Thursday, 7 December 2023

XUNG ĐỘT Ở GAZA : LIỆU ISRAEL CÓ BIẾT ĐIỂM DỪNG? (Phan Minh / RFI)

 



Xung đột ở Gaza : Liệu Israel có biết điểm dừng ?

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 06/12/2023 - 14:30

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20231206-xung-%C4%91%E1%BB%99t-%E1%BB%9F-gaza-li%E1%BB%87u-israel-c%C3%B3-bi%E1%BA%BFt-%C4%91i%E1%BB%83m-d%E1%BB%ABng

 

Xung đột giữa Israel và tổ chức Palestine Hamas ở Gaza, những mối lo về ngành giáo dục Pháp, các biện pháp an ninh cần được cải thiện trong Thế Vận Hội Olympic Paris 2024, đó là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất vào hôm nay 06/12/2023.

 

https://s.rfi.fr/media/display/204df026-9438-11ee-af40-005056a90284/w:980/p:16x9/AP23340469328155.webp

Nhìn từ phía nam Israel, khói bốc lên từ Gaza sau đợt oanh kích của Israel, ngày 06/12/2023. AP - Ariel Schalit

 

Tờ Libération dành trang nhất và bài xã luận chú ý đến tính chất khốc liệt của cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Không ai có thể ngờ rằng một ngày nào đó, mọi người sẽ trông thấy Gaza giống như các thành phố Aleppo ở Syria hay Mariupol ở Ukraina sau khi bị tàn phá bởi những trận oanh kích lớn. Đối với nhiều chuyên gia, chiến dịch tấn công do quân đội Israel phát động ở Gaza, xét về cường độ, có thể nói là một trong những chiến dịch đẫm máu nhất thế kỷ 21.

 

Thật khó để diễn tả những gì người dân Palestine phải hứng chịu trong những ngày qua, những người mà quân đội Israel khuyên nên sơ tán về phía nam, trước khi chính họ lại tấn công ở phía đó, khiến cho những người dân này chỉ còn một sự lựa chọn là di dời về hướng biển. Họ không được cứu chữa kịp thời, phải sống trong một cơn ác mộng ngày đêm khi bị tiếng ồn thường trực của vũ khí và thời tiết lạnh giá giày vò. Làm sao mọi chuyện lại ra nông nỗi này ? Dường như các nhà lãnh đạo Israel đang trong tình trạng « đâm lao phải theo lao », những người bị ám ảnh bởi một mục tiêu duy nhất : tiêu diệt các thủ lĩnh và thành phần nòng cốt của Hamas, những người đang trà trộn trong dân chúng.

 

Bất chấp các thiệt hại, quân đội Israel, giờ đây, chỉ quan tâm đến việc loại bỏ mối đe dọa Hamas. Nhưng nhật báo thiên tả nhận định rằng cái giá phải trả dường như rất lớn, bởi trên thực tế, cộng đồng quốc tế bất lực trong việc ngăn chặn thảm kịch này. Ngoài ra, quân đội Israel còn sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tấn công Hamas : điều này cho phép họ xác định khoảng 6.000 mục tiêu chỉ trong sáu ngày, một con số khổng lồ. Họ là những người đầu tiên trên thế giới tuyên bố sử dụng phương pháp này. Giờ đây, tình hình đã trở nên cấp bách và dường như tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden, là người duy nhất có khả năng thực sự gây áp lực về mặt tài chính và quân sự đối với Israel, khi ông có thể đặt ra các lằn ranh đỏ không được phép vượt qua trong cuộc xung đột đã gây ra quá nhiều nạn nhân vô tội này.

 

 

Khủng hoảng nhân đạo bao trùm Gaza

 

Trang nhất của nhật báo Le Monde cũng quan tâm đến chiến sự ở Gaza. Kể từ 04/12, các xe tăng của quân đội Israel đã tiến về phía thị trấn Khan Younès, phía nam Dải Gaza. Trước đó một hôm, quân đội Israel đã ra lệnh sơ tán tại khu vực này và đã có 50.000 người phải di dời, theo OCHA, cơ quan Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm điều phối nhân đạo. Nhà nước Do Thái coi Khan Younès, thành phố lớn nhất ở phía nam Gaza, là thành trì của tổ chức Hamas.

 

Rốt cuộc, người dân Gaza phải sơ tán về phía Rafah, sát với biên giới Ai Cập. Mặc dù vậy, nơi trú ẩn cuối cùng được coi là an toàn này cũng đang bị thu hẹp từng giờ, khi phải hứng chịu các cuộc không kích không ngừng nghỉ từ phía Israel. Thomas White, giám đốc UNRWA, cơ quan của Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine, viết trên X (tiền thân là Twitter) : « Mọi người hỏi chúng tôi phải đi đâu để trú ẩn, và chúng tôi không biết phải nói gì với họ. »

 

Toàn bộ khu vực Rafah đang bị quân đội Israel bao vây. Quân đội nước này đã thực hiện các cuộc oanh kích dữ dội nhất kể từ khi xung đột nổ ra trong suốt 24 giờ từ chiều 03/12 đến 04/12. Trụ sở của Tòa Án Tối Cao tại đây đã bị phá hủy, nâng tổng số các tòa nhà chính phủ bị Israel phá hủy lên tới khoảng 100 tòa nhà kể từ ngày 07/10. Hugh Lovatt, chuyên gia về Palestine tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho biết : « Israel đang phá hủy một cách có chủ ý và có phương pháp các thể chế dân sự và cơ sở hạ tầng thiết yếu để có thể giúp Gaza ổn định trở lại sau khi xung đột kết thúc. » Bộ Y Tế địa phương cho biết kể từ Chủ nhật, 349 người Palestine đã thiệt mạng và 750 người bị thương.

 

Ngoài ra, Le Monde báo động rằng cuộc khủng hoảng nhân đạo đang trở nên tồi tệ hơn. Rafah là khu vực duy nhất có thể nhận hàng viện trợ, và giờ đây, khu vực này không còn đủ nhu yếu phẩm. Hôm 04/12, chỉ có 100 xe tải đã vào được khu vực này, so với 170 xe vào thời điểm hai bên ngừng bắn. Một khu vực khác, vẫn chưa bị ảnh hưởng mấy bởi cuộc giao tranh, nằm xung quanh Wadi Gaza, ở trung tâm Dải Gaza, nhưng khu vực này đã bị cắt đứt khỏi thế giới bên ngoài kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn kết thúc hôm 01/12. Safwat al-Kalhout, một trong những phóng viên của Al-Jazeera, sống ở đó, cho biết : « Máy bay chiến đấu đang bay trên đầu chúng tôi, xe tăng thì nằm ở ngay phía sau, còn hải quân thì không ngừng oanh kích. Chúng tôi chỉ hy vọng trốn thoát được trước khi bị giết. »

 

 

Xung đột ở Gaza : Nạn bài Do Thái gia tăng tại các trường đại học Hoa Kỳ

 

Nhật báo Công Giáo La Croix thì dành trang nhất nói về việc phong trào bài Do Thái gia tăng tại các trường đại học ở Mỹ kể từ khi nổ ra xung đột Israel-Hamas. Trường Rutgers ở bang New Jersey là trường đại học công lập với 37.000 sinh viên theo học, và tại đó, sự kiện ngày 07/10 rất được chú ý. Ngôi trường này có lượng sinh viên Do Thái lớn thứ hai trong nước và cộng đồng người Ả Rập-Hồi Giáo lớn nhất đất nước. Nhiều sinh viên ở đây đều biết ít nhất một thường dân hoặc binh sĩ đã thiệt mạng trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Các cuộc biểu tình và những buổi cầu nguyện được tổ chức thường xuyên gần văn phòng sinh viên. Gần đây, một nhóm sinh viên đã tổ chức hoạt động đeo khăn trùm đầu keffiyeh, biểu tượng của cuộc đấu tranh của người Palestine, trong khuôn viên trường như một cách thể hiện tình đoàn kết với Gaza. « Mỗi khi tình hình ở Trung Đông có biến động, thì ngay lập tực, điều đó có thể cảm nhận được ở Rutgers. Có một sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa bài Do Thái », giáo sĩ Do Thái Giáo (rabbin) Esther Reed tại Rutgers tóm tắt.

 

Tuy nhiên, bà Reed nhận định rằng tình hình hiện tại ở Rutgers đáng lo ngại hơn những cuộc khủng hoảng trước đây khi xảy ra hiện tượng áp phích con tin bị xé, những người Do Thái bị hăm dọa và ném trứng. Vào tháng 11 vừa qua, một sinh viên bị bắt vì đã gợi ý với những người biểu tình ủng hộ Palestine trên mạng xã hội rằng nên « giết » một thành viên thuộc cộng đồng người Do Thái trong trường đại học. Không chỉ riêng ở Rutgers, mà sự trỗi dậy của các vụ việc bài Do Thái trong các trường đại học đã trở thành tâm điểm của phiên điều trần trước Quốc Hội của hiệu trưởng của ba trường đại học lớn ở Mỹ là Harvard, MIT, UPenn vào hôm qua 05/12 tại Washington. Trong bối cảnh này, các biện pháp an ninh bổ sung đã được thực hiện tại Hillel, một hiệp hội lớn của người Do Thái, nơi tổ chức các buổi lắng nghe dành cho sinh viên bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công ngày 07/10.

 

 

Ngành giáo dục Pháp sa sút

 

Bài xã luận của tờ La Croix chú ý đến việc ngành giáo dục của Pháp đang bị trì trệ và cần phải được cải thiện. Người dân Pháp vốn tin tưởng vào ngành giáo dục nước nhà, giờ đang thực sự cảm thấy hoang mang. Họ không còn tin vào việc trường học có thể mang lại cho con cái những nền tảng cần thiết để bước vào tuổi trưởng thành, và theo bảng xếp hạng Pisa, ngành giáo dục Pháp đang sa sút không phanh và cha mẹ thì đã mất hết niềm tin. Những cải cách của bộ trưởng Giáo Dục Gabriel Attal đặc biệt nhắm vào tầng lớp trung lưu, những người hiện đang từ bỏ giáo dục công và chuyển hướng sang giáo dục tư nhân.

 

Các biện pháp đầu tiên được ông Attal công bố hôm qua có thể sẽ mang lại những cải thiện ít nhiều : tính trung thực của điểm số so với học lực, các kỳ thi khắt khe hơn, tạo ra thêm các lớp toán và tiếng Pháp ở nhiều cấp độ, và tạo điều kiện cho việc học lại đối với những em có học lực yếu.

 

Theo nhật báo Công Giáo, điều này đủ để có thể khích lệ 800.000 giáo viên, phần lớn trong số này cho biết đã kiệt sức. Tờ báo nhận định rằng điều quan trọng là phải có nhiều giáo viên hơn và họ cần phải được đào tạo tốt hơn để bảo đảm rằng tất cả học sinh có tiến bộ sau khi những cải cách được thông qua.

 

 

An ninh bấp bênh 8 tháng trước khi khai mạc Olympic Paris 2024

 

Vẫn tại xứ lục lăng, trang nhất của tờ Le Figaro báo động về tình trạng an ninh bấp bênh để có thể tổ chức Thế Vận Hội Olympic Paris 2024 một cách an toàn. Vụ tấn công bằng dao xảy ra vào tối 02/12 gần tháp Eiffel đang đặt ra rất nhiều nghi vấn về an ninh của lễ khai mạc Olympic, theo kế hoạch được tổ chức trên sông Seine. 8 tháng trước khi sự kiện toàn cầu này khai mạc, nơi cả thế giới sẽ tập trung tại Paris, cuộc tấn công này giống như một lời cảnh báo đối với các nhà chức trách đã liều lĩnh đưa ra quyết định nói trên. Đúng 20h24 ngày 26/07, khoảng một trăm chiếc thuyền chở hơn 10.000 vận động viên sẽ đi dọc 6 km sông, từ đông sang tây, từ khu vực thư viện François Mitterrand tới tháp Eiffel. Cuộc diễu hành trên sông, sau đó là chương trình biểu diễn nghệ thuật sẽ diễn ra trước hàng trăm nguyên thủ quốc gia tập trung tại Trocadéro, tức là rất gần cây cầu Bir-Hakeim, nơi xảy ra cuộc tấn công vừa qua.

 

Frédéric Péchenard, phó chủ tịch của vùng Île-de-France và nguyên tổng giám đốc cảnh sát quốc gia tỏ ra lo lắng : « Kể từ cuộc tấn công của Hamas nhắm vào Israel, nguy cơ khủng bố đã tăng lên đáng kể và tôi không hiểu tại sao chính phủ vẫn khăng khăng nói rằng họ không có phương án hai. Chúng ta phải chuẩn bị cho mọi khả năng, vì bất kỳ cuộc xung đột ở Trung Đông hay Bắc Phi nào đều khiến lãnh thổ Pháp phải hứng chịu những cuộc tấn công bạo lực. »

 

Theo nhật báo thiên hữu, ông Péchenard ám chỉ đến những căng thẳng cao độ với Iran, về nguồn gốc của cuộc tấn công ở rue de Rennes do Hezbollah thực hiện vào năm 1986 cũng như cuộc nội chiến ở Algeria, dẫn đến làn sóng những cuộc tấn công khủng bố hồi năm 1995, hay cuộc chiến ở khu vực Irak-Syria, dẫn đến vụ khủng bố ở tòa soạn Charlie Hebdo và sau đó là nhà hát Bataclan. Frédéric Péchenard nhận xét : « Chiến tranh ở Israel đã gây ra hai cuộc tấn công “nội sinh” ở Pháp. Nếu tình hình vốn đã phức tạp lại trở nên xấu hơn nữa, liệu Hoa Kỳ hay Israel, những nước rất nhạy cảm với các vấn đề an ninh, có chấp nhận cho vận động viên của họ diễu hành ở Paris hay không ? »

 

-------------------------------

Các nội dung liên quan

 

ĐIỂM BÁO

Israel và Palestine : Giờ của sự thật

 

XUNG ĐỘT ISRAEL - HAMAS

Cận Đông : Israel mở rộng chiến dịch quân sự trên toàn bộ dải Gaza

 

GAZA - CHIẾN TRANH

Chiến tranh Israel-Hamas : Người dân Gaza bị mắc kẹt dưới bom đạn của Israel

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats