Sunday, 20 January 2019

DẤU MỐC CỦA TRUNG QUỐC TRÊN MẶT TRĂNG (Steven Lee Myers & Zoe Mou - NYT)




Steven Lee Myers & Zoe Mou
The New York Times International Edition
Saturday – Sunday, January 5-6, 2019
Mai Hưng (VNTB) dịch
21/1/2019

(VNTB) - Việc tàu thăm dò đổ bộ lên phía xa của mặt trăng nhấn mạnh tham vọng không gian của Bắc Kinh.


Khi, lần đầu tiên trong lịch sử, cho một phương tiện đổ bộ lên phía không nhìn thấy được của Mặt trăng (nguyên văn: “the far side of the moon” – phía xa của Mặt Trăng), Trung Quốc đã ghi một dấu mốc quan trọng trong việc thám hiểm không gian.

Cuộc đổ bộ vào hôm thứ Năm của tàu thăm dò, được gọi là Thường Nga 4 (nguyên văn: “Changhe-4” =  四号; cũng gọi là Hằng Nga) theo tên của nữ thần Mặt trăng trong thần thoại Trung Quốc, là một trong hàng loạt những sứ mệnh sắp tới nhấn mạnh tham vọng của quốc gia này là tham gia - và thậm chí là dẫn đầu - cuộc chạy đua vào vũ trụ.

Năm 2013, cùng với Hoa Kỳ và Liên Xô, Trung Quốc đã cho hạ cánh một tầu thăm dò xuống Mặt trăng và trở thành những quốc gia duy nhất đã thực hiện được một cuộc “đổ bộ nhẹ nhàng” xuống đó, nhưng Thường Nga-4 là tàu thăm dò đầu tiên chạm đất ở phía xa của Mặt trăng, phía mà không bao giờ đối mặt với Trái đất (nói một cách khác, phía không bao giờ được nhìn thấy từ Trái đất – người dịch).

Sứ mệnh này “đã mở ra một chương mới trong công cuộc thám hiểm Mặt trăng của loài người”, Cơ quan quản lý không gian quốc gia Trung Quốc,  trong một thông báo trên trang web của mình vào sáng thứ Năm, đã cho biết như vậy.

Tàu thăm dò đã gửi về Trái đất bức ảnh chụp cận cảnh đầu tiên của phía xa của Mặt trăng bằng cách sử dụng một vệ tinh chuyển tiếp của Trung Quốc gọi là Thước Kiều (nguyên văn: “Queqiao or Magpie Bridge” = – cầu do chim hỷ thước bắc qua sông Ngân Hà, trong câu chuyện Ngưu lang Chức nữ - người dịch), Cơ quan quản lý không gian quốc gia Trung Quốc cho biết như vậy trong một thông báo bao gồm những hình ảnh được nói là do tàu thăm dò chụp và gửi về.

Các chuyên gia cho rằng mặc dù là người đến sau nhiều thập kỷ trong công cuộc thăm dò vũ trụ, nhưng Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp và có thể thách thức Hoa Kỳ về vị thế thống trị trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và nhiều lĩnh vực khác.

Các nhà khoa học Trung Quốc hân hoan chào mừng cuộc đổ bộ của tàu Thường Nga-4 như là một bằng chứng cho thấy tầm vóc, địa vị ngày càng tăng của quốc gia này trong công cuộc thám hiểm không gian. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình quốc gia, CCTV, ông Ngô Vỹ Nhân, Tổng công trình sư phụ trách sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng của Cơ quan quản lý không gian quốc gia Trung Quốc nói rằng “bản chất của con người là khám phá thế giới chưa biết. Và đó là những gì mà thế hệ chúng ta và thế hệ tiếp theo dự định sẽ thực hiện”.

Trung Quốc hiện đang có kế hoạch bắt đầu vận hành toàn diện trạm vũ trụ thứ ba vào năm 2022, đưa các phi hành gia lên căn cứ trên Mặt trăng vào cuối thập kỷ đó và phóng các tàu thăm dò lên Sao Hỏa, bao gồm cả những con tàu có thể đưa các mẫu đất đá trên bề mặt sao Hỏa về Trái đất.

Một số chuyên gia cho rằng, sau nhiều thập kỷ thăm dò, khám phá, mặc dù Mặt trăng hầu như không còn là một nơi chốn mà con người chưa từng đặt chân đến, nhưng cuộc đổ bộ mới vẫn là một cái gì đó còn lớn lao hơn một cuộc đảo chính tuyên truyền (nguyên văn:“ a new landing is far more than just a propaganda coup”).

