Những người thầy và bài học
lịch sử năm xưa
Trịnh
Khả Nguyên
19/11/2021
https://baotiengdan.com/2021/11/19/nhung-nguoi-thay-va-bai-hoc-lich-su-nam-xua/
“Làm con phải nhớ ông
cha
Làm dân phải nhớ nước nhà từ xưa
Họ nào trước đã làm vua,
Chiến tranh mấy thủa, được thua thế nào…”
Đó là mấy câu mở đầu của quyển lịch sử Việt
Nam bằng thơ lục bát của Thầy tôi, Thầy A, tương tự như quyển Đại Nam Quốc sử
Diễn ca 大南國史演歌 của ông Lê Ngô Cát. Quyển
sách của Thầy có tên, nhưng tôi không nhớ, xin lỗi Thầy, nay tạm gọi là quyển Sử
Ca (SC).
Năm tôi học lớp Đệ Thất (lớp 6 bây giờ), thầy
A dạy môn lịch sử, một hôm Thầy mang quyển SC do Thầy sáng tác đến lớp giới thiệu
với học sinh và đọc đoan mở đầu trên kia rồi vài trích đoạn nữa:
“…Gia Long thống nhất sơn hà,
Mở mang bờ cỏi khai Gia Định thành.
Bắt làm địa bộ phân minh,
Chia công điền thổ công bình cho dân.
Đất đai quý tộc bớt phần,
Cắt cho dân chúng chuyên cần làm ăn…”
Sự kiện Pháp chiếm Nam Kỳ được ghi lại:
“Biên Hòa, Gia Định, Định Tường,
Bên ta thua trận phải nhường đất đai.
Pháp toan bảo hộ lâu dài,
Mà vua ta cứ hiểu sai tình hình.
Phái người sang đến Pháp đình,
Lo bề chuộc những tỉnh thành mất đi.
Điều đình chẳng được việc chi,
Bắt Phan Thanh Giản đi về uổng công …”
Những bạn học cũ có ai nhớ nhiều hơn tôi
không? Tôi chỉ nhớ bấy nhiêu và có thể không chính xác. Dù thế, kể cũng không tồi
nhưng cũng không giỏi giang gì vì nhờ những câu thơ có vần nên dễ thuộc.
Từ đó tôi không gặp lại Thầy, có thể Thầy
không còn dạy nữa, có thể Thầy đổi chỗ ở, không ai biết địa chỉ, hay Thầy đã chết
vì đã cao tuổi. Học trò, có người cũng đã chết lâu lắm rồi, chết trong chiến
tranh, lúc tuổi còn rất trẻ.
Phải thuộc lòng một bài văn, một công thức
toán, một quy tắc văn phạm là việc bình thưòng, là “nghĩa vụ” của học sinh thời
nào, lối giáo dục nào cũng thế. Những kiến thức in vào đầu một học sinh, một phần
nhờ cách dạy của Thầy Cô, một phần nữa do người học thích học môn đó. Theo tôi,
dạy lịch sử là dạy những chuyện (thât) vui buồn đã xảy ra, vui với những sự kiện
oai hùng như chiến thắng Bạch Đằng, Đống Đa, buồn như chuyện mất Hoàng Sa để,
ít ra, biết khóc cười theo mệnh nước nỗi trôi.
Dạy sử, không phải là kể những sự kiện khô
khan, những con số vô hồn hoặc bịa ra những giai thoại, những mẫu người, những
gương nầy, gương nọ. Việc dạy sử, học sử bây giờ là vấn đề đáng nói. Trong những
năm gần đây, điểm số môn sử trong những kỳ thi cao đẳng, đại học rất thấp, nhiều
học giả, thầy giáo, báo chí than phiền, trích vài ý kiến:
– “Tại Trường ĐH Đà Nẵng, năm nay, thật bất
ngờ khi chỉ có 1,3% thí sinh (TS) đạt điểm trên trung bình môn Lịch sử (50 TS)
và tới 21% bị điểm 0” – (Báo CAND).
