Tuesday, 8 January 2019

ĐÀM PHÁN THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG : TRUMP LẠC QUAN THÁI QUÁ? (Trọng Nghĩa - RFI)




Trọng NghĩaRFI / ĐIỂM BÁO
Đăng ngày 08-01-2019 

Hai tờ Le Monde và Les Échos số đề ngày hôm nay, 08/01/2019, có bài viết về cuộc đàm phán chính thức đầu tiên tại Bắc Kinh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc từ ngày hai lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình đồng ý hưu chiến 3 tháng vào đầu tháng 12/2018.

Theo cả hai tờ báo, tổng thống Mỹ đã liên tục tuyên bố thắng lợi, nhưng thực tế cho thấy là những bước lùi của Bắc Kinh chẳng là bao, trong lúc các đại tập đoàn Mỹ bắt đầu chịu tác động của cuộc chiến thương mại.

Trong bài viết mang tựa đề rất khô khan « Chiến tranh thương mại : Washington và Bắc Kinh tái lập thương thuyết », thông tín viên nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng không nên chờ đợi quá nhiều từ cuộc đàm phán đầu tiên này, vì hai ngày quá ngắn ngủi để giảm bớt căng thẳng chồng chất giữa hai nước. Tuy nhiên, nếu đạt được kết quả, hai bên có thể gặp nhau ở cấp cao hơn, kể cả ở cấp cao nhất, với khả năng nhân vật số một của Mỹ là Donald Trump, tiếp xúc với nhân vật số 2 tại Trung Quốc là Vương Kỳ Sơn bên lề Diễn đàn Davos ở Thụy Sĩ.

Tăng trưởng Trung Quốc bị chậm lại tác hại đến các tập đoàn Mỹ
Đối với Les Echos, trong thời gian gần đây, tổng thống Mỹ liên tục có những tuyên bố lạc quan trước việc Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ Hoa Kỳ. Mới Chủ Nhật vừa qua, ông Trump còn khẳng định « Các cuộc thảo luận với Trung Quốc đang diễn ra rất tốt. Tôi thực sự nghĩ rằng họ muốn đạt được thỏa thuận ». Ông cho rằng đà tăng trưởng khựng lại sẽ buộc Bắc Kinh phải tìm kiếm thỏa thuận với Mỹ.

Quả là nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu đáng lo ngại do tăng trưởng chậm lại, thế nhưng điều này cũng ảnh hưởng đến các công ty Mỹ, mà biểu hiện rõ nhất là doanh số sụt giảm của các tập đoàn như Ford, General Motors hay Apple tại Trung Quốc. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc không ngần ngại cảnh cáo Mỹ, cho rằng Washington cũng cần đến thỏa thuận, chứ không riêng gì Bắc Kinh.

Đối với Les Echos, cho đến lúc này, Bắc Kinh mới chỉ có một vài nhượng bộ nhỏ nhoi cho Mỹ, như nhập khẩu đậu nành và gạo Mỹ trở lại, hoặc tái lập mức thuế nhập khẩu trước khủng hoảng nhắm vào xe hơi Mỹ. Những bước đầu này vẫn còn rất xa so với yêu cầu của Mỹ.

Thận trọng trước việc Trump bị Trung Quốc “đánh lừa”
Nhật báo Le Monde cũng cho rằng không nên ngộ nhận trước các cử chỉ hòa giải của Trung Quốc. Ngoài các biện pháp thuế quan, Bắc Kinh còn cố cho thấy rằng họ đang đáp ứng một trong những yêu cầu của Washington, khi cho biết là đang xem xét một bộ luật mới về đầu tư nước ngoài, trong đó việc ép buộc chuyển giao công nghệ sẽ bị cấm.

Đối với Alicia Garcia-Herrero, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Natixis : « Về cơ bản, tất cả các biện pháp Trung Quốc đưa ra không có gì đáng kể, thậm chí họ không hề đề cập đến việc cải cách khu vực quốc doanh và chính sách công nghiệp ».

Theo nhật báo này, một thỏa thuận hoàn toàn có thể đạt được trước khi hưu chiến hết hạn, nhưng vấn đề đối với giới chức thương mại Mỹ, mà cụ thể là đối với đại diện thương mại Robert Lighthizer, một người nổi tiếng với thái độ nghi kỵ Bắc Kinh, là phải làm sao tránh được việc ông Donald Trump tuyên bố chiến thắng quá dễ dàng, trong khi chỉ được một vài lời hứa từ phía Trung Quốc.

Áo Vàng: Chính phủ Pháp chơi lá bài trật tự an ninh
Sau đợt biểu tình của phong trào Áo Vàng hôm 05/01 vừa qua, kèm theo một loạt hành vi bạo động dữ dội, thủ tướng Pháp Edouard Philippe tối hôm mồng 07/01 đã loan báo một loạt biện pháp nhằm tái lập trật tự công cộng. Báo chí Pháp hôm nay dĩ nhiên đã dành nhiều trang bài cho các biện pháp này.

Tựa lớn trang nhất trên Le Figaro đã nhấn mạnh trên « Kế hoạch của hành pháp nhằm tái lập trật tư » trong vấn đề Áo Vàng. Đối với tờ báo thiên hữu này, đó là một kế hoạch tăng cường và củng cố các biện pháp hành chánh và tư pháp, sao cho những thành phần phá phách khỏi lộng hành.