Vùng lòng chảo hố thiên thạch nơi mà con tàu thăm dò Trung Quốc hạ cánh là vùng đất lâu đời nhất và sâu nhất trên Mặt trăng, do đó, những phát hiện của tàu thăm dò có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc về nguồn gốc và sự tiến hóa của Mặt trăng. Và một số nhà khoa học đã nêu ra khả năng rằng khu vực xung quanh vùng lòng chảo hố thiên thạch này có thể có rất nhiều khoáng sản. Nếu công cuộc khai thác tài nguyên trên Mặt trăng là bước tiếp theo trong công cuộc phát triển không gian, thì sứ mệnh thành công vừa rồi có thể khiến cho Trung Quốc có một địa vị cao hơn trên trường quốc tế.

Namrata Goswami, một nhà phân tích độc lập, một cây bút chuyên viết về không gian thuộc Viện nghiên cứu Minerva của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, cho biết rằng “đây là một thành tựu lớn lao xét trên khía cạnh kỹ thuật và mang tính biểu tượng. Trung Quốc coi cuộc đổ bộ này chỉ là một bước đệm, vì, trong tương lai, TQ cũng đang xem xét một cuộc đổ bộ lên Mặt trăng có người điều khiển, vì mục tiêu dài hạn của nó là đưa con người lên định cư và khai thác Mặt trăng và sử dụng nó như một nguồn năng lượng khổng lồ”.

Tiến sĩ Goswami cho biết nơi mà con tàu thăm dò đang khám phá có thể trở thành căn cứ bàn đạp tiếp liệu cho các sứ mệnh đi sâu hơn vào trong không gian theo cái cách mà “các lực lượng hải quân xem xét các trạm tiếp than, với mục đích tiếp thêm nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác”.

Con tàu Thường Nga được phóng đi từ Tây Xương, một địa điểm ở phía tây nam Trung Quốc, vào ngày 8 tháng 12, và 22 ngày sau đó, nó đã bay vào quỹ đạo thấp, cuối cùng xung quanh Mặt trăng.

Tàu Thường Nga đã đổ bộ xuống khu vực hố thiên thạch Von Karman, một khu vực bằng phẳng có chiều rộng khoảng 180 km, nằm trong một lưu vực lớn hơn gần cực nam của Mặt trăng. Những bức ảnh đầu tiên mà tàu vũ trụ truyền về cho thấy một quang cảnh trơ trụi, gồ ghề, hình sóng lượn, trên đó có nhô lên một hố thiên thạch nhỏ hơn. Trái ngược với quan niệm lâu đời nhưng sai lầm rằng Mặt trăng có “một mặt tối” – quý vị có thể đổ lỗi cho Pink Floyd (Pink Floyd là một ban ban nhạc nổi tiếng của Anh, thành lập 1965, “The Dark Side of the Moon - Mặt tối của Mặt trăng” là một trong những album thành công nhất của nhóm này – người dịch), ít nhất cũng là một phần, về điều này - những bức ảnh cho thấy toàn bộ quang cảnh khu vực này chìm trong một màu da cam.

Không lâu sau khi hạ cánh, tàu đổ bộ chính (tàu mẹ) đã kích hoạt một chiếc xe tự hành (rover) nặng 300 pound (khoảng 150 kg), bất chấp rủi ro, đi lang thang trên miệng núi lửa. (Tên của chiếc xe tự hành này, chủ đề của một cuộc thi và bình chọn công khai, vẫn chưa được tiết lộ).

Các thiết bị trên tàu đổ bộ và chiếc xe tự hành bao gồm các máy ảnh, thiết bị radar xuyên lòng đất và các thiết bị quang phổ để giúp xác định thành phần của khu vực này vốn được hình thành bởi một thiên thạch. Các nhà khoa học hy vọng những mẩu đá và bụi bẩn trong khu vực sẽ giúp tăng thêm sự hiểu biết về địa chất của Mặt trăng.

Tàu đổ bộ cũng sẽ tiến hành một thí nghiệm sinh học để xem xem liệu hạt giống cây và trứng tằm có nảy nở được hay không trong điều kiện trọng lực thấp của Mặt trăng.

