The
Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch
18/11/2021
http://nghiencuuquocte.org/2021/11/18/the-gioi-hom-nay-18-11-2021/
Hàng nghìn người xuống đường ở Khartoum, thủ
đô Sudan, để phản đối chính quyền quân sự đã đảo chính hôm 25/10. Lực lượng
an ninh trước đó đã bắn hơi cay và đạn thật vào đám đông, giết chết ít nhất 5
người, theo các báo cáo ban đầu. Người biểu tình kêu gọi thả thủ tướng Abdalla
Hamdok, sau khi ông này bị lật đổ trong đảo chính, và trở lại chế độ dân sự.
Estonia sẽ triển khai 1.700 binh
sĩ dự bị cho một chiến dịch nhanh dọc biên giới với Nga. Nhiệm vụ của họ bao gồm
xây dựng một hàng rào mới dài 40 km khi cuộc khủng hoảng di cư Belarus leo
thang. Một số chính phủ đã cáo buộc Nga, đồng minh thân cận của Belarus, đứng
sau giật dây cuộc khủng hoảng, dù Điện Kremlin phủ nhận.
Apple sẽ giúp khách hàng tự sửa
chữa thiết bị của họ dễ dàng hơn khi mở bán phụ tùng thay thế cho một số sản phẩm
trong chương trình tự sửa chữa. Gã khổng lồ công nghệ từ lâu đã phải chịu áp lực
từ khách hàng và các cơ quan quản lý Mỹ-Âu kêu gọi họ làm như vậy. Chương trình
sẽ bắt đầu vào đầu năm sau tại Mỹ và mở rộng sau đó ra nhiều nước hơn.
Số ca tử vong do sử dụng thuốc quá liều ở Mỹ
vượt mốc 100.000 trong năm kết thúc vào tháng 4 – một kỷ lục và tăng gần 30% so
với năm trước. Phần lớn các ca tử vong là do opioid tổng hợp như fentanyl: rất
mạnh, với liều lượng thường bị xem nhẹ. Mất việc làm và bị cô lập xã hội trong
đại dịch đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng bấy lâu nay
ở Mỹ.
Nhà Trắng cho biết Mỹ và Trung Quốc
đã đồng ý tổ chức đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân – mặc dù thời điểm,
hình thức và phạm vi thảo luận vẫn chưa được thống nhất. Thông báo này đến sau
hội nghị thượng đỉnh tương đối thân thiện giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch
Tập Cận Bình hôm thứ Ba. Mỹ gần đây đã tuyên bố báo động về tốc độ phát triển
vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Hai nước cũng đồng ý giảm hạn chế thị thực đối
với các nhà báo của nhau.
Anh làm tăng thêm mối lo ngại
tăng lạm phát của các ngân hàng trung ương, sau khi ghi nhận lạm phát cao nhất
10 năm qua trong 12 tháng tính đến tháng 10. Chi phí sinh hoạt tăng 4,2% trong
giai đoạn này, chủ yếu do giá năng lượng và ô tô cũ cao hơn. Lạm phát hiện cao
gấp đôi mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Anh.
Philippines cho
biết đã phê duyệt vắc-xin covid-19 của Novavax để sử dụng khẩn cấp cho người lớn.
Loại vắc-xin này sẽ được sản xuất bởi Viện Huyết thanh Ấn Độ. Động thái phê duyệt
đến ngay trước khi Philippines dự kiến nhận 300.000 liệu trình thuốc molnupiravir kháng virus của Merck, một
thỏa thuận vừa kí vào tháng trước. Hiện số ca nhiễm trong nước đang giảm.
Con số trong ngày: 60
tỷ đô la, là tổng tài sản ròng của vợ cũ Jeff Bezos, MacKenzie Scott, người
đang cách mạng hóa thế giới từ thiện.
TIÊU
ĐIỂM
Thượng đỉnh Bắc Mỹ
diễn ra tại Nhà Trắng
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng những người đồng
cấp Mexico và Canada, Andrés Manuel López Obrador và Justin Trudeau, sẽ gặp
nhau tại Nhà Trắng vào thứ Năm. Đây là lần gặp gỡ trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo
ba nước kể từ năm 2016, và ba nhà lãnh đạo sẽ có rất nhiều điều để nói. Đặc biệt
có hai chủ đề nóng: người di cư và quan hệ kinh tế.
http://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2021/11/18-11-2021.jpg
Andrés Manuel López Obrador, Joe Biden và Justin Trudeau
Mỹ và Mexico đang đối phó với cuộc khủng hoảng
ở biên giới chung của họ. Hàng nghìn người Trung Mỹ đã đổ về đây sau khi chạy
trốn khỏi đất nước mình. Vì tình hình trong nước bất lợi, Mỹ đang quay lưng với
người di cư, đẩy gánh nặng sang cho Mexico.
Hội nhập kinh tế là một chủ đề nóng khác. USMCA
— thỏa thuận thương mại có hiệu lực từ năm ngoái để thay thế NAFTA nhiều khiếm
khuyết — và nỗ lực của Mỹ nhằm thu hút chuỗi cung ứng sẽ là một lợi ích cho khu
vực, đặc biệt là Mexico. Nhưng USMCA có các quy định nghiêm ngặt về lao động và
phân phối chuỗi cung ứng. Và quan trọng là các chính sách của ông López Obrador
đang ngăn cản doanh nghiệp đầu tư.
Covid-19 nghiêm trọng
trở lại ở Đức
Số ca covid đạt kỉ lục, các phòng chăm sóc đặc
biệt quá tải, chợ Giáng sinh bị hủy bỏ: tháng 11 năm 2021 ở Đức trông khá giống
với tháng 11 năm 2020. Vào thứ Năm, các lãnh đạo liên bang và tiểu bang sẽ gặp
nhau để bàn cách đối phó trong khi quốc hội tranh luận về những thay đổi lập
pháp. Khả năng cao sẽ có thêm hạn chế đối với người chưa tiêm chủng, thêm quy định
tại nơi làm việc, và thậm chí là tiêm chủng bắt buộc đối với một số ngành nghề.
Nguyên nhân do đâu? Đức là một trong những nước
có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở Tây Âu. Nhưng hiệu quả vắc-xin suy giảm và việc
triển khai tiêm liều bổ sung chậm chạp có thể mới là nguyên nhân chính. Sự thiếu
vắng lãnh đạo chính trị — ba đảng vẫn đang đàm phán về một chính phủ liên minh
sau cuộc bầu cử tháng 9 — cũng góp phần. Song tình hình covid-19 của Đức vẫn là
ít nghiêm trọng hơn một số nước khác ở châu Âu. Với số ca nhiễm cao gấp ba lần
Đức, Áo đã áp đặt phong tỏa đối với những người chưa tiêm chủng.
Hệ thống trường mầm
non của Mỹ gặp thách thức
Đại dịch đã ảnh hưởng đến ngành chăm sóc trẻ
em ở Mỹ: doanh thu năm ngoái giảm 12% so với 2019, xuống còn 42,2 tỷ đô la. Nhu
cầu bốc hơi vì trẻ em phải ở nhà. Nguồn cung cũng vậy: các trung tâm phải đóng
cửa vì thiếu lao động và vì để đảm bảo các biện pháp an toàn với covid thì rất
tốn kém. Nhà cung cấp lớn nhất KinderCare, vừa lên sàn New York vào thứ
Năm với mức định giá gần 3 tỷ đô la, đã chứng kiến số học sinh tại các trung
tâm của họ giảm xuống 47% vào năm ngoái.
Dịch vụ giữ trẻ dưới 5 tuổi vốn đã khó khăn từ
trước đại dịch. Trẻ nhỏ cần được giám sát nhiều hơn, và do đó tỷ lệ trẻ em trên
nhân viên phải thấp. Hầu hết các gia đình lao động có gửi con đến các trung tâm
giữ trẻ đều phải trả phí hơn 7% tổng thu nhập của họ. Trợ cấp của nhà nước cũng
ít, qua đó hạn chế khả năng tiếp cận của trẻ em nghèo.
Tổng thống Joe Biden muốn thay đổi điều đó. Dự
luật chi tiêu xã hội của ông, sẽ được đưa ra biểu quyết tại Quốc hội trong những
tuần tới, đảm bảo tất cả trẻ em ba và bốn tuổi được đi học mẫu giáo, đồng thời
tăng mạnh trợ cấp cho dịch vụ chăm sóc trẻ. Để có một hệ thống chăm sóc trẻ em
mạch lạc đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Nhưng nó sẽ giúp trẻ em phát triển và khuyến
khích bình đẳng giới.
Báo cáo về nạn nghiện
thuốc lá của WHO
Tuần này WHO đã công bố dữ liệu mới nhất về nạn
hút thuốc. Người ta ước tính thuốc lá gây ra 8 triệu ca tử vong sớm mỗi năm –
nhiều hơn gấp đôi con số tử vong chính thức do covid vào năm 2020 (mặc dù con số
thực có thể cao hơn). Trong báo cáo năm nay, WHO đề cập đến các biện pháp có thể
giúp 1,3 tỷ người hút thuốc trên thế giới cai nghiện. Thống kê cho thấy chỉ 4%
số người bỏ thuốc thực sự thành công. Lời khuyên của bác sĩ, đường dây trợ
giúp, ứng dụng điện thoại hay các loại thuốc như miếng dán nicotine có thể tăng
gấp đôi tỷ lệ thành công. Ở những nước có trợ giúp, chẳng hạn như Anh, các lợi
ích sức khỏe là đáng kể theo thời gian. Gần 2/3 số người Anh từng hút thuốc nói
họ đã bỏ thuốc.
Không được đề cập trong các khuyến nghị của
WHO là thuốc lá điện tử. Chúng gây nghiện và chứa một số thành phần có hại (mặc
dù ít hơn nhiều so với thuốc lá thông thường), nhưng nhiều nước xem thuốc lá điện
tử là phương tiện hỗ trợ hữu ích để cai thuốc lá thực. Dịch vụ Y tế Quốc gia
Anh có thể sớm trở thành đơn vị đầu tiên kê đơn thuốc lá điện tử miễn phí cho
những người hút thuốc.
No comments:
Post a Comment