Monday, 10 July 2023

"HẠT GIỐNG" HIẾN PHÁP và PHÁP LUẬT CHUẨN MỰC (Đông Phong / RFA)

 



“Hạt giống” Hiến pháp và pháp luật chuẩn mực

Bài bình luận của tác giả Đông Phong - một luật sư thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam.
07-10-2023

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/ReadersOpinions/constitution_seed_standard_law-07102023115327.html

 

"Hiến pháp không phải là công cụ của chính quyền nhằm trói buộc dân chúng. Hiến pháp là công cụ của dân chúng để trói buộc chính quyền".

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/ReadersOpinions/constitution_seed_standard_law-07102023115327.html/@@images/3df8953a-7146-4743-8195-8a967e97b55f.jpeg

Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam.  (File photo)

 

Câu nói của Luật sư - Chính trị gia Patrick Henry đã khái quát mục đích của “hạt giống” Hiến pháp nói riêng và pháp luật nói chung. Pháp luật chuẩn mực, chân chính phải do người dân tạo ra, nhằm thiết lập và bảo vệ chính quyền dân sự chân chính, có khả năng bảo đảm các quyền của công dân mà đồng thời không để những người đại diện của họ trượt vào sự tha hóa quyền lực.

 

 

Pháp luật hay bạo lực?

 

Vai trò của pháp luật chuẩn mực là vô cùng quan trọng, nó chi phối, bảo vệ đời sống của mọi người trong lòng xã hội. Khác với pháp luật áp đặt chỉ là công cụ của giai cấp cầm quyền nhằm để duy trì quyền lực trước những giai cấp khác, bóp nghẹt tiếng nói và những nguyện vọng chính đáng của người dân.

 

Pháp luật chuẩn mực là kết tinh của tư tưởng dân chủ chính trực, tư tưởng xã hội hài hòa, đó là pháp luật bảo vệ cả dân quyền và chính quyền, là ý chí của nhân dân nên nó luôn được số đông bảo vệ và trường tồn theo thời gian.

 

Còn hành vi cưỡng ép người dân phải tuân theo luật của những kẻ cầm quyền, với mục đích chính là bảo vệ quyền lực thống trị thì chẳng khác nào hành vi bạo lực, cướp đoạt vì động cơ chính trị. Như Frederic Bastiat đã nói: “Khi việc cướp bóc đã trở thành lối sống thường ngày của một nhóm người trong xã hội; với thời gian, nhóm người này sẽ tạo ra một hệ thống pháp luật để cho phép họ ăn cướp và tạo ra một hệ luân lý để vinh danh việc cướp bóc của họ”.

 

Thế giới cũng đã và đang có các chính quyền như vậy. Đó là những chính quyền độc tài, quân phiệt… tạo pháp luật bạo lực để khống chế và đàn áp người dân, dùng pháp luật như công cụ để duy trì quyền lực cai trị của mình.

 

Có thể nói, để tạo ra một Nhà nước hưng thịnh, tránh những hành vi bạo lực, cưỡng ép của giai cấp cầm quyền, thì “hạt gống” Hiến pháp dân chủ và một hệ thống pháp luật chuẩn mực là vô cùng cần thiết, người dân khi đó mới thật sự làm chủ, pháp luật khi đó mới được thực thi công bằng.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/ReadersOpinions/phap-luat-2-afp.jpeg/@@images/f01e300f-10c9-4f10-838f-a376f7756359.jpeg

Cán cân công lý. AFP

 

 

Pháp luật Việt Nam đã chuẩn mực?

 

Những gì cơ bản đáp ứng cho nhân dân và các thành phần xã hội cần thực hiện trước đây đã từng được ghi trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946. Tuy nhiên, sau khi nắm được chính quyền và thống nhất hai miền Nam - Bắc vào năm 1975, giai cấp lãnh đạo Việt Nam đã dần loại bỏ các yếu tố then chốt của một nhà nước dân chủ cộng hòa.

 

Có thể nói cuộc "Cách mạng tháng 8" xưa kia vẫn còn dang dở, chưa hoàn thành. Việt Nam chưa hoàn toàn độc lập, vẹn toàn lãnh thổ và cốt lõi của quốc gia là nhân dân làm chủ vẫn chưa hiện thực. Dù hiến pháp năm 1946 đã khai sinh chế độ Dân chủ Cộng hòa nhưng cũng chỉ là tên gọi, và dần dần tên gọi đó cũng chẳng còn.

 

Việt Nam hiện tại với cơ chế tập trung, quyền lực nằm trong tay giai cấp thống trị một cách tuyệt đối, họ vừa tham gia Lập pháp, vừa tham gia Hành pháp, cũng kiêm nhiệm luôn Tư pháp thì sự tha hoá quyền lực là không thể tránh khỏi.

 

Người dân làm sao để kiểm soát quyền lực khi Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp đều là họ? Đó là lý do vì sao những vụ án tham nhũng ngày càng trở nên dày đặc, với mức độ tham nhũng ngày càng cực kỳ nghiêm trọng, làm suy kiệt nền kinh tế quốc gia mà trăm năm nữa cũng khó hồi phục. Tuy nhiên khi những vụ việc bị phanh phui thì mức án cho những cá nhân đó vô cùng nhẹ, như mới đây nhất vụ án của cựu thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang gây thiệt hại cho ngân sách trên bề nổi là hơn 3,84 triệu đô nhưng chỉ bị xử 30 tháng tù treo – xem như chẳng ở tù ngày nào.

 

Một khi pháp luật trong tay những người thống trị, thì cũng không có gì lạ khi một số cá nhân cầm quyền mạnh dạn phát biểu: “Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân, nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chúng ta rất minh bạch, rất công bằng, rất sòng phẳng như vậy - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng”. Sao dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn cán bộ sai thì chỉ cần nhận lỗi trước dân? Công bằng là vậy sao? Điển hình vừa qua hai ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh đã có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng cuối cùng chỉ nộp đơn xin nghỉ việc “theo nguyện vọng cá nhân” mà hoàn toàn không bị truy tố.

 

Cũng như Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí từng đề xuất “Cho cán bộ sai phạm khắc phục hậu quả để tránh án hình sự”. Đối với người dân thì sao? Họ có được khắc phục hậu quả để tránh án hình sự không? Hay chỉ cán bộ, giai cấp cầm quyền mới được sự ưu ái đó?

 

Yếu tố nhân dân làm chủ và chế độ pháp luật chuẩn mực mà không hiện thực, thì dù có tuyên bố độc lập dân tộc hay gọi chế độ dân chủ kiểu gì đi chăng nữa mãi mãi cũng không đáp ứng được nguyện vọng của người dân.

 

Một quốc gia mà tham nhũng gần như toàn diện, từ trung ương đến địa phương, với những bản án còn phân biệt giữa người dân và kẻ cầm quyền, thì liệu quốc gia đó pháp luật đã chuẩn mực?

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/ReadersOpinions/phap-luat-3.jpeg/@@images/d82b3732-649c-4ae5-9d62-4b3a599b58ba.jpeg

Ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội Việt Nam phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc hôm 3/11 nhằm triển khai Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. AFP.

 

 

Làm sao để xây dựng được pháp luật chuẩn mực?

 

Pháp luật chuẩn mực là pháp luật quốc gia được mọi thành phần, mọi tầng lớp trong xã hội chấp nhận, là kết quả của nền chính trị dân chủ, đúng đắn, mà “hạt giống” đầu tiên phải là bản Hiến pháp dân chủ. Bản Hiến pháp ấy phải được trưng cầu dân ý, và chắc chắn bản Hiến pháp ấy không thể thể hiện ý chí duy nhất của một đảng cầm quyền.

 

Như Hoa Kỳ từ những năm lập quốc, họ đã xây dựng nền tảng pháp luật và dân chủ đầu tiên bằng bản Hiến pháp do hội đồng lập hiến soạn thảo và phải trải quan hàng trăm năm với biết bao Tu chính án mới có thể hoàn thiện để áp dụng cho đến tận ngày hôm nay.

 

Hay nước Nhật sau thế chiến thứ 2, với sự khủng hoảng kinh tế toàn diện, nhưng họ đã bắt đầu xây dựng nền tảng quốc gia bằng một bản Hiến pháp mang đậm giá trị dân chủ phương Tây, trao cho người dân quyền tự làm chủ đất nước của mình, để sau đó vài thập niên Nhật đã trở thành một trong những cường quốc trên thế giới.

 

Khi một bản Hiến pháp bỏ qua mọi quyền lợi cá nhân, phe đảng, để nó chỉ thuần tuý mang lại lợi ích cho toàn dân, thì chính điều đó sẽ tạo nên giá trị bất hủ của nó, Hiến pháp của Hoa Kỳ là một minh chứng, khi nó tồn tại mấy trăm năm nay và đã được rất nhiều quốc gia khác tham chiếu để xây dựng nền tảng cho riêng mình.

 

Từ bản hiến pháp dân chủ, khai sinh một Nhà nước của dân, thuộc về dân, với cơ chế tam quyền phân lập giữa Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp để kiểm soát quyền lực chặt chẽ lẫn nhau, thì hệ thống pháp luật ở những quốc gia đó tự khắc sẽ dần dần được hoàn thiện.

 

Tại Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay khi đất nước đang dần băng hoại, tham nhũng tràn lan, chênh lệch rất lớn giữa giàu và nghèo, bất công xã hội đang lan rộng, không những giữa tầng lớp cán bộ với người dân, mà ngay cả những đảng viên với nhau, thì việc xây dựng một hệ thống pháp luật chuẩn mực là vô cùng cần thiết.

 

Nhưng để làm được điều đó thì không thể trông chờ vào giai cấp thống trị, mà cần rất nhiều vào những người có tư tưởng hợp nguyên cấp tiến, luôn biết đặt quyền lợi của quốc gia lên trên những lợi ích cá nhân, phe đảng, để cùng chung sức ươm mầm cho “hạt giống” Hiến pháp dân chủ, từ đó làm nền tảng cho quốc gia, bảo vệ quyền làm chủ của người dân, tạo khuôn mẫu công bằng cho sự vận động của toàn xã hội.

 

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, dân tộc ta luôn khát khao xây dựng một nền văn hiến Việt Nam, với một thể chế của dân, do dân và vì dân, thật nhân văn và đúng nghĩa của nó, nhưng sự dang dở của cuộc “Cách mạng tháng 8” xưa với bản Hiến pháp năm 1946 mà giai cấp cầm quyền đã rời xa là một điều gì đó rất đáng tiếc của những nhà lập pháp dân tuý lúc bấy giờ.

 

Hiến pháp dân chủ là “hạt giống” quan trọng trong việc xây dựng hệ thống chính trị của một quốc gia và một xã hội dân chủ, bình đẳng và công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, tiến bộ của mỗi công dân và toàn xã hội.

 

Hiến pháp dân chủ nói riêng và pháp luật chuẩn mực nói chung, luôn là chìa khoá đầu tiên để mở cánh cửa dân chủ của một quốc gia, bằng không pháp luật cũng chỉ là công cụ cai trị của giai cấp cầm quyền đối với các giai cấp còn lại. "Hiến pháp không phải là công cụ của chính quyền nhằm trói buộc dân chúng. Hiến pháp là công cụ của dân chúng để trói buộc chính quyền". Hai câu nói ấy tuy rất ngắn gọn nhưng lại chứa đầy đủ nội dung của nguyên tắc cơ bản để xây dựng một nhà nước dân chủ cộng hòa đúng nghĩa của nó.

 

----------------------------------------------------------------

Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats