Monday, 25 February 2019

VIỆT NAM & VAI TRÒ TRONG THƯỢNG ĐỈNH TRUMP - KIM LẦN HAI (Thu Hằng - RFI)




Thu Hằng - RFI
Thứ Hai, ngày 25 tháng 2 năm 2019

Gần 10 nghìn người gồm cảnh sát cơ động, cảnh vệ, hình sự, công an địa phương sẽ được Công an thành phố Hà Nội huy động tham gia bảo đảm an ninh cho Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai ở Hà Nội trong hai ngày 27-28/02/2019. Dù nguy cơ khủng bố ở mức rất nhỏ ở Việt Nam, nhưng nhiều địa bàn quan trọng vẫn được tuần tra 24/24 giờ và 7/7 ngày.

Hà Nội đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện công việc tân trang, làm đẹp trước chuyến thăm cấp Nhà nước của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tiếp theo là cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Donald Trump vào lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Cờ của Mỹ và Bắc Triều Tiên được treo cạnh nhau ở trung tâm Hà Nội, trên các cột đèn dọc các tuyến phố mà hai phái đoàn sẽ đi qua. Theo báo điện tử VnExpress, từ hơn hai tuần qua, các khách sạn lớn ở Hà Nội được trang trí cây hoa, tiểu cảnh, sơn sửa và lắp thêm một số hạng mục.

Hội nghị thượng đỉnh có thể diễn ra ở Nhà Khách Chính Phủ (phố Ngô Quyền), công trình kiến trúc nổi tiếng được làm Phủ Thống sứ Bắc Kỳ thời Pháp thuộc, sau trở thành Bắc Bộ Phủ. Khoảng 10 khách sạn nổi tiếng ở Hà Nội trong tư thế sẵn sàng đón tiếp nguyên thủ hai nước, trong đó hai khách sạn Métropole và Melia có thể sẽ là nơi nghỉ của lãnh đạo Kim Jong Un dù Bắc Triều Tiên có thể đổi ý vào phút cuối. Phía Mỹ đã đến tiền trạm khách sạn Marriott.

Việt Nam đang cố hết sức để hoàn thành tốt vai trò của nước chủ nhà cho thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên lần thứ hai. Vậy tại sao Việt Nam lại là nước được nguyên thủ hai nước lựa chọn ? Việt Nam được lợi gì khi đứng ra tổ chức thượng đỉnh lần này ?

RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với tiến sĩ Công nghệ hạt nhân Nguyễn Việt Phương, hiện theo chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ tại trung tâm Belfer, thuộc trường Quản lý công Kennedy (Kennedy School), đại học Harvard (Mỹ). Tiến sĩ Nguyễn Việt Phương là tác giả hai bài viết trên The Diplomat : Why Vietnam Should Host the Second Trump-Kim Summit ? (Tại sao Việt Nam nên tổ chức Thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai ?, ngày 16/01/2019) và Trump-Kim 2 : Why Hanoi ? (Thượng đỉnh Trump-Kim 2 : Tại sao lại là Hà Nội, ngày 15/02/2019).

NGHE :  T.S. Nguyễn Việt Phương   21/02/2019

RFI : Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu rằng « Việt Nam sẵn sàng tích cực góp phần vào việc thúc đẩy quá trình trao đổi giúp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên », cụ thể là tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai ở Hà Nội. Vậy đâu là những yếu tố giúp Việt Nam đảm nhiệm vai trò nước chủ nhà lần này ?
T.S. Nguyễn Việt Phương : Theo tôi, có ba yếu tố chính dẫn đến việc Việt Nam được lựa chọn làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Kim Jong Un và Donald Trump lần thứ hai.
Thứ nhất là việc Việt Nam có quan hệ ngoại giao ổn định với Triều Tiên, Hoa Kỳ và cả Hàn Quốc. Tại sao lại có Hàn Quốc, bởi vì Hàn Quốc là nước có vai trò quan trọng tích cực nhất trong việc thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều.
Quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, trong vài năm trở lại đây, ngày càng trở nên nồng ấm, không chỉ về mặt kinh tế với việc hai nước đang trở thành bạn hàng ngày càng quan trọng của nhau, mà bên cạnh đó còn có cả mặt chính trị, an ninh. Tiêu biểu là năm 2016, tổng thống Barack Obama đã bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Đến năm 2018, lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh Việt Nam, một tầu sân bay của Mỹ đã cập cảng Đà Nẵng. Đồng thời cũng có rất nhiều chuyến thăm cấp cao của các quan chức Mỹ, như ngoại trưởng Mike Pompeo, bộ trưởng Quốc Phòng… Tất cả những sự kiện này cho thấy là Mỹ muốn có một mối quan hệ tốt đẹp hơn nữa với Việt Nam.
Thứ hai là việc Việt Nam có điều kiện chính trị, an ninh ổn định, thuận lợi cho việc di chuyển của cả Donald Trump và Kim Jong Un, đặc biệt là đối với Kim Jong Un, người luôn đặt vấn đề an ninh lên hàng đầu trong bất kỳ chuyến thăm quốc tế nào của ông.
Và kèm theo đó là Việt Nam đã có kinh nghiệm tổ chức thành công rất nhiều sự kiện lớn mà gần đây nhất là hội nghị thượng đỉnh APEC vào năm 2017.
Và ý cuối cùng, đó là Việt Nam là quốc gia có nhiều bài học về cải cách, mở cửa kinh tế mà Bắc Triều Tiên đang muốn áp dụng và tỏ ý muốn áp dụng. Việc Bắc Triều Tiên lựa chọn Việt Nam cũng tỏ rõ ý này.

RFI : Singapore đã tổ chức thành công thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ nhất cho dù phía Bắc Triều Tiên luôn đưa ra chương trình vào phút cuối. Hà Nội có khả năng làm tròn nhiệm vụ này không ?
Nguyễn Việt Phương : Thứ nhất, tôi không đánh giá cao về mặt kết quả thực chất đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore. Một phần là vì Bắc Triều Tiên giữ kín nội dung đàm phán đến phút cuối cùng, nhưng phần quan trọng hơn rất nhiều, đó là vì hai bên Mỹ-Triều có những mâu thuẫn khó lòng giải quyết về tiến trình phi hạt nhân hóa và nới lỏng cấm vận. Theo tôi, kể cả tại cuộc sắp tới ở Hà Nội thì cũng không có nhiều khả năng những mâu thuẫn này có thể được giải quyết.

Vài trò của Việt Nam không phải là bên tham gia đàm phán, mà là vai trò chủ nhà. Vì vậy, Việt Nam chỉ cần bảo đảm cuộc gặp diễn ra trong không khí hòa hảo, an ninh, không có sự cố về mặt tổ chức, thì đó cũng đã là một thành công rồi.

Còn nếu không khí tích cực do Việt Nam tạo dựng được trong quá trình tổ chức mà được chuyển hóa thành một bước đột phá nào đó giữa Donald Trump và Kim Jong Un về việc tiến tới tuyên bố chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, thì hội nghị thượng đỉnh lần này tại Hà Nội đã có thể coi là thành công tốt đẹp.

RFI : Tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim, Việt Nam được lợi gì ?
Nguyễn Việt Phương : Theo tôi thì Việt Nam sẽ đạt được nhiều lợi ích, có thể được xét trên ba khía cạnh.

Thứ nhất, đó là Việt Nam sẽ cải thiện được hơn nữa hình ảnh của mình trên trường quốc tế như là một quốc gia có nền kinh tế phát triển vượt bậc kể từ sau Chiến tranh lạnh và sẵn sàng chia sẻ những bài học sau quá trình cải cách đó với các quốc gia đang tìm cách cải cách như là Bắc Triều Tiên. Đồng thời Việt Nam cũng sẽ cải thiện được hình ảnh như là một quốc gia tích cực, chủ động trong việc gìn giữ hòa bình, ổn định tại khu vực.

Ý thứ hai là về mặt ngoại giao song phương, việc chủ động hỗ trợ Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên tổ chức những sự kiện quan trọng đối với cả hai nước như thế này sẽ giúp củng cố hơn nữa vị trí đối tác tốt, đối tác tin cậy của Việt Nam đối với cả hai nước và đối với cả các quốc gia có liên quan như Hàn Quốc và Nhật Bản, vì Hàn Quốc và Nhật Bản vừa là các nhà đầu tư rất lớn ở Việt Nam, vừa là các quốc gia mong muốn hơn hết sự ổn định tại khu vực Đông Bắc Á.

