Thursday 28 February 2019

CHIẾN LƯỢC ĐỐI PHÓ TRUNG QUỐC CỦA ÚC (Phạm Phú Khải)




28/02/2019

Các hoạt động gây ảnh hưởng đa dạng của Trung Quốc đã được cơ quan tình báo Úc ASIO theo dõi trong những năm qua, kể cả các đóng góp tài chánhhàng triệu đô la cho các chính đảng hay các viện nghiên cứu qua tỷ phú gốc Hoa như Huang Xiangmo hay Chau Chak Wing mà đã được trình bày trong các bài trước.

Tuy thế, các hoạt động này không được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông hay cơ quan tình báo ASIO vào trước năm 2016. Nhưng sau đó đã đổi hẳn. Năm 2016 là năm đã đưa đến bao nhiêu thử thách to lớn cho nước Úc, qua cách hành xử ngày càng hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, trong khi Hoa Kỳ, nhất là sau cuộc bầu cử cuối năm, đã làm cho Canberra cảm thấy hụt hẫng, mất chỗ dựa.

Bài viết này nhằm tìm hiểu chiến lược đối phó của Úc đối với các hoạt động tình báo và can thiệp nước ngoài của Trung Quốc, cũng như chính sách ngoại giao của Úc trước tình hình địa chính trị trong vùng và quốc tế.

Về tình báo và can thiệp nước ngoài, theo sự tìm hiểu qua các tài liệu, báo cáo và các tin tức trên các cơ quan truyền thông thì tôi nhận thấy ba điều đáng chú ý sau đây.

Ba điều đáng lưu ý

Một, các hoạt động tình báo và can thiệp nước ngoài trước năm 2016 chưa bị lộ diện nhiều và chưa đến mức báo động. Các bản báo cáo hàng năm của ASIO cho quốc hội Úc năm 2014-2015 và 2015-2016 cho biết ASIO đã và đang thu thập các dữ kiện về tình báo và can thiệp nước ngoài, nhưng các báo này không bày tỏ sự quan ngại sâu sắc hay đáng kể nào, và chưa nêu cụ thể các hoạt động đó là gì [1]. Nghĩa là vẫn như thường lệ. Nhưng bản báo cáo của ASIO vào năm 2016-2017 và nhất là năm 2017-2018 cho cùng vấn đề này khác toàn diện về tầm mức hoạt động [2]. Chỉ trong bản báo cáo năm 2016-2017, ASIO nhấn mạnh rằng họ đã “nhận diện các quyền lực nước ngoài kín đáo tìm cách uốn nắn quan điểm của các thành viên công cộng, các cơ quan truyền thông và các nhân viên chính phủ để tiến đạt các mục tiêu chính trị cho chính quốc gia của họ”. Các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo tại Úc cũng là mục tiêu của các hoạt động ảnh hưởng bí mật này được thiết kế để giảm thiểu các chỉ trích của họ đối với các chính quyền nước ngoài. Như đã từng trình bày, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có lý do chính trị và mục tiêu chiến lược, ASIO không nêu đích danh thủ phạm chính của hoạt động trên là ai. Nhưng những ai quan tâm theo dõi thời sự đều biết là Trung Quốc.

Hai, giận mất khôn nên để lộ tông tích. Vì kín đáo hoạt động nên các cơ quan truyền thông Úc và cả ASIO cũng chỉ biết phần nào, nhưng chưa thật sự nắm rõ bức tranh tổng thể của các hoạt động gây ảnh hưởng này. Tình thế này thay đổi khi Phi Luật Tân thắng kiện về chủ quyền các hòn đảo trên Biển Đông tại Tòa Trọng tài Thường trực The Hague vào tháng Bảy năm 2016. Giận điên với kết quả này, lãnh đạo Trung Quốc đã một mặt kích động tinh thần quốc gia ở trong nước để phản đối, mặt khác nỗ lực vận động các quốc gia khác để đứng về phía Trung Quốc và bác bỏ kết quả vụ kiện này. Tại Úc, họ đã sử dụng các ảnh hưởng mà họ đã tốn công âm thầm xây dựng trong nhiều năm trước đó với cộng đồng Hoa kiều tại Úc, hay qua các Viện Khổng Tử và các viện nghiên cứu được tài trợ bởi những người như Huang Xiangmo hay Chau Chak Wing. Qua các thái độ này, họ đã để lộ bộ mặt của các cá nhân và tổ chức liên hệ kể từ đó, để rồi các cơ quan truyền thông, các nhà nghiên cứu học thuật và ASIO điều tra được dây mơ rễ má của nó đến tận Bắc Kinh. Nghĩa là từ giữa năm 2016 thái độ hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông cũng như tại Úc, qua các hoạt động bí mật lẫn công khai, chẳng khác gì “lậy ông tôi ở bụi này”.

