Diễm Thi, RFA
2019-02-25
2019-02-25
Như đã thành lệ, mỗi khi có sự kiện gì liên quan đến
quốc tế diễn ra ở Việt Nam, tư gia của một số nhà hoạt động … lại bị theo dõi,
canh chặn, thậm chí chủ nhân bị yêu cầu không được ra khỏi nhà. Thượng đỉnh Hoa
Kỳ - Bắc Hàn ở Hà Nội lần này không là ngoại lệ.
Trên mạng xã hội mấy hôm nay bắt đầu xuất hiện những
status về việc an ninh, công an khu vực đến nhà “tò mò” về chuyện riêng của gia
đình họ. Vợ luật sư Nguyễn Văn Miếng cho biết sáng 25/2, công an khu vực
tới nhà hỏi “tối qua chồng chị có ngủ ở nhà không?”
Anh
Ngô Duy Quyền, chồng của nữ luật sư Lê Thị Công Nhân, hiện đang ở
Hà Nội thì cho biết từ sáng 25/2 họ đã án ngữ tận tầng 3, đi chợ thì họ kè kè
đi theo, cách chỉ khoảng 3m.
Ông
Tô Oanh, hiện ở Bắc Giang, người từng sang Hoa Kỳ dự buổi
điều trần về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam năm 2014 cũng cho biết “Ngoài
2 camera trước cửa, tôi được sĩ quan an ninh vào nhà tuyên bố không được đi đâu
từ chiều nay cho hết hội nghị Thượng đỉnh nào đó ! Chắc tôi có tên trong danh
sách tổ chức khủng bố chăng?”
Cư
dân mạng Nguyễn Đức Giang thì cho biết gia đình anh vừa
gọi điện báo tin an ninh quận Hoàn Kiếm đã đến nhà thăm dò xem anh có đang ở Hà
Nội không.
Theo thông tin từ Saigon thì nhà thơ Phan Đắc Lữ
và nhà văn Phạm Đình Trọng cũng bị canh.
Nhà
báo Nguyễn Tường Thụy, một người được coi là ‘thành phần cốt cán’ trong
các cuộc biểu tình ở Việt Nam cho RFA biết:
“Anh ở tầng 5 chung cư, anh không xuống nên không để
ý có ai canh không, nhưng tối nay có ba công an và một tổ trưởng dân phố đến vận
động anh không đi xem cuộc gặp giữa hai ông Trump và Kim Jong-un. Anh bảo
rằng bây giờ anh chưa định đi, một công an bảo rằng ‘vậy là anh đã cam kết rồi
nhá’. Anh bảo rằng tôi không cam kết. Cứ dựa vào pháp luật mà làm chứ không cam
kết hay hứa hẹn miệng. Hôm nay tôi chưa định đi nhưng biết đâu mai tôi lại đi.”
Chị
Huệ, vợ nhà hoạt động Lê Dũng (Dung Vova) ở Hà Nội kể
với RFA rằng an ninh theo dõi nhà chị mấy hôm nay nhưng họ chưa yêu cầu đừng ra
đường mà họ chỉ đến gõ cửa để thăm dò:
“Nếu mình không có nhà thì họ sẽ hỏi (người nhà) là
mình đi đâu. Họ không muốn mình gặp những người mà đại sứ quán có thể mời gặp.
Có những người từng bị làm phiền bằng cách khóa cửa không cho mình ra ngoài, có
những người thì bị canh. Mình đi đến đâu thì họ đi theo đến đấy.”
Hà Nội được chọn là nơi tổ chức cuộc gặp mang tính lịch
sử giữa Tổng Thống Mỹ và Chủ tịch Bắc Hàn - một xứ cộng sản khép kín – và được
chính Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho là sự kiện lớn
của ngoại giao Việt Nam năm 2019.
Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nói
rằng Việt Nam đã chuẩn bị lòng hiếu khách và không có gì phải lo lắng khi tổ chức
cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ và Bắc Hàn. Khi tự hào với lòng hiếu khách của người
Việt thì tại sao chính quyền lại lo lắng khi người dân ra đường chào đón khách?
Một người dân ở Hà Nam nhận định lý do nhà cầm quyền
chốt chặn nhà những người hoạt động xã hội dân sự hoặc những người bất đồng
chính kiến:
“Lý do đầu tiên tức họ là những người có thể gọi là
“khách quen của bọn an ninh”, tiếng nói của họ rất mạnh. Họ như những thủ lĩnh,
thể hiện bằng hành động chứ không phải bằng lời nói.
Cái lý do thứ hai là họ không muốn những người này
ra đường, bởi những người này thường có những biểu ngữ kêu gọi tổng thống Mỹ
quan tâm đến nhân quyền Việt Nam, và cái quan trọng là kể tội đảng cộng sản
này.”
Nhà
báo Nguyễn Tường Thụy cho rằng đây là nỗi sợ vu vơ, những người như ông đối
phó bằng cách “đột kích”, đem biểu ngữ đến chỗ này chụp hình, xong lại di chuyển
qua chỗ khác ngay. Ông nói thêm:
“Đây là cái điều hết sức vô lý. Nhiều lúc nó canh nó
vây nó chặn không biết để làm cái gì. Biểu tình thì nó bảo mình châm ngòi nổ biểu
tình. Giữ mấy ông cốt cán không cho đi thì những người mới họ không dám biểu
tình, cho nên họ ra chặn.
Lần trước Tổng thống Obama sang thì anh cũng bị chặn,
lần này thì như thế. Thực ra tụi nó sợ vu vơ, nếu mà nói đi đón thì biết ông ấy
ở đâu mà đón. Ông ấy đi đến đâu thì công an dày đặc mình cũng chẳng vào được.
Nó rất sợ mình ra ngoài đường cho nên bọn anh nhiều khi đột kích, giương biểu
ngữ chỗ này rồi lại chạy sang chỗ khác. Đưa hình lên là họ cũng hãi rồi.”
Ông chia sẻ thêm trên facebook cá nhân của mình là
việc mấy ông lãnh đạo hễ có sự kiện gì là sai quân đi canh, vận động, nhắc nhở
chẳng giải quyết vấn đề gì mà chỉ để cho người dân đàm tiếu.
Việc ngăn chặn các nhà bất đồng chính kiến trước các
sự kiện lớn được người dân mỉa mai gọi là “truyền thống”, bởi từ năm 2013, khi
phái đoàn Hoa Kỳ đến Hà Nội dự đối thoại nhân quyền, họ có hẹn làm việc với hai
nhà bất đồng chính kiến là bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư Nguyễn Văn Đài.
Cuộc hẹn gặp không thành vì đã bị chính quyền ngăn
chặn bằng cách đi theo, dùng vũ lực ép lên xe chở về phường. Theo luật sư Nguyễn
Văn Đài thì xét về mặt ngoại giao của quốc gia và quyền tự do của người dân thì
đó là một điều đáng buồn, một điều rất xấu đối với giới chức, chính quyền. Bác
sĩ Phạm Hồng Sơn thì kết luận đây là những hành xử bất hợp pháp, những hành xử
chà đạp nhân quyền, chà đạp những quyền tự do của công dân.
No comments:
Post a Comment