Và vấn đề cuối cùng, tương tự như Singapore, việc hình ảnh các địa danh nổi tiếng của Hà Nội, của Việt Nam sẽ liên tục xuất hiện trên sóng truyền hình và trên mạng xã hội trong thời gian trước và trong hội thảo, chắc chắn là cơ hội rất tốt cho quảng bá du lịch Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

RFI Chọn Việt Nam là nơi diễn ra thượng đỉnh lần thứ hai với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ muốn ngụ ý nhắn gửi thông điệp gì đến Trung Quốc ?
Nguyễn Việt Phương : Rõ ràng là thông qua việc lựa chọn Việt Nam là nơi gặp Kim Jong Un, tổng thống Donald Trump đã muốn khẳng định rằng Hoa Kỳ muốn có mối quan hệ đối tác sâu sắc hơn nữa, thực chất hơn nữa với Việt Nam vì Việt Nam là một quốc gia láng giềng của Trung Quốc và đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông. Rõ ràng đây là một nước cờ mới của Donald Trump trong việc triển khai chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương (Indo-Pacific) để kiềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng việc xích lại gần Việt Nam hơn là một quá trình đã được Hoa Kỳ đẩy mạnh từ vài năm trở lại đây, như tôi đã nói ở trên. Mục đích chính của sự kiện Trump và Kim gặp gỡ tại Hà Nội thì vẫn chỉ là để giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, chứ không nhằm khiêu khích hay là đe dọa Trung Quốc.

Có lẽ vì lý do này nên Trung Quốc, cho đến nay, vẫn chưa có một động thái tiêu cực nào kể từ khi tổng thống Donald Trump tuyên bố Việt Nam là nơi tổ chức cuộc gặp lần thứ hai.

Vì vậy, về ngắn hạn thì Việt Nam cũng không nên quá lo lắng về phản ứng từ phía Trung Quốc đối với việc Hà Nội là nơi tổ chức hội nghị. Bản thân Trung Quốc cũng mong muốn là khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên được giải quyết một cách hòa bình.

Tất nhiên là về mặt dài hạn, Việt Nam cần đảm bảo có một chiến lược ngoại giao cân bằng, tự chủ, không quá dựa dẫm vào bất cứ một quốc gia nào trong các vấn đề liên quan đến an ninh và lợi ích sống còn của dân tộc.

RFI : Nếu đạt được thỏa thuận hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, một phần nào đó Bắc Triều Tiên thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng thế nào đến Trung Quốc ?
Nguyễn Việt Phương : Thực ra đây là một câu hỏi khó bởi vì thứ nhất, từ trước đến giờ, báo chí phương Tây thường hay nói là Bắc Triều Tiên phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Quả thật, Bắc Triều Tiên phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về mặt viện trợ kinh tế và viện trợ nhân đạo.

Nhưng về mặt chính sách đối ngoại, thực ra trong vòng nửa thế kỷ trở lại đây, Bắc Triều Tiên có chính sách ngoại giao cực kỳ độc lập. Việc Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân mà Trung Quốc không thể tác động được trong quá trình đó cũng chứng tỏ rằng Bắc Triều Tiên có quan hệ ngoại giao rất độc lập.

Tuy nhiên, việc đạt được hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ dẫn đến nhiều yếu tố khác nhau. Ví dụ như vấn đề Mỹ đóng quân trên bán đảo Triều Tiên, nếu có hòa bình tại đây sẽ dẫn đến việc Mỹ giảm bớt quân trên bán đảo Triều Tiên thì Trung Quốc sẽ coi đây là một động thái đáng mừng.

Ngược lại, khi hòa bình được lập lại trên bán đảo Triều Tiên sẽ dẫn đến việc Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc xích lại gần nhau hơn. Và việc có một bán đảo Triều Tiên tiến tới thống nhất, một bán đảo Triều Tiên có chính sách ngoại giao độc lập và có một nền kinh tế mạnh mẽ, thì có lẽ đó không thực sự là điều mà Trung Quốc mong muốn trong việc để duy trì tầm ảnh hưởng tại khu vực Đông Bắc Á.

RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Việt Phương.





No comments:

Post a Comment

View My Stats