Từ
việc Jakarta phản đối Canberra gia nhập AUKUS, nhìn lại bang giao song phương
Úc - Indonesia
Hoàng
Hằng -
RFI
Đăng ngày: 18/11/2021 - 15:49
Hơn 70 năm trôi qua từ ngày thiết lập ngoại giao và
trải qua không ít cung bậc thăng trầm từ những vấn đề mang di chứng lịch sử đến
những vấn đề mang hơi thở đương đại, Canberra vẫn coi Indonesia là quốc gia
láng giềng quan trọng bậc nhất của nước Úc trong vùng chiến lược Đông Nam Á.
Trong khi, Jakarta lại tỏ thái độ dè dặt hoặc phản đối trước những tập hợp nhóm
hoặc cấu trúc khu vực mà Úc tham gia.
Ngoại trưởng Úc
Marise Payne (thứ hai, bên trái), bộ trưởng Quốc Phòng Úc Peter Dutton trong cuộc
họp với các đồng nhiệm Indonesia, ngoại trưởng Retno Marsudi (thứ hai, bên phải),
và bộ trưởng Quốc Phòng Prabowo Subianto, tại Jakarta ngày 09/09/2021. AP
- Ministry of Foreign Affairs
Tạp chí Tiêu điểm tuần này xin mời quý vị cùng
nhìn lại mối bang giao song phương đặc biệt này qua những phân tích và nhận định
từ Luật sư - Nhà báo Lưu Tường Quang.
***
RFI Tiếng Việt : Cựu đại sứ Úc tại Indonesia,
ông Gary Quinlan từng nói “Không có quốc gia nào ở Đông Nam Á quan trọng đối
với nước Úc bằng Indonesia”. Tại sao như vậy?
Luật
sư – Nhà báo Lưu Tường Quang : Đây không phải là
một nhận định mới về mặt địa lý chính trị. Trước đây, năm 1994, thủ tướng Úc
Paul Keating cũng đã khẳng định như vậy trước hội đồng nội các. Ông cảnh báo, nếu
Úc thất bại trong quan hệ này và không nuôi dưỡng, phát triển mối quan hệ thì nền
ngoại giao của nước Úc sẽ thiếu sót. Các thủ tướng kế nhiệm, bất kể thuộc
khuynh hướng bảo thủ (Liên Đảng Tự do - Quốc gia) hay thế lực trung tả (Đảng
Lao Động) đều đồng tình chia sẻ quan điểm này. Ông Quinlan giới hạn tầm quan trọng
của Indonesia trong bối cảnh Đông Nam Á xuyên qua quan hệ song phương 70 năm.
Trong khi, cựu thủ tướng Keating có tầm nhìn rộng lớn hơn.
Vào đầu thế kỷ 21, GDP của Indonesia đứng thứ
16 thế giới so với vị thứ 12 của Úc, là thành viên dẫn đầu tổ chức ASEAN, và là
quốc gia duy nhất Đông Nam Á có chân trong nhóm G20. Vào giữa thế kỷ này, dự
phóng là Indonesia sẽ trở thành cường quốc kinh tế thứ 4 hoặc thứ 5 trên thế giới,
chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ.
Nhưng sự quan trọng của Indonesia đối với Úc
không chỉ là kinh tế, mà bao gồm cả vị trí địa dư, văn hóa, tôn giáo và hệ thống
chính trị. Là một quốc gia hải đảo nằm sát nách Úc về phía Bắc và là nước Hồi
giáo đông dân nhất thế giới với khoảng 277 triệu dân, sự thành công hay thất bại
của Indonesia đều ảnh hưởng đến nước Úc.
Bang giao song phương đã trải qua nhiều giai
đoạn thăng trầm. Tuy ủng hộ tiến trình giành độc lập khỏi chế độ thuộc địa Hà
Lan, Úc đã có thái độ dè dặt, thậm chí nghi ngờ đối với Indonesia trong suốt thời
gian cầm quyền của tổng thống Sukarno (1945-1967). Cá biệt là thái độ “thân thiện”
của vị tổng thống đầu tiên này với chủ nghĩa Cộng sản và vai trò của ông trong
mưu toan cướp chính quyền của Đảng Cộng sản Indonesia (PKI) năm 1965-1966.
