Tuesday 26 February 2019

BẢN TIN NGÀY 26-2-2019 (Báo Tiếng Dân)




26/02/2019

Tin Biển Đông

Trang Diễn Đàn Doanh Nghiệp đặt câu hỏi: Mỹ có giành lại ảnh hưởng tại châu Á từ tay Trung Quốc? Bài viết lưu ý: “Hải quân Trung Quốc đã không được mời tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương được tổ chức hai năm một lần gần Hawaii”.

Phía Mỹ làm vậy để “đáp trả việc quân sự hóa ở Biển Đông của Bắc Kinh. Pháp và Hoa Kỳ đã được thuyết phục dùng hải quân của họ đảm bảo tự do hàng hải trên các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền”


Trước thềm thượng đỉnh Mỹ – Triều
Về cuộc gặp Trump – Kim, GS Phạm Quang Tuấn đặt câu hỏi: Tại sao Trump và Pompeo đem Việt Nam ra làm gương để kêu gọi Kim bắt chước mà không đem nước khác như Hàn Quốc, Đài Loan…? Ông Tuấn cho rằng, “lý lẽ chính khiến Mỹ dùng VN để dụ Kim là: VN là mô hình sáng giá của một chế độ CS toàn trị đã ‘đổi mới’ kinh tế mà vẫn ôm chặt quyền lực chính trị“.

Ông Tuấn nhận định: “Dưới mắt của Trump và Pompeo, CSVN là một chế độ độc tài vững vàng, không có nguy cơ hay dấu hiệu gì sụp đổ. Họ coi đó là gương sáng cho Bắc Hàn. Đó là lý do họ nhử Kim qua Hà Nội. Những nhà tranh đấu nào muốn van vỉ Trump ‘giải cộng’ hay giúp đỡ nhân quyền, dân chủ ở VN thì cũng nên nhớ những điều trên“.

Báo Thanh Niên loạn ngôn khi giật cái tít: Việt Nam, trung tâm hòa giải xung đột quốc tế. TS Nguyễn Hưng Quốc bình luận: “Chỉ được mượn làm nơi cho Tổng thống Mỹ và lãnh tụ Bắc Hàn gặp nhau trong hai ngày mà tự xưng là ‘trung tâm hoà giải xung đột quốc tế’ thì quả là quá lộng ngôn“.

Facebooker Hoàng Ngọc Tuấn viết: “Tháng 6/2018, Singapore cho Trump-Kim mượn chỗ để họp, thì họ coi như chuyện bình thường, chẳng có gì để gáy. Tháng 2/2019, Hà Nội cho Trump-Kim mượn chỗ để họp, thì báo chí Việt Nam gáy oang oang rằng ‘Việt Nam – trung tâm hoà giải xung đột quốc tế’! Sao mà thối đến thế nhỉ?

Ông Trump sẽ đến Việt Nam tối mai, ở lại 2 ngày, theo báo Pháp Luật TP HCM. Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định “xuất phát bằng máy bay từ Mỹ vào ngày 25/2 (giờ Mỹ)” và sẽ đến Hà Nội vào 20 giờ 30 phút ngày 26/2, với “kế hoạch gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam vào sáng hôm sau”.

Chiều 25/2/2019, Tàu bọc thép của ông Kim Jong Un đi qua Hồ Nam, còn cách VN hơn 900 km, Zing đưa tin. Sau đó, “đoàn tàu dự kiến đi qua biên giới, vào thị trấn Đồng Đăng của Việt Nam. Từ đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể sẽ di chuyển bằng ôtô đến Hà Nội”. Theo dự kiến, Kim Jong-un sẽ đến Hà Nội vào ngày 26/2.

Lò phản ứng hạt nhân Triều Tiên ngừng hoạt động trước thượng đỉnh Trump – Kim, theo VnExpress. Hãng thông tấn Yonhap dẫn tin từ trang 38 North, trang web chuyên theo dõi hoạt động của Triều Tiên có trụ sở tại Mỹ, cập nhật tình hình lò phản ứng hạt nhân công suất 5 megawatt tại khu phức hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên: “Không có hơi nước bốc lên từ khu vực máy phát điện, cũng không xuất hiện dấu hiệu của nước nóng ở đầu ống xả của hệ thống làm mát lò phản ứng”.

Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời nhận định của người phát ngôn văn phòng tổng thống Hàn Quốc: Mỹ-Triều có thể tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Ông Kim Eui-kyeom phát biểu ngày 25/2/2019: “Tôi nghĩ khả năng này có thể sẽ xảy ra. Dù không thể biết được các bên sẽ thực hiện tuyên bố này dưới hình thức nào nhưng tôi tin Mỹ và Triều Tiên có thể đạt được thỏa thuận về vấn đề này”.




