Thursday, 28 February 2019

SUY NGHĨ CỦA MỘT NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT về THÁNG LỊCH SỬ NGƯỜI DA ĐEN (Nikki Chau, thành viên của Pivot)




Nikki Chau, thành viên của Pivot
22 Tháng 2 2019

Với một người Mỹ gốc Việt như tôi, Tháng Lịch Sử Người Da Đen (Black History Month) có nghĩa gì?

Các từ “Da đen”, “Người Mỹ gốc Phi châu”, và “Người Mỹ gốc Việt,” tự chúng đã là các tên gọi nặng nề. Ngay cả khi được sử dụng chỉ để đòi lại căn cước và phẩm giá, chúng vẫn đầy rẫy sự phân chia chủng tộc, dù là thời nay hay trong quá khứ. Suy ngẫm về lịch sử người Da đen, làm sao tôi có thể vượt qua cái hậu quả dã man của sức tưởng tượng và các chính sách của người da trắng Châu Âu đã bắt rễ từ hơn 500 năm trước?

Lịch sử của người Da đen bao gồm các nhà phát minh, nhạc sĩ, văn sĩ, thi sĩ, khoa học gia, kỹ sư, nhà đấu tranh, triết gia, lực sĩ, doanh thương và các vị lãnh đạo tài năng.

Lịch sử của người Da đen cũng bao gồm các nền văn minh rực rỡ, các nền văn hóa, các truyền thống tâm linh, các truyền thống ẩm thực, và các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại.

Lịch sử của người Da đen ở Mỹ bao gồm những con người như sơ Rosetta Tharpe, người tiên phong trong dòng nhạc Rock & Roll; Octavia Butler, từng thắng giải thưởng thần đồng Mac Arthur và tác giả về khoa học giả tưởng, cũng như nhà toán học Katherine Johnson, người tiên phong trong ngành khoa học không gian và các điện toán, với các công trình thực hiện tại cơ quan NASA đóng vai trò then chốt cho phi thuyền Apollo đáp được xuống mặt trăng.

Lịch sử của người Da đen cũng bao gồm các thuộc địa và đế quốc. Lịch sử của người Da đen ở Mỹ bao gồm 500 năm của chế độ sở hữu nô lệ hợp pháp, tách ly chủng tộc, phân biệt khu vực sinh sống theo chủng tộc, và bỏ tù tập thể. Lịch sử của người Da đen tại Mỹ bao gồm những nhân vật như W. E. B. Du Bois, Harriet Tubman, và Rosa Parks. Đó là những nỗ lực còn đang tiếp tục để chống lại nạn kỳ thị chủng tộc, đấu tranh cho quyền dân sự và quyền làm người của người Da đen.

Trên cương vị một người Mỹ gốc Việt khi suy ngẫm về Tháng Lịch Sử Người Da đen, tôi liên tưởng đến lịch sử của Mỹ và Việt Nam, và làm thế nào người Mỹ gốc Việt có thể đồng minh với Người Da đen trong quá trình tranh đấu chung để đòi tự do và được giải phóng.

Sinh trưởng tại Việt Nam, tôi đã từng biết về “Mỹ” qua ba má tôi và những cuốn phim của Hollywood. Nước Mỹ là nơi mà ai ai cũng có tự do, nơi có đầy Ovaltine, sữa tươi và Coca Cola, và người nào cũng sống trong một căn nhà như trong phim “Home Alone”. Mỹ là nơi mà điều kiện sống tốt đến nỗi gia đình tôi – và ba triệu người khác – đã đánh cuộc bằng mạng sống của mình, khi bỏ xứ ra đi trên một chiếc thuyền để đến một xứ sở cách xa hơn 7.000 dặm Anh.

Sinh trưởng tại Việt Nam và Mỹ, ba má tôi thường dùng cụm từ “người Mỹ” để ngụ ý một người da trắng. Chúng tôi là người Việt, những người khác là Da đen, Trung Hoa, Nhật, Mễ, Phi-líp-pin, v.v. Nước Mỹ đương nhiên là xử sở của người da trắng. Phải nhiều năm sau, tôi mới thực sự hiểu lịch sử của Mỹ châu, và người da đen đã đến lục địa này bằng cách nào.

Người Bồ đào nha khởi xướng Cuộc Buôn Nô Lệ Xuyên Đại Tây Dương vào khoảng năm 1840. Người Tây ban nha mang những nô lệ từ Phi châu đến vùng đất bây giờ là tiểu bang South Carolina vào năm 1526. Các quốc gia Âu châu nhanh chóng theo chân. Theo ước lượng, khoảng 10 đến 12 triệu người Phi châu đã bị buộc lìa quê hương của họ từ thế kỷ 14 đến 17. Họ bị tải đi một cách tàn nhẫn qua 5.000 dặm Anh để lao động dưới các điều kiện khắc nghiệt ở trong các đồn điền sản xuất đường, thuốc lá, lúa và vải sợi. Nguồn nhân công miễn phí kéo dài hàng mấy trăm năm này đưa đến sự thịnh vượng và quyền lực vĩ đại cho Âu châu, người Âu châu và người Mỹ gốc Âu châu (những người đã bứng gốc người Da đỏ bản xứ để cướp đất của họ).

