Chuyên
gia Mỹ: Trung Quốc củng cố dân quân biển nhằm kiểm soát Biển Đông
Trọng
Nghĩa -
RFI
Đăng ngày: 24/11/2021 - 14:30
Trong những năm gần đây, các nước có tranh chấp với
Bắc Kinh về Biển Đông đã rất khổ sở khi phải đối phó với đội tàu “đánh cá”,
nhưng thực ra là dân quân biển của Trung Quốc. Trong một bản báo cáo công bố
hôm 18/11/2021, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), trụ sở tại
Washington (Hoa Kỳ) đã cung cấp một hồ sơ được cho là “toàn diện nhất” về một lực
lượng mà Bắc Kinh không ngừng củng cố và mở rộng để khẳng đinh quyền kiểm soát
trên Biển Đông.
Ảnh minh họa: Tàu của
Trung Quốc tập trung tại khu vực Đá Ba Đầu, Biển Đông. Ảnh chụp ngày
27/03/2021. Manila tố cáo đây là tàu dân quân biển. Bắc Kinh phủ nhận, khẳng định
đây là tàu đánh cá. via REUTERS - PHILIPPINE COAST GUARD
Trong bản nghiên cứu mang tựa đề “Vén bức
màn che phủ lực lượng dân quân biển Trung Quốc” (Pulling Back the Curtain on
China’s Maritime Militia) dài gần 90 trang, các chuyên gia Mỹ đã đi sâu
vào tìm hiểu lịch sử hình thành, cách thức tổ chức, phương thức hoạt động của lực
lượng mà Bắc Kinh gọi là “Hải Thượng Dân Binh”, đồng thời nhận dạng gần 200 chiếc
tàu cụ thể trong lực lượng này cho dù thông tin từ phía Trung Quốc không rõ
ràng.
Theo CSIS, ý đồ của Trung Quốc khi tăng cường
lực lượng này rất rõ ràng. Trong phần mở đầu bản báo cáo, các tác giả đã ghi nhận:
“Kể từ khi hoàn thành việc xây dựng các tiền đồn trên các đảo nhân tạo ở quần
đảo Trường Sa vào năm 2016, Trung Quốc đã chuyển trọng tâm sang khẳng định quyền
kiểm soát đối với Biển Đông. Một phần quan trọng của sự chuyển đổi này là việc
mở rộng lực lượng dân quân hàng hải, một lực lượng bề ngoài là hoạt động đánh bắt
cá nhưng trong thực tế lại góp sức cho lực lượng thực thi pháp luật và quân đội
Trung Quốc để đạt các mục tiêu chính trị trong vùng biển tranh chấp”.
Đối với các chuyên gia Mỹ, các chiến thuật mà
lực lượng này sử dụng đã đặt ra một thách thức đáng kể đối với việc duy trì một
trật tự hàng hải theo luật pháp quốc tế, đặc biệt trên Biển Đông.
Việt Nam và
Philippines: Hai nạn nhân chính của dân quân biển Trung Quốc
Vai trò của dân quân biển Trung Quốc trong các
sự cố mà Bắc Kinh gây ra trên Biển Đông đã được nêu bật trong phần nói về lịch
sử hoạt động của lực lượng này, với Việt Nam và Philippines là hai nạn nhân
chính.
Theo Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế,
sự kiện đầu tiên đánh dấu việc Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân biển trong
mục tiêu áp đặt quyền kiểm soát trên Biển Đông xẩy ra từ năm 1974 trong chiến dịch
đánh chiếm toàn bộ vùng quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam.
Sau đó, Việt Nam tiếp tục là đối tượng bị sách
nhiễu, đặc biệt khi Bắc Kinh bắt đầu thúc đẩy việc cản trở các hoạt động dầu
khí của các láng giềng trên Biển Đông, kể từ đầu những năm 2000.
Sách nhiễu hoạt động
dầu khí
Theo CSIS, nổi bật nhất là những vụ việc xẩy
ra năm 2011 khi Trung Quốc tung dân quân biển sách nhiễu tàu thăm dò dầu khí
Viking 2 của Na Uy nhưng hoạt động cho tập đoàn dầu khí PetroVietnam. Trước đó,
tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã sách nhiễu tàu khảo sát Bình Minh 02 của
Việt Nam, một hành vi đã được lập lại một năm rưỡi sau đó.
Nổi cộm nhất và rõ ràng nhất chính là vụ Trung
Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào cắm sâu trong vùng thềm lục địa của Việt Nam năm
2014. Vào khi ấy, để đối phó với Việt Nam, Trung Quốc đã điều động một lực lượng
đáng kể tàu hải quân và cảnh sát biển đến nơi, và dĩ nhiên là vô số tàu thuộc lực
lượng dân quân biển. Vào giữa tháng năm năm 2014 chẳng hạn, Việt Nam cho biết
là có đến 130 chiếc tàu Trung Quốc trên hiện trường.
Dĩ nhiên, không chỉ có Việt Nam là bị dân quân
biển Trung Quốc sách nhiễu. Một nạn nhân đáng kể khác là Philippines, với việc
để mất bãi cạn Scaborough vào tay Trung Quốc, hay gần đây hơn là những sự cố gần
đảo Thị Tứ hay khu vực Đá Ba Đầu.
