Sunday, 14 November 2021

SAU PHÚT MẶC NIỆM (Lê Huyền Ái Mỹ)

 


SAU PHÚT MẶC NIỆM   

Lê Huyền Ái Mỹ

13/11/2021 23:19   

https://www.facebook.com/huyenaimy.le.9/posts/289401689728939

 

Tối 19.11, tại TP HCM, lễ tưởng niệm Quốc gia những đồng bào và cán bộ, chiến sĩ đã mất vì Covid-19 sẽ có nghi thức thắp đèn, nến và thả hoa đăng trên sông Sài Gòn ở các khu vực kênh Nhiêu Lộc, Bình Thạnh, qua quận 8,7, vô Nhà Bè. Cùng với đó là gõ đại hồng chung ở các chùa, rung chuông ở nhà thờ và kéo những hồi còi ở bến cảng.

 

Đó là những nghi thức trang trọng, thành kính, chỉ mới hình dung thôi cũng đã chùn lòng. Trong hơn 2 vạn người nằm xuống, riêng thành phố này đã lạc mất mười mấy ngàn con người. Có người quen, có người lạ nhưng bất cứ ai rơi vào tử biệt cũng là nỗi bàng hoàng, đau xót. Một cái cúi đầu tiễn biệt. Một tiếng hồng chung vang lên, như kết nối lòng người ở lại với muôn vàn linh hồn đã ra đi, có đất trời và dòng sông chứng giám. Âu đó cũng là niềm an ủi cho người còn sống. Và muôn ngàn lời xin được thứ tha, vì đã không níu giữ được trước cơn phong ba đại dịch, một câu giã từ còn không kịp.

 

Sau một thời gian ngắn, ban đầu có phần chuệch choạc, lúng túng; thì, chính quyền TP HCM và lực lượng quân đội cùng với hành động lo hỏa táng, sắp xếp và trao tận nhà tro cốt người mất, thiết lập tạm thời một nơi thờ cúng người đã qua đời và nay, là lễ tưởng niệm quốc gia đồng bào, chiến sĩ tử vong vì Covid-19, tất cả là một nghĩa cử phải Đạo, nhân văn.

 

Nó cận nhân tình cho cả người đang sống.

 

Nói như ông Mãi là chí phải “lễ tưởng niệm lần này nhằm nhắc nhở mọi người là thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào”. Cái mình có thể soi chiếu, nắm được cả quy luật biến đổi (virus) mà còn không thuần hóa được, buộc phải “sống chung” - cũng là cái vẫn đang tồn tại. Huống gì, cái mình không thấy được thì không có nghĩa là không tồn tại. Cho nên, ứng xử phải Đạo với cả những điều hữu hình lẫn vô hình mới thực là biện chứng trong phép cân bằng từ duy tâm - duy tâm khách quan - duy vật.

 

Ứng xử trước sau với người nằm xuống đã là một việc làm của lẽ phải.

 

Lo một cách căn cơ, đàng hoàng, hợp lý sau trước với người còn sống lại là việc của người nắm giữ lẽ phải cần làm.

 

Như sau đây, khi lễ tưởng niệm Quốc gia người mất vì Covid-19 đã hoàn tất, không nên duy trì hay tiếp tục tổ chức lễ tưởng niệm ở các cấp địa phương, xuống tận địa bàn quận huyện nơi có người qua đời vì dịch bệnh. Vừa tốn kém vừa chẳng may “mắc bệnh” tụ tập. Thời gian, công sức, tiền của (dù ít), sức khỏe xin hãy để dành mà lo cho người sống.

 

Cũng chẳng nên lấy tuyên dương làm trọng. Chỉ khi nào dịch bệnh yên hẳn. Có chúc mừng nhau qua khỏi cơn hoạn nạn cũng không muộn. Khi đấy, ai còn sống mà ngồi lại để khen người sống lẫn truy tặng người chết thì hẳn. Còn giờ, chỉ mỗi công đoạn in sao báo cáo, làm bằng khen, có nơi còn đặt làm biểu tượng đã ngốn mớ tiền. Để đấy mà lo cho người trong người ngoài tiếp tục chống dịch. Thiết thân hơn nhiều.

 

Chứ ngó qua một vài nơi, vẫn còn bày biện tổng kết, khen thưởng quá nhiều, nhất là đang đi gần về cuối năm.

 

Hôm qua, đi tìm mấy chỗ ăn xưa cũ, hầu hết đều đang đóng cửa, có nơi ghi rõ “đóng vĩnh viễn”, những hàng phố dài vẫn im ỉm.

 

Cúi đầu mặc niệm chỉ 1 phút. Rồi sau đó, phải ngẩng lên mà sống tiếp, tìm cách mưu sinh, chống chỏi…

 

.

17 BÌNH LUẬN  





No comments:

Post a Comment

View My Stats