Cho đến vị tổng thống thứ hai, ông Suharto, mối
bang giao mới được cải thiện hơn, đặc biệt dưới thời cựu thủ tướng Keating. Nổi
bật nhất là Hiệp định Hợp tác An ninh 1995, tuy rằng văn kiện này bị Indonesia
huỷ bỏ sau khi Úc can thiệp quân sự vào Đông Timor năm 1999. Tiếp theo sau là
Hiệp ước Lombok năm 2006, là nền tảng đến ngày nay cho sự hợp tác giữa hai nước
và giữa hai nước với thế giới bên ngoài.
*
Sau khi Indonesia và Úc ký kết Hiệp định Đối tác
Kinh tế Toàn diện (IA-CEPA) vào tháng 03/2019, theo ông, quan hệ thương mại giữa
hai nước có những bước tiến nào đáng kể?
Mặc dầu giới lãnh đạo Úc luôn coi Indonesia có
tầm quan trọng bậc nhất, nhưng giao thương giữa hai nước vẫn chưa được phát triển.
Trong năm 2018-2019, trị giá giao thương hai chiều là 17,8 tỷ đô la Úc.
Indonesia chỉ là đối tác thương mại thứ 13 của Úc. Một phần, có lẽ vì nền kinh
tế Indonesia bị suy sụp trầm trọng trong cuộc khủng hoảng tài chính Á Châu năm
1997, khi giới kinh doanh và đầu tư Úc chuyển hướng về Trung Quốc.
Bởi thế, hai nước đã nỗ lực đàm phán một Hiệp
định Đối tác Kinh tế Toàn diện gọi là Indonesia-Australia Comprehensive
Economic Partnership Agreement (IA-CEPA) và có hiệu lực ngày 05/07/2020. Ngoài
ra, hai nước còn là thành viên của một số hiệp ước đa phương, như ASEAN -
Australia - New Zealand Free Trade Area (AANZFTA), có hiệu lực từ 01/01/2010 và
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ có hiệu lực vào ngày
01/01/2022.
Theo bộ Ngoại Giao Úc (DFAT), IA-CEPA tạo bối
cảnh mới cho sự hợp tác kinh tế gần gũi cũng như mở cửa thị trường và tạo cơ hội
cho cả hai nước. Trong bối cảnh, khi giao thương giữa Úc và Trung Quốc đang gặp
rất nhiều khó khăn, thì thương mại song phương giữa Úc và Indonesia có triển vọng
được phát triển nhanh. Nói cách khác, đây là tình trạng đảo ngược của năm 1997,
khi Úc đang tìm thị trường thay thế cho thị trường Trung Quốc.
*
Ngoài việc tăng cường hợp tác song thương, thì việc
thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi có nhiều
tranh chấp do sự trỗi dậy của Bắc Kinh, là vấn đề không thể thiếu trên bàn nghị
sự Canberra - Jakarta. Bộ trưởng Quốc phòng Úc, Peter Dutton khẳng định,
“Indonesia và Úc phải trở thành mỏ neo của sự hợp tác trong khu vực Ấn Độ -
Thái Bình Dương”. Vậy, lập trường quan điểm hợp tác đôi bên đối với vấn đề này
như thế nào?
Đây là diễn dịch sự hợp tác an ninh giữa hai
nước, nhìn từ phía Úc. Indonesia chưa hẳn mô tả quan hệ hợp tác an ninh quốc
phòng với Úc mạnh mẽ như vậy. Indonesia theo chính sách uyển chuyển hơn, đặc biệt
là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tuy vậy, nhận định của bộ trưởng Quốc Phòng Úc
Peter Dutton cũng có cơ sở pháp lý, đó là Hiệp ước Lombok 2006 và các văn kiện
song phương kế tiếp. Ngoài ra, Úc và Indonesia cũng đã nâng cấp bang giao
lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện (08/2018), là mức cao nhất trong bang giao
song phương. Về mặt đa phương, ngày 31/10/2021 vừa qua, Úc và khối Asean cũng
đã nâng quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Trong thực tế, hai nước đã có hội nghị thường
niên từ năm 2012 ở cấp bộ trưởng về ngoại giao và chiến lược quốc phòng (Hội
nghị 2+2). Ngày 09/09/2021, tại Jakarta (tức là trước khi AUKUS được loan báo),
ngoại trưởng Marise Payne và bộ trưởng Quốc Phòng Peter Dutton đã gặp gỡ hai bộ
trưởng Indonesia đồng nhiệm, bà Retno Marsudi và ông Prabowo Subianto. Cả hai
bên đều nhấn mạnh sự hợp tác giữa hai nước và vai trò chung của cả hai đối với
những diễn tiến trong khu vực.
