Friday, 22 February 2019

16 TIỂU BANG ĐỒNG LOẠT KHỞI KIỆN TT TRUMP VÌ LẠM DỤNG QUYỀN LỰC ĐỂ XÂY TƯỜNG (Phạm Minh Trung - Luật Khoa)




22/02/2019

Khác với Việt Nam, nơi mà các lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng sản hầu như được miễn trừ trách nhiệm dân sự và hình sự, kể cả khi đã nghỉ hưu, tổng thống Mỹ đương nhiệm hoàn toàn có thể bị kiện ra tòa.

Liên minh gồm 16 tiểu bang của Mỹ, dẫn đầu là California, đã đồng loạt đệ đơn kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 18/02 vì quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để vượt mặt Quốc hội, xây dựng bức tường biên giới với Mexico, The New York Times đưa tin.

Động thái này được dự báo sẽ kéo ông Trump vào một cuộc chiến pháp lý mới, đồng thời đưa ra những câu hỏi về việc kiểm soát chi tiêu của Quốc hội, phạm vi quyền hạn khẩn cấp trong tay tổng thống, và tòa án các cấp sẵn sàng đi tới đâu để giải quyết những tranh chấp này.

Đơn kiện được đưa lên Tòa án Liên bang ở San Francisco chỉ ra rằng Tổng thống Mỹ không có quyền chuyển hướng ngân sách để “xây tường” bởi chỉ Quốc hội mới có quyền kiểm soát các khoản chi. Trừ Maryland, các bang trong liên minh này đều có thống đốc là thành viên đảng Dân chủ, và hầu hết có cơ quan lập pháp do đảng này kiểm soát.

“Chúng tôi đưa Tổng thống Trump ra tòa để ngăn ông ta lạm dụng quyền lực”, Tổng chưởng lý bang California, Xavier Becerra, tuyên bố vào đúng ngày mà người Mỹ dành để tôn vinh các tổng thống của mình. “Chúng tôi kiện Tổng thống Trump để ngăn ông ta đơn phương dùng tiền thuế, mà Quốc hội đã phân bổ, một cách hợp pháp. Đối với hầu hết chúng tôi, văn phòng tổng thống không phải là nơi để diễn trò”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và những mẫu bức tường mà ông dự tính xây dựng dọc biên giới với Mexico, 13/3/2018. Ảnh: Mandel Ngan/AFP/Getty Images.

Sắc lệnh của Trump cho phép ông rút tiền ngân sách đã được Quốc hôi phê duyệt cho các hạng mục khác. Trước đó, Quốc hội Mỹ từ chối cấp cho ông 5,7 tỷ USD trong năm 2019 để xây bức tường biên giới, mà chỉ có 1,375 tỷ USD sẽ được đầu tư vào việc thiết lập các hàng rào biên giới.

Trump rút kinh phí cho bức tường từ ba nguồn: 600 triệu USD từ quỹ tịch thu tài sản của Bộ Tài chính, vốn ưu tiên cho hoạt động thực thi pháp luật; khoảng 2,5 tỷ USD từ tài khoản chống ma túy của quân đội; và 3,6 tỷ USD trong các quỹ xây dựng quân sự mà Trump tuyên bố ông có thể sử dụng bằng cách viện dẫn một đạo luật về tình trạng khẩn cấp.

Quyết định của Tổng thống Trump cho thấy ông quyết tâm thực hiện cam kết của mình với cử tri trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2016.

Hầu hết đường biên giới Mỹ và Mexico được ngăn cách bởi các hàng rào. Ảnh: Sandy Huffaker/Agence France-Presse via Getty Images.

Các bang chỉ trích động thái của tổng thống trong việc chuyển hàng tỷ USD vốn đã được duyệt chi cho Bộ Quốc phòng. Họ dẫn giải những bình luận trước đó của ông Trump để cho rằng việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia là không cần thiết, mới nhất là phát biểu của ông khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại Nhà Trắng vào ngày 15/02: “Tôi không cần phải làm việc này [ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia]. Nhưng tôi thà làm như vậy để xây bức tường nhanh hơn”.

“Rõ ràng đây không phải là tình trạng khẩn cấp quốc gia, không chỉ bởi chẳng ai tin vào nó, mà bản thân Tổng thống Trump cũng cho rằng nó không có thật,” Tổng chưởng lý Becerra phát biểu. “Vẫn có đủ bằng chứng cho thấy đây không phải trường hợp tương tự cuộc khủng bố 11/09, cũng không phải cuộc khủng hoảng con tin năm 1979 tại Iran. Nó thậm chí không phải tình trạng khẩn cấp quốc gia mà chúng ta áp dụng để chống lại các kẻ thù từ bên ngoài, hay để phòng tránh bất kỳ một mối nguy hại nào ập xuống những công dân Mỹ tại nước ngoài”.

Ngay cả trước khi vụ kiện được đệ trình, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về các thách thức pháp lý có thể trì hoãn những nỗ lực của ông Trump trong việc xây bức tường mà ông cho là cần thiết để ngăn người nhập cư bất hợp pháp và hoạt động buôn lậu ma túy. Theo dự báo, các vụ kiện này có thể được đưa lên Tòa án Tối cao Mỹ.

Về phần mình, Trump chấp nhận trước rằng ông sẽ bị kiện, nhưng tự tin về khả năng chiến thắng nếu bị xét xử trước Tòa án Tối cao. Ông cũng đáp lại bằng cách chỉ trích bang California đã xây dựng những tuyến đường sắt cao tốc kém hiệu quả, trong khi lại đi kiện ông vì xây dựng bức tường có phần ít tốn kém hơn.

“California, địa phương lãng phí hàng tỷ USD cho tuyến đường sắt cao tốc không có hy vọng hoàn thành, dường như chịu trách nhiệm về vụ kiện. Dự án thất bại của California, với chi phí vượt kế hoạch sắp đạt mức kỷ lục thế giới, còn tốn kém gấp trăm lần bức tường cần thiết đó!”, Tổng thống Trump gay gắt.

Nhiều nhà lập pháp, trong đó có cả các đảng viên Cộng hòa, đang chia rẽ rằng liệu việc ban bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Trump hợp lệ hay không, và liệu đây có phải một động thái lạm quyền có thể tạo ra tiền lệ chưa từng thấy?

Trong khi đó, đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ cho biết họ sẽ ban hành dự luật để ngăn chặn quyết định của tổng thống, và hy vọng một số thành viên đảng Cộng hòa sẽ ủng hộ. Nếu dự luật được thông qua, ông Trump sẽ phải sử dụng quyền phủ quyết đầu tiên trong nhiệm kỳ để bảo vệ quyết định của mình.

Kể từ khi Đạo luật Khẩn cấp Quốc gia được đề xuất vào năm 1976, các tổng thống Mỹ đã viện dẫn đạo luật này gần 60 lần để sử dụng quyền hạn khẩn cấp, như trong cuộc khủng hoảng con tin ở Iran năm 1979 hay vụ tấn công khủng bố ngày 11/09/2001. Tuy nhiên, chưa có tổng thống nào sử dụng tình trạng khẩn cấp quốc gia để qua mặt Quốc hội sau khi bị từ chối duyệt chi ngân sách như Trump.





No comments:

Post a Comment

View My Stats