Từ
vụ Phạm Đoan Trang: Bàn về giam giữ biệt lập và chuẩn mực tố tụng
Posted on 11/11/2021 by Boxit
VN
https://boxitvn.online/?p=78101
Từ
vụ Phạm Đoan Trang: Bàn về giam giữ biệt lập và chuẩn mực tố tụng
Vincente Nguyen - Luật
Khoa tạp chí
10/11/2021
So với nhiều quốc
gia khác, Việt Nam đang sử dụng bừa bãi công cụ giam giữ biệt lập.
Năm trong số các
nhà hoạt động bị chính quyền giam giữ biệt lập trong thời gian gần đây. Từ trái
qua: Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá
Phương. Nguồn: Facebook Huỳnh Ngọc Chênh/ Thịnh Nguyễn/ AFP/ Facebook Trịnh Bá
Phương. Ảnh nền: The Wire.
Giam giữ biệt lập (incommunicado detention) là
một khái niệm tư pháp không được hoan nghênh trong pháp luật quốc tế.
Cho đến nay, việc giam giữ biệt lập – tức hành
vi giam giữ can phạm tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, không cho phép
họ gặp gỡ người thân hay đại diện pháp lý của mình – vẫn chưa được luật quốc tế
thống nhất xem là vi phạm nhân quyền.
Tuy nhiên, Hội đồng Nhân quyền (Human Rights
Committee), trong Bình
luận chung Số 20, đã ghi nhận rằng các quốc gia thành viên của Công ước
Liên Hiệp Quốc về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) cần cân nhắc đưa ra các
quy định chống và hạn chế hoạt động giam giữ biệt lập (Đoạn 11). [1]
Nhà báo Phạm
Đoan Trang, cùng rất nhiều người Việt Nam khác, đã và đang tiếp tục bị giam giữ
trong tình trạng biệt lập. Trang không thể gặp gia đình lẫn luật sư của mình
trong hơn một năm.
Điều này dẫn đến một số câu hỏi về tính khách
quan và tính hợp lý của quy định giam giữ biệt lập tại Việt Nam, đặc biệt trong
bối cảnh những người bị giam giữ biệt lập dựa trên danh nghĩa các tội danh liên
quan đến an ninh quốc gia không nắm giữ bất kỳ thông tin mật hay tối mật nào có
thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia ngoại trừ những tài liệu họ viết mà ai cũng
đã biết.
Vậy pháp luật quốc tế và các nền tư pháp trên
thế giới thật sự nhìn nhận về giam giữ biệt lập như thế nào? Và vì sao lại như
vậy? Bài viết này kỳ vọng sẽ giải đáp được những vấn đề nói trên.
Nước nào cũng vậy?
Một trong những lập luận mà người viết thường
nghe nhất về việc giam giữ biệt lập can phạm là nước nào cũng có quy định này.
Đúng là thế thật.
Chính phủ hầu hết các quốc gia, kể cả đất nước
cấp tiến “to mồm” nhất là Hoa Kỳ, đều viện dẫn đủ lý do để áp dụng biện pháp
giam giữ biệt lập. Cuộc chiến chống khủng bố (War on terror) là một trận chiến
dài hơi trải rộng khắp thế giới, do các lực lượng Hoa Kỳ thực thi, cùng với đó
là hai cuộc chiến chính quy tại Afghanistan và Iraq. Quá trình xung đột này tạo
ra hàng ngàn tù binh, thường được chính quyền Hoa Kỳ lúc bấy giờ xem là “người
tham chiến bất hợp pháp” (unlawful
combatant). [2]
Một tù nhân đang bị
dẫn giải tại trại giam ở Vịnh Guantanamo do chính quyền Hoa Kỳ quản lý. Hầu hết
các tù nhân ở đây bị Mỹ bắt giữ trong Cuộc chiến chống khủng bố và bị giam giữ
biệt lập. Ảnh: Reuters.
Khái niệm “unlawful combatant” không tồn tại
trong pháp luật quốc tế về xung đột vũ trang (thuật ngữ thường thấy là
“prisoner of war” – tù binh chiến tranh) lẫn pháp luật Hoa Kỳ (hiểu đơn giản là
tội phạm). Sự mập mờ này tạo điều kiện cho các cơ quan điều tra Hoa Kỳ giam giữ
biệt lập những người tham chiến, đôi khi vô thời hạn, để phục vụ công tác điều
tra và dò xét hoạt động ngầm của các tổ chức khủng bố.
