bòn vét đến đồng xu cuối cùng trong nhúm lương còm cõi của họ.

 

Chu Mộng Long

_____

 

Ảnh chụp màn hình các bình luận liên quan:

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=7281873851826795&set=pcb.7281899575157556

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=7281873858493461&set=pcb.7281899575157556

 

 

39 BÌNH LUẬN   







No comments:

Post a Comment

View My Stats