Friday, 28 July 2023

KHỦNG HOẢNG NGŨ CỐC : HOA KỲ HỐI THÚC CÁC LÃNH ĐẠO CHÂU PHI ĐÒI NGA CÓ GIẢI PHÁP (Trọng Thành / RFI)

 



Khủng hoảng ngũ cốc: Mỹ hối thúc các lãnh đạo châu Phi đòi Nga có giải pháp

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 27/07/2023 - 13:37

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230727-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-ng%C5%A9-c%E1%BB%91c-m%E.....BA%A3i-ph%C3%A1p

 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã kêu gọi lãnh đạo các nước châu Phi, tham dự hội nghị Nga – Châu Phi ở Saint-Petersbourg, khai mạc ngày 27/07/2023, lên tiếng buộc Nga phải đối mặt với trách nhiệm ngăn chặn tuyến đường xuất khẩu lương thực của Ukraina qua ngả Biển Đen, đe dọa an ninh lương thực thế giới, mà nạn nhân trước hết là các nước châu Phi.

 

https://s.rfi.fr/media/display/a7ca8b22-2c64-11ee-b025-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP23202572329599.webp

Ảnh minh họa: Hoạt động tại một cảng xuất khẩu ngũ cốc Ukraina ở Izmail, ngày 26/04/2023. Nga đã nhiều lần bắn tên lửa và dùng drone tấn công các cảng quan trọng của Ukraina. AP - Andrew Kravchenko

 

Theo AFP, ngoại trưởng Blinken, đang công du New Zealand, cảnh báo: ‘‘Hành lang xuất khẩu một khối lượng lương thực tương đương với 18 tỉ chiếc bánh mỳ, đã bị Nga phong tỏa hoàn toàn’’, khiến lương thực trở nên khan hiếm trầm trọng, giá cả tăng vọt. Ngoại trưởng Mỹ cũng lên án Nga, sau khi rút khỏi ‘‘thỏa thuận ngũ cốc’’ Biển Đen, ‘‘đã oanh kích thành phố cảng Odessa, thả mìn ở Biển Đen, đe dọa tàu bè qua lại’’. Đối với ngoại trưởng Mỹ, các lãnh đạo châu Phi ‘‘biết đích xác ai là thủ phạm của tình hình hiện nay’’. 

 

Đây là lần đầu tiên Matxcơva tổ chức hội nghị Nga-châu Phi kể từ năm 2019. Thông điệp của ngoại trưởng Hoa Kỳ gửi đến các lãnh đạo châu Phi đúng vào lúc Nga và châu Phi đang ‘‘tìm cách xác lập lại quan hệ’’, bởi tình hình đã biến chuyển rất nhiều kể từ cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, theo nhận định của ông Vsevolod Sviridov, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu châu Phi của Trường cao học Kinh tế ở Matxcơva. 

 

Theo AFP, trong những ngày gần đây, Nga đang tìm cách trấn an các đối tác châu Phi về chủ đề ‘‘thỏa thuận ngũ cốc’’ bị đình chỉ. 

 

Thông tín viên Anissa el Jabri từ Matxcơva cho biết thêm:

 

Việc lãnh đạo ngoại giao Nga có ba chuyến công du châu Phi trong vòng 6 tháng cho thấy hội nghị thượng đỉnh này đã được chính quyền Nga chuẩn bị rất tích cực. Mục tiêu của Matxcơva là khẳng định ảnh hưởng, bao gồm cả việc loan tải thông tin rộng rãi trên Komsomolskaya Pravda, tờ báo có đông độc giả và trung thành với điện Kremlin.  

 

Trong những ngày gần đây, đặc phái viên của Komsomolskaya Pravda, có mặt ở ba quốc gia Nam Phi, Zimbabwe và Zambia, gửi về bài vở thuật lại ‘‘vai trò tốt đẹp’’ của Nga tại khu vực. Đây là điều ít được biết đến với công chúng tại Nga. Nhiều kênh truyền hình cũng liên tục phát đi hình ảnh về cuộc hội kiến giữa tổng thống Nga Putin và đồng nhiệm Ethiopia (hôm qua, 26/07).  

 

Hôm thứ Hai, 24/07, điện Kremlin đã khởi động sự kiện thượng đỉnh bằng việc công bố một bài diễn văn dài của tổng thống Nga, mô tả một hội nghị với kết quả đầy hứa hẹn, mà không cần đến phương Tây. Ông Putin viết: ‘‘với các vấn đề của châu Phi, cần phải có câu trả lời của châu Phi’’.  

 

Về việc số lượng nguyên thủ châu Phi tham dự ít hơn lần trước, lãnh đạo Nga quy trách nhiệm cho các áp lực phương Tây đã tạo nên bầu không khí Chiến tranh Lạnh, mà trước hết là Hoa Kỳ và Pháp. Ông Putin hai lần nhắc lại điều này trong vòng 48 giờ.  

 

Ngày mai, 28/07, nguyên thủ Nga có kế hoạch dùng bữa trưa với các vị khách châu Phi. Ông Putin ắt sẽ sử dụng dịp này để trấn an với châu Phi về ngũ cốc.

 

Về chủ đề Nga phong tỏa xuất khẩu ngũ cốc của Ukraina, theo AFP, hôm qua NATO đã có cuộc ‘‘họp khẩn’’ với Kiev. Sau cuộc họp này, Liên minh Bắc Đại Tây Dương ra một thông cáo lên án hành xử ‘‘nguy hiểm’’ của Nga tại Biển Đen, tấn công các thành phố cảng Ukraina, rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc, liên quan đến cuộc sống của ‘‘hàng trăm triệu cư dân trên thế giới’’.

 

Tại trung tâm giao dịch nông sản ở Chicago (CBOT), hôm qua, giá lúa mỳ tăng 12%, giá ngô tăng 7% trong vòng một tuần lễ, tức kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. 

 

Theo tin giờ chót, khai mạc hội nghị thượng đỉnh tại St Petersbourg, tổng thống Nga cam kết sẽ cấp miễn phí ngũ cốc cho 6 quốc gia châu Phi, bao gồm ba quốc gia đối tác truyền thống là Zimbabwe, Somalia, Erithrea và ba nước mới xích gần lại Nga, gồm Mali, Trung Phi và Burkina Faso, với tổng cộng khoảng 50.000 tấn lương thực dự kiến trong những tháng tới.

 

----------------------

Các nội dung liên quan

Nga và Ukraina tố cáo nhau gây ‘‘áp lực’’ với châu Phi

 

Châu Phi: Chính sách « ngoại giao Kalashnikov » của Nga và « ngoại giao nợ » của Trung Quốc lên ngôi

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats