Saturday, 13 November 2021

TƯỞNG NHỚ DE KLERK, MỘT NHÀ QUÝ TỘC (Nguyễn Thọ)

 


Tưởng nhớ de Klerk, một nhà quý tộc  

Nguyễn Thọ

13/11/2021  02:51  

https://baotiengdan.com/2021/11/13/tuong-nho-de-klerk-mot-nha-quy-toc/

 

Hôm 11.11.2021 vừa qua, một ông già thầm lặng từ giã cõi đời ở Mũi Hảo Vọng (Cape Town). Ít ai biết đến ông. Tôi thì luôn nhớ đến Frederik Willem de Klerk, cựu tổng thống Nam Phi 1989-1994.

 

Việc chấm dứt chủ nghĩa Apartheid, chuyển sang một chế độ dân chủ ở Nam Phi năm 1994 là cuộc cách mạng duy nhất không có đổ máu ở thế giới thứ ba từ trước đến nay. Tôi đã viết nhiều về Nelson Mandela, người được toàn dân Nam Phi, cả đen lẫn trắng, coi là người cha của dân tộc.

 

Nhưng nếu không có ông de Klerk thì điều đó đã không xảy ra. Vị tổng thống da trắng đang cầm quyền trước đó đã quyết định trả tự do cho Nelson Mandela, công nhận Đại hội dân tộc Phi ANC của kẻ thù như một chính đảng, chấp nhận bầu cử tự do để dân chủ hóa đất nước. Công lao của de Klerk ở chỗ ông đã nhận ra sự bất công và ngõ cụt của chủ nghĩa Apartheid, đã dũng cảm chìa tay ra cho kẻ đang bị đàn áp. Công lao của Mandela ở chỗ ông đã sẵn sàng hòa giải với kẻ thù đã đàn áp giống nòi suốt gần 300 năm. Họ đều dũng cảm vì trước tiên là dám vượt qua cái bóng của chính mình, rồi dám chống lại trào lưu chính ở ngay phe mình. May mắn là cả hai ông đều có đủ uy tín để dẫn dắt quá trình hòa giải đến đích.

Nhưng điều may mắn nhất là hai nhân cách lớn này sinh ra và gặp nhau đúng thời điểm (ta gọi là thiên thời).

 

De Klerk sinh ra trong một gia đình quý tộc da trắng, hấp thụ tinh hoa của ba nền văn hóa Pháp, Đức, Hà lan. Cha ông là thượng nghị sỹ, chú ông từng làm thủ tướng và bản thân ông bắt đầu vào quốc hội từ lúc 30 tuổi. Bản thân ông lớn lên trong xã hội phân biệt chủng tộc nên từng là một chiến sỹ cuồng nhiệt của chủ nghĩa Apartheid. Nhậy cảm về chính trị và tố chất nhân đạo khiến ông trở nên thức thời. Ngay từ trước khi lên cầm quyền, ông đã có những tiếp xúc với người tù đặc biệt mà ông biết là có thể tin tưởng được.

 

Từ lâu, chính quyền da trắng Nam Phi bị sức ép quốc tế, bị cuộc đấu tranh vũ trang của ANC và những cuộc bạo động của người da đen dồn đến chân tường. Người tiền nhiệm của de Klerk là Botha cũng đã bí mật đàm phán với Mandela. Là một chính khách phân biệt chủng tộc bảo thủ nên Botha không tạo được niềm tin cho Mandela. Botha từ chối việc cho phép ANC tham gia tranh cử. Ông biết số đông cử tri da đen sẽ tạo ra chiến thắng áp đảo và lo sợ một cuộc tắm máu ngược. Các cuộc đàm phán bế tắc. Máu tiếp tục chảy trên đường phố. Nền kinh tế Nam Phi tiếp tục suy sụp vì cấm vận, phong tỏa.

 

De Klerk cũng sợ bị trả thù. Mandela thì sợ điều khác. Nếu ANC cam kết rời bỏ đấu tranh vũ trang và hạ vũ khí trong khi kẻ thù lại chơi trò trở mặt thì hậu quả khôn lường. Ông sẽ mang tội với giống nòi vì hàng ngàn chiến sỹ có thể bị giết, phong trào giải phóng vũ trang xây dựng hàng chục năm có thể bị xóa sổ.

 

Cả hai ông đứng trước một sự lựa chọn khó khăn. Nhưng hai con người cao thượng này đều thấy ở đối thủ của mình một kẻ quân tử. Đó là hồng phúc cho Nam Phi.

 

Mandela thuyết phục được tổ chức ANC bên ngoài nhà tù rời bỏ bạo lực cách mạng. Toàn bộ đảng viên của họ bỏ vũ khí, ra công khai, tham gia sinh hoạt chính trị ở địa phương mà không ai bị cảnh sát da trắng bắt. De Klerk tổ chức bầu cử minh bạch, công nhận quyền bầu cử của toàn bộ người da den mù chữ, thất học. De Klerk biết là làm như vậy thì ANC sẽ thắng áp đảo. Nhưng đã là quý tộc thì không thể chơi đểu.

 

Năm 1993 cả hai ông Mandela và de Klerk được trao giải Nobel Hòa bình. Tháng 9. 1994 de Klerk thua cử. Ông không lật cờ mà còn chúc mừng Mandela thắng cử. Mandela mời de Klerk làm phó tổng thống. De Klerk chỉ ngồi ghế đó 2 năm thì xin từ chức, chuyển sang lãnh đạo phe đối lập. Đó mới là nơi đúng với quan điểm chính trị của ông. Từ hai kẻ thù truyền kiếp, họ trở thành đối thủ chính trị, tuy thân nhau đến mức Madela gọi de Klerk là FW (gọi tắt Frederik Willem), còn FW gọi ông Mandela bằng tên cúng cơm Madiba.[1]

 

Mandela lên cầm quyền, chỉ đưa người của ANC vào các vị trí then chốt, giữ nguyên bộ máy cảnh sát, quân đội và tòa án. Ngay cả các vệ sỹ tổng thống cũ cũng được mời làm việc cho ông. Một “Ủy ban tìm hiểu Sự thât và Hòa giải” (Truth and Reconciliation Commission) do tổng giám mục Desmond Tutu dẫn đầu với sự có măt của tất cả các đảng phái (kể cả da trắng) có nhiệm vụ tìm hiểu sự thật đã xảy ra trong chế độ Apartheid. Những kẻ vi phạm tội ác, bất kể mầu da, đều bị xử bởi các phiên tòa công khai, có luật sư bào chữa. Những ai được kết luận là không có tội thì vẫn là công dân tự do.

 

25 năm sau, de Klerk nhìn lại ngày đó: “Tôi tin rằng nếu chúng tôi hồi đó không hành động như vậy thì đất nước chúng ta đã trải qua một cuộc nội chiến khủng khiếp như Syria hiện nay”. Ông đã hy sinh quyền lợi để tránh đổ máu cho đất nước.

 

Đáng tiếc là nhiều hy vọng mà phần đông người da mầu Nam Phi đặt vào quá trình dân chủ hóa đất nước đã không được thực hiện. Hố phân biệt giàu nghèo vẫn còn nguyên. Khoảng 9% người da trắng vẫn kiểm soát phần lớn của cải và nền kinh tế, trong một chế độ mà đảng ANC của người da mầu nắm quyền lãnh đạo gần như tuyệt đối. Cái di sản đáng quý của Mandela và de Klerk để lại chính là ở đây. Thiết chế dân chủ đa nguyên, tam quyền phân lập mà ông này tặng ông kia cùng sự hòa giải cao thượng của ông kia tặng lại ông này đã khiến cho 27 năm qua bên cầm quyền không tắm máu để tước đoạt tài sản của bên giao quyền.

 

Mâu thuẫn công bằng xã hội ở Nam Phi vẫn gay gắt. Đó là câu chuyện từ 300 năm qua, vẫn đang nhức nhối và là thước đo cho thành công đất nước này trong tương lai.

 

Đảng ANC càng ngày càng bị sa vào cái bẫy quyền lực. Vì nắm được 70% cử tri họ có cơ sẽ cầm quyền suốt đời. Quyền lực dẫn đến tha hóa khiến ANC càng ngày càng đi xa mục tiêu giải phóng dân tộc, chống áp bức. Sau thế hệ Nelson Mandela và Thabo Mbeky, những chiến sỹ chân chính, ANC dưới thời Zuma và Ramaphosa đang trở nên tham nhũng và bắt đầu thối nát. Đảng này đang mất dần hậu thuẫn trong dân. Đã có lúc Ramaphosa nghĩ đến thủ đoạn mỵ dân, kêu gọi quốc hữu hóa đất đai của người da trắng để “chia” cho những người da mầu đang bất bình.

 

Cái gọi là “Cải cách ruộng đất” mà Ramaphosa đưa ra vẫn không thực hiện được chính nhờ nền dân chủ mà de Klerk và Mandela đã xây dựng thành công ở xứ sở này. Các đảng đối lập bác bỏ chủ trương của ANC. Bản thân Ramaphosa, vốn là tỷ phú, cũng hiểu rằng: Nếu dùng mỹ từ “Cải cách ruộng đất” để cướp đất từ các điền chủ thì nền kinh tế tự do ở Nam Phi sẽ sụp đổ.

 

Nhưng quan trọng hơn cả là: Dù tham lam, thoái hóa, các quan chức ANC hiện nay không dám đập phá di sản của hai bậc tiền bối Mandela và de Klerk.

 

Trước đây gần tám năm, Nelson Mandela và ngày 11.11 vừa qua, de Klerk đã ra đi.

Tôi viết những dòng này chỉ mong người Việt nào đó có thể rút ra bài học cho dân tộc mình. Chúng ta không chỉ thiếu người chiến sỹ kiểu Madela, mà thiếu cả tinh thần quý tộc kiểu de Klerk.

 

Sau đây là bài học tôi có từ một cô gái Nam Phi trên cùng chuyến bay năm 2007:

https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/2320429074641819

---

 

[1] https://www.faz.net/.../ex-praesident-suedafrikas...

 

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=6783769951641020&set=pcb.6783774538307228

Frederik Willem de Klerk, cựu tổng thống Nam Phi đã qua đời hôm 11.11.2011 tai Cape Town,

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=6783770911640924&set=pcb.6783774538307228

Nelson Madela và Frederik Willem de Klerk, từ hai kẻ thù thành hai người bạn.

 

.

67 BÌNH LUẬN





No comments:

Post a Comment

View My Stats