– “Ngay khi điểm thi THPT quốc gia 2019 được công bố,
một trong những con số khiến nhiều người chú ý là thống kê: có tới 70% số bài
thi môn lịch sử đạt điểm dưới trung bình (GS
Phạm Hồng Tung – Bất cập trong dạy, học và thi lịch sử đã kéo quá dài – báo
ND).
Có TS còn nhầm một cách buồn cười, cho rằng
Nguyễn Huệ là Nguyễn Du. Thánh thần ơi!
Chính ông Bộ trưởng Giáo dục cũng thừa nhận,
bây giờ học sinh không thích học và học kém môn sử. Tại sao như thế? Nguyên
nhân chủ yếu là học sử, dạy sử đều bất cập.
Thông thường học sinh không thích môn nào thì
học kém môn ấy. Một phần do nội dung bài học, do thầy dạy chưa hấp dẫn. Tôi
không dám nói các thầy kém bởi có rất nhiều thầy cô giáo có trình độ, tâm huyết
nhưng không … dám, hoặc nói thật thì gặp khó khăn, như cô giáo ở đại học Duy
Tân, Đà Nẵng. Phần khác do người học không thích.
Thật ra, học môn sử không khó, có lẽ còn dễ
hơn học những môn khác như toán, lý, hóa, sinh ngữ, nhưng phụ huynh, học sinh đều
đầu tư cho những môn chủ yếu thi vào Bách Khoa, Y Khoa, Ngoại Ngữ hoặc các ĐH
An Ninh, quân sự để có “tiền đồ”. Ít người chọn học sử, trừ những em đam mê. Học
sinh không đầu tư cho môn sử vì cho rằng học sử ra trường khó tìm việc làm. Đó
là sự thật, chứ không phải xem thường lịch sử dân tộc.
Bình luận về một sự kiện, một nhân vật, học
sinh phải ghi lại đúng những ý trong SGK, chỉ cần “gạch đầu dòng”, không cần viết
thành câu, chẳng hạn: Anh dũng, mưu trí, có tinh thần lạc quan cách mạng. Hoặc
là: Bị áp bức, bị hãm hiếp, bị bóc lột v.v…
Người chấm (giám khảo) đếm số ý đúng để cho điểm,
giống như chấm môn toán, đúng tới đâu cho điểm tới đó. Tương
tự, dạy, học văn cũng thế, dù văn là môn học đề cao sáng tạo, tránh rập khuôn
theo mẫu, tránh cảm xúc giả tạo.
Thời chúng tôi, môn Việt Văn (chứ không gọi gọn
là Văn như hiện nay), chúng tôi được học thơ văn của các vị có tư tưởng khác
nhau như Nguyễn Công Trứ khác với Cao Bá Quát, như Nguyễn Khuyến, Trần Tế
Xương, khác với Chu Mạnh Trinh, của các nhà yêu nước Phan Châu Trinh, Phan Bội
Châu, Phan Văn Trị… và của những người thân Pháp như Tôn Thọ Tường, về sau nhóm
Tự lực Văn Đoàn khác với nhóm Nam Phong. Bài như nhau, nhưng bình có thể khác
nhau, học sinh cũng có thể trình bày suy nghĩ của mình, miễn đừng quá khích, có
lý thì vẫn được chấp nhận.
Chẳng hạn, một đề bài nghị luận văn chương “Cụ
Nguyễn Công Trứ viết ‘Phải có danh gì với núi sông’. Qua thơ của NCT,
Anh/ chị cho biết danh theo Cụ là danh tiếng, danh dự, danh lợi
hay là danh gì khác?”. Một đề bài rất thoáng, để ngỏ cho học sinh trình bày.
Bây giờ, học sinh chỉ quanh quẩn theo SGK, đáp án, có người suy nghĩ hộ.
Bài làm môn sử 0 điểm là nỗi buồn cho thí
sinh, cho môn sử, cho giáo dục và cũng là nỗi buồn cho lịch sử.
Trên là ký ức của tôi về một môn học, một người
Thầy. Còn rất nhiều Thầy, Cô nữa cũng đáng kính đã để lại những kỷ niệm đẹp
trong tôi.
Nhân ngày 20.11 kính tri ân các Thầy, Cô!
No comments:
Post a Comment