Monday, 10 July 2023

TÁCH NHẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH và CÂU CHUYỆN “CON KIẾN MÀ LEO CÀNH ĐA” (Tùng Phong / Saigon Nhỏ)

 



Tách nhập đơn vị hành chính và câu chuyện “con kiến mà leo cành đa”

Tùng Phong  -  Saigon Nhỏ

10 tháng 7, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/tach-nhap-don-vi-hanh-chinh-va-cau-chuyen-con-kien-ma-leo-canh-da/

 

Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Nội vụ Việt Nam sẽ tập trung để sắp xếp, sáp nhập 33 huyện và 1,300 xã trong giai đoạn 2023 đến 2030. Đây là thông tin gặp nhiều dư luận trái chiều bởi từ trước tới nay cứ mỗi khi chuyển đổi, nhập tách các đơn vị hành chính là tạo ra vô số bất cập, từ việc thay đổi giấy tờ đến những thủ tục hành chính khác gây phiền nhiễu đến đời sống nhân dân. Lợi ích không thấy đâu nhưng hậu quả thì nhãn tiền.

 

 

Vòng luẩn quẩn “nhập vào rồi lại tách ra”

 

Nhiều ý kiến của nhân sĩ trí thức góp ý chương trình của Bộ Nội vụ rằng thay vì sáp nhập, tại sao không cắt giảm phân nửa số viên chức “không biết làm cái gì”, “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”… tự khắc bộ máy nhà nước giảm được hàng triệu đôla chi phí vận hành và hiệu quả công việc chắc chắn được cải thiện. Rồi việc sáp nhập 33 huyện và 1,300 xã như vậy thì hàng ngàn trụ sở cũ sẽ để làm gì? Sự lãng phí này ai chịu?

 

Việc chia tách và sáp nhập các đơn vị hành chính, tỉnh thành là câu chuyện bi hài, có lịch sử cũng lắt léo dài ngoằng như con đường tiến lên XHCN. Kể từ năm 1975 tới nay, đã có ngót chục cuộc thay đổi, chia tách, sáp nhập. Trong bài “Những lần chia tách, sáp nhập tỉnh ở Việt Nam”, tờ Dân Trí viết:

 

Sau khi thống nhất đất nước (tháng 4/1975), Việt Nam có 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh; trong đó, miền Bắc có 25 đơn vị và miền Nam có 47 đơn vị. Đến tháng 12/1975, Quốc hội khóa V đã ra nghị quyết bãi bỏ cấp khu, giải thể khu tự trị, hợp nhất đơn vị hành chính, sáp nhập hàng loạt tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

 

Đầu năm 1976, việc sáp nhập tiếp tục được thực hiện trên diện rộng trải dài từ Bắc Trung Bộ đến các tỉnh Tây Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Tính đến năm 1976, cả nước chỉ còn 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh.

 

Vào năm 1978, Quốc hội phê chuẩn mở rộng địa giới Hà Nội, sáp nhập thêm 5 huyện; tách tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Khi đó, cả nước có 39 tỉnh thành.

Năm 1979 thành lập Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, tương đương cấp tỉnh và cả nước tăng lên thành 40 đơn vị hành chính.

 

Năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên được tách ra làm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế; tỉnh Nghĩa Bình được tách ra thành Quảng Ngãi và Bình Định; tỉnh Phú Khánh được tách ra thành tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Lúc này, cả nước có 44 tỉnh thành; trong đó có 40 tỉnh, 3 thành phố và đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo.

 

Tới năm 1991, hàng loạt tỉnh nhập lại trước đây tiếp tục tách ra như tỉnh Hà Sơn Bình tách ra thành tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình; tỉnh Hà Nam Ninh tách ra thành tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình; tỉnh Nghệ Tĩnh tách ra thành tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh; tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được thành lập trên cơ sở 3 huyện tách từ tỉnh Đồng Nai hợp nhất với đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo (giải thể đặc khu). Đến lúc này, cả nước có 53 tỉnh thành.

 

Năm 1997, cả nước tăng lên 61 tỉnh thành khi một số tỉnh tiếp tục chia tách. Cụ thể, tỉnh Bắc Thái tách thành tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên; tỉnh Hà Bắc tách thành tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh; tỉnh Nam Hà tách thành tỉnh Hà Nam và tỉnh Nam Định; tỉnh Hải Hưng tách thành tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên.

 

Năm 2004, tách thêm 3 tỉnh nâng số đơn vị hành chính cấp tỉnh lên đến 64: Tỉnh Đắk Lắk tách thành tỉnh Đắk Nông và tỉnh Đắk Lắk; tỉnh Cần Thơ tách thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ; tỉnh Lai Châu tách ra thành tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên.

Đến giữa năm 2008, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết sáp nhập tỉnh Hà Tây, 4 xã của tỉnh Hòa Bình và huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) về thành phố Hà Nội.

 

________

 

Quan sát quá trình “nhập vào rồi lại tách ra”, người dân chắc chắn nghĩ rằng mấy ông bà lãnh đạo xứ này thật là rảnh. Thế nhưng đó là nghệ thuật chia để trị, chia phần ghế bàn, chia chác tài nguyên đất cát.

 

Gần đây nhất là việc thành lập thành phố Thủ Đức, khiến dân tình khổ sở đủ đường. Việc đẻ ra một đơn vị hành chính “thành phố trong thành phố” – dở dở, ương ương với cơ cấu quản lý chưa từng có tiền lệ – đã tạo ra vô số phiền phức, bất cập trong quản lý, phân cấp và vận hành. Bên cạnh đó là cơn sốt đất nóng hừng hực trong thời gian rất ngắn. Khi bong bóng bất động sản xì hơi, nền kinh tế bị tổn thương và qui hoạch địa phương bị phá nát bét. Cơ sở hạ tầng thì bỏ hoang phế, bộ máy nhân sự cồng kềnh hơn, quan liêu hơn và thủ tục hành chính thì chồng chéo, nhiều tệ nạn hơn.