Tuy vậy, Indonesia vẫn có thái độ dè dặt đối với
một vài tập hợp hoặc cấu trúc khu vực mà nước Úc coi là quan trọng, cụ thể là
The Quad và AUKUS. Indonesia không có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và lãnh
hải với Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên, Jakarta đã và đang gặp rất nhiều
khó khăn với Bắc Kinh trong vấn đề thềm lục địa tại vùng phía nam Biển Đông. Thế
nhưng, Indonesia nhất quyết không gia nhập The Quad.
*
Trong khuôn khổ liên minh quốc phòng AUKUS
(16/09/2021), Indonesia bày tỏ quan ngại trước kế hoạch hạm đội tàu ngầm chạy bằng
năng lượng hạt nhân của Úc. Bản chất của sự quan ngại từ chính quyền tổng thống
Joko Widodo (Jokowi) là gì? Nếu thử làm phép so sánh về tiềm lực quốc phòng giữa
Indonesia và Úc, chúng ta có thể thấy được những gì?
Trong số 10 thành viên Asean, Indonesia
vaf Malaysia là hai nước chỉ trích rõ nhất kế hoạch hạm đội 8 chiếc tàu ngầm
chạy bằng năng lượng hạt nhân mà Úc sẽ sử dụng sau thập niên 2030. Lý do
Jakarta viện dẫn, kế hoạch này sẽ gây nên một cuộc thi đua vũ trang, tạo ra bất
ổn định trong khu vực.
Điểm đáng chú ý, ngoại trưởng Retno Marsudi
không những đã chỉ trích nước Úc, mà sau đó đã lập lại với ngoại trưởng Vương
Nghị của Trung Quốc trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại
Rome, Ý vừa qua (30/10/2021). Cả hai bên quan ngại sâu xa về rủi ro mà thỏa hiệp
AUKUS có thể gây ra, đó là sự bành trướng vũ khí nguyên tử (nuclear
proliferation).
Jakarta có thể chỉ trích kế hoạch này, vì cán
cân quân sự giữa hai nước sẽ thay đổi, nhưng đồng thời cũng có thể để làm vui
lòng Bắc Kinh vì Trung Quốc đang gia tăng giao thương và đầu tư vào Indonesia.
Tuy là láng giềng và có bang giao thân hữu,
hai nước đều dòm ngó lẫn nhau về sức mạnh quân sự. Quân đội Indonesia TNI (kể cả
Lực lượng đặc nhiệm Kopassus thường tập huấn với Lực lượng đặc nhiệm của Úc) có
nhân số lớn hơn, nhưng ngân sách quốc phòng lại thấp hơn, chỉ khoảng 1% GDP so
với khoảng 2,5% GDP tại Úc. Indonesia hiện có 4 chiếc tàu ngầm, nhưng chỉ có 1
chiếc hoạt động hữu hiệu, trong khi Úc sở hữu hạm đội 6 chiếc tàu ngầm lớp
Collins. Vào đầu thập niên 2030, Indonesia dự phóng sẽ có hạm đội 10 chiếc tàu
ngầm trước khi Úc có thể sử dụng hạm đội 8 chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng
hạt nhân.
Thủ tướng Morrison xác quyết, hạm đội 8 chiếc
tàu ngầm AUKUS là để bảo vệ quyền lợi quốc gia tối thượng của Úc. Đại sứ Úc tại
Washington, ông Arthur Sinodinos còn quảng diễn điều này rõ rệt hơn rằng, với
thiết bị mới này, Úc sẽ phóng chuyển sức mạnh ra khỏi biên giới quốc gia
(projecting power).
*
Nhà chiến lược đến từ Đại học Quốc gia Úc, giáo sư
(GS) Hugh White nhận định, Indonesia có một nền kinh tế khôi hài bởi sự vô tổ
chức, tỷ lệ tham nhũng cao, hệ thống luật pháp yếu kém và chủ nghĩa dân tộc có
thể kìm hãm sự phát triển thương mại. Tuy vậy, thực tế, nền kinh tế Indonesia lại
trên đà tăng trưởng trung bình hàng năm là 5% - 6%. Theo GS White, Indonesia sẽ
trở thành một trong những cường quốc bậc nhất, thậm chí có thể trở thành nền
kinh tế lớn thứ 4 thế giới. Theo ông, một Indonesia hùng mạnh có ý nghĩa thế
nào đến tương lai nước Úc khi đặt trong trong bối cảnh bành trướng của Trung Quốc?
