Wednesday, 9 January 2019

KIM BÌNH TRUMP (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
January 8, 2019
Trong khi Tổng Thống Mỹ Donald Trump đang lo xây bức trường thành bảo vệ biên giới phía Mexico ngăn chặn hàng ngàn di dân từ Trung Mỹ chạy lên và thương thuyết với đảng Dân Chủ để mở cửa chính phủ, thì chính phủ Mỹ cũng đang lo hai việc ngoại giao: Tiếp tục thương thuyết với Bắc Kinh để giảm bớt cuộc chiến tranh thương mại, đồng thời chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ 2019 giữa ông Trump và nhà độc tài đỏ Bắc Hàn.

Kim - Bình - Trump, ba nhà lãnh đạo làm đau đầu thế giới. (Hình: Fred Dufour, Brendan Smialowski, Toru Yamanaka/AFP/Getty Images)

Đúng lúc đó, Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un đi xe lửa qua đêm tới Bắc Kinh theo lời mời của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến sẽ đi kéo dài bốn ngày, cho thấy đây không phải là một cuộc gặp gỡ xã giao. Kim Jong Un chắc không bao giờ nghĩ đến chuyện xã giao; mặc dù tới gặp Bình đúng ngày sinh nhật 35 tuổi!


Kim lên nắm quyền suốt sáu năm mà không qua trình diện Bình, cho đến Tháng Ba năm ngoái, trước khi gặp Trump. Sau khi gặp Trump ở Singapore, Kim qua Bắc Kinh ngay, từ đó tới nay đây là lần thứ tư trong 10 tháng. Có lẽ chàng Kim muốn vấn kế đàn anh Trung Cộng sẽ làm gì khi gặp Trump trong tháng tới, cho đúng tình thầy trò. Nhưng chắc chắn Kim gặp Bình để xin ủng hộ cho vững tâm trước khi đi kỳ kèo mặc cả với Trump.

Khi gặp mặt tổng thống Mỹ năm ngoái, Kim đã đạt được những thắng lợi qua mặt hai đời bố và ông nội. Họ chỉ muốn được đứng ngang hàng với Mỹ. Đang là một “tên côn đồ” hung hãn bị cả thế giới khinh bỉ, Kim Jong Un bỗng đóng vai một chính khách quốc tế ngồi ngang hàng với người đứng đầu “thế giới tự do” mà không phải nhượng bộ cái gì trừ những lời tuyên bố. Sau đó, Nga và Trung Cộng đã nới lỏng những biện pháp cấm vận do Liên Hiệp Quốc đặt ra. Bắc Hàn và Nam Hàn gặp gỡ nói chuyện giao thương, giúp Kim bắt đầu cải tổ kinh tế dần dần theo lối Trung Cộng.

Bây giờ, Kim Jong Un lại đang lớn tiếng đặt điều kiện trước khi gặp Trump. Trong thông điệp đầu năm vừa rồi, chàng Kim dọa sẽ “đi đường khác” nếu Mỹ không bỏ cấm vận! Nghĩa là dọa có thể cho nổ bom hạch tâm và phóng hỏa tiễn mới, vì các trung tâm nghiên cứu Bắc Hàn vẫn hoạt động bình thường trong một năm qua. Kim qua gặp Bình để chứng tỏ cho Trump thấy mình vẫn có đàn anh hậu thuẫn, để có thể mạnh miệng hơn khi bước vào vòng thương thuyết mới.

Tất nhiên, chàng Kim biết rằng Mỹ sẽ không bao giờ giảm bớt cấm vận trước khi Bắc Hàn chịu xóa bỏ kho vũ khí nguyên tử. Cho nên, trong chuyến đi Bắc Kinh kỳ này, Kim sẽ năn nỉ với Bình, xin nới lỏng vòng đai cấm vận rộng hơn nữa. Trong thực tế, những tổ chức buôn lậu vẫn mua, bán với Bắc Hàn, Trung Cộng ngoảnh mặt làm ngơ.

Bắc Hàn vẫn không thiếu năng lượng dù bị cấm vận; vì các tàu chở dầu, khí của Trung Cộng và Nga đang tiếp tế trên mặt biển, chuyển nhiên liệu sang các tàu Bắc Hàn. Kim sẽ xin Bình cho các tay buôn lậu cấp cao hơn tham dự, và hoạt động mạnh hơn. Kim sẽ yêu cầu Bình ủng hộ cho Kim “cải tổ kinh tế” theo khuôn mẫu của Đặng Tiểu Bình. Có ai trên thế giới lại nỡ lòng cấm không cho một chế độ Cộng Sản bước vào con đường tư bản hóa?

Nhưng tại sao Tập Cận Bình lại đứng ra mời chàng Kim qua phó hội?

Bởi vì Trung Cộng đang thương thuyết với Mỹ chuyện quan thuế. Ông Trump đã ấn định đầu Tháng Ba là phải kết thúc, nếu không Mỹ sẽ đánh thuế nặng hơn. Mời Kim qua Bắc Kinh, Bình muốn nhắc Trump đừng quên một món hàng ngoại giao có thể trao đổi. Tập Cận Bình mời Kim qua chơi để nhắc nhở Donald Trump nhớ lại rằng Trung Cộng có thể trao đổi nhiều thứ, ngoài những món hàng xuất nhập cảng. Ngay từ đầu, ông Trump đã liên kết hai vấn đề lại với nhau: Mỹ sẽ nhẹ tay về thương mại, nếu Tàu bảo được Kim Jong Un bớt thói hung hăng.