Ba, trong nền dân chủ pháp quyền, quyền lực của cơ quan tình báo ASIO, chẳng hạn, tuy tưởng chừng rất lớn và rộng khắp, nhưng thật ra các hoạt động của họ, cũng như mọi cơ quan và ban ngành khác, cũng phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Các biện pháp điều tra và thu thập thông tin tình báo, tuy là đặc quyền của ASIO trước pháp luật, nhưng cách thức thực hiện cũng phải đúng theo quy định mà pháp luật cho phép, nếu không thì sẽ phạm pháp. Khi biết Trung Quốc, qua chân tay của họ tại Úc, đã tìm cách gây ảnh hưởng lên chính trường và dư luận Úc qua việc ủng hộ tài chánh một cách hào phóng, chẳng hạn, Duncan Lewis đã tìm cách gặp riêng thủ lãnh các chính đảng (Cấp tiến, Lao động và Quốc gia) để cảnh báo họ vào năm 2015 [3]. Nhưng ngoài việc theo dõi các hoạt động này và thu thập dữ liệu để báo cáo cho chính quyền, quốc hội và các chính đảng, mà ngay cả trong hoạt động này quyền hạn của ASIO cũng bị giới hạn, ông Lewis cho biết các bộ luật tình báo và can thiệp nước ngoài lúc đó (trước khi được sửa đổi) đã lỗi thời và thiếu sót, và ASIO thật sự bị bó tay bởi chính pháp luật.

Trong bài điều trần trước thượng viện Úc ngày 16 tháng Ba năm 2018, ông Lewis đã cho biết một số thí dụ mang tính độc hại, mặc dầu không nêu đích danh hay chi tiết cụ thể sự kiện [4]. Một, một học giả Úc đã được một tình báo nước ngoài tuyển dụng và đã đồng ý làm tình báo bằng cách ăn cắp các thông tin mật, và đây là trường hợp sống. Hai, một thương gia Úc đã ý thức rõ ràng rằng mình làm việc cho một tình báo nước ngoài và đã tuyển dụng một nhân viên chính quyền để cung cấp thông tin đặc nhiệm (tức chỉ có trong vai trò và trách nhiệm mới có được thông tin này). Ba, có một tình báo đã được cơ quan nước ngoài gửi đến Úc nhưng giả vờ ‘ngủ’ và vài thập niên sau mới được kích hoạt để tố cáo các nhà đối kháng và để ủng hộ các hoạt động kín tại Úc. Ngoài ra cũng có một trường hợp một công chức liên bang đã lấy đi một lượng lớn truyền thông điện tử và đã đồng ý giao chuyển thông tin cho một tình báo nước ngoài. Và cũng có một công dân Úc đã được đào tạo bởi cơ quan tình báo nước ngoài và đã dấu sự thật này trong đơn nộp khai tỏa an ninh với chính quyền Úc (Australian government security clearance application).

Theo ông Lewis thì đối với các trường hợp trên, luật hiện hành không cho phép truy tố, trong khi mỗi trường hợp này đều mang tính hoạt động kín đáo và trí trá để gây hại cho quyền lợi của Úc. Chúng đều tìm cách dấu diếm các hoạt động của mình và tránh bị phát hiện. Một số tìm cách ảnh hưởng bí mật lên tiến trình quyết định của Úc. Một số tìm cách chiếm ưu thế bất công cho các quyền lực nước ngoài bằng cách phá hoại hay tiết lộ các ý định và khả năng của Úc. Nhưng quan trọng nhất, một số đã đặt công dân và thường trú nhân của Úc vào tình thế trực tiếp bị nguy hại. Ông Lewis hỏi các cung cách hành xử như thế có nên được chấp nhận mà không bị truy tố? Theo suy nghĩ của ông thì không thể chấp nhận tình trạng này. Ông cho rằng nó có khả năng phá hoại chủ quyền, an ninh và thịnh vượng của Úc [5]. Ông biện luận rằng nếu (quốc hội) thêm vào các tội phạm hình sự có ý nghĩa, thực tế và hiện đại vào các bộ luật hiện hành, nó sẽ đóng góp vào họp đồ nghề để cơ quan tình báo Úc đối phó với sự đe dọa gia tăng đáng kể mà Úc đang đối diện hiện nay. Như thế nó sẽ giúp bảo vệ được quyền lợi quốc gia.

Chiến lược và phản chiến lược

Cũng cần nhắc lại hai mục tiêu chiến lược của Trung Quốc tại Úc vào lúc đó, một ngắn hạn và một dài hạn. Mục tiêu ngắn hạn là tìm sự hậu thuẫn hay ít nhất là không phản đối của Úc đối với sự khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, nhất là sau kết quả của tòa The Hague. Mục tiêu lâu dài là Bắc Kinh muốn lôi kéo Canberra gần hơn thay vì gần Washington như trước đây, để Canberra không chỉ là một đối tác quan trọng về kinh tế, mà các chính sách chiến lược nếu có khác Bắc Kinh thì cũng không có hại cho họ.

Tại sao vai trò Úc quan trọng đối với Bắc Kinh? Tuy dân số chỉ mới đến 25 triệu mới đây, nghĩa là Trung Quốc gấp 56 lần và Hoa Kỳ gấp 14 lần dân số Úc, ảnh hưởng về kinh tế, ngoại trợ (foreign aid), ngoại giao và các lĩnh vực giáo dục, hay nói chung là quyền lực mềm của Úc, là đáng kể trên tầm quốc tế. Tiến sĩ Anthony Bergin vừa mới viết bài trên tạp chí Viện Chính sách Chiến lược Úc (APSI) biện luận rằng đã đến lúc Úc không nên tiếp tục tự gọi mình là “quyền lực trung bình” (middle power) nữa, bởi theo ông ảnh hưởng của Úc đã vượt xa khả năng đó rồi [6]. Úc có quan hệ ngoại giao bền vững với bốn quốc gia nói tiếng Anh còn lại (Anh, Canada, Tân Tây Lan, Hoa Kỳ) và có mối quan hệ tích cực về ngoại giao, kinh tế/thương mại, an ninh, môi trường và các vấn đề về phát triển bền vững với cả khối Liên hiệp Âu châu. Do đó nếu Trung Quốc gây ảnh hưởng được Úc, kéo được Úc gần về phía mình, thì sẽ hoàn toàn có lợi cho thế cờ vây của họ, qua các dự án như Vành Đai Con Đường, Biển Đông cũng như Thái Bình - Ấn Độ Dương, trong đó có cả mục tiêu ảnh hưởng các nước nhỏ trong vùng Thái Bình Dương như Papua New Guinea/PNG.

Để thực hiện các mục tiêu này, Trung Quốc đã tìm hiểu kỹ lưỡng và qua đó lợi dụng các lổ hỏng về luật pháp của Úc, bao gồm luật tình báo và can thiệp nước ngoài, luật hình sự 1995, các lổ hỏng về ủng hộ và kê khai tài chánh cho các hoạt động của chính đảng v.v… Thêm vào đó, ngoài việc đầu tư vào các nguồn phương tiện chiến lược như điện, viễn thông, hải cảng v.v…, Trung Quốc đã tìm cách vận dụng hơn một triệu Hoa kiều tại Úc và các chính giới cũng như các chính trị gia từng giữ các vai trò quan trọng trong chính phủ, kể cả các cựu Thủ tướng và Bộ trưởng Úc, để giúp họ ảnh hưởng lên các chính sách Úc có lợi cho các mục tiêu chiến lược của họ.

Đứng trước các thử thách lớn lao này, cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull đã cùng với nội các, đặc biệt là cựu Ngoại trưởng Julia Bishop, đã vạch ra các kế sách đối nội lẫn đối ngoại. Về đối ngoại, đó cũng là thời điểm bầu cử lại Tổng thống và quốc hội Hoa Kỳ cuối năm 2016, nên lãnh đạo Úc đã khôn ngoan vận dụng trí tuệ tập thể của mọi người, nhất là các chuyên gia và lãnh đạo ngoại giao để thực hiện Bạch thư Chính sách Ngoại giao Úc, có tầm nhìn năm đến mười năm để giúp lèo lái quốc gia trong bối cảnh chính trị mới.

