Saturday, 26 January 2019

CON ĐƯỜNG CỤT CỦA VĂN HÓA SÙNG BÁI 'KẺ MẠNH' (Y Chan - Luật Khoa)




26/01/2019

Tháng 7/2018, khi tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nelson Mandela, trong phần phát biểu của mình, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhắc đến sự trỗi dậy của “các chính trị gia mạnh bạo” (strongman politics).

Strongman” trong tiếng Anh có nghĩa thông thường là “người mạnh mẽ”, nhưng khi dùng để chỉ một người đứng đầu nào đó, nó lại mang nghĩa khá tiêu cực: người lãnh đạo cai trị đất nước bằng các thủ đoạn dọa nạt, áp bức hoặc bạo lực.

Trào lưu “lãnh đạo mạnh nhờ bạo” mà Obama nhắc tới trải khắp từ Đông sang Tây.

Từ Tập Cận Bình của Trung Quốc cho tới Vladimir Putin của Nga. Từ Recep Tayyip Erdoğan của Thổ Nhĩ Kỹ đến Rodrigo Duterte của Philippines, và cả các nhà lãnh đạo dân túy mới nổi của châu Âu như Viktor Orbán của Hungary, Sebastian Kurz của Áo, Matteo Salvini của Ý … Và đương nhiên, trong bài phát biểu đó, không mấy người nghi ngờ Obama đang nhắc đến người kế nhiệm Donald Trump.

Các lãnh đạo mạnh (nhờ) bạo này không chỉ xuất hiện ở các thể chế độc tài, hay ở các đảng phái có khuynh hướng bảo thủ.

“Phe cánh tả”, những người tự xem mình là phái tự do, cũng không thiếu những hình ảnh “strongman” hay “strongwoman”. Angela Merkel không chỉ lãnh đạo nước Đức từ năm 2005 mà trên thực tế còn được xem là người cầm chịch của cả Liên minh châu Âu. Emmanuel Macron, vị Tổng thống trẻ của Pháp, cũng tự xây dựng hình ảnh “sao Mộc” (hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời), với ý định muốn những người xung quanh phải xoay theo mình.
Obama đương nhiên không phải người đầu tiên nói đến khái niệm “lãnh đạo mạnh bạo” này. Việc ông dùng từ “trỗi dậy” (ascendant suddenly) có vẻ cũng không mấy chính xác.

Ước muốn có những người lãnh đạo, cho dù mạnh mẽ hay mạnh bạo, đã có từ khi con người còn chưa thiết lập những nhà nước, những thành bang đầu tiên. Ước muốn này chưa bao giờ lụi tàn.

Muốn có lãnh đạo là một đặc trưng của bầy đàn. Con người, dù phát triển đến đâu, luôn là một loài động vật sống theo bầy, hay nói theo ngôn ngữ văn minh hiện đại hơn, luôn sống trong một xã hội, trong một nhóm người. Trong xã hội/ nhóm người đó, sẽ có người đi đầu kẻ theo sau. Những người đi đầu được xem là lãnh đạo.

Từ “lãnh đạo” trong tiếng Hán Việt hay chữ “leader” trong tiếng Anh đều có chung một nghĩa: những người dẫn đường.

Sự xuất hiện và nhu cầu cần có lãnh đạo (người dẫn đường) vì vậy không phải chuyện gì xấu hay lạ thường. Nó xuất hiện mọi thời và mọi nơi. Nhưng nhân tố chính thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại không phải là ở người lãnh đạo. Ngược lại, một trong những thứ giúp nhân loại có thể ngày càng sống trong một xã hội công bằng, tiến bộ hơn qua thời gian, là việc con người càng lúc càng biết cách bớt phụ thuộc vào lãnh đạo.

Họ học được cách tồn tại độc lập.

Đó cũng là một trong những nguyên tắc chủ đạo của “dân chủ”: tất cả mọi người đều là chủ nhân của chính mình, không phụ thuộc vào ai khác.

Để có thể giảm bớt sự phụ thuộc đó, nhân loại đã nghĩ ra nhiều cách, ban đầu từ những ràng buộc về đạo đức (morality), sau đó là các quy chuẩn luật pháp (law), rồi tới những thiết chế cân bằng và kiểm soát quyền lực (checks and balances).

Chế độ dân chủ, về bản chất, là tập hợp các cách thức quản lý xã hội sao cho sự lệ thuộc vào một cá nhân/ nhóm nhỏ càng ít càng tốt, và sự độc lập, tự chủ của từng cá thể càng nhiều càng tốt.

Những vị lãnh đạo được người dân tôn sùng nhờ phong thái và hành động mạnh mẽ. Ảnh: BBC.

Rốt cục thì phụ thuộc vào lãnh đạo có gì xấu mà phải hạn chế?

Vì theo định nghĩa, phụ thuộc vào người nào là gắn chặt sự tồn tại với người đó, mất đi sự độc lập, tự do và quyền tự quyết của bản thân.

Bạn có thể phản bác, rằng nếu đã để họ lãnh đạo, dẫn đường, đương nhiên mình phải phụ thuộc họ. Điều đó không nhất thiết. Bạn có thể bị ảnh hưởng, tác động bởi người lãnh đạo, nhưng không ai bị buộc phải phụ thuộc vào bất kỳ ai. Trừ phi đó là lựa chọn của chính bạn, muốn “tuyệt đối trung thành” hay “tin tưởng hoàn toàn vào sự chỉ đạo” của người khác.

Một lãnh đạo tốt là một người không để người khác phụ thuộc vào mình. Họ luôn muốn các cá thể trong nhóm độc lập, tự chủ, có thể tự giải quyết vấn đề.

Nhiều người xem Lý Quang Diệu, nhà lãnh đạo lập quốc của Singapore, là một kiểu “strongman” điển hình, theo cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực. Mọi so sánh đều sẽ khập khiễng, khi Singapore là một quốc gia quá nhỏ, một kiểu thành bang (city-state) xưa kia. Việc xây dựng và quản lý một đất nước như Singapore khác rất xa với một đất nước như Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc hay một quốc gia nào.

Tuy nhiên, có ít nhất ba điểm mà người ta có thể xem Lý Quang Diệu là một nhà lãnh đạo thực sự, thay vì là một “strongman”: ông tôn trọng các thiết chế của dân chủ, luôn chú tâm xây dựng một thế hệ lãnh đạo kế cận có tài cho đất nước, và cực kỳ ghét bệnh sùng bái cá nhân.

Rất nhiều lần trong các cuộc phỏng vấn, Lý Quang Diệu thẳng thắn nói rằng ông không quan tâm việc PAP (đảng cầm quyền của Singapore) có lãnh đạo Singapore trong tương lai hay không. Việc ông quan tâm là làm thế nào xây dựng đội ngũ lãnh đạo có thực tài, có khả năng lèo lái đất nước, để “cho dù PAP có bị cho ra rìa, hệ thống này vẫn sẽ vận hành tốt”.

Mọi chế độ phụ thuộc vào một cá nhân hay một nhóm người nào đều chỉ là trò chơi xổ số: hoàn toàn phụ thuộc vào may rủi.

Hai mươi năm trước, người Venezuela đã chấp nhận chơi xổ số với việc lựa chọn đi theo Hugo Chávez, khi họ đã quá ngán ngẩm với chính quyền vào thời điểm đó.

Khủng hoảng giá dầu vào hai thập niên 1970-1980 đẩy Venezuela, một nước phụ thuộc vào xuất khẩu dầu, vào khó khăn đủ bề, phải thắt chặt chi tiêu, lạm phát tăng đến 99% vào năm 1996 (ba năm trước khi Chávez lên nắm quyền). Tình trạng tham nhũng tồi tệ của chính quyền lại càng khiến người dân mất hoàn toàn niềm tin.

“Strongman” Hugo Chávez xuất hiện như một vị cứu tinh cho người Venezuela. Một “nhà lãnh đạo của dân, do dân và vì dân”, chống lại những “kẻ thù của nhân dân”.

Sau 20 năm, người Venezuela ngỡ mình đang sống trong một cơn ác mộng: 90% dân số sống trong nghèo khổ, hơn một nửa không thể trang trải nhu cầu ăn uống cơ bản, hơn hai triệu người phải rời bỏ đất nước, lạm phát lên tới con số hàng ngàn, đồng tiền gần như trở thành giấy lộn, tỉ lệ tội phạm giết người thuộc hàng cao nhất thế giới, các cuộc biểu tình diễn ra liên tục và bị đàn áp thẳng tay, nhà nước rơi vào tình trạng hỗn loạn, v.v.

Nhiều người đổ trách nhiệm lên Tổng thống (trên danh nghĩa, cho tới thời điểm hiện tại) Nicolás Maduro.

Trên thực tế, Nicolás Maduro chỉ kế thừa những “thành tựu” của Chavéz. Nếu còn sống, Hugo Chavéz đã được tận mắt chứng kiến hậu quả của những việc làm của mình. May cho Chavéz là ông đã chết vào năm 2013. Những người Venezuela còn sống thì không được may như vậy.

Hugo Chavéz, nhà lãnh đạo rất được tôn sùng ở Venezuela một thời. Ảnh: Reuters.

Có người sẽ thắc mắc, những chính sách, quyết định sai lầm thì đảng phái nào, lãnh đạo nào cũng mắc phải. Vì sao có nơi lại khắc phục được, vì sao có nơi hậu quả lại trầm trọng như ở Venezuela?

