Thursday, 28 February 2019

TỪ AI WEIWEI ĐẾN MAI KHÔI (Lâm Bình Duy Nhiên)





28/02/2019

Những ngày này, dường như cả thế giới đang dõi mắt hướng về Hà Nội, nơi có cuộc cuộc họp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un. Một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân và hoà bình có lẽ là hy vọng của cộng đồng quốc tế, dẫu nó vô cùng mỏng manh và dường như tuỳ thuộc vào tâm trạng và tính khí bất thường của Kim Jong-Un.

Bên lề cuộc gặp gỡ lịch sử thì sự hiện diện của vị Tổng thống Mỹ cũng dấy lên bao niềm hy vọng cho người Việt yêu chuộng dân chủ. Họ mong mỏi và chờ đợi ông sẽ có những hành động thiết thực để thúc đẩy vấn đề nhân quyền tại Việt Nam cũng như biểu lộ thái độ chống Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam trong những vụ tranh chấp tại Biển Đông.

Tuy nhiên, sự hiện diện của một vị Tổng thống Mỹ gây nhiều tranh cãi về tính khí và cách ăn nói như ông Trump cũng là dịp cho những ai không ưa thích ông biểu thị sự bất bình của mình. Cho nên tôi không ngạc nhiên lắm khi một anh bạn gởi ảnh chụp cô ca sĩ Mai Khôi đang giơ ngón tay thối vào đoàn xe chở Tổng thống Trump tại Hà Nội.

Cô muốn biểu lộ sự bất bình, sự xem thường hay dè bỉu của cá nhân cô đối với vị Tổng thống cường quốc số một thế giới, đó là điều có lẽ ai cũng hiểu.

Phải chăng cô muốn lên án thái độ xem thường phụ nữ, cách ăn nói bặm trợn hay tính kỳ thị chủng tộc của ông?

Đây cũng không phải là lần đầu cô biểu thị thái độ khinh thường ông Trump.

Nhìn ảnh (hay xem clip) ngón tay của cô, tôi lại nhớ đến một đêm tháng 9/2017, chúng tôi đi xem cuộc triển lãm các tác phẩm của nhà điêu khắc-nghệ sĩ Trung Hoa, Ai Weiwei ( Ngải Vị Vị), tại Viện Bảo Tàng của bang Vaud, thành phố Lausanne. Ông là một nghệ sĩ rất nổi tiếng trên thế giới và là một nhà bất đồng chính kiến vốn luôn bị chính phủ cộng sản Trung Quốc làm khó dễ, từng bị quản thúc và cô lập. Các tác phẩm của ông, ngoài yếu tố nghệ thuật, chúng còn khéo léo tố cáo, lên án thái độ bành trướng của sắc dân Hán nói chung và của chế độ độc tài Trung Quốc nói riêng.

Ông không ngần ngại lên tiếng, qua các tác phẩm nghệ thuật, để châm biếm sự man rợ của một quốc gia tự cho mình là cái rốn của vũ trụ nhưng lại hành xử mọi rợ với các sắc dân thiểu số. Cái chính sách bằng mọi giá phát triển kinh tế, giúp cho một số ít được giàu có một cách nhanh chóng và thậm chí bất chính, nhưng lại bỏ mặt gần 90% dân số trong nghèo nàn và lạc hậu của chế độ bị ông lên án kịch liệt. Chính vì thế, ông luôn là một cái gai trong mắt nhà cầm quyền. Vào năm 2008, ông đã chỉ trích gay gắt chế độ khi đã phản ứng chậm trễ trong vụ động đất kinh hoàng, gây cái chết cho hàng ngàn học sinh tại Tứ Xuyên. Ông đã bị bỏ tù rồi được trả tự do dưới sức ép của cộng đồng quốc tế, sau đó buộc phải sống đời lưu vọng tại Berlin.

Có thể nói, Ai Weiwei là một nghệ sĩ “có nhiều quyền lực” nhất trên thế giới trong khoảng từ 10 năm nay. Các tác phẩm của ông từ điêu khắc, hội họa hay phim phóng sự đều mang âm hưởng của nghệ thuật vị niệm (conceptual art) và nó đã vượt ra khỏi biên giới của Trung Quốc. Nó trở thành di sản của thế giới và là tiếng nói can đảm đối đầu với một trong những chính quyền độc tài và quyền lực nhất hành tinh. Ông không chỉ là một nghệ sĩ đơn thuần, ông còn là một nhà bất đồng chính kiến khi không do dự lồng chính trị vào nghệ thuật để miêu tả cái thế giới bệnh hoạn của quyền lực chính trị đen tối.