Về đối nội, Úc phải đối diện với bao nhiêu vấn đề nhức nhối cần cải tổ. Một số chính trị gia và các cơ quan truyền thông Úc yêu cầu cải tổ luật về ủng hộ tài chánh cho chính trị và luật về tình báo và can thiệp nước ngoài. TNS Stephen Conroy, chẳng hạn, đã chính thức kêu gọi Thủ tướng Úc cải tổ luật ủng hộ tài chánh cho bầu/tuyển cử, vì Úc là một trong số hiếm các quốc gia chưa cấm cản các ủng hộ tài chánh từ các tác nhân nước ngoài. Khi các cơ quan truyền thông Úc điều tra rồi phanh phui bao nhiêu vụ nhận tiền ủng hộ bất chính, như trường hợp của cựu TNS Sam Dastyari, hay sử dụng công quỹ bất chính cho các hoạt động cá nhân, tính liêm chính mà đã từng được đề cao trước đó trở thành khôi hài và chế giễu. Sự phơi bày các hành động sai trái của một số dân biểu và thượng nghị sĩ của các chính đảng, tuy chỉ là thiểu số, cũng đủ để làm cho dân chúng Úc bất bình và phẫn nộ.

Khi các vấn đề này được phơi bày trên truyền thông Úc, được tranh luận trên các viện nghiên cứu chính sách, và nhất là tại quốc hội, mọi người dân được có cơ hội bày tỏ ý kiến và góp ý vào việc cải tổ luật pháp. Sau gần ba năm tham khảo ý kiến từ mọi quan điểm khác nhau, đón nhận các đệ trình và tranh luận sâu sắc, các bộ luật liên hệ trực tiếp đến tình báo và can thiệp nước ngoài, cũng như gián tiếp qua việc ủng hộ tài chánh, đã được quốc hội Úc thông qua. Một số điều trong luật Tu chính về luật Cải cách Công khai và Tài trợ Bầu cử đã có hiệu lực từ 1 tháng 12 năm 2018, và số khác từ 1 tháng Giêng năm nay 2019 [7]. Luật về Đề án Minh bạch Ảnh hưởng Nước ngoài (Foreign Influence Transparency Scheme Bill) và luật về Tình báo và Can thiệp Nước ngoài (Espionage and Foreign Interference Bill) đã được quốc hội Úc thông qua ngày 28 tháng Sáu năm 2018, và phần lớn các thay đổi này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 10 tháng 12 năm 2018 [8].

Ba điều hay để học hỏi

Quan sát cách nhìn nhận, phân tích, tham khảo, tranh luận và truyền thông của xã hội Úc, từ các cơ quan truyền thông đến các viện nghiên cứu và sau cùng lưỡng viện quốc hội, tôi nhận thấy ba điều rất hay để học hỏi từ văn hóa chính trị Úc.

Thứ nhất, tuy sự trổi dậy của Trung Quốc là đáng quan ngại, qua các hành động công khai lẫn kín đáo của họ cũng như sự đối xử tồi tệ của họ với chính người dân của mình và các sắc tộc thiểu số, giới tinh hoa Úc đối phó với thách thức này một cách điềm tỉnh và khôn khéo. Thay vì nhìn các thách thức này từ Trung Quốc như mối đe dọa, phần lớn giới chuyên gia và lãnh đạo chính trị Úc xem là cơ hội để giải quyết tận gốc vấn đề. Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Úc. Gần 30 phần trăm nền kinh tế (xuất khẩu và nhập khẩu) phụ thuộc vào Trung Quốc, do đó chính quyền cần quản lý mối quan hệ ngoại giao này một cách tinh tế để không đổ vỡ, nát bấy. Cách tốt nhất để đối phó với tình báo và can thiệp nước ngoài, không chỉ riêng với Trung Quốc mà còn đối với các thế lực thù nghịch khác trong tương lai, là cải tổ pháp luật. Một nền dân chủ pháp quyền sẽ bất lực và vô hiệu quả nếu luật pháp có vấn đề, có lổ hỏng, ngay cả khi các cơ quan thi hành pháp luật có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm. Tóm lại, mấu chốt lâu dài của vấn đề là tìm cách xiết chặt các lổ hỏng luật pháp và gia tăng phương tiện và biện pháp để ngăn ngừa, truy tố và xét xử những nghi phạm trong tương lai.

