Vì
sao Việt Nam cần lo ngại nhiều hơn đối với dự án đào kinh Phù Nam – Techo của
Campuchia?
02/12/2023
Bởi vì, thứ nhứt, con kinh này sẽ mở đường cho
nước sông Cửu Long đổ ra vịnh Thái Lan, thay vì đổ ra Biển Đông như hiện trạng.
Hệ quả hai sông Tiền và Hậu sẽ cạn nước. Nước biển sẽ ngược sông tràn vào sâu
trong đất liền, có thể tới Cần Thơ hay Hồng Ngự, tùy theo mức thủy triều. Điều
này xảy ra, toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ bị ngập mặn. Có thể 90%
đất vườn và đất ruộng sẽ không còn sử dụng được.
Thứ hai, về an ninh. Con kinh Phù Nam – Techo
là một phần của dự án “vành đai kinh tế và con đường tơ lụa” của Trung Quốc.
Con kinh hoàn tất, từ Nam Vang sẽ có hai đường chở hàng (Trung Quốc) ra biển:
Đường cao tốc và đường thủy. Căn cứ Ream được Trung Quốc đầu tư và xây dựng từ
hai năm nay có mục đích bảo đảm an ninh cho dự án. Bước cuối cùng của dự án
“Vành đai – con đường” (đoạn Vân Nam ra biển) là đào con kinh Kra, nối Vịnh
Thái Lan và Ấn Độ Dương.
Việt Nam vì vậy có tới ba nỗi lo: ĐBSCL bị bức
tử vì thiếu nước ngọt và nước biển xâm thực. Một cuộc di cư khổng lồ, có thể
trên 20 triệu người từ miền Nam ra các tỉnh miền Trung và Bắc. Kinh tế Việt Nam
sẽ bị lụn bại, do vựa lúa và đất vườn cây trái ĐBSCL bị hủy diệt. Hệ quả cuối
cùng, an ninh quốc gia của Việt Nam sẽ bị vô hiệu hóa. Việt Nam sẽ trở thành một
“phiên bang” hạng chót của Trung Quốc, đứng sau cả Campuchia và Lào.
***
Vì sao Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ chết
Bình luận của Hà Lệ Chi
30-11-2023
https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/why-will-south-delta-die-11292023125345.html
.
Người bán trái cây trên chợ nổi ở Sông
Mekong ở Cần Thơ hôm 2/4/2016 (minh hoạ)
- Reuters
Con sông huyết mạch của Đông Nam Á
Mekong là con sông huyết mạch trọng yếu ở khu
vực Đông Nam Á. Đây là con sông dài nhất Đông Nam Á, với chiều dài xấp xỉ 4.800
km. Sông Mekong khởi nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua sáu quốc gia (Bao gồm
Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam) và đổ ra Biển Đông.
Tiểu vùng sông Mekong mở rộng là khu vực kinh
tế tự nhiên bao quanh sông Mekong, có diện tích 2,6 triệu km2 với
dân số khoảng 339 triệu người. Tổng diện tích lưu vực sông Mekong là 795.000 km2,
là nơi sinh sống của khoảng 60 triệu người, sinh kế của 80% trong số họ phụ thuộc
vào dòng sông này. Được coi là một trong những lưu vực sông đa dạng sinh học nhất
trên thế giới, lưu vực sông Mekong cũng là một trong những khu vực đất canh tác
màu mỡ nhất.
Mực nước sông Mekong thời gian gần đây đã xuống
thấp tới mức chưa từng có trong lịch sử, khiến kinh tế và nông nghiệp các nước
hạ lưu chịu tác động nghiêm trọng. Năm 2019, một đợt hạn hán kéo dài ở miền Nam
Trung Quốc và lục địa Đông Nam Á đã khiến mực nước ở sông Mekong hạ xuống mức
thấp nhất trong 30 năm qua.
Năm 2019 và 2020, đặc biệt là ở đồng bằng sông
Cửu Long (ĐBSCL), mực nước đã giảm xuống mức thấp nhất trong 100 năm trở lại
đây. Lượng nước chảy vào đồng bằng ít đi trong khi mực nước biển lại dâng cao,
làm tăng độ mặn của đất trồng trọt. Do đó, diện tích dành cho sản xuất nông
nghiệp ngày càng bị thu hẹp.
Mực nước thấp là vấn đề nguy hiểm đối với các
quốc gia thuộc khu vực hạ lưu như Việt Nam và Campuchia. Mực nước thấp tác động
tiêu cực đến các khu vực phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các vùng trồng
lúa. Hậu quả là năng suất lúa gạo của ĐBSCL đã suy giảm rất lớn. Trong khi đó,
Đồng bằng Sông Cửu Long là “vựa lúa” lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam,
17,3 triệu dân của vùng đồng bằng sông Cửu Long sản xuất hơn một nửa số gạo của
Việt Nam; gần 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đến từ vùng này.
Ủy hội sông Mekong (MRC) ngày 7/8/2020 công bố
một bản báo cáo, trong đó nêu rõ tình trạng khô cạn và hạn hán trên sông Mekong
trong năm có liên quan đến lưu lượng xả nước ở mức thấp của các con đập thủy lợi
và sự vận hành của các nhà máy thủy điện trên sông Mekong.
Do các đặc điểm độc đáo trên, khu vực này đang
ở trong tình trạng rất dễ bị tổn thương. Các con đập mà Trung Quốc, Lào và
Campuchia đang