Quan hệ Việt – Lào – Cam

VOA đưa tin: Ông Trọng đi Campuchia ‘củng cố quan hệ’ ngay trước thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ngay trước ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Trump – Kim, Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “đang có chuyến thăm cấp nhà nước ở Campuchia trong hai ngày 25, 26/2” nhằm “củng cố, tăng cường mối quan hệ truyền thống”.

Trước khi sang Campuchia, ông Trọng “cũng có chuyến thăm với mục đích tương tự đối với Lào”. Theo dự định, cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim sẽ tới Hà Nội trong ngày 26/2 nhưng ông Trọng không thể đón tiếp họ vì lúc đó ông còn ở Campuchia. Nhiều người đã lưu ý sự tình đằng sau chuyện ông Trọng thăm Lào, Campuchia, hai nước đang nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc, trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều.

Trong lúc thăm Lào, ông Trọng và Bộ trưởng Công thương cùng lãnh đạo Lào ký hiệp định Phát triển dự án điện tại Lào để bán điện về VN, theo báo Đất Việt. Nhiều người thắc mắc, sao họ không đầu tư dự án điện sạch nghiêm túc ở Việt Nam, trong bối cảnh nước Việt vẫn thiếu điện nhưng chưa tìm được nguồn thay thế chiến lược cho nhiệt điện than, mà phải mất công làm trò này.

RFA đặt câu hỏi: Vì sao khách quý tới, chủ nhà đi vắng?Theo đó, chương trình làm việc của Tổng – Chủ Trọng tại Lào và Campuchia “chỉ là những vấn đề hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước không có vấn đề nào cấp bách”, nên hoàn toàn có thể chủ động sắp xếp để không trùng với thời điểm Thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Hà Nội.

Bài viết lưu ý: “Vấn đề tế nhị quan trọng hơn nữa mà ông Trọng sẽ cảm thấy khó khăn khi phải tiếp Trump đó là mối quan hệ với người đàn anh Trung Quốc. Từ sau chiến tranh Triều Tiên đến nay, Triều Tiên luôn là vũ khí lợi hại của Trung Quốc để thọc vào sườn người Mỹ”.


Vụ Mobifone mua AVG

Báo Dân Trí có bài: Thất thoát hàng chục nghìn tỷ nhìn từ sai phạm của ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. TS kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích: “Vụ án MobiFone-AVG là điển hình của hiện tượng ngày càng phổ biến với quy mô ngày càng lớn diễn ra trong khu vực kinh tế Nhà nước, khu vực công, đó là mua đắt – bán rẻ”. Nhờ khái niệm “sở hữu Nhà nước, sở hữu toàn dân” nên các lãnh đạo “gần như không phải chịu trách nhiệm” về thiệt hại, họ sẵn sàng mua đắt, bán rẻ gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Theo ông Ánh, “bản chất của thương vụ MobiFone-AVG cũng như nhiều vụ án tham nhũng lớn khác liên quan đến DNNN, đến khu vực kinh tế Nhà nước chính là chúng ta vẫn quản lý khu vực kinh tế Nhà nước… giống như thời kinh tế kế hoạch hoá tập trung”.



Các vụ “ăn” đất

Chuyện ở TP Thanh Hóa: Đổi 3 khu “đất vàng” lấy hơn 400m đường, báo Lao Động đưa tin. “Sau khi nhà đầu tư bỏ số vốn hơn 128 tỉ đồng để làm tuyến đường dài hơn 400m, sẽ được thanh toán bằng cách đổi lấy hơn 19ha đất”. Tuy nhiên, đất ấy là khu “đất vàng” của thành phố “với giá trị thị trường lên đến cả nghìn tỉ đồng”.

Bài viết lưu ý: Mỗi m2 đất thanh toán cho nhà đầu tư “được xác định với giá hơn 600.000 đồng/m2. Trong khi đó, đất tại các khu vực này đang được rao bán trên thị trường với giá từ 7 đến 15 triệu đồng/m2, thậm chí, nơi có vị trí đẹp lên đến 30 triệu đồng/m2”.

Chuyện lạ nhưng “đúng quy trình” ở tỉnh Đắk Lắk: Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Cư M’Lan được thăng quan dù có trách nhiệm trong việc để mất hơn 10.500 ha rừng, theo báo Lao Động. Làm mất hơn 10.500 ha đất rừng, nhưng ông Nguyễn Văn Quyến vẫn được bầu chức Phó Tổng GĐ Công ty Chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đắk Lắk.

