Tuesday, 2 November 2021

ĐẠO DIỄN VIỆT LINH KỂ CHUYỆN KIỂM DUYỆT PHIM : PHÓNG TÚNG và HẸP HÒI (Tuổi Trẻ Online)

 


Đạo diễn Việt Linh kể chuyện kiểm duyệt phim: Phóng túng và hẹp hòi    

Tuổi Trẻ Online

31/10/2021 09:49 GMT+7

https://tuoitre.vn/dao-dien-viet-linh-ke-chuyen-kiem-duyet-phim-phong-tung-va-hep-hoi-20211031090341557.htm

 

TTO - Cuối năm 2019, nhân phim Ròm nhốn nháo, được phỏng vấn cùng mấy đồng nghiệp khác, tôi từ chối với lý do không thể nói đôi câu, hứa viết hẳn bài khi có dịp.

 

·         Luật quy định làm phim bằng ngân sách phải đấu thầu, nhưng không thể thực hiện!

·         'Luật điện ảnh phải tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển chứ đừng cản trở'

·         Dừng chiếu phim của nghệ sĩ vi phạm đạo đức: Hình phạt quá nặng và bất công?

 

https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/586/2021/10/31/16a-1635645430473809909247.jpg

Cảnh trong phim Mê Thảo - Thời vang bóng

 

Nhân Quốc hội lấy ý kiến Luật điện ảnh sửa đổi, tôi muốn kể ra vài trải nghiệm cho thấy các "hư vô" của thiết chế kiểm duyệt.

 

1. Phim đầu tay Nơi bình yên chim hót (1986) rất bình yên, ngoài chi tiết cô giáo gây thất vọng phải đối trọng bằng cô giáo tốt. Kết phim là cảnh cậu học sinh nằm trên cỏ ngắm chim về tổ.

 

Quay phim Đường Tuấn Ba canh mãi mới có được cảnh đàn chim bay như mũi tên giữa hoàng hôn khá đẹp, nhưng hội đồng duyệt kêu cảnh hơi buồn, đề nghị chỉnh màu cho tươi sáng; bất kể tốn tiền in lại, bất kể chim về tổ ban... trưa!

 

Phim thứ ba Gánh xiếc rong (1988) thì lắm chuyện: Từ kịch bản Trò ảo thuật của Phạm Thùy Nhân bị hai đạo diễn chê, lãnh đạo T. phản đối; tôi xin nhận và được ba sếp thuận, hai chống.

 

Để dung hòa, giám đốc Hãng Giải Phóng khi đó cho làm nhưng cấp kinh phí thấp. Ngày ra cục duyệt, trước khi phim trình chiếu, lãnh đạo T. nói với hội đồng ông nghĩ phim "nhạy cảm". Phim nằm ụ suốt hai năm, liên tục được giải cứu bằng tình cảm lẫn sự dũng cảm của nhiều người.

 

Đầu tiên là cục trưởng Nguyễn Thụ đề nghị cắt bớt cảnh bong bóng xà phòng vỡ, đổi tựa thành Ngày xưa có kẻ hám vàng. Vẫn không xong, hội đồng đề nghị quay thêm đoạn cuối, khẳng định phim có chủ đề lao động chứ không phải thứ khác.

 

Là nghệ sĩ công chức tôi buộc phải chấp nhận, chọn đồi cỏ ngoại ô phiên phiến Phan Rang để quay cảnh ra đồng, để Già làng... định hướng bé Đác: "Muốn có cái ăn cái tay phải làm, cái đầu phải đội mưa đội nắng; không có phép lạ nào hết con à". Nhưng phim vẫn chưa qua ải.

 

https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/586/2021/10/31/16c-16356454880571631831210.jpg

Cảnh trong phim Gánh xiếc rong

 

Xót ruột công-của, giám đốc hãng tổ chức chiếu cho một số văn nghệ sĩ thành phố xem, "phụ tìm cách sửa". Sau buổi chiếu ở Nhà văn hóa Liên Xô, phần lớn ý kiến nói phim ổn, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu khuyên giữ nguyên, chỉ đổi... quốc tịch.

 

Cứ cù cưa vậy cho đến khi thứ trưởng Đình Quang đề nghị đổi tên Gánh xiếc rong và bài bảo vệ của anh Đặng Nhật Minh đăng trên Tuổi Trẻ, phim mới được cấp phép, cho dự Liên hoan phim Nantes ở Pháp (1990).

 

Khi phim công chiếu, tôi giật thót thấy mở đầu có thêm giọng nữ ngoài hình, kiểu "Đây chỉ là một giấc mơ, một cổ tích không có thật...".

 

Nội dung này được bổ sung trước khi phim gửi đi nhưng tác giả không biết. Bản phim từ đây có thêm khúc đầu, khúc đuôi khiên cưỡng!

 

Phim Dấu ấn của quỷ (1992) nói về cô gái bị dân làng thủ tiêu do sinh ra có vết chàm trên ngực thì bị suy... lý lịch. Nhờ suy ám lớn này chăng mà cảnh làm tình khỏa thân đầu tiên của Việt Nam khi đó đã bị quên, được giữ nguyên.

 

Phim Chung cư (1999) khi chiếu duyệt được khen chân thật, xúc động; nhưng sau khi một tiến sĩ gửi thư đến cục tố cáo phim xuyên tạc Đổi mới, thì em ta lét đét trong nước, cả Liên hoan phim quốc gia lẫn Hội nghề nghiệp, dù có giải quốc tế, là phim Việt Nam đầu tiên phát hành thương mại ở Pháp.

 

Với Mê Thảo - Thời vang bóng (2002) thì ôi thôi trần ai. Từ văn học gốc Chùa Đàn vốn nhiêu khê của cụ Nguyễn Tuân, kịch bản điện ảnh lận đận sáu năm qua hai đời cục trưởng; nhấp nhứ dự án Tây sang sản xuất ta.

 

Do kịch bản đã được soi kỹ nên phim ra suôn sẻ, chỉ bất thần gặp chuyện Đơn Dương - câu chuyện tiêu biểu cho hội chứng "chúng khẩu đồng từ". Trước buổi ra mắt hai hôm, giám đốc Ngọc Quang bị áp lực khuyên tôi nên hủy nhưng tôi phản đối, đòi văn bản.

Sát giờ khai mạc, có hai người đến gặp tôi xưng phóng viên của hai tờ báo lớn, khuyến cáo sẽ có "quần chúng phẫn nộ" nếu Đơn Dương xuất hiện.

 

Để tránh những nguy cơ có thể, tôi gọi Đơn Dương đừng đến, thông báo diễn viên tôi sẽ một mình lên sân khấu với lý do diễn viên hai miền không đủ mặt. Rất hụt hẫng nhưng mọi người đồng ý nắm tay chia sẻ cái không vui.

 

Sau buổi ra mắt căng thẳng là những ngăn trở phim tham dự festival quốc tế, "sợ Đơn Dương được giải", như lời giám đốc hãng phim truyền đạt. Tỉ lệ thuận với những bài báo chống Đơn Dương tiếp theo là bộ phim càng hạn chế xuất ngoại.

 

Liên hoan phim Phụ nữ Tokyo phải mượn phim của hãng phát hành Nhật, Liên hoan phim Pusan đã in catalogue ngày chiếu nhưng Cục Điện ảnh có thư từ chối.

 

https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/586/2021/10/31/16b-16356455178821974586772.jpg

Hình ảnh trên poster phim Chung cư

 

2. Kể đôi trải nghiệm riêng, ưu tư bao biến cố chung, tôi nhận ra hai thái cực đánh giá ở ta cần chỉnh đốn: phóng túng/hẹp hòi. Phóng túng như cuộc khen thưởng rầm rộ phim truyền hình Về nhà đi con.

 

Phim tốt, nhưng chia sẻ của một lãnh đạo ngành khi vinh danh phim thể hiện một kiến thức la đà: "Tôi ít có thời gian xem phim, nhưng thấy cả nhà tôi lẫn hàng xóm đều xem nên bị cuốn vào".

 

Hẹp hòi như tác giả Đ.T. trong bài "Những xu hướng vận động của điện ảnh hiện nay" trên tạp chí Thế Giới Điện Ảnh tháng 12-2017:

 

"Tất cả những nhà làm phim Việt kiều hay những nhà làm phim trẻ đều thiếu kiến thức văn hóa, kiến thức cuộc sống. Bởi tất cả họ đều sống trong thế giới Internet.

 

Rất ảo ảnh. Rất giả tạo. Họ không có khả năng quan sát. Không có khả năng suy nghĩ và phân tích. Không có khả năng cảm nhận số phận con người cũng như vẻ đẹp thiên nhiên... Điều đó giết chết chính họ và giết chết điện ảnh".

 

Tệ hơn, tác giả quy chụp chính trị cho những bạn làm phim trẻ có dự án xin đầu tư ở các Liên hoan phim quốc tế: "Đây không chỉ đơn thuần là việc tài trợ kinh phí mà còn là những cuộc tài trợ về tư tưởng.

 

Bởi đa phần những dự án làm phim nhận được tài trợ đều có nội dung phơi bày những mặt trái của các nước xã hội chủ nghĩa (điều mà các festival phim phương Tây rất thú vị).

 

Đương nhiên, khi đã nhận tiền các ông chủ nước ngoài thì các nhà làm phim trẻ cũng phải nhảy theo cây đũa chỉ huy của họ".

 

Dùng chữ "tất cả", tác giả vơ đũa giới phim ảnh Việt kiều. Dùng chữ "nhảy theo cây đũa", tác giả miệt thị, hằn học các đạo diễn nhận tài trợ quốc tế là tay sai ngoại bang. Và khi viết các bạn trẻ "được sự khích lệ của một số đạo diễn đàn anh có sở thích vọng ngoại", người viết đã quy chiếu chính trị cho đối tượng.

 

Trong đặc thù sáng tác Việt Nam, đây là thứ quy chụp nhỏ nhen. Ngay khi đọc báo, tôi đã gọi điện cho phó chủ tịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thắc mắc tại sao tờ báo của Hội nghề nghiệp lại đăng một bài viết phân chia chiến tuyến?

 

Viết tí chuyện riêng và chấm phá chuyện chung, tôi tin nền nghệ thuật quốc gia không thể phát triển khi lãnh đạo thiếu kiến thức, bản lĩnh, tình yêu văn hóa. Rằng đặt lên vai nghệ thuật nhiệm vụ quá cao hay phó mặc tự sinh đều là thái cực tư duy khiếm khuyết.

 

----------

 

Từ chối mặt trái xã hội, làm sao có phim kinh điển?

TTO - Sau khi tiếp nhận 240 ý kiến thảo luận tại tổ và 23 ý kiến phát biểu tại Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hùng, bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, đã có một số nội dung trả lời, giải trình về dự thảo Luật điện ảnh trong phiên họp chiều 28-10.

 

VIỆT LINH




No comments:

Post a Comment

View My Stats