Thứ hai, để cải tổ luật hầu đáp ứng cho mục tiêu lâu dài nói trên, cách hiệu quả nhất là tham khảo rộng rãi mọi thành phần xã hội để có cái nhìn bao quát và sát thực. Trong các vấn đề phức tạp như thế này, các điều luật tu chính sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến quyền tự do của người dân. Tương tự tiến trình đề ra các bộ luật mới hay cải tổ luật cũ cũng như các chính sách quan trọng của quốc gia cho phù hợp với hoàn cảnh và môi trường xã hội mới, như chính sách ngoại giao đã trình bày trên, chính quyền và giới tinh hoa của Úc đã mất rất nhiều thời gian để tham khảo rộng rãi mọi thành phần trong xã hội, nhất là những ai bị ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp, bởi các thay đổi này. Các ý kiến và xu hướng khác nhau là điều tự nhiên trong mọi xã hội. Chỉ quan trao đổi, thảo luận và tranh luận thì mới giải quyết được các sự khác biệt hoặc tìm các giải pháp đồng thuận chung.

Các cuộc điều trần, với ông Duncan Lewis và nhiều nhân vật chuyên môn hàng đầu, phục vụ cho các mục tiêu khác nhau: thu thập các quan điểm trái chiều; công khai, minh bạch các quan điểm này; bằng chứng, dữ liệu lưu trữ để mọi người dân và các thế hệ mai sau hiểu rõ tại sao các bộ luật cần tu chính và kết quả sau cùng của các tu chính đó là gì v.v… Các diễn đàn này là cơ hội để những ai quan tâm đến các vấn đề này có thể tham dự, tìm hiểu và đóng góp tiếng nói của mình một cách minh bạch.

Như đã trình bày trong bài trước, ông Duncan Lewis quan ngại rằng nếu giới ký giả/truyền thông được miễn nhiễm từ các bộ luật này, thì đó là lổ hỏng rất lớn để giới tình báo nước ngoài tìm cách khai thác. Tuy các quan điểm và lý luận ông Lewis đưa ra rất hữu lý và chính đáng, không phải ai cũng đồng ý và tán thành các nhìn vấn đề như thế. Chẳng hạn, các phóng viên chuyên về vấn đề quốc tế, đối ngoại thường phải tiếp cận với nhiều thông tin mà hư thực chưa được kiểm chứng, có khi đối tượng tiếp cận cũng có thể là tình báo mà không ai biết được, và những tin tức được tiết lộ có thể ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc gia. Nghiệp vụ của họ vì thế có thể đưa họ vào tình thế hiểm nguy, nhất là khi các thế lực nước ngoài, vì lý do nào đó, muốn gài bẫy họ. Nếu không khéo và không rõ ràng, các điều luật tu chính này có thể gây cản trở cho nghiệp vụ của họ, và họ có nguy cơ bị truy tố, mặc dầu xác xuất xảy ra không cao. Nhưng khi đã có xác xuất nguy cơ như thế thì các tu chính luật cần phải cân nhắc kỹ càng hệ quả nó có thể đem đến để các phóng viên không bị phiền phức hay bị truy tố một cách tùy tiện, hay vì lý do chính trị, chẳng hạn.

Trên đây chỉ là một trong bao nhiêu các khía cạnh phức tạp của luật pháp được bàn cãi trong cuộc điều trần về các bộ luật này, chưa kể các khía cạnh khác chưa đụng đến, và không có thì giờ để phân tích thêm ở đây.

Điều này cho thấy khi làm luật và tu chính luật, những người có trách nhiệm cần phải suy nghĩ thật xa và thật sâu, về mọi tình huống có thể có, hiện nay cũng như một hai thập niên tới, chẳng hạn, cũng như các hệ quả và hậu quả mà những thay đổi này mang tới. Chỉ cần một nạn nhân, thí dụ như một phóng viên nào đó bị truy tố và kết án về sau này, mà sau khi ngồi tù một thời gian thì các dữ kiện mới xuất hiện bênh vực người đó vô tội, chẳng hạn, thì như thế bộ luật đã thất bại. Người làm luật cũng cần suy nghĩ thật kỹ bên hành pháp cũng như tư pháp sẽ diễn giải điều luật như thế nào, có giống như những ý định diễn giải của mình lúc ban đầu hay không. Nói đến đây, tôi tin rằng những người hiểu biết sẽ nhận thấy rằng các hiến pháp và pháp luật của các chế độ độc tài và cộng sản thường là quái gỡ, mâu thuẫn và vô lý. Lý do chính là vì cả ba ngành tư pháp, hành pháp, và lập pháp đều chỉ có giá trị tượng trưng. Mọi quyết định không phải do những người chính thức trong các ngành này mà là thành phần nắm thực quyền trong đảng (đối với cộng sản) hoặc chính quyền (đối với độc tài).

Trở lại vấn đề nêu trên, các tổ chức nhân quyền, xã hội dân sự, từ thiện và truyền thông phần lớn phản đối dự luật tu chính này vì nó giới hạn và trói buộc các việc làm chuyên môn và nghiệp vụ của họ. Bên đối lập Đảng Lao động lúc đầu cũng không ủng hộ bản đề nghị tu chính, nhưng sau một thời gian tranh cãi tại hạ viện lẫn thượng viện, và sau khi phía chính quyền chấp nhận sửa đổi hàng trăm điều để các điều luật này rõ ràng và giảm thiểu ảnh hưởng đến các quyền tự do và hoạt động xã hội, cuối cùng các tu chính cũng được thông qua. Các ký giả nói riêng truyền thông nói chung không hoàn toàn bị miễn nhiễm, nhưng các quyền tự do nghiệp vụ của họ không bị ảnh hưởng bao nhiêu bởi các tu chính này. Nếu họ có những thông tin phân loại/bảo mật (classified information) và phổ biến nó với lý do là vì “lợi ích công chúng” thì nó sẽ giúp cho họ phòng thủ, bảo vệ khi bị truy tố, chứ không phải là sự miễn trừ [9].

Theo thông báo của văn phòng Bộ Tư pháp thì kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2018, “bất cứ ai có những hoạt động nào đó thay mặt chánh nhân nước ngoài với mục đích ảnh hưởng đến tiến trình chính trị hoặc chính quyền sẽ được yêu cầu đăng ký theo đề án này”, và “các tác nhân nước ngoài sẽ tiếp tục được tự do để vận động cho quyền lợi của họ tại Úc, miễn là nó được thực hiện một cách hợp pháp, công khai và minh bạch” [10]. Nhưng 14 Viện Khổng Tử tại Úc và các công ty quốc doanh của Trung Quốc, ngay cả Huawei, từng phủ nhận là có liên hệ và nhận chỉ thị từ lãnh đạo Bắc Kinh, thì họ có cần ghi danh với chính quyền Úc hay không, thì không biết kết quả sẽ ra sao [11].

Thứ ba, là nỗ lực truyền đạt thông tin của giới truyền thông và chính quyền đến mọi thành phần xã hội về các thay đổi về luật và chính sách. Tất nhiên trong mọi xã hội đều có những người hoàn toàn không quan tâm đến các vấn đề chính trị hay cộng đồng. Con số này quá bán trong đa số xã hội. Điển hình như ở Hoa Kỳ số người tham gia bầu cử ít khi nào quá bán trong 100 năm qua. Cho nên dù thông tin tràn ngập trên các phương tiện truyền thông và trên mạng, họ cũng không màn tìm hiểu kỹ càng. Nhưng dù sao biết ít vẫn tốt hơn là không biết. Một nền dân chủ vững ổn cần những công dân hiểu biết các vấn đề phức tạp. Còn những người quan tâm, dù là thiểu số trong mọi xã hội, thì vẫn luôn tìm cách tiếp cận và nắm bắt mọi thông tin. Điều tích cực là các cơ quan truyền thông tại các nước dân chủ luôn nhận lãnh trách nhiệm hàng đầu trong việc đưa các thông tin hữu ích và liên hệ về mọi mặt đời sống đến người dân. Nhu cầu của người dân về thông tin, và trách nhiệm cung ứng của người làm truyền thông, là quan hệ cung cầu của một thị trường đúng nghĩa. Nhờ làm đúng các chức năng cần thiết của truyền thông, tức thông tin nhanh chóng, trung thực và độc lập, nên các khuynh loát hay âm mưu chính trị phần lớn được phơi bày đến người dân. Lộng quyền, hay lạm quyền, vì thế, khó qua mắt được công chúng.