 

Năm 2008, việc mở rộng địa giới thành phố Hà Nội bằng “quyết tâm chính trị” của giới chóp bu Việt Nam, với mục đích biến thủ đô trở thành “siêu đô thị” có qui mô diện tích, dân số và GRDP đủ nặng ký để làm “đối trọng” với Sài Gòn, cũng tạo ra cơn sốt bất động sản tràn lan ra các vùng mới được sáp nhập như Mê Linh, Hòa Bình, Đông Anh, Hà Tây cũ… nơi mà, từ trước đó vài năm, các nhóm lợi ích thân cận với (Thủ tướng lúc đó) Nguyễn Tấn Dũng và người thân đám quan chức Bộ Chính trị đã âm thầm mua gom đất, chờ quy hoạch để “lên đời”.

 

Sau 15 năm nhìn lại, “di sản” rõ ràng nhất là hàng trăm khu đô thị ma lớn nhỏ bao quanh thủ đô. Chỉ riêng huyện Mê Linh có tới 47 dự án phát triển nhà ở với 2,400 hecta đang bỏ hoang và 15 dự án khác đã đắp chiếu trùm mền hơn 15 năm. Thậm chí những khu đô thị sát Hà Nội như khu đô thị An Khánh, Hoài Đức với hàng trăm biệt thự hoàn thành xong phần thô cũng trở thành những khu phố ma. Tình trạng tương tự xảy ra với các dự án Dương Nội, Vườn Cam Vân Canh, Thịnh Liệt…

 

Trong những thủ đoạn lũng đoạn chính sách hoặc tham nhũng chính sách thì việc chia tách, sáp nhập, mở rộng các đơn vị hành chính là một trong những phương thức bá đạo nhất, được thực hiện với sự hậu thuẫn của quyền lực chính trị cấp trung ương. Mỗi khi chuẩn bị dự án “nhập vào rồi lại tách ra”, đám quan chức phải “thi đấu” với nhau bằng rất nhiều tiền, các phe cánh sát phạt cũng như “hiệp thương chính trị” để phân chia lợi ích. Trong khi đó, chính nhà cầm quyền từng thừa nhận việc chia tách, sáp nhập các đơn vị hành chính trong suốt mấy chục năm qua nhiều khi chưa tính đến yếu tố “lịch sử mang tính kế thừa và các yếu tố địa lý tự nhiên”.

 

Họ biện bạch rằng những lần sáp nhập trước đó cập rập khiến việc quản lý khó khăn bởi “trình độ cán bộ quản lý còn yếu, điều kiện giao thông liên lạc không thuận lợi, phương tiện vật chất kỹ thuật thiếu thốn, dẫn đến sự chỉ đạo của tỉnh không sát cơ sở, không sát dân… không phát huy được thế mạnh, tiềm năng, truyền thống lịch sử địa phương…” Thế nhưng, khi phe phái trong nội bộ đảng muốn chiếm ưu thế về nhóm lợi ích địa phương của mình thì câu chuyện “chia tách, sáp nhập” lại được đặt ra với rất nhiều lý do chính đáng.

 

Lần này, cơ sở của lần “sáp nhập” 33 huyện và 1,300 xã trong giai đoạn 2023 đến 2030 dựa trên hai tiêu chí là “dân số và diện tích”. Đây là những tiêu chí rất cơ học, thiếu định tính lẫn định lượng về tiềm năng địa kinh tế, chính trị, xã hội địa phương. Như mọi lần, nó cho thấy sự tùy tiện trong việc nghiên cứu chính sách và thiếu căn cứ khoa học kinh tế xã hội của bà Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói riêng và Bộ Nội vụ nói chung.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/1_244.jpg

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (ảnh: báo Thái Nguyên)

 

Cần nói thêm, thật kỳ lạ về đường quan lộ của bà Phạm Thị Thanh Trà, một người có liên quan nhiều scandal động trời và liên can nhiều nghi vấn ám muội thời còn làm nữ Bí thư tỉnh ủy Yên Bái, nơi xảy ra vụ án rúng động cả bộ máy chính trị năm 2016 khi một chi cục trưởng kiểm lâm được cho là bất mãn với kết quả tổ chức nhân sự đã xách súng vào trụ sở ủy ban bắn chết bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND, rồi tự bắn… vào gáy mình. Trước đó ít ngày, Tư lệnh quân khu 2, Lê Xuân Duy, “nghe đâu khỏe mạnh bỗng dưng từ trần” (báo chí cho biết đương sự tử vong do đột quị). Yên Bái có thể nói là nơi gió tanh mưa máu, sát khí ngút trời và là nơi mà những bàn tay hắc ám sẵn sàng ra tay tống tiễn đối thủ chính trị về âm tào địa phủ mà không để lại dấu vết.

 

Bà Trà và Ban Tổ chức Trung ương còn phải chịu trách nhiệm cho những vị trí quan chức từ địa phương tới trung ương liên quan tới đại án Việt Á, chuyến bay giải cứu, trong đó có Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Chử Xuân Dũng, Phạm Xuân Thăng, Tô Anh Dũng… Thế nhưng, dù công tác nhân sự của đảng càng “cơ cấu” càng trở nên nát bét, bà Trà vẫn bình yên vô sự, ngày càng quyền lực hơn. Và bây giờ bà đang thể hiện điều đó bằng việc “phân chia lãnh thổ” với đại dự án sáp nhập 33 huyện và 1,300 xã giai đoạn 2023 đến 2030.

 




















No comments:

Post a Comment

View My Stats