Saturday, 16 February 2019

KHÔNG BAO GIỜ NỮA ? (Lê Phan)




Lê Phan
February 16, 2019

Đó là lời hứa của thế giới, ít nhất là thế giới dân chủ Tây Phương, đưa ra sau vụ thảm sát người Do Thái. Đó cũng là điều thế giới đã hứa sau những hành động tàn nhẫn vô nhân đạo mà con người đã gây nên cho con người. Nhưng cái chuyện không bao giờ nữa đang lại tái tục mà một lần nữa chúng ta lại lờ đi.

Nhà bình luận Anne Applebaum trên tờ Washington Post nhắc lại một vụ xảy ra trước Đệ Nhị Thế Chiến chưa đầy một thập niên. Đó là năm 1932 khi nhà độc tài Joseph Stalin của Liên Xô tịch thu hết lương thực của người Ukraine tạo nên nạn đói năm 1932-1933. Cũng trong giai đoạn đó, nhiều triệu người dân Liên Xô cũng đã chết đói. Điều còn đáng ngạc nhiên hơn nữa là những tin tức về những nạn đói này đã bị thế giới bỏ quên, hay đúng hơn cố tình lờ đi.

Một phóng viên của tờ New York Times đã cố tình che giấu sự thật, nhưng trong khi đó một nhà báo tự do từ xứ Wales của Anh Quốc viết lên sự thật nhưng không ai tin.

Là một sử gia chuyên về lịch sử Liên Xô, bà Applebaum thường được hỏi tại sao nhà báo xứ Wales không được ai tin, hay tại sao cả Bộ Ngoại Giao Anh lẫn tòa thánh Vatican biết những gì đang xảy ra nhưng giữ im lặng, thì bà thường trả lời là năm 1933 là năm Adolf Hitler đang thăng tiến ở Đức thành ra các chủ bút của các tờ báo lớn bị phân tâm.

Mới trước đó, năm 1932, trong cuộc bầu cử, Hitler đã suýt nữa trở thành tổng thống Đức. Năm 1933 là năm mà vào ngày 30 Tháng Giêng, đảng Đức Quốc xã đã đảo chánh chiếm quyền và đến ngày 10 Tháng Ba năm đó, tòa nhà Quốc Hội Reichstag bị đốt. Các nhà ngoại giao và các chính trị gia đã bắt đầu lo ngại là rồi họ sẽ cần Stalin làm đồng minh. Những nhà chính trị “thực tế” như ông Edouard Herriot (đã đến thăm Ukraine vào Tháng Tam, 1933 và tuyên bố là ông ta không thấy có nạn đói mà chỉ thấy “vườn tược tươi tốt”) muốn nước mình buôn bán với Nga. Vả lại, Ukraine, một nước Cộng Hòa Xô Viết xa xôi, là một chỗ xa lạ và không được sự chú ý của những người dân ở Luân Đôn, Paris hay New York. Hơn thế đa số cảm thấy là họ không làm gì nổi cho những người đang khốn khổ đó.

Cũng vậy, thế giới đã làm ngơ khi vụ thảm sát do Pol Pot và đảng Khmer Đỏ tổ chức từ năm 1975 đến năm 1979. Lúc đó, sau sự thất thủ của Sài Gòn, thế giới đã cố tìm cách quên đi sự hiện hữu của các chế độ Cộng Sản ở Việt Nam và Cambodia, cũng như coi số phận của những người dân bị thảm sát là không quan trọng.

Rồi năm 1994 khi người Hutu ở Rwanda giết hại cả triệu người Tutsi, lần này một ông tổng thư ký Liên Hiệp Quốc người Phi Châu, ông Boutros Boutros-Ghali, đã ra lệnh cho lực lượng Liên Hiệp Quốc bảo vệ hòa bình không được can thiệp.

Cũng có thể nói nhưng chuyện xảy ra đó có tính cách cục bộ, chỉ ảnh hưởng đến người dân một nước không mấy quan trọng. Nhưng sự làm ngơ đó không phải chỉ có trong thế kỷ thứ 20. Lại một lần nữa thế giới làm ngơ vào ngay chính năm nay 2019, từ chối không chịu thấy những trại tập trung đang bỏ tù cả triệu người Uighurs ở tỉnh Tân Cương của Trung Cộng. Và vấn đề của Trung Cộng không phải là một vấn đề cục bộ của một tiểu quốc.

Công an Trung Quốc đi tuần ở một chợ đêm bán thực phẩm gần nhà thờ Hồi giáo Id Kah ở Kashgar, Tân Cương của Trung Quốc hồi Tháng Sáu, 2017. Với sự kiểm soát chặt chẽ người Uighur của Bắc Kinh, người ta ví nơi này là một nhà tù ngoài trời. (Hình: Getty Images)

Những trại tập trung này có một mục đích rất rõ rệt, khuất phục dân tộc Uighurs, một nhóm thiểu số Hồi Giáo mà ở một khía cạnh nào đó giống như những người Ukraine ở liên bang Xô Viết cũ. Cũng như người Ukraine từ chối bị sát nhập vào thế giới Liên Xô, người Uighur không muốn bị đồng hóa vào thế giới Hán tộc.