Trong sự kiện trên, vì sự phức tạp của các điều/bộ luật này, do đó các thay đổi trên cần phải được giải thích tường tận đến mọi người dân một cách dễ hiểu. Luật pháp thường rắc rối và khó hiểu, với các ngôn từ chuyên môn và cách diễn giải vô cùng phức tạp, ngay cả đối với những người trong ngành. Do đó nên các cơ quan trách nhiệm, từ Ủy hội Bầu cử Úc AEC về các vấn đề ủng hộ tài chánh cho đến Bộ Tư pháp và ASIO, và tất nhiên từ Hansard nơi lưu trữ mọi điều được phát biểu hay tranh luận tại quốc hội, đều dễ dàng cho những ai muốn biết để tìm kiếm và tham khảo. Các cơ quan này thực hiện các bản thông tin ngắn gọi là Factsheet, dài từ hai đến bốn trang, làm rõ các thắc mắc thường có, hay giải thích các vấn đề phức tạp bằng ngôn ngữ giản dị, bình thường. Bộ Tư pháp Úc đã thực hiện 17 bản thông tin ngắn như thế về các điều luật liên quan đến tình báo và can thiệp nước ngoài để giúp người dân hiểu tường tận hơn các vấn đề này [12]. Ngoài ra, văn phòng của Bộ Tư pháp hay các cơ quan công quyền liên hệ đều sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc khác, nếu có, sau khi đọc các bản thông tin này.

Người dân cũng có thể gọi lên các cơ quan truyền thông để bày tỏ quan điểm hay thắc mắc của mình và nhờ các cơ quan truyền thông này liên lạc với những người trách nhiệm trong các cơ quan chính quyền nếu vẫn còn thắc mắc, chẳng hạn. Nói chung những ai muốn tìm hiểu thì sẽ có vô vàn phương thức và phương tiện để thực hiện điều này.

Ai nên học?

Vào đầu tháng 6 năm 2017, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia của Hoa Kỳ James Clapper đã đến viếng thăm Úc, không biết vì tình cờ, trùng hợp hay sắp sẵn. Bởi trước đó một tuần cuộc điều tra của các phóng viên ABC và Fairfax đã làm chấn động nước Úc, như đã trình bày trong các bài trước. Ông Clapper đã cảnh báo Úc là Hoa Kỳ, lẫn Úc, cần phải cảnh giác đối với Trung Quốc [13]. Tương tự, các lãnh đạo chính trị và tình báo Hoa Kỳ, điển hình như bà Hillary Clinton khi viếng thăm Úc, cũng đã cảnh giác mức độ can thiệp nước ngoài từ Trung Quốc [14].

Nhờ sự trao đổi thông tin, tình báo cũng như lắng nghe tiếng nói của mọi quan điểm khác biệt và trái chiều như thế nên giới tinh hoa và lãnh đạo chính trị Úc đã vận dụng được trí tuệ tập thể và tìm ra được các biện pháp tối ưu để đối phó với các thử thách lớn lao, đối nội cũng như đối ngoại, trong thời đại mà tốc độ thay đổi quá nhanh và nồng độ thay đổi quá lớn. Phương thức vận hành và lãnh đạo quốc gia của Úc, tuy là trên danh nghĩa cá nhân cũng như đảng phái, nhưng thực chất là tập thể đúng nghĩa. Nước Úc hùng mạnh một phần vì Úc là một xã hội đa văn hóa trong đó các công dân biết đặt quyền lợi chung của đất nước lên trên cá nhân, bè phái, đảng phái và chủng tộc, nhưng cũng nhờ vai trò quan yếu của truyền thông để mọi vấn đề được minh bạch hơn.