Bên cạnh đó, Công ty Chư M’Lan “do ông Quyến làm Phó Giám đốc và Rừng Xanh đã từng bị Thanh tra tỉnh Đắk Lắk phát hiện qua việc làm ăn thua lỗ, buông lỏng quản lý để mất hàng chục ngàn ha rừng” nhưng ông Quyến chỉ bị kỷ luật cảnh cáo.


Luật riêng cho quan chức
Chuyện ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình: Chủ tịch xã bị cách chức được bầu chủ tịch mặt trận, dân kiên quyết phản đối, theo báo Người Lao Động. Ngày 25/2/2019, lãnh đạo huyện hứa sẽ yêu cầu UBND xã Ngư Thủy Trung xem xét lấy lại phiếu tín nhiệm đối với ông Ngô Gia Ngãi, cựu Chủ tịch UBND xã.

Hồi 19/2, UBND xã tổ chức bầu chủ tịch UBMTTQ xã. Khi biết ông Ngãi, người vừa bị cách chức chủ tịch xã dự kiến được bầu làm UBMTTQ xã “thì đông đảo người dân địa phương kéo lên vây kín trụ sở để phản đối gây xôn xao dư luận”.


Tin nhân quyền

Giới hoạt động lại bị canh chặn khi Hà Nội tổ chức thượng đỉnh Mỹ- Triều, RFA đưa tin. Nhà hoạt động Tô Oanh cho biết: “Ngoài 2 camera trước cửa, tôi được sĩ quan an ninh vào nhà tuyên bố không được đi đâu từ chiều nay cho hết hội nghị Thượng đỉnh nào đó! Chắc tôi có tên trong danh sách tổ chức khủng bố chăng?”

Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy kể: “Có ba công an và một tổ trưởng dân phố đến vận động anh không đi xem cuộc gặp giữa hai ông Trump và Kim Jong-un”. Ông Thụy nói thêm: “Lần trước Tổng thống Obama sang thì anh cũng bị chặn, lần này thì như thế”.

Nhà hoạt động Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, thành viên cuối cùng của phong trào Lao Động Việt đã được trả tự do sau 9 năm tù. Tin tức cho biết, ông Hùng bị kết án tù 9 năm tù giam cùng với ông Đoàn Huy Chương (7 năm tù) và Đỗ Thị Minh Hạnh (7 năm) do “rải truyền đơn” kêu gọi công nhân công ty giày da Mỹ Phong ở Trà Vinh đình công hồi năm 2010. Trang Lao Động Việt có clip: Nguyễn Hoàng Quốc Hùng được Tự Do

Báo Người Việt có bài: Nhà tranh đấu quyền người lao động Nguyễn Hoàng Quốc Hùng ra tù. Trước đó, ông Hùng phải nhận bản án 9 năm tù “vì đã hậu thuẫn cho công nhân tại Việt Nam đình công đòi quyền lợi”. Ông Hùng cùng các nhà hoạt động Đoàn Huy Chương và Đỗ Thị Minh Hạnh bị vu cho tội “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân”. Họ ra tòa, bị kết án mà không có luật sư biện hộ.

Công an tỉnh Quảng Ngãi vừa khởi tố giám đốc doanh nghiệp ở Quảng Ngãi phát tán tài liệu chống Nhà nước, VTC đưa tin. Ông Huỳnh Đắc Túy, GĐ doanh nghiệp xây dựng Túy Nguyệt ở Quảng Ngãi, vừa bị khởi tố với “tội danh” quen thuộc, thường áp dụng cho các nhà hoạt động: “Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

công an đọc lệnh khởi tố ông Huỳnh Đắc Túy tại nhà ông. Ảnh: VOV

Bài báo cho biết: “Thời gian qua Túy thường xuyên sử dụng trang Facebook cá nhân để đăng tải, phát tán những bài viết có nội dung kêu gọi, kích động nhân dân, nhằm chống phá Nhà nước”.

Báo Gia Đình và Xã Hội bàn về clip thu giữ cam trên phố Lê Văn Linh: Phản cảm. Bài báo cho biết: “Nhiều ý kiến cho rằng, hành động của các cán bộ Công an cùng những người thuộc đội tự quản chuyên trách về trật tự đô thị là phản cảm, không cần thiết”. LS Đặng Văn Cường bình luận: “Việc ‘hốt hàng’ của người dân vừa vi phạm pháp luật nghiêm trọng và cũng vừa gây phản cảm trên bình diện quốc gia rộng lớn”. Mời xem clip: Clip full bà bán cam quỳ lạy van xin mà các anh ấy vẫn ko tha


Hậu quỹ Phan Chu Trinh

RFA có bài phỏng vấn Giáo sư Chu Hảo: Quỹ Phan Chu Trinh ngưng hoạt động không từ một sức ép nào cả. GS Chu Hảo cho biết, lý do Quỹ Phan Chu Trinh ngừng hoạt động sau khi bà Nguyễn Thị Bình tuyên bố rút khỏi quỹ này: “Người có thể tạm quyền trước hết là bác Nguyên Ngọc, với tư cách Chủ tịch hội đồng khoa học của Quỹ, và tôi với tư cách Phó chủ tịch. Cả hai chúng tôi đều ở trong hoàn cảnh không thể tiếp tục được”.

Ông Hảo cho biết, dù Quỹ Phan Chu Trinh ngừng hoạt động, con đường truyền bá tri thức vẫn tiếp tục: “Hiện tại thì chúng tôi có Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới, vẫn còn nhà xuất bản Tri Thức”.


Ô nhiễm bờ biển Đà Nẵng


Vụ nước thải tuôn ra biển Đà Nẵng: Yêu cầu kiểm tra việc xả thải chuỗi khách sạn, nhà hàng, báo Người Lao Động đưa tin. Ông Tô Văn Hùng, GĐ Sở TN&MT TP Đà Nẵng, cho biết, “đơn vị đang chờ Chi cục Môi trường tham mưu văn bản về việc yêu cầu UBND quận Thanh Khê tiến hành kiểm tra chuỗi các khách sạn, nhà hàng và cơ sở giặt ủi nằm dọc tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành”.

Ông Hùng thừa nhận, dự án xử lý nước thải dọc biển Thanh Khê “vẫn chưa được triển khai nên tình trạng nước thải chưa qua xử lý đang tiếp diễn khiến người dân lo lắng về việc bờ biển bị ô nhiễm”.


BOT tiếp tục móc túi dân

Lý do để trạm BOT đầy tai tiếng mở cửa trở lại: Nhà đầu tư BOT Cai Lậy báo lỗ 130 tỷ sau hơn một năm dừng thu phí, Zing đưa tin. Chiều 25/2/2019, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, bộ này “đang lắng nghe các ý kiến để tổng hợp, xác định thời gian cụ thể thu phí trở lại với BOT Cai Lậy. Dự kiến trong tháng 3/2019, BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại”.

Ông Nhật không quên lưu ý các cơ quan chức năng “sẵn sàng” bảo vệ BOT Cai Lậy: “Tỉnh Tiền Giang sẽ họp với các sở, ngành và công an, các cơ quan có trách nhiệm đảm bảo trật tự, an ninh khi thu phí trở lại”.

Phương án của Bộ GTVT: Giữ nguyên vị trí, giảm tối đa phí qua trạm BOT Cai Lậy, theo VTC. Hầu hết các báo “lề đảng” nhấn mạnh chi tiết giảm tối đa phí qua trạm, mà bỏ qua chi tiết thời gian thu phí sẽ tăng hơn gấp đôi so với trước. Trước đây, một trong các lý do chính khiến giới tài xế bất bình và tổ chức phong trào phản đối là vị trí bất hợp lý của BOT Cai Lậy, thì nay trạm này vẫn giữ nguyên vị trí.


Giáo dục hay trại tù?

Sở GD&ĐT tỉnh An Giang yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện Phú Tân tạm đình chỉ thầy giáo đánh học sinh vẹo cột sống, báo Ngày Nay đưa tin. Ông Lê Trường Thọ bị đình chỉ công tác 15 ngày “vì đã có những vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng”. Bài báo cho biết: “Hiện tại gia đình em T chưa chấp nhận lời xin lỗi của thầy Lê Trường Thọ. Còn các cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng vẹo cột sống của em T”.

Báo Dân Việt dẫn lời Hiệu trưởng trường THCS Long Hòa ở huyện Phú Tân, An Giang: Giáo viên đánh roi nữ sinh lớp 7 vì muốn HS ngoan hơn (?) Hiệu trưởng Trần Thiện Chơn tìm cách bảo vệ cho giáo viên bạo hành học sinh đến vẹo cột sống: “Vụ việc xảy ra có thể là do thầy muốn học sinh mình ngoan hơn, mới phạt, đánh các em như vậy”.

Ông Lê Trường Thọ là người hành hung nữ sinh T, thừa nhận: “Trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm ngày 19/1 vừa qua, tôi có gọi em T. lên bục giảng để nhắc nhở về việc em thường xuyên không thuộc bài, chửi thề trong lớp. Theo đó, tôi quyết định phạt em này 60 roi nhưng do lần đầu tiên nên chỉ phạt 30 roi”.


***






No comments:

Post a Comment

View My Stats