Khi tôi đề cập đến phần này của lịch sử Hoa kỳ với các người Mỹ gốc Việt khác, tôi thường nghe câu trả lời: “nhưng chuyện đó đã lâu lắm rồi.” Tôi hiểu tại sao họ ngại ngùng không muốn nghĩ đến đề tài đó.

Trong một Việt nam hậu chiến, ba tôi đã mất hết, mất tất cả các tài sản vật chất cũng như tinh thần. Ông đã bị tước đi quyền làm người. Ông đã cảm thấy bị làm nhục. Ông đã cảm thấy mất giá trị, đối với xã hội cũng như với chính mình. Ông đã mất quyền được di chuyển, được có việc làm, và được sống yên lành. Với ông và nhiều người tị nạn Việt nam, nước Mỹ là cơ hội thứ hai để khôi phục những gì họ đã đánh mất.

Ba má tôi thường nói về lòng biết ơn và chịu ơn những người đã giúp chúng tôi. Hiện tôi đang ở Việt nam và nhân dịp Tết, đến thăm viếng họ hàng và bạn của ba má không nghỉ. Tôi mệt rã rời vào cuối ngày. Khi trò chuyện với má, bà nhắc tôi ai đã tử tế với chúng tôi, đã cho chúng tôi mươn tiền, và ai đã cho chúng tôi ở nhờ hồi mấy thập niên trước. Cuộc thăm viếng vào dịp Tết này chỉ là sự trả ơn nhỏ nhoi nhất tôi có thể làm. “Mình trả ơn, con,” bà vẫn nói, “mình trả lại cái ơn họ đã cho mình.”

Tôi hiểu tâm trạng chịu ơn của người Việt với nước Mỹ. “Đất nước này đã cho gia đình tôi tất cả những gì chúng tôi hiện đang có” là câu nói tôi thường nghe. Tôi đóan rằng họ không muốn nghĩ về giai đoạn lịch sử xấu xa này tại Mỹ, với chế độ nô lệ và kỳ thị chủng tộc, vì họ cho làm thế là phản bội “ân nhân” của mình.

Nhưng “ân nhân” của chúng ta bao gồm cả người Da đen nữa. Máu, mồ hôi và nước mắt của người Da đen đã xây dựng nước Mỹ trong 350 năm mà họ không được đền bù gì. Người Da đen đã cống hiến rất nhiều cho Hoa kỳ và thế giới trong các lãnh vực như khoa học, kỹ thuật, âm nhạc và còn nhiều nữa, kể cả các quyền dân sự.

Vào ngày 1 tháng 2, 1960, khi bốn sinh viên Da đen bất chấp các luật lệ kỳ thị mang tên Jim Crow và ngồi ở một quầy ăn trưa “chỉ dành cho người da trắng”, họ đã châm ngòi cho cuộc đấu tranh về quyền dân sự dẫn đến Đạo Luật Di Dân và Quốc Tịch của năm 1965. Đạo luật này hủy bỏ các giới hạn di dân dựa trên chủng tộc đã được thiết lập từ năm 1917 để cấm người Châu Á được nhập cư vào nước Mỹ.

Đạo Luật Di Dân và Quốc Tịch đã cho phép các anh chị em họ của tôi, sau khi vượt biên trái phép bằng thuyền vào thập niên 1970, trở thành công dân Mỹ và sau đó bảo trợ cho ba má họ - dì và dượng tôi – được di dân hợp pháp đến Mỹ hai thập niên sau, và được rời Việt nam bằng máy bay. Luật này đã cho phép các đứa cháu tôi lớn lên trong tình thương của ông bà.

Người Da đen không chỉ là “ân nhân” và người đồng xứ sở của chúng ta, họ còn là thân nhân và gia đình nữa. Nhiều người Việt sau khi nhập cư, đã kết hôn với người từ các chủng tộc khác nhau. Nhiều gia đình gốc Việt hiện có thành viên lai: Việt lai Da đỏ bản xứ, Việt lai Phi-líp-pin, Việt lai Pháp, Việt lai Trung Nam Mỹ, và đương nhiên, Việt lai Da đen.

Chính một phụ nữ Da đen, Mildred Loving, đã khiến hôn nhân hỗn hợp chủng tộc tại Mỹ trở thành hợp pháp. Mildred Loving và người chồng da trắng bị đi tù khi họ kết hôn với nhau. Họ kiện tiểu bang Virginia và thắng kiện. Vào năm 1967, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ buộc hủy bỏ tất cả các bộ luật tiểu bang cấm cản hôn nhân hỗn hợp chủng tộc. Quyết định đó đã cho phép chính tôi được kết hôn hợp pháp cùng một người Mỹ gốc Âu châu với tổ tiên từ Ba lan và Đức. Cuộc hôn nhân này được tiểu bang California công nhận, trong khi má tôi và tôi hãnh diện mặc chiếc áo dài truyền thống của Việt nam.

Khi suy nghĩ về Tháng Lịch Sử Người Da Đen, tôi tự nhắc là chính người Việt cũng có nhiều sắc da khác nhau. Khi tôi có con, chúng sẽ là người Việt nam, hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ như trong truyền thuyết. Cùng lúc, con cái của người Da đen và Việt nam cũng sẽ là con rồng cháu tiên – hậu duệ của một thủy long và một sơn tiên.

Ngày nay, tôi hiểu rằng những gì tôi được kể về nước Mỹ khi còn bé chỉ đúng một phần. Không phải ai ở Mỹ cũng sống trong căn nhà như trong phim “Home Alone”. Mấy thế kỷ bất công xã hội và kinh tế đã tạo ra sự bất bình đẳng khổng lồ. Tài sản trung bình của một gia đình da trắng bằng 13 lần tài sản của một gia đình Da đen. Phần lớn tài sản này được chuyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và đây chỉ là một trong nhiều hình thức bất công và kỳ thị mà người Da đen trên đất Mỹ vẫn phải tiếp tục đối diện cho đến bây giờ.

Bây giờ là năm 2019, mà người Da đen vẫn còn phải tranh đấu để được đối xử công bằng dưới luật pháp; người Da đen vẫn còn phải tranh đấu để có cơ hội giáo dục tương đương. Trước đây không lâu, người Da đen đã không được đi học cùng trường với người da trắng. Ruby Bridges, học sinh Da đen đầu tiên được học ở một trường da trắng, ra đời bốn năm sau má tôi.

Suy ngẫm về Tháng Lịch Sử Người Da Đen, tôi nhớ rằng ba má tôi mang tôi đến Mỹ để có được cơ hội học hành và kiếm việc làm tốt hơn, và mục tiêu của Chính Sách Nâng Đỡ Những Người Từng Chịu Bất Công (Affirmative Action) cũng là mang các cơ hội đó đến với những anh chị em da màu, như nhà thơ Langston Hughes đã từng viết, “Chính tôi cũng hát về Nước Mỹ.”

Là người Việt, tôi thường được nhắc nhở về lịch sử của mình. “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu,” tôi nghe thế. “30 tháng tư,” ba tôi vẫn nhớ ngày đó hàng năm. Từ khi còn là một đứa con gái nhỏ, tôi được dạy phải thắp nén hương trên bàn thờ để tưởng nhớ tổ tiên và những gì họ đã làm trong mỗi dịp cúng giỗ. Là người Mỹ cũng thế, tôi có trách nhiệm hiểu biết về lịch sử của người Da đen, quá khứ và hiện tại, bởi vì lịch sử của người Da đen chính là một phần không thể thiếu của lịch sử Hoa kỳ.

Má tôi thường nói “sống có tình có nghĩa” và bảo tôi cần “nhớ ơn.” Là người Mỹ gốc Việt, Tháng Lịch Sử Của Người Da Đen có nghĩa tôi cần công nhận sự đóng góp của người Da đen cho xã hội và các đóng góp này đã cho tôi một số quyền lợi; nó có nghĩa tôi cần công nhận vai trò và trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh cho công lý và công bằng; nó đòi hỏi tôi phải tự xét để hiểu về những định kiến kỳ thị người Da đen đã có sẵn trong tôi; và nó kêu gọi tôi đòi hỏi nước Mỹ phải tôn trọng bản Tuyên Ngôn Độc Lập, đã ghi rằng tất cả mọi người đều có các Quyền không thể tách rời về Sự Sống và Tự do. Tôi mong mỏi nhiều người Mỹ gốc Việt tham gia cùng với tôi trong nỗ lực này.

Ghi chú của tác giả: Các giống người di dân từ Phi châu rất đa dạng và có xuất xứ khác biệt và phong phú nhất trong tất cả các chủng tộc khác ở Mỹ châu. Tôi cố tình chọn các từ “Da đen”, “bà con Da đen”, “người Da đen”, thay vì “Người Mỹ gốc Phi châu” để công nhận sự phong phú và đa dạng về nguồn gốc chủng tộc và lịch sử di dân của họ.

Chân dung tác giả








No comments:

Post a Comment

View My Stats