Úc đã rất thành công trong nền văn hóa chính trị này. John Promfet thuộc báo The Washington Post cho rằng Hoa Kỳ có nhiều điều cần phải học hỏi từ Úc trong việc đối phó với Trung Quốc. Nhưng thành phần nên học hỏi nhiều nhất từ Úc có lẽ là lãnh đạo chính trị tại Việt Nam hiện nay, hay các chính quyền dân chủ sau này, vì ba lý do chính. Một, Trung Quốc không đi đâu cả, sẽ luôn luôn là mối đe dọa truyền kiếp của Việt Nam, cho đến khi nước này trở thành dân chủ thật sự thì mối đe dọa chỉ bớt đi, chứ không biến mất. Trung Quốc còn vươn tới được Úc huống chi Việt Nam bên cạnh. Hai, vì tình thế này nên chỉ có sức mạnh của toàn thể dân tộc, từ giới tinh hoa trí thức cho đến dân thường, mới có hy vọng đối phó hiệu quả với âm mưu thâm độc của Trung Quốc hiện nay. Rõ ràng một hay vài cái đầu không thể nào nhìn thấy được bao nhiêu vấn đề phức tạp và chuyên môn khác được. Người lãnh đạo giỏi phải ghi nhận điều này và tìm cách vận dụng nguồn lực dân tộc cho mục tiêu chung của quốc gia. Ba, muốn làm được như thế, thì phải có tự do, phải dân chủ hóa chính trị và toàn xã hội. Chỉ khi nào giới tinh hoa, trí thức, học giả, chuyên gia, nói riêng, và mọi người dân, nói chung, được thảo luận một cách tự do, được các cơ quan truyền thông điều tra và cung cấp các dữ kiện mà ngay cả chính quyền cũng bị giới hạn về khả năng, thì sự việc mới rõ ràng và sáng tỏ hơn. Sự thật luôn có nhiều khía cạnh và đa dạng, và không hề có sự thật một chiều. Còn độc quyền sự thật và bịt mắt bịt tai và bịt miệng dân chúng thì chỉ chứng minh não trạng của lãnh đạo hoàn toàn cứng ngắt, khép kín. Họ chỉ nhìn người dân, nhất là những nhà đối kháng và vận động dân chủ, như là mối đe dọa thay vì sức mạnh.
Trong tư thế lãnh đạo như thế, họ chỉ tự cô lập trong khi sức ép trong lẫn ngoài ngày càng gia tăng. Và bài học lịch sử sẽ tái diễn cho những ai không chịu học, hay học không tới, hay quá đam mê quyền lực.

(Úc Châu, 27/02/2019)

-----------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Duncan Lewis, ASIO Annual Report (to Parliament) 2014 - 2015, 24 September 2015; Duncan Lewis, ASIO Annual Report (to Parliament) 2015 - 2016, 27 September 2016.

2. Duncan Lewis, ASIO Annual Report (to Parliament) 2016 - 2017, 27 September 2016. Duncan Lewis, ASIO Annual Report (to Parliament) 2017 - 2018, 27 September 2016.

3. Chris Uhlmann, “Domestic spy chief sounded alarm about donor links with China last year”, ABC News, 1 September 2016.

4. Parliamentary Hearing, “PJCIS inquiry on the National Security Legislation Amendment (Espionage and Foreign Interference) Bill 2017”, Official Committee Hansard, PARLIAMENTARY JOINT COMMITTEE ON INTELLIGENCE AND SECURITY, 16 March 2018.

5. Bevan Shields, “ASIO chief Duncan Lewis sounds fresh alarm over foreign interference threat”, The Sydney Morning Herald, 24 May 2018.

6. Anthony Bergin, “Time for Australia to stop calling itself a 'middle power'”, Australian Strategic Policy Institute, 8 January 2019.

7. Australian Electoral Commission, “Funding, Disclosure and Political Parties”, Accessed on 23 February 2019.

8. Gareth Hutchens, “Sweeping foreign interference and spying laws pass Senate”, The Guardian, 29 June 2018.


10. Media Release, “Foreign Influence Transparency Scheme to commence December 10”, Attorney-General for Australia, 23 November 2018.

11. Kelsey Munro, “Australia’s new foreign-influence laws: Who is targeted?”, The Interpreter, Lowy Institute, 5 December 2018.

12. Resources, “Foreign Influence Transparency Scheme”, Attorney-General for Australia, Accessed on 24 February 2019.

13. John Pomfret, “China’s meddling in Australia — and what the U.S. should learn from it”, The Washington Post, 14 June 2017.

14. Leigh Sales, “Hillary Clinton warns of Chinese influence on Australian politics”, ABC News, 14 May 2018.






No comments:

Post a Comment

View My Stats