Kim sẽ gặp Trump trước hay sau kỳ hạn đầu Tháng Ba? Nếu gặp trước ngày đó, Kim sẽ hứa nhượng bộ những gì? Tập Cận Bình có thể dùng Kim như một lính tiên phong dọ dẫm thái độ của Trump như thế nào. Nếu Trump nhường Bình một chút trong cuộc thương thuyết mậu dịch, Kim có thể sẽ nhường Trump một chút để ông tổng thống Mỹ có thể “ghi một bàn thắng,” đem về cho dân chúng Mỹ hoan hô.

Bàn thắng đó có thể là công bố một chương trình giải giới vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn. Vì từ một năm qua chưa ai nói đến một kế hoạch như vậy, ngoài những lời nói suông. Một chương trình tổng quát thôi, không thể nào có chi tiết; giống như bản tuyên cáo năm ngoái vậy.

Mỹ sẽ yêu cầu Bắc Hàn cung cấp một bản kiểm kê những nơi chứa vũ khí nguyên tử. Liệu Kim Jong Un có chịu không? Mỹ có thể đòi cho các quan sát viên quốc tế đến chứng nghiệm các cuộc kiểm tra. Chàng Kim có chấp nhận cho những người này đi lại tự do trong xứ mình không? Cuộc mặc cả có thể kéo dài cả năm trời chưa xong. Nhưng ông Trump có thể sẽ lên tiếng khen chàng Kim một lần nữa, như năm ngoái ông ca ngợi chàng Kim thông minh và hết lòng vì dân, vì nước. Đúng bắt tay, chụp hình với một người trẻ tuổi “thông minh và hết lòng vì dân, vì nước” cũng là một bức hình đẹp cho cuộc tranh cử tổng thống năm 2020.

Tập Cận Bình có thể giúp Donald Trump trong cuộc tranh cử hai năm tới. Bởi vì phần lớn những đòi hỏi của Mỹ cũng là những điều Trung Quốc cần thực hiện nếu muốn kinh tế tiến thêm. Phải bớt trợ cấp các xí nghiệp quốc doanh, để chính họ phải thay đổi. Cần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, không những của người nước ngoài mà của chính người Trung Hoa, nếu muốn canh tân khoa học, kỹ thuật. Phải mở cửa cho xí nghiệp nước ngoài vào cạnh tranh, đó là cách tốt nhất để các doanh nghiệp nội địa cố tiến lên, với triển vọng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Nhưng Tập Cận Bình sẽ nhượng bộ Trump từng bước một, không thể làm tất cả ngay một lúc. Nếu bắt tất cả các doanh nghiệp nhà nước phải tự túc ngay cùng một lúc thì nước Tàu sẽ loạn vì xáo trộn kinh tế! Hàng trăm triệu người sẽ mất việc làm! Phe bảo thủ trong đảng Cộng Sản sẽ lật đổ Tập Cận Bình! Cho nên phải tiến bước chậm chậm!

Bình có thể ra lệnh các công ty hàng không đặt mua thêm máy bay Boeing. Mua đậu nành, mua thịt, mua khí đốt, mua chip điện tử, tất cả đều là nhu cầu tự nhiên của kinh tế Trung Quốc; mà nước Mỹ có thể cung cấp với giá không cao hơn các nguồn cung cấp khác. Tập Cận Bình có thể buộc các xí nghiệp quốc doanh đang cạnh tranh trên thế giới với Mỹ không được phá giá. Chính phủ Cộng Sản có nhiều cách đền bù cho họ. Cứ như vậy, kinh tế Trung Quốc sẽ được cải tổ mà chính phủ Mỹ lại được vuốt ve.

Mà điều này thì ông tổng thống Mỹ có thể chấp nhận.

Nếu Bình nhường Trump tất cả, trong mấy tháng giữa năm nay, thì không lợi gì cho Trump! Ngược lại, nếu cứ ba bốn tháng Bắc Kinh lại công bố một nhượng bộ cụ thể cho Mỹ vui, thì suốt hai năm 2019, 2020, ông tổng thống Mỹ lâu lâu lại báo cáo với dân chúng một tin mừng: Ta đã thắng! Trung Cộng đã thua.

Hai cuộc trình diễn ngoại giao song song trong năm tới đáp ứng đúng như cầu tranh cử của ông Trump. Năm 2016, ông Trump đánh mạnh trên mặt trận chính sách quốc nội: Di dân, an  ninh biên giới, thuế má, luật lệ, và nỗi niềm của những người Mỹ bị bỏ quên khi kỹ thuật thay đổi và kinh tế toàn cầu hóa. Năm nay và năm tới, Donald Trump còn có thể vận động tranh cử với các thành tích ngoại giao. Nếu Kim Jong Un và Tập Cận Bình lên sân khấu đồng diễn! (Ngô Nhân Dụng)







No comments:

Post a Comment

View My Stats