Ngô Nhân Dụng
February 15, 2019
Một số luật sư của Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng Thống
Donald Trump có thể kiếm chỗ này, chỗ khác trong ngân sách, thế nào cũng đủ $7
tỷ hay $8 tỷ để xây bức tường biên giới; mà không cần phải công bố tình trạng
khẩn trương.
Nhưng làm như vậy thi “yếu” quá! Chắc chắn ông Trump
không bao giờ chấp nhận “đi cửa hông” như vậy. Ông phải bước vào cửa chính,
thay đổi mấy món chi tiêu, đem ra xây tường. Ông Trump không bao giờ chấp nhận
là mình “yếu” hoặc “có vẻ yếu.”
Nếu không tuyên bố “đất nước lâm nguy” để ra lệnh
đem tiền ra xây tường biên giới, thì ông Trump coi như chịu thua. Năm ngoái, đảng
Dân cHủ đã chấp nhận $1.6 tỷ để bắt đầu xây tường. Lúc đó, Hạ Viện vẫn do đảng
Cộng Hòa kiểm soát, ông Trump không chịu con số đó, đòi gấp đôi. Cuối cùng, chẳng
ai lo chuyện tiền xây tường nữa vì còn nhiều chuyện tranh cử thú vị hơn.
Đầu năm nay, đảng Dân Chủ chiếm đa số ở Hạ viện. Họ
biểu quyết $1.3 tỷ cho bức tường. Ông Trump đòi $5.7 tỷ, nếu không thì không ký
ban hành ngân sách. Ông tuyên bố sẽ hãnh diện đóng cửa chính phủ khi ngân sách
cũ hết hạn. Quốc Hội xin mở cửa tạm, ông lắc đầu. 800 ngàn người trong guồng
máy nhà nước nghỉ không lương 35 ngày, dài kỷ lục.
Cuối cùng, ông Trump chấp nhận mở cửa, để hai đảng
trong Quốc Hội tìm cách thỏa hiệp với nhau. Sau mấy tuần tranh luận, họ đã bỏ
phiếu một ngân sách thỏa hiệp, nhưng chỉ dành $1.375 tỷ cho ông tổng thống xây
tường thôi.
Nếu chấp nhận con số tép riu này mà không làm chi hết;
ông tổng thống sẽ mất mặt. Nhưng ông cũng không thể bác bỏ dự luật ngân sách,
vì chính phủ sẽ đóng cửa lần nữa. Nhưng ông Trump vẫn thủ trong tay lá bài
chót!
Thứ Sáu, ông đứng ra báo động với dân Mỹ là đất nước
đang đứng trước một mối nguy chưa từng có: Hàng ngàn di dân Trung Mỹ đang kéo tới
biên thùy chờ đến lượt xin vào tị nạn tại nước Mỹ. Đó là một mối đe dọa, một cuộc
khủng hoảng, cho nên, phải tuyên bố “tình trạng khẩn trương trên toàn quốc”
(national emergency) để đối phó!
Thắc mắc đầu tiên là: Tổng thống Mỹ có quyền đó
không?
Có. Một đạo luận năm 1976 cho phép ông tổng thống
tuyên bố “tình trạng khẩn trương.” Kẹt một điều là cả đạo luật đó không định
nghĩa thế nào thì coi là một “tình trạng khẩn trương?” Tuy nhiên, điều đó không
cấm các vị tổng thống thi hành. Có 58 tình trạng khẩn trương đã được ban hành,
trong đó có 31 vụ đến nay vẫn chưa chấm dứt. Điển hình là sau vụ khủng bố làm
chết hơn 3,000 người ở New York ngày 11 Tháng Chín, 2001.
Nhưng công bố “tình trạng khẩn trương” để làm gì? Đạo
luật cho phép chính phủ “du di” ngân sách, chuyển một số tiền qua dùng cho mục
đích đối phó với tình trạng khẩn trương. Đó là điều Tổng Thống Trump đang nhắm
tới.
Một điều các vị tổng thống hay làm là sử dụng các quỹ
xây cất của quân đội, từ các chương trình cứu trợ thiên tai, bão lụt, vân vân.