Khi cố ý phô trương « lá bài an ninh », với những biện pháp rất cứng rắn, chính quyền Macron như muốn tạo ra « một cú sốc điện ». Trong vấn đề này, chính phủ có lợi thế là các giá trị về trật tự, nhà nước pháp quyền, được mọi tầng lớp cử tri hoan nghênh. Với việc thông báo ngay từ lúc này các quyết định, chính quyền hy vọng chận đứng những lời tố cáo là đã quá thụ động hay bất lực.

Có điều, theo Le Figaro, thách thức đối với tổng thống Pháp là làm thế nào để ước muốn có được trật tự an ninh lấn át lòng “ghét bỏ Macron” trong đại bộ phận dân chúng.

Áo Vàng : Giải pháp phải là chính trị
Nhật báo Công Giáo La Croix cũng đưa ra một lời cảnh báo với chính phủ : Cho dù có tái lập được trật tự an ninh, không nên lầm tưởng rằng cuộc khủng hoảng Áo Vàng đã kết thúc. Nguyên nhân cơn tức giận bùng lên từ hai tháng qua vẫn còn đấy, những biện pháp xã hội mà tổng thống Pháp đã thông báo không đủ để làm dịu cơn phẫn nộ, trong lúc vẫn còn đầy rẫy những thành phần « chủ trương nổi dậy để san bằng nền dân chủ của chúng ta ».

Tờ báo cho rằng chỉ có một giải pháp : Đó là « tưởng tượng ra những đáp án tương xứng với những câu hỏi đặt ra. Đó là những câu hỏi đúng đắn, không nên khinh thường. »

Báo Le Monde cũng cùng quan điểm với La Croix khi nhấn mạnh rằng : « Câu trả lời duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ có thể là chính trị. Những biện pháp xã hội đáng kể đã được thông báo và đã được nghị viện khẩn cấp thông qua để đáp lại những đòi hỏi ban đầu của phong trào Áo Vàng. Giờ đây đến lúc phải lắng nghe và đáp lại yêu sách dân chủ của họ, một việc không phải là không cấp thiết ».

Đối với Le Monde, đó là chủ đề của cuộc thảo luận toàn quốc sắp mở ra, và chính quyền phải làm sao để mọi người thấy rằng đó là một cuộc thảo luận « cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm », vừa trong cách tiến hành, việc tổng hợp ý kiến, và trong những kết luận rút ra.

Quốc vương Malaysia thoái vị vì tình !
La Croix nhìn về Châu Á chú ý đến sự kiện quốc vương Malaysia thoái vị một cách khó hiểu.
Ngày Chủ Nhật, 06/01, Cung điện Malaysia thông báo quốc vương Muhammad V từ bỏ ngai vàng. Thông báo này chấm dứt loạt tin đồn từ mấy tuần nay trước sự vắng mặt của nhà vua, mà tính chính đáng bị xem như không còn nữa sau đám cưới với một hoa hậu người Nga. Muhammad Faris Petra như thế đã giành được một biệt danh là nhà vua đầu tiên của Malaysia từ bỏ ngai vàng từ khi quốc gia này được độc lập năm 1957.

Cho dù lý do chính thức thoái vị của Muhammad V là vấn đề sức khỏe, nhưng quan hệ của vị vua 49 tuổi với cựu hoa hậu Matxcơva, Oksana Voevodina, 26 tuổi, có lẽ đã đóng một vai trò không nhỏ trong sự kiện thoái vị này. Từ tháng Tư 2018, người ta đã thấy cô hoa hậu, cũng được biết ở Nga do tham gia chương trình truyền hình thực tế, xuất hiện bên cạnh nhà vua. Nhưng tiết lộ về đám cưới của hai người, ngày 22/11/2018, đã gây chấn động…

Tại Malaysia, một quốc gia quân chủ lập hiến, vai trò quốc vương chỉ mang tính chất tượng trưng, là lãnh đạo danh dự của quân đội và Hồi Giáo tại quốc gia mà 6 người trên 10 theo đạo Hồi. Là một nhân vật được tôn kính, mọi lời chỉ trích nhà vua bị xem là tội khi quân, có thể bị truy tố.

Những trang nhất khác
Libération dành tựa lớn trang nhất cho một vấn đề xã hội tại Pháp : Cách biệt ngày càng sâu rộng về giá nhà giữa Paris, các vùng đô thị lớn và phần còn lại của đất nước. Theo điều tra của tờ báo, giá nhà cửa tại các vùng đô thị lớn ở Pháp ngày càng tăng, khiến cho sự phân cách các đô thị với vùng nông thôn ngày càng lớn. Riêng thủ đô Paris thuộc diện ngoại hạng.

La Croix thì nêu bật ở trang nhất một yếu tố mới tác động đến người Pháp kể từ năm nay : Tiền thuế bị khấu trừ thẳng vào lương. Hồ sơ lớn với tựa đề « Thuế thu tận gốc, một vấn đề đôi lứa », khai thác một hệ quả ngộ nghĩnh của biện pháp đánh thuế mới được áp dụng : các cặp sống chung với nhau đã phải nói chuyện tiền bạc với nhau để xác định tỷ lệ thuế mà mỗi người bị trừ.

Les Echos chú ý đến « Những rắc rối mới về Thuế Gia Cư » tại Pháp. Đối với tờ báo, việc xóa bỏ sắc thuế này cho 20% hộ gia đình thuộc diện giàu có nhất đang gây chia rẽ trong chính phủ Macron.




No comments:

Post a Comment

View My Stats