Có nhiều nguyên nhân, mà một trong những nguyên nhân chính là vì ở Venezuela, những người lãnh đạo (Hugo Chavéz khi còn sống và Nicolás Maduro hiện tại) không cho bản thân hay người khác có cơ hội khắc phục.

Maduro không có được sức thu hút và tầm ảnh hưởng như Chavéz, nên ông đã luôn quyết tâm bám vào hình ảnh “lãnh tụ Chavéz” để chiêu dụ người dân. Ông không phải người duy nhất biết cách làm vậy.

Bộ trưởng quốc phòng Venezuela vào hôm 24/1/2019 khi lên sóng truyền hình trực tiếp tuyên bố sự ủng hộ của quân đội dành cho Nicolás Maduro đã kết thúc diễn văn bằng câu cửa miệng của những người hâm mộ Hugo Chavéz: “Chávez vive y la patria sigue!” (Tạm dịch: Chavéz sống mãi và tổ quốc muôn năm!)

Các strongman, người lãnh đạo mạnh bạo, cùng với những ai đi theo họ, đều chủ tâm xây dựng thứ chủ nghĩa sùng bái cá nhân (cult of personality). Hệ quả nhãn tiền là sẽ có “những người theo ta” và “những người chống lại ta”. Tức là có “phe ta” và “phe địch”.

Trong một nền dân chủ thật sự, phe ta hay phe địch cũng đều là “dân”, và đều có quyền làm “chủ”.

Trong một thể chế độc tài, hay nền dân chủ giả hiệu, phụ thuộc vào lãnh đạo, tư duy phổ biến từ trên xuống dưới là “nó được thì mình sẽ mất” (zero-sum game). Họ luôn xem những người trái ý mình là “phe địch”, không thể cùng tồn tại dưới một mái nhà (trừ phi đám người tội nghiệp đó phải nhận sai, “cải tà quy chánh”). Thứ tư duy một mất một còn này hủy hoại nền móng cơ bản nhất của dân chủ: đối thoại và thỏa hiệp.

Không có đối thoại, không có thỏa hiệp, những chính sách, hành động sai lầm của chính quyền rất hiếm khi được sửa chữa kịp thời, mà thường việc “quay đầu là bờ” chỉ diễn ra khi đã có một cơ số kha khá người rớt xuống vực.

Thứ tư tưởng “đối thọi chứ không đối thoại” này cũng là lý do mà ở những thể chế độc tài/ giả dân chủ, những thiết chế được lập ra để kiểm soát cân bằng quyền lực hoặc không tồn tại, hoặc bất lực. Quốc hội không có quyền lập pháp. Tòa án không có quyền độc lập xét xử. Quân đội và công an buộc phải tuân theo sự chỉ đạo tuyệt đối của đảng/ nhà lãnh đạo.

Chủ nghĩa dân túy và những nhà lãnh đạo mạnh bạo này luôn dẫn đến sự phân cực trong xã hội (polarization). Một xã hội phân cực, nơi các phe phái ngày càng xa rời nhau, ngày càng xem nhau là kẻ thù không đội trời chung, sẽ ngày càng khó để đạt được sự thỏa hiệp. Một xã hội không đạt được thỏa hiệp tất yếu sẽ dẫn đến xung đột vũ lực. Tất cả quay về thời lông lá, dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, áp đặt ý ­chí của mình.

Lựa chọn dân chủ (democracy) có giải quyết được hết các vấn đề đó không?

Câu trả lời là không.

Dân chủ chỉ là một công cụ, và không phải công cụ vạn năng. Hay như cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill từng phát biểu (từ một nguồn khác chưa rõ tên), rằng “dân chủ là mô hình chính quyền dở nhất, nếu không tính tất cả những mô hình đã được thử qua từ trước tới giờ”.

Mô hình dở nhất nhưng vẫn còn tốt hơn những cái khác này sẽ không thay đổi được nhu cầu “có người lãnh đạo” của nhân loại, nhưng nó sẽ giúp đặt đúng người lãnh đạo vào vị trí của mình: người được phân công dẫn đường, không phải người có quyền lôi kẻ khác đi theo.

Trên hành trình của mình, nhân loại sẽ luôn có lúc đụng phải ngõ cụt. Nhưng khi có lựa chọn, họ luôn có thể quay đầu lại tìm hướng khác để đi.

Còn sùng bái, phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân/ nhóm người nào cũng sẽ kéo tất cả cùng lao xuống cái giếng của (những) người đó.

Mà một khi đã lọt giếng, không ai, kể cả lãnh tụ thiên tài, biết được khi nào mới chạm đáy.





No comments:

Post a Comment

View My Stats