Các bạn đừng hiểu lầm rằng người viết đang
bênh vực cho những nhóm này.
Nếu nói về độ nguy hiểm, những nhân vật tham
chiến bất hợp pháp nói trên mới thật sự là nguy hiểm: có khả năng lôi kéo và cực
đoan hóa trẻ vị thành niên, khuyến khích họ gia nhập vào các hội nhóm vũ trang,
sử dụng vũ khí, và dùng kiến thức đó để tấn công không phân biệt vào thường
dân. Nếu muốn áp dụng kỹ thuật giam giữ biệt lập để điều tra, có lẽ khó ai có
thể chọn ra một nhóm can phạm phù hợp hơn là những người này.
Tuy nhiên, như mọi trường hợp khác, hệ thống
tư pháp Hoa Kỳ không cho phép các cơ quan hành pháp nước này hành xử một cách
tùy tiện như thế. Hành vi giam giữ biệt lập những cá nhân này nhanh chóng bị
xem xét trong một loạt các án lệ, trong đó nổi bật nhất là Hamdi v. Rumsfeld.
[3]
Theo đó, Yaser Esam Hamdi là một công dân sinh
ra ở Hoa Kỳ nhưng lớn lên tại Saudi Arabia. Trong chiến tranh
Afghanistan, Hamdi bị Liên minh Phương Bắc (Northern Alliance – một lực lượng
quân sự địa phương ủng hộ Hoa Kỳ) bắt giữ và giao cho quân đội Hoa Kỳ sau đó.
Như các trường hợp khác, Hamdi bị quân đội Hoa
Kỳ xếp vào diện những kẻ tham chiến bất hợp pháp. Anh này không được bảo vệ với
tư cách là tù binh chiến tranh theo cơ chế của bốn Công ước Geneva về xung đột
vũ trang. Tuy nhiên, anh cũng không được xem xét với tư cách là một nghi phạm
hình sự bình thường và không được hưởng các quyền tố tụng đáng có. Điều này đồng
nghĩa với việc Hamdi không được tiếp cận với luật sư, gia đình và cũng không được
phép tiếp cận với các công cụ pháp lý bảo vệ quyền của người bị bắt, mà quan trọng
nhất là trát “habeas
corpus” (cho phép người bị tạm giam, tạm giữ thách thức tính đúng đắn pháp
lý của việc tạm giam, tạm giữ mình trước một tòa án). [4]
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ không đồng tình với
cách tiếp cận này của chính quyền liên bang.
Tám
trên chín thẩm phán cùng đồng thuận rằng cho dù Nghị viện Hoa Kỳ có trao thẩm
quyền cho chính phủ bắt giữ và tạm giam các chiến binh đối địch đi chăng nữa, một
công dân Hoa Kỳ bị bắt giữ vẫn cần được trao đầy đủ quyền chất vấn cơ sở pháp
lý của việc giam giữ này theo pháp luật quốc gia trước một cơ quan tư pháp độc
lập. [5]
Trong ý kiến đa số, các thẩm phán nhắc nhở rằng
trao toàn quyền sinh sát cho chính phủ sẽ chỉ dẫn đến việc thực hiện thẩm quyền
này một cách vô tội vạ và không có kiểm soát.
Như vậy, trước những người được cho là khủng bố,
là thành tố nguy hiểm nhất nhì xã hội đương đại, hệ thống tư pháp Hoa Kỳ vẫn
cho rằng giam giữ biệt lập là không tuân thủ các chuẩn mực tố tụng và dễ dẫn đến
lạm quyền.
Điều tương tự cũng diễn ra với hệ thống pháp
luật Châu Âu.
Dù rất nhiều chính phủ biện giải rằng giam giữ
biệt lập một số can phạm nhất định, không cho phép họ tiếp cận với luật sư, gia
đình là phù hợp với tình huống và tính chính trị của các vụ án mà họ đối mặt,
Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECtHR) cho rằng
những diễn giải đó đều là không chính đáng. [6]
Ví dụ, trong một số án như Al
Nashiri v. Poland và Husayn
(Abu Zubaydah) v. Poland, những nguyên đơn cáo buộc chính quyền Ba Lan
biết nhưng im lặng để tạo điều kiện cho Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) bắt
giữ, tạm giam họ tại các cơ sở không được tiết lộ và cũng không thể gặp người
thân hay luật sư của mình. [7]
Một căn cứ quân sự ở
làng Stare Kiejkuty, Ba Lan từng được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sử dụng
làm nhà tù bí mật để giam giữ biệt lập các can phạm. Ảnh: Kacper Pempel/
Reuters.