Các bức ảnh chụp “ngón tay thối” của ông mang tên “Fuck off” đã tạo nên một tiếng vang lớn trên thế giới khi ông không ngần ngại trỏ ngón tay thối vào các Cấm thành tại Quảng trường Thiên An Môn, biểu tượng của sự vĩ đại và quyền lực của Trung Quốc. Ông cũng giơ ngón tay thối về cái loa phường, công cụ tuyên truyền của các chế độ cộng sản. Các công sở tiêu biểu cho chính quyền đều bị ông châm chọc và khinh rẻ. Quyền lực độc tài và bộ máy an ninh hung tợn không hề làm ông chùn bước và chính ngón tay thối của ông là vũ khí đối đầu với bạo quyền.

Trong khi dư luận quốc tế trầm trồ thán phục sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc thì chính Ai Weiwei đã bình thản nhận định rằng đất nước của ông không hề xứng đáng trở thành một quốc gia tiến bộ, một siêu cường như nhiều người nhận định. Theo ông, “Trung Quốc là quốc gia không có tâm hồn, không có trái tim… Vì vậy nó không hề có bản sắc riêng bởi nó chưa bao giờ coi nhân quyền là một giá trị chung. Không có tự do ngôn luận và cũng không có một hệ thống tư pháp độc lập”. Và như một qui luật tự nhiên, nếu không có những quyền căn bản như thế thì một đất nước không thể nào có “sức sáng tạo” và trở thành một quốc gia đúng nghĩa. Chính vì thế, Trung Quốc không thể trở thành một siêu cường hay có một vị thế quan trọng trên thế giới như phương Tây lầm tưởng.

Ai Weiwei đã dành cả cuộc đời để đối đầu với chính chế độ độc tài của nước mình. Các tác phẩm của ông mang tính châm biếm và khiêu khích quyền lực chính trị mọi nơi trên thế giới, nhất là trên chính quê hương của ông.

Vì khi mà cả thế giới dè dặt và tránh gây mâu thuẫn với đất nước của ông thì chính ông, chứ không ai khác lại mạnh mẽ lên án và tố cáo nó.

Tiếng nói của ông tuy lạc lõng nhưng lại cực kỳ quan trọng khi góp phần mang lại cái nhìn trung thực và khách quan về Trung Quốc, một đất nước rộng lớn, vĩ đại nhưng vô cùng man rợ và tàn ác.

Vì vậy, khi xem ảnh ngón tay thối của cô ca sĩ Mai Khôi dành cho Tổng thống Mỹ, một người mà cô vẫn thường bày tỏ sự khinh thường, tôi thấy có sự giống nhau bất thường với Ai Weiwei. Dường như cô đi tìm cảm hứng nơi người nghệ sĩ bất đồng chính kiến người Hoa. Nếu lần đầu tiên là “Piss on Trump” thì hôm qua là “Peace on you, Trump!” với ngón tay thối.

“Piss on Trump”

Ngải Vị Vị giơ ngón tay thối chĩa vào Thiên An Môn

Tuy nhiên, nếu như Ai Weiwei không ngần ngại trỏ ngón tay thối lên án chế độ cộng sản độc tài tại Trung Quốc thì Mai Khôi lại không quyết liệt tố cáo chế độ độc tài toàn trị ngay tại chính đất nước của cô!

Dăm ba bài hát phản ánh tình trạng của đất nước vẫn không là gì so với những bản án hết sức nặng nề của các tù nhân lương tâm đang bị giam cầm tại Việt Nam chỉ vì họ yêu nước và lên án nhà cầm quyền.

Tự do biểu đạt quyền suy nghĩ và hành động của mình là quyền căn bản của một công dân trong một xứ sở tiến bộ. Nhưng cái khác biệt căn bản nhất giữa một Mai Khôi tự do đi lại ca hát và một Ai Weiwei từng bị tra tấn và tù tội để rồi phải sống đời lưu vong là người nghệ sĩ Trung Quốc đã không im lặng trước những tội ác của chính đất nước mình.

Trước khi giơ ngón tay thối hay “đái” vào ai đó, phải chi cô ca sĩ này cũng có can đảm hành động như thế đối với nhà cầm quyền Việt Nam, vốn đang chà đạp lên mọi giá trị nhân quyền trên chính đất nước của cô!

Ai Weiwei trực diện đối đầu với cái ác, cái tàn bạo và chấp nhận cái giá quá đắt phải trả. Đó cũng chính là lương tâm và trách nhiệm của một người nghệ sĩ chân chính, một người của công chúng.

LBDN, 28/2/2019





No comments:

Post a Comment

View My Stats