Nhặt nhạnh đây đó, mỗi nơi một tí, ông tổng thống sẽ đủ $7 tỷ hay $8 tỷ xây tường
– ngoài số tiền $1.375 tỷ mà quốc hội đã chấp nhận để dựng 55 dặm hàng rào
thép.
Tất nhiên, nhiều người đang chống lệnh khẩn trương của
ông Trump.
Nhiều tiểu bang, và cả các cá nhân, sẽ kiện ông tổng
thống khi ông chuyển tiền ngân sách (đáng lẽ đem chi cho họ hưởng) đem dùng để
xây tường. Ông Xavier Becerra, Bộ Tư Pháp California sẽ đi hàng đầu.
Ông nói rằng ông tổng thống “ngụy tạo” một tình trạng
khẩn trương không hề có. California có thể mất khá nhiều tiền chi viện để tái tạo
các khu rừng bị cháy năm ngoái, nếu ông Trump thấy xây tường cần hơn.
Lực lượng chống lại lệnh của ông Trump mạnh nhất tất
nhiên phát xuất từ đảng Dân Chủ ở Hạ Viện.
Một cách giản dị nhất cho đảng Dân Chủ là biểu quyết
một dự luật cấm ông tổng thống không được “du di” những món tiền quốc hội đã biểu
quyết dùng vào việc khác. Họ có đủ phiếu để thông qua dự luật này, nhưng chắc
chắn sẽ thất bại ở Thượng Viện, đảng Cộng Hòa đang chiếm đa số. Dăm, ba nghị sĩ
Cộng Hòa có thể chống vụ khẩn trương này, bỏ phiếu theo các nghị sĩ Dân Chủ.
Nhưng khi ông Trump phủ quyết thì khó có được hai phần ba các đại biểu ở mỗi viện
để chống lại ông.
Cho nên đảng Dân Chủ phải đi một con đường quanh co,
theo đúng luật. Theo đạo luật 1976, nếu tổng thống ban bố tình trạng khẩn
trương, quốc hội có nửa tháng để chính thức phản đối. Mỗi viện quốc hội biểu
quyết một nghị quyết bác bỏ lệnh này. Khi Hạ viện làm nghị quyết xong, trong 18
ngày Thượng Viện phải đem ra bỏ phiếu, không được phép “ngâm.” Vị tổng thống có
quyền phủ quyết và khi đó quốc hội mới có thể chính thức kiện ông tổng thống về
tội lạm quyền.
Điều thứ nhất trong hiến pháp Mỹ trao quyền nắm túi
tiền cho quốc hội. Họ biểu quyết các sắc thuế để thu tiền và các món chi tiêu của
hành pháp; các đại biểu quốc hội đều ý thức về quyền hạn lớn lao này.
Khi đã tìm cách ngăn cản ông tổng thống không được,
đảng Dân Chủ ở Hạ Viện có thể kiện ông Donald Trump ra tòa. Họ sẽ tố rằng ông tổng
thống đã giành mất quyền chuẩn chi của quốc hội. Bình thường, đơn kiện sẽ nộp
cho tòa án ở thủ đô, Washington, DC.
Liệu tòa án sẽ xử ra sao?
Năm 2015 đã có một tiền lệ. Hồi đó, đảng Cộng Hòa kiểm
soát Hạ Viện, ông Chủ Tịch John Boehner đã kiện chính phủ Obama vì họ “du di”
ngân sách để lấy tiền trả cho các nhà bảo hiểm tham dự Obamacare – trong khi Quốc
Hội không hề biểu quyết các món tiền đó. Năm đó bà chánh án Rosemary Collyer đã
nhiệt liệt bảo vệ vai trò “nắm túi tiền” của Quốc Hội. Bà bảo rằng nếu thẩm quyền
này của Hạ viện bị vi phạm thì cả hệ thống hiến pháp ta rã! Cho nên bà phán
chính phủ Obama không được phép “du di” ngân sách như họ muốn! Chính phủ Obama
đã kháng cáo bản án này nhưng chưa được đưa lên tới Tối Cao Pháp Viện thì ông
Obama đã hết nhiệm kỳ.