Theo Tòa án Nhân quyền Châu Âu, những hành vi
này vi phạm rất nhiều quy tắc. Một trong số đó là việc giam giữ không xét xử và
không được hỗ trợ pháp lý từ bên ngoài đối với hai cá nhân (lần lượt là sáu
tháng và chín tháng) cấu thành vi phạm liên quan đến hành vi “tra tấn và đối xử
bất nhân” (torture or inhumane treatment) quy định tại Điều 3 của Công ước Châu
Âu về Nhân quyền (ECHR). Cùng với đó là hàng loạt các vi phạm khác như vi phạm
về quyền tự do và an ninh (right to liberty and security), quyền được tôn trọng
về đời tư và cuộc sống gia đình (right to respect for private and family life),
v.v.
Có thể nói, tại hầu hết các hệ thống pháp luật
cấp tiến và dân chủ, việc giam giữ biệt lập chưa bao giờ được khuyến khích, bất
kể can phạm có nguy hiểm đến đâu.
Các tổ chức quốc tế
nói gì?
Như đã nói ở đầu bài viết, pháp luật quốc tế
thực định không có bất kỳ quy định cấm nào đối với giam giữ biệt lập. Tuy
nhiên, chỉ nói về pháp luật thực định có thể không mô tả được toàn cảnh việc
các tổ chức quốc tế có thẩm quyền phê phán và thể hiện mong muốn loại trừ
“incommunicado detention”.
Từ thập niên 1990, lúc Ủy ban Nhân quyền
(Human Rights Committee) vẫn còn tồn tại, trong Thông cáo (Communication) số
440/1990 liên quan đến vụ việc El-Megreisi v. Libyan
Arab Jamahiriya, Ủy ban đã bắt đầu nói về giam giữ biệt lập. [8] Họ cân
nhắc và nhận thấy El-Megreisi đã bị bắt giữ và tạm giam trong suốt ba năm. Chỉ
đến năm thứ tư, ông này mới được gặp mặt vợ mình, và chỉ đến năm thứ năm thì vụ
việc mới đến được tay Ủy ban, song El-Megreisi thì vẫn còn đang bị giam giữ.
Theo Ủy ban Nhân quyền, việc giam giữ biệt lập
một người quá lâu tự thân nó đã là một ví dụ điển hình của vi phạm liên quan đến
“tra tấn và đối xử bất nhân”, bất kể có bằng chứng nào khác cho việc tra tấn đã
xảy ra hay không.
Ủy ban Nhân quyền cũng dùng cách tiếp cận này
khi xem xét vụ Womah
Mukong v. Cameroon. [9] Trong Thông cáo số 458/1991, Ủy ban mô tả rằng
Mukong bị giam biệt lập với thế giới bên ngoài, phải đối mặt với những lời đe dọa,
bị bắt nhịn đói và bị giam cầm trong buồng giam nhiều ngày mà không được ra
ngoài để có các hoạt động tiêu khiển căn bản (basic recreation). Vì các chứng cứ
này, cơ quan nhân quyền có thẩm quyền nhất Liên Hiệp Quốc khẳng định chính quyền
Cameroon đã phạm điều cấm là “tra tấn và đối xử bất nhân”.
Cách tiếp cận trên được khá nhiều tổ chức nhân
quyền quốc tế thừa nhận và áp dụng.
Điển hình là trong án Suárez
Rosero v. Ecuador, Tòa án Nhân quyền Liên Mỹ (Inter-American Court of
Human Rights Case) đưa ra nhận định sau: [10]
“Giam giữ biệt lập là một biện pháp tư pháp đặc
biệt với mục tiêu hạn chế bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài đối với quá
trình điều tra và tìm kiếm thông tin là sự thật liên quan đến bản án. Tuy
nhiên, ngoài việc tuân thủ một khung tiêu chuẩn thời gian do luật định, việc biệt
lập người bị tạm giam cần tuân thủ những yêu cầu cơ bản và không thể xâm phạm
(non-derogable guarantees), bao gồm quyền chất vấn tính hợp pháp của việc giam
giữ, và rằng việc giam giữ biệt lập không gây ảnh hưởng đến quyền được đại diện
và bảo vệ trước pháp luật của cá nhân đó”. (Đoạn 51)
Như vậy, dù hệ thống nhân quyền Châu Mỹ không
cấm hoàn toàn việc giam giữ biệt lập, họ vẫn khẳng định chắc nịch rằng việc
giam giữ biệt lập không tước đi quyền thách thức tính hợp pháp và tính cần thiết
của quyết định giam giữ; và rằng việc giam giữ như vậy không gây ảnh hưởng đến
quyền được bảo vệ và đại diện của can phạm. Điều này đồng nghĩa rằng quyền liên
lạc với thế giới bên ngoài của can phạm ít nhất phải được bảo đảm trong khoảng
thời gian đầu họ bị giam giữ, và quyền tiếp cận đại diện pháp lý thì không thể
bị tước bỏ hoàn toàn.
***
Nhìn vào những tiêu chuẩn mà hệ thống tư pháp
nước ngoài lẫn hệ thống nhân quyền quốc tế đặt ra, có thể thấy công cụ giam giữ
biệt lập tại Việt Nam đang được sử dụng một cách bừa bãi.
Những bị can, bị cáo thì bị giam giữ dài hạn
mà không được một lần gặp gia đình hay luật sư.
Chính quyền không có bất kỳ thủ tục pháp lý
nào để bị can có thể khiếu nại về tính hợp pháp và hợp lý của quyết định giam
giữ.
Trong nhiều trường hợp, không chỉ giới hạn
trong vụ việc của nhà báo Phạm Đoan Trang, luật sư bào chữa chỉ có thể gặp can
phạm duy nhất một lần trước khi ra tòa. Họ cũng chỉ có vài tuần để đọc toàn bộ
tài liệu vụ án cũng như cáo trạng, sau khi chính quyền cho phép họ. Việc này
gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của bị cáo cũng như khả năng nghiên cứu
hồ sơ của luật sư. Quan trọng hơn nữa, với sự thiếu vắng của một hệ thống tòa độc
lập, không ai có thể và sẵn sàng xem xét tính hợp pháp, hợp hiến của việc tước
đoạt hoàn toàn tự do và quyền đại diện pháp lý của các can phạm.
Tất cả những yếu tố trên tạo nên một không
gian thiếu lành mạnh cho chuẩn mực tố tụng và sự phát triển của hệ thống tư
pháp Việt Nam.
V.N.
---------------------------------------------------------------------------------------
Chú thích :
1. United Nations High Commissioner for
Refugees. (1992). Refworld | CCPR General Comment No. 20: Article 7
(Prohibition of Torture, or Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or
Punishment). Refworld. Retrieved 2021, from https://www.refworld.org/docid/453883fb0.html
2. McDonald, A. (2002). Defining the
War on Terror and Status of Detainees: Comments on the Presentation of Judge
George Aldrich. ICRC. https://www.icrc.org/en/doc/resources/documents/article/other/5p8avk.htm
3. HAMDI V. RUMSFELD. (2004).
LII.
https://www.law.cornell.edu/supct/html/03-6696.ZO.html
4. Habeas Corpus. (2020). LII /
Legal Information Institute. https://www.law.cornell.edu/wex/habeas_corpus
5. Christopher E. Smith and Cheryl D.
Lema, Justice Clarence Thomas and Incommunicado Detention: Justifications
and Risks, 39 Val. U. L. Rev. 783 (2005). Available at:
https://scholar.valpo.edu/vulr/vol39/iss4/1
6. Press Unit. (2019, March). First
so-called “rendition” case decided by the European Court of Human Rights.
European Court of Human Rights. https://www.echr.coe.int/documents/fs_secret_detention_eng.pdf
7. Al Nashiri v. Romania (application
no. 33234/12),
ECLI:CE:ECHR:2018:0531JUD003323412 , Council of Europe: European Court of Human
Rights, 31 May 2018, available at: https://www.refworld.org/cases,ECHR,5b0fdb174.html
và https://hudoc.echr.coe.int/eng#{%22itemid%22:[%22001-146047%22]}
8. El-Megreisi v. Libyan Arab
Jamahiriya, Communication No. 440/1990, U.N. Doc. CCPR/C/50/D/440/1990 (1994).
http://hrlibrary.umn.edu/undocs/html/vws440.htm
9. Mukong v. Cameroon, Communication No.
458/1991, UN Human Rights Committee (HRC), 21 July 1994.
http://hrlibrary.umn.edu/undocs/html/vws458.htm
10. Suarez Rosero Case, Inter-American
Court of Human Rights (IACrtHR), 28 June 1996, available at:
https://www.refworld.org/cases,IACRTHR,3ae6b68ac.html
No comments:
Post a Comment