Các hoạt động của lực lượng dân quân biển
Trung Quốc tại khu vực Trường Sa đã gia tăng đáng kể và trở thành thường xuyên
hơn từ khi Bắc Kinh hoàn tất các tiền đồn quân sự trên 7 đảo nhân tạo mà họ đã
bồi đắp.
Hai thành phần của
dân quân biển
Bản báo cáo của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược
và Quốc Tế còn nêu bật nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tài trợ và hỗ trợ chuyên
môn cho lực lượng dân quân biển, đặc biệt là dưới thời chủ tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình.
Đội dân quân biển Trung Quốc, theo CSIS, bao gồm
hai loại tàu: tàu chuyên dụng đặt căn cứ tại 10 hải cảng, một nửa ở tỉnh Quảng
Đông, 5 cảng còn lại ở tỉnh đảo Hải Nam, và đặc biệt là đội tàu đánh cá thương
mại thuộc lực lượng gọi là "đội tàu đánh cá hỗ trợ vùng Nam Sa”,
tên tiếng Hoa là “Nam Sa cốt cán bộ đội” - Nam Sa là tên Trung Quốc đặt
cho vùng quần đảo Trường Sa.
CSIS ghi nhận là để có thể gia nhập vào đội
tàu hỗ trợ Trường Sa này, các con tàu phải đáp ứng những kích thước tối thiểu
(dài 35 mét và và trọng tải 200 tấn). Theo các tài liệu của chính phủ Trung Quốc
mà CSIS tham khảo được, các con tàu phải hoạt động ít nhất hai trăm tám mươi
ngày một năm trong “các khu vực hàng hải cụ thể, được phân định theo mục
tiêu bảo vệ tổ quốc để được hưởng nguyên thù lao”.
Nghiên cứu của CSIS nêu rõ ví dụ về hai chiếc
tàu Quế Bắc Ngư (Gui Bei Yu) 88603 và 39198, bị phát hiện trong số cả trăm chiếc
tàu tập trung vào tháng 03-04/2021 ở vùng Đá Ba Đầu, trong vùng đặc quyền kinh
tế của Philippines.
Hoạt động không có
gì là thương mại hay hòa bình
Điểm đáng ngại được Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến
Lược và Quốc tế CSIS nêu bật là mục tiêu không có gì là thương mại hay hòa bình
của lực lượng dân quân biển Trung Quốc.
Báo cáo của CSIS ghi nhận: “Trong suốt những
năm 2000, dân quân biển Trung Quốc đã chuyển trọng tâm hoạt động qua việc do
thám và quấy phá hoạt động quân sự của các nước khác”, kể cả việc cố ý va
chạm, rải chướng ngại vật trên đường đi, dùng vòi rồng tấn công hay tham gia
các hoạt động di chuyển nguy hiểm khác.
Á và cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu
Á (AMTI) của CSIS, đồng tác giả của bản báo cáo, thì “giá trị của dân quân
biển nằm ở chỗ Trung Quốc có thể phủ nhận trách nhiệm về hành động của lực lượng
này”, cho đấy không phải là tàu Nhà nước.
Đối với chuyên gia Poling Bắc Kinh hoàn toàn
có thể cho rằng đó là những chiếc tàu cá bình thường, nhưng “bằng chứng thu
thập từ xa và ảnh vệ tinh cho thấy có thể phân biệt rõ giữa tàu dân quân biển
và tàu cá thông thường”.
Dân quân biển là
điển hình cho chiến thuật vùng xám
Theo giới chuyên gia, dân quân biển Trung Quốc
là ví dụ điển hình về "chiến thuật vùng xám" của Trung Quốc nhằm
củng cố yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, cho phép Trung Quốc tiếp
tục phớt lờ luật biển quốc tế, nhất là phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài
Thường Trực bác bỏ yêu sách "quyền lịch sử" và "đường
9 đoạn" tại Biển Đông.
Trả lời kênh truyền thông Ả Rập Al Jazeera
ngày 19/11 vừa qua, ông Collin Koh, chuyên gia về Biển Đông tại Singapore nhận
định: “Việc Trung Quốc sử dụng chiến thuật vùng xám như vậy đặt ra thách thức
trực tiếp và nghiêm trọng với trật tự dựa trên luật lệ, vốn quy định việc các
nước tương tác với nhau và giải quyết bất đồng trên cơ sở bình đẳng”.
-------------------------------------------------
Các nội dung liên
quan
Biển
Đông: Việt Nam lên tiếng lo ngại về những luật lệ và hành động trái với UNCLOS
PHILIPPINES
- TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG
Hải
cảnh Trung Quốc phun vòi rồng sách nhiễu tàu tiếp liệu Philippines
BIỂN
ĐÔNG - TRUNG QUỐC - MALAYSIA
Biển
Đông: Tàu Trung Quốc "quấy nhiễu" tàu Malaysia tại nhiều khu vực dầu
khí
No comments:
Post a Comment