Và cũng như Liên Xô, cộng sản Trung Hoa đã phản ứng bằng đàn áp. Những lãnh tụ Trung Cộng gần đây tìm cách đưa người Hoa sang định cư ở Tân Cương, cũng như Stalin đã đưa người Nga vào Ukraine. Đó cũng là chiến thuật họ đã áp dụng để tước đoạt Tây Tạng ra khỏi tay người Tạng. Nhưng gần đây chế độ cộng sản ở Bắc Kinh cứng rắn hơn.

Dưới trào ông Tập, Tân Cương đã trở thành một nhà tù vĩ đại. Các phóng viên Tây phương hiếm có được vào Tân Cương nói đến cảnh như một vùng đất bị chiếm đóng. Mới đây, nhà cầm quyền đã thành lập những trại tập trung cho ít nhất là một triệu người Uighur cưỡng bách “cải tạo” nhằm tiêu diệt ngôn ngữ và văn hóa họ.

Mà thực ra chúng ta có lẽ biết nhiều về những trại tập trung này hơn là những gì xảy ra ở Cambodia giới thời Khmer Đỏ, hay thế giới bên ngoài biết về thời Việt Cộng chiếm đóng miền Nam. Những trại tập trung này được tả tỉ mỉ bởi truyền thông quốc tế. Các cơ quan chính phủ cũng nghiên cứu nữa.

Quốc Hội Canada mới đây đã cho phổ biến một bản phúc trình về sự đàn áp người Uighur rất chi tiết. Bản phúc trình này tuy vậy chỉ là một trong nhiều phúc trình về chương trình theo dõi khổng lồ mà Trung Cộng đã áp đặt lên Tân Cương, sử dụng không những đám chỉ điểm truyền thống và những chốt canh của công an, nhưng còn cả trí tuệ nhân tạo, các chương trình dọ thám bằng phone, và dữ liệu sinh trắc học (biometric data). Mọi khí cụ mà một chế độ độc tài toàn trị rộng lớn hơn có thể sử dụng để kiểm soát công dân mình hiện đang được thử nghiệm ở Tân Cương.

Theo những luật lệ gọi là “chống khủng bố” ở Tân Cương, ai cũng có thể bị bắt vì bất cứ một điều gì – vì bày tỏ muốn duy trì văn hóa Uighur, chẳng hạn, hay đọc kinh Qu’ran. Một khi vào trong các trại tập trung này, những người bị bắt bị buộc phải nói tiếng quan thoại và bị buộc phải đọc những lời ca tụng đảng Cộng Sản. Những ai không tuân sẽ bị những trừng phạt không khác gì những trừng phạt ở những nhà tù cải tạo khác của các chế độ cộng sản kể cả ở Liên Xô cũ.

Một cựu tù nhân kể lại trong bản phúc trình của Canada “Họ bỏ tôi vào biệt giam, trong một chỗ chỉ có dài rộng hai mét. Tôi không được ăn uống, tay tôi bị còng sau lưng, và tôi phải đứng 24 giờ không ngủ.” Chuyện đó nghe sao quá quen thuộc với những ai đã từng bị biệt giam trong nhà tù cộng sản Việt Nam.

Cũng như thời thập niên 1930, có những giải thích cho sự thiếu giận dữ của thế giới. Các chủ bút còn chú tâm vào những chuyện to lớn hơn, quan trọng hơn như những cái tweets của tổng thống, quan trọng hơn và gần cận hơn. Các chính trị gia và lãnh tụ ‘thực tế’ sẽ nói là còn có những đề tài quan trọng hơn ta cần phải bàn thảo với Trung Cộng: giải quyết cuộc chiến mậu dịch chẳng hạn. Tân Cương là một nơi quá xa xôi cho những người sống ở Âu Châu hay Bắc Mỹ, nó xa lạ và thiếu hấp dẫn. Ấy là chưa kể những người đang bị đàn áp theo Hồi Giáo, rất dễ bị đổ cho cái danh hiệu khủng bố.

Nhưng tất cả những điều đó không thay đổi sự thật là ở một nơi xa xôi của Trung Cộng, một nhà nước độc tài toàn trị, thuộc vào loại mà chúng ta đã lên án và cương quyết diệt trừ, đang hiện hình theo một dạng mới. Với một Hoa Kỳ bận rộn vì bức tường biên giới với một nước láng giềng không có ý định thù nghịch nào với mình cũng như một lãnh tụ chỉ muốn điều đình làm ăn, với một Âu Châu tang gia bối rối vì Brexit và phong trào dân túy, thế giới đang làm ngơ trước một hiểm họa có ngày quá trễ để ngăn chặn. Không bao giờ nữa ư? Sợ là đã quá trễ vì chuyện đó đã bắt đầu xảy ra và chúng ta đang mộng du vào một cơn ác mộng nữa, lập lại cái lỗi lầm của thế kỷ thứ 20. (Lê Phan)








No comments:

Post a Comment

View My Stats