Như vậy thì đảng Dân chủ năm nay có hy vọng sẽ được
tòa án Washington, DC đồng ý, như đảng Cộng Hòa hồi 2015?
Cũng không chắc. Vì hồi 2015 ông Obama không tuyên bố
tình trạng khẩn trương. Và Tối cao pháp viện đã đưa ra mấy phán quyết gần đây
cho thấy ông Trump có thể vững thế.
Một bản án mà Tối Cao Pháp Viện phán năm ngoái đã chấp
thuận cho chính phủ Trump dùng chính sách di dân khó khăn với dân chúng một số
quốc gia, đặc biệt là người Hồi Giáo. Các tòa án cấp dưới đều bác bỏ chính sách
này, nhưng tháng Sáu vừa qua, Tối Cao Pháp Viện đã cho ông Trump thắng với tỷ số
5-4.
Năm vị thẩm phán phe đa số lý luận rằng hiến pháp và
luật pháp trao cho vị tổng thống quyền hành trên những vấn đề như di dân và an
ninh quốc gia; trong đó có quyền quyết định một người ngoại quốc vào nước Mỹ có
hại cho an ninh quốc gia hay không. Các vị thẩm phán đa số nêu quy tắc “tôn
kính” quyền quyết định của người đứng đầu hành pháp.
Nếu quy tắc trên vẫn được nêu ra, thì ông Trump có
thể thắng khi vụ này đưa lên tới Tối cao pháp viện. Các vị thẩm phán bảo thủ mới
được tăng cường với ông Brett M. Kavanaugh.
Nhưng người ta khó đoán được lá phiếu của ông Chánh
Án Tối Cao John Roberts. Ông Roberts đã chấp nhận lý luận của chính phủ Trump
khi từ chối không xóa bỏ lệnh về người di dân Hồi Giáo, vì coi đây là một vấn đề
di dân mà không phải tôn giáo. Nhưng ông tỏ ra rất độc lập với chính quyền, kể
cả những người cùng đảng Cộng Hòa với ông. Ông đã hai lần “cứu” đạo luật y tế của
Tổng Thống Obama, dù đảng Cộng Hòa chỉ muốn xóa hết.
Trong vụ Đảng Dân chủ kiện lệnh ban hành tình trạng
khẩn trương của ông Trump, ông Roberts sẽ đóng vai trọng tài giữa Hành Pháp và
Lập Pháp. Ông có thể đồng ý với Hành Pháp nếu dựa trên nguyên tắc nói rằng ông
tổng thống được trao quyền điều khiển quốc gia, cho nên ông ta là người có thẩm
quyền nhất để nói tình trạng quốc gia có bị nguy hiểm hay không.
Ngược lại, ông Roberts cũng có thể theo tinh thần một
án lệ nổi tiếng năm 1952, thời Tổng Thống Harry Truman. Lúc đó Mỹ đang dự cuộc
chiến tranh Hàn Quốc, và ông Truman ban bố tình trạng khẩn trương, ra lệnh
“trưng thu” một số nhà máy thép ở Youngstown, để bảo vệ nguồn vật liệu chiến
tranh, trước mối lo công nhân đình công sẽ gây đình trệ.
Trong vụ này, Tối Cao Pháp Viện đã ngăn cản Tổng Thống
Truman không cho phép ông dùng tình trạng khẩn trương. Tòa án lý luận rằng khi
Quốc hội đã từ chối không hành động một điều gì (ở đây là việc trưng thu các
nhà máy) thì hành pháp không có quyền làm điều đó.
Nếu áp dụng tinh thần của phán quyết Youngstown, thì
chánh án Roberts có thể sẽ nghiêng về phía bên đứng kiện, là đảng Dân Chủ. Vì
trong vụ Youngstown, Quốc Hội chỉ không ra lệnh tịch thu nhà máy thôi, còn
trong vụ xây tường bây giờ quốc hội đã minh xác họ không chấp nhận chi tiền để
xây tường!
Tất cả sẽ chờ Chánh Án John Roberts. (Ngô
Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment