Sunday, 6 January 2019

THƯ NGỎ về HỘI THẢO NGHĨA TRANG QLVNCH BIÊN HÒA (Giao Chỉ San Jose)




05/01/2019

Thân gửi quý vị.

Được tin ban tổ chức hội thảo về Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa mời ông đại sứ Mỹ đến San Jose, chúng tôi rất vui mừng. Nguyên văn thư ngỏ Anh Ngữ nhờ bà dân biểu Joe Lofgren gửi đến các giới chức trong chính giới Hoa Kỳ.

Xin phổ biến bản Việt Ngữ đến quý thân hữu để kính tường.

Thiển nghĩ, dù có thể giờ chót ông đại sứ và các dân biểu bận công vụ không đến được thì vấn đề chúng tôi nêu ra vẫn cần thiết. Rất mong quý bạn quan tâm góp ý kiến. Tiếp theo chúng tôi sẽ công bố bản tin tổng quát về câu chuyện lịch sử Nghĩa trang nhân dịp đầu năm 2019.

Giao Chỉ, Vũ Văn Lộc
 
************


Thư ngỏ về Hội thảo Nghĩa Trang QLVNCH Biên Hòa                           
tại San Jose.      
                                                                                           
Người gửi: Vũ văn Lộc, 86 tuổi, quốc tịch Hoa Kỳ. Nguyên đại tá QLVNCH. Giám đốc cơ quan định cư IRCC, Inc.từ 1976. Sáng lập Viet Museum tại San Jose History Park.

Kính gửi: Ông Daniel J. Kritenbrink, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và Ông Alex Tatsis bộ ngoại giao Hoa Kỳ. 
 
Chúng tôi được ban tổ chức cho biết quý vị sẽ đến San Jose vào 19 tháng 1-2019 tham dự buổi hội thảo về Nghĩa trang quân đội VNCH Biên Hòa. Đây là đề tài vô cùng quan trọng đối với gia đình tử sĩ, các cựu chiến binh VNCH và toàn thể người Việt từ trong nước đến hải ngoại. Dù đã trải qua gần nửa thế kỷ, nhưng sự quan tâm của chính phủ, bộ ngoại giao và tòa đại sứ Mỹ đối với mộ phần của các chiến hữu Việt Nam đã hy sinh, chúng tôi vô cùng cảm khích. Cá nhân tôi là người vì quân vụ đã có mối liên hệ trực tiếp với công việc mở đường xây cất nghĩa trang này từ thập niên 1960 và có hoàn cảnh theo dõi yểm trợ cho việc mai táng tử sĩ cho đến ngày 30 tháng 4-1975. Sau khi định cư tại Hoa kỳ, cơ quan IRCC do tôi lãnh đạo đã bắt đầu phát động chương trình tìm hiểu về tình trạng của nghĩa trang Biên Hòa từ năm 1993. Công tác gồm có sưu tầm tài liệu, làm mô hình dành cho Việt Museum và viết sách phổ biến tin tức. Quan trọng hơn hết là kêu gọi người Việt trong nước cũng như hải ngoại về thăm nghĩa trang và trực tiếp sửa sang mộ phần. Công việc này đã tiến triển tốt đẹp trong 25 năm từ 1993 đến 2008. Giai đoạn sau này về việc trùng tu các ngôi mộ hiện có kết quả do nhiều tổ chức và cá nhân từ hải ngoại đóng góp, tòa đại sứ hiện đã biết rõ nên không cần kể lại. 

Trong thời kỳ ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng chúng tôi có gửi thư trực tiếp về Hà Nội để đặt vấn đề. Bản sao thư này cũng gửi cho cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông Kiệt tuy về hưu nhưng vẫn còn ảnh hưởng trong chính phủ. Thư chính thức cũng được các dân biểu Hoa Kỳ chuyển tiếp về Hà Nội. Trong thư gửi về cho chính phủ Việt Nam chúng tôi có đề cập đến các nhận xét và yêu cầu như sau.  
 
Thư viết nhân danh giám đốc cơ quan định cư di dân IRCC tại San Jose, Nhân danh cựu quân nhân VNCH và nhân danh công dân Hoa Kỳ.
Thư gửi thẳng quý ông Nguyễn tấn Dũng và ông Võ Văn Kiệt.
Mặt khác thư Anh ngữ nhờ các vị dân biểu   chuyển tiếp đến các giới chức hữu trách Việt Nam.
Nội dung lá thư đặt vấn đề chính phủ Việt Nam phải tôn trọng mộ phần và di hài chiến binh VNCH chiếu theo công pháp quốc tế về chiến tranh, về tù binh, về tử sĩ sau cuộc chiến. Các điều khoản Việt Nam đã ký kết trong hiệp định Geneve 1954, trong hiệp định Paris năm 1973. Ký kết khi gia nhập Liên Hiệp Quốc và trong nhiều tài liệu về nhân quyền và công pháp quốc tế .
Lá thư đặt ra các vấn đề sau đây: 1) Yêu cầu bảo vệ sự toàn vẹn nghĩa trang,  2) Trả lại tên chính danh cho Nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hòa. 3) Tuyên bố Nghĩa trang Biên Hòa là khu di sản lịch sử quốc gia, áp dụng theo quy chế bảo vệ Dinh Độc lập tại Sài Gòn. 4) Cho điều tra giới chức phá hủy 10 thước trên ngọn kiếm của Nghĩa Dũng Đài. 5) Di chuyển nhà máy nước ra khỏi khuôn viên nghĩa trang. 6) Ban hành luật lệ rõ ràng để thân nhân và những người tình nguyện được phép thăm viếng, tảo mộ, sửa sang các phần mộ và các công trình kiến trúc. 7) Cho phép hạ các cây cối làm hư hỏng cống rãnh, đường xá và các ngôi mộ.  8) Cho phép cải táng di hài tử sĩ VNCH tại các trại tù hay các nơi chôn cất tạm đem về Nghĩa trang Biên Hòa. 9) Cho phép các cựu chiến binh VNCH qua đời được mai táng tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa.
Tất cả các điều yêu cầu kể trên là những công tác nhân đạo thông thường theo văn hoá truyền thống Việt Nam và đồng thời cũng là những nghĩa vụ của nhà cầm quyền hiện tại phải làm theo công pháp văn minh quốc tế.
 
Các vị sứ giả thân hữu của chúng tôi có gặp trực tiếp thủ tướng Võ văn Kiệt, ông nhận thư và hứa hẹn sẽ giải quyết. Nhưng chưa có kết quả cụ thể thì ông đã qua đời. Một sứ giả khác đã trực tiếp gặp thủ tướng Dũng lúc đương quyền, nhưng sau đó không có kết quả cụ thể. Kết quả gián tiếp có thể là quyết định dân sự hóa đã được thủ tướng ban hành năm 2006 . Quyết định di chuyển đơn vị quân đội đi nơi khác để trao nghĩa trang cho dân sự.
Chúng tôi viết thư này đến ông đại sứ đề nghị can thiệp với chính quyền Hà Nói về các điểm đã yêu cầu.
 
Mặt khác, quan trọng vô cùng là kính mời quý vị dành thì giờ ghé thăm Việt Museum tại San Jose. Nơi đây có tên là Viện bảo tàng thuyền nhân và VNCH. Đây là bảo tàng lịch sử của chiến tranh Việt Nam, lịch sử của quân dân Miền Nam trong cuộc chiến từ 1950 đến 1975. Tại đây có di sản của 58 ngàn quân nhân Hoa Kỳ đã hy sinh. Hàng triệu quân dân chính miền Nam đã chết vì bảo vệ miền Nam tự do. Hàng trăm ngàn thuyền nhân đã chết trên đường vượt thoát. Sau cùng đây chính là nơi có sự hiện diện của linh hồn Nghĩa trang Biên Hòa tại hải ngoại. Quý vị đã có dịp thăm nghĩa trang Biên Hòa hiện nay. Tại Việt Museum, quý vị sẽ có dịp nhìn thấy hình ảnh nghĩa trang này trước ngày 30 tháng tư 1975. Thư này chúng tôi kính nhờ bà dân biểu San Jose gửi đến quý vị. Bà Joe Lofgren vừa là cố vấn, vừa là thân hữu và cũng là dân biểu trực tiếp của chúng tôi.

Trân trọng kính mời.
Vũ văn Lộc, San Jose.
 -- 
Giao Chi San Jose.   giaochi12@gmail.com  (408) 316 8393






No comments:

Post a Comment

View My Stats