Năm năm trước, tàu đổ bộ Mặt trăng đầu tiên của Trung Quốc, tầu Thường Nga-3, đã hoàn tất một hành trình đến phía gần của Mặt trăng (tức là phía có thể nhìn thấy từ Trái đất – người dịch). Chiếc xe tự hành của con tàu này được cho là đã gặp trục trặc. TQ cho biết trong vòng một tháng, xe tự hành này đã di chuyển được một quãng đường ngoằn ngoèo khoảng 374 feet, sau đó nó bị trục trặc, mất khả năng di chuyển, những vẫn tiếp tục truyền ảnh và các thông tin khác về Trái đất, mặc dù lúc được lúc không, cho đến tháng 3/2015.

Lo ngại mất thể diện trước những thất bại, cũng như trước sự nhạy cảm của công nghệ liên quan, chính quyền Trung Quốc đã buộc phải thảo luận một cách chi tiết về các chương trình của họ, so với sự cởi mở tương đối của NASA và các cơ quan không gian khác. Tháng 4 năm ngoái, trạm vũ trụ của Trung Quốc, trạm Thiên cung-1, đã rơi trở lại Trái đất sau khi các nhân viên không gian TQ mất liên lạc với nó.

Trước khi hạ cánh, các báo cáo về Thường Nga-4 khá ít ỏi. Ngược lại, trong những ngày gần đây, các nhân viên của cơ quan không gian Mỹ đã công khai hân hoan đón mừng sự thành công của một tàu vũ trụ của NASA, tàu New Horizons, trong việc chụp ảnh Ultima Thule, một hành tinh nhỏ gồm toàn băng giá, cách Trái đất tới bốn tỉ dặm.

Một số người chắc sẽ nói “Vậy thì sao”, John M. Logsdon, giáo sư danh dự của Viện Chính sách Vũ trụ thuộc Đại học George Washington cho biết như vậy, nhưng các nhà khoa học lại có một quan điểm khác.

Tiến sĩ Logsdon nói “Chúng tôi hiểu thêm về Mặt trăng. Tàu Thường Nga -4 đã đổ bộ xuống một nơi mà chưa có còn tàu vũ trụ nào đặt chân xuống, vì vậy nó là một sự thăm dò, khám phá thật sự”.

Tư cách thành viên của Trung Quốc trong câu lạc bộ tinh hoa các quốc gia trong công cuộc chinh phục vũ trụ chắc chắn là một nguồn tự hào dân tộc, sẽ được khai thác một cách cẩn thận để nhấn mạnh sự lãnh đạo mạnh mẽ và vững chắc của Đảng Cộng sản TQ.

Trung Quốc là nước thứ ba, sau Hoa Kỳ và Nga, đã đưa được các nhà du hành vũ trụ của riêng họ vào vũ trụ bằng các tên lửa của chính mình. Chuyến bay có người điều khiển đầu tiên đã diễn ra vào năm 2003 và kể từ đó, Trung Quốc đã gửi tổng cộng 11 phi hành gia lên vũ trụ.

Năm 2018, lần đầu tiên, Trung Quốc đã phóng nhiều tên lửa hơn vào vũ trụ so với bất kỳ quốc gia nào khác – 38 lần; trong đó có một lần thất bại vào hồi tháng Mười. Một cuộc đổ bộ khác lên Mặt trăng, đó là Thường Nga-5, đã được lên kế hoạch cho cuối năm nay.

Nhiều vụ phóng năm ngoái đã phóng lên các vệ tinh của Hệ thống định vị toàn cầu của riêng Trung Quốc, hệ thống này đã bao phủ Trung Quốc và phần lớn châu Á. Trung Quốc hy vọng rằng hệ thống định vị toàn cầu của họ, được gọi là Bắc Đẩu (Beidou), sẽ phủ sóng toàn cầu vào năm tới, và trở thành một đối thủ thương mại và chính trị đối với hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ.

Nếu Trạm vũ trụ quốc tế ngừng hoạt động - chính quyền Trump đã đề xuất chấm dứt các khoản tài trợ cấp liên bang cho nó vào năm 2025 – thì trạm Thiên cung-2 của Trung Quốc có thể trở thành trạm vũ trụ duy nhất trên quỹ đạo. Trạm vũ trụ quốc tế đã đóng vai chủ nhà đối với các phi hành gia từ hơn một chục quốc gia, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ nằm trong số các quốc gia đó.

Cơ quan vũ trụ Trung Quốc đã nếm trải những thất bại, bao gồm cả vụ phóng thất bại vào năm 2017 của một tên lửa nâng hạng nặng thế hệ mới, tên lửa Trường Chinh-5. Điều này gây ra một loạt các sự chậm trễ mà đến nay vẫn còn cảm nhận được.





No comments:

Post a Comment

View My Stats