Trao
đổi về nguyên nhân bạo lực
Nguyễn
Đình Cống
22/11/2021
https://baotiengdan.com/2021/11/22/trao-doi-ve-nguyen-nhan-bao-luc/
Báo Tiếng Dân ngày 19 tháng 11 đăng bài của
ông Trương Nhân Tuấn: “Bạo lực phát sinh trong xã hội là do luật pháp lỏng lẻo, hay là
do văn hóa truyền thống”, với câu kết “Bạo lực hay không là do luật
pháp chớ đâu phải do văn hóa”.
Câu
đó chỉ đúng một phần. Theo tôi, bạo lực xảy ra nhiều trong xã hội Việt Nam hiện
nay cũng như nhiều tai họa khác là do sự kết hợp, sự cộng hưởng giữa hai yếu tố.
Một bên là những yếu kém trong truyền thống dân tộc (thể hiện ở văn hóa), một
bên là những độc hại trong chủ nhĩa Mác Lê (thể hiện ở luật pháp và sự thống trị
của vô sản chuyên chính).
Tôi viết như thế là dựa theo Giáo lý của đạo
Phật, rằng không có kết quả gì chỉ do một nguyên nhân mà là do nhân kết hợp với
duyên (duyên khởi). Một nguyên nhân chưa đủ để gây ra kết quả mà phải kết hợp với
một nguyên nhân khác (gọi là duyên). Thí dụ, đám cháy là do ngọn lửa kết hợp với
vật liệu cháy được. Một ngọn lửa dù to đến mấy, nóng đến mấy cũng không gây ra
đám cháy nếu nó không tiếp xúc được với vật liệu cháy.
Truyền thống của dân tộc Việt có nhiều điều tốt
đẹp, nhưng cạnh đó cũng có vài điều yếu kém, trong đó có tính ích kỷ, thói hung
bạo. Chủ nghĩa Mác Lê có những mặt tích cực về cách mạng, chống bóc lột nhưng
cũng chứa đựng những độc hại về bạo lực, về độc quyền toàn trị, đặt đảng và một
vài cá nhân trên luật pháp. Chính kết hợp của sự yếu kém và độc hại vừa kể mới
tạo ra kết quả xấu. Trong hai thứ vừa kể, thì một thứ là nhân, thứ kia là
duyên. Sự kết hợp, và cao hơn là cộng hưởng này là tự động, tự phát, không do một
ai chủ trương hoặc lập kế hoạch. Chúng nó tự tìm đến với nhau, kết hợp với
nhau, cộng hưởng với nhau.
Phải là hai thứ kết hợp với nhau mới làm cho bạo
lực phát triển. Khi có sự yếu kém của luật pháp hoặc thậm chí không có luật
pháp mà người dân được thừa hưởng nền văn hóa đầy lòng nhân ái, bao dung thì
không thể có bạo lực tràn lan (có thể có cá biệt). Khi trong dân có những kẻ cuồng
bạo, thích dùng bạo lực, nhưng có chính quyền và luật pháp vững mạnh, xã hội thịnh
trị thì cũng dẹp được nhiều bạo lực, không để nó phát triển rộng khắp.
Vậy để dẹp bớt bạo lực thì đồng thời phải tác
động vào cả hai thứ kể trên. Nhưng tác động vào yếu kém của truyền thống cần thời
gian lâu dài. Tác động vào sự độc hại của Mác Lê, nhằm loại bỏ sự độc hại ấy ra
khỏi cuộc sống là quan trọng và cấp thiết hơn.
Tôi viết ý kiến này không chỉ với riêng ông
Trương Nhân Tuấn mà muốn trao đổi với những ai quan tâm muốn tìm nguyên nhân của
mọi tai họa mà dân tộc Việt đang phải chịu đựng.
No comments:
Post a Comment