Theo tôi, GS Hugh White có tầm nhìn xa tương tự
như cựu thủ tướng Keating, đó là nhìn về tương lai lâu dài của Úc tại Châu Á
trong bối cảnh Trung Quốc được coi là một siêu cường. Tầm nhìn chiến lược này
có thể ảnh hưởng đến phán đoán về vai trò của Indonesia nếu và khi Indonesia trở
thành cường quốc kinh tế thứ 4 trên thế giới.
Bài học từ Trung Quốc cho thấy, sức mạnh kinh
tế sẽ tạo thêm sức mạnh quân sự, dẫn đến một chính sách cứng rắn và thao túng
trên thế giới. Nếu Indonesia tiếp tục chính sách “trung dung” hiện nay, có lẽ
Indonesia sẽ không là một đe dọa lớn cho nước Úc. Và, Úc sẽ phải theo chính
sách ngoại giao “đặc biệt” với Indonesia như hiện nay.
Indonesia là quốc gia nhận được rất nhiều viện
trợ phát triển của Úc, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và kế hoạch Colombo
mới gọi là “hai chiều” (New two way Colombo plan). Úc hy vọng, xã hội dân sự
cũng như chính giới Indonesia tiếp tục là một Indonesia Hồi giáo ôn hòa. Bằng
không, nếu Indonesia không những là thân hữu mà còn là đồng minh của Trung Quốc,
có thể Úc sẽ đương đầu với một Indonesia đối nghịch. Chúng ta lưu ý, Canberra
coi Indonesia là quốc gia quan trọng nhất, ngược lại Jakarta chưa bao giờ coi
Úc là quan trọng nhất.
*
Úc và Indonesia chia sẻ vùng địa lý, có mối quan hệ
lịch sử sâu sắc, mối quan hệ đương đại sôi động, cũng như tầm nhìn chung về một
khu vực hòa bình và thịnh vượng. Tuy nhiên, trong mối bang giao giữa Canberra
và Jakarta luôn tồn tại những mâu thuẫn nội tại? Đó là những vấn đề gì và có thể
được hóa giải bằng cách nào?
Trong gần 71 năm bang giao, ít nhất có hai thời
điểm mà quan hệ giữa hai nước xuống mức thấp nhất và có thể coi là đối nghịch.
Đó là khi Đảng Cộng Sản PKI mưu toan cướp chính quyền năm 1965-1966 và cuộc khủng
hoảng Đông Timor năm 1999.
Đông Timor đã bị "phản bội"
khi thủ tướng Úc Gough Whitlam hội kiến với tổng thống Suharto tại Townsville,
Queensland tháng 4/1975 và đồng ý hay ít nhất là không phản đối việc Indonesia
xâm chiếm lãnh thổ này bằng vũ lực. Trong giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng đẫm
máu Đông Timor, thủ tướng John Howard cũng chưa có ý định giúp Đông Timor độc lập.
Chỉ sau khi đại đa số dân chúng Đông Timor bỏ phiếu cho giải pháp độc lập, Úc mới
can thiệp quân sự dưới hình thức tham gia một lực lượng đa quốc gia giữ gìn hòa
bình, gọi là Interfet và do trung tướng Úc Peter Cosgrove làm tư lệnh. Hậu quả,
Indonesia đã xé bỏ Hiệp định An ninh 1995 với Úc.
Tháng 10/2018, theo chân tổng thống Mỹ Donald
Trump, thủ tướng Morrison loan báo dự định dời đại sứ quán Úc tại Tel Aviv về
Jerusalem, nhưng phải bỏ dở khi tổng thống Joko Widodo phản đối.
Vấn đề tế nhị khác mà Úc cũng đã phải nhượng bộ
là phong trào đòi độc lập của West Papua từ thập niên 1960. Năm 2005, 43 người
West Papuans đào thoát đến Úc xin tị nạn và được Úc cấp visa bảo vệ, trong khi
Jakarta phản đối. Từ sau sự kiện này, năm 2006, Hiệp định Lombok được ký, theo
đó hai bên kết ước không can thiệp vào việc nội bộ của nhau, phải tôn trọng
toàn vẹn lãnh thổ của nhau và không ủng hộ những hành động “ly khai”.
Ngoài ra, cuộc tranh chấp giữa Palestine và
Israel cũng là lĩnh vực mà Úc cảm thấy bị giới hạn về mặt chính sách ngoại giao
và lập trường nhân đạo, để duy trì bang giao thân hữu với Indonesia.
RFI Tiếng Việt cảm ơn Luật sư - Nhà báo Lưu Tường
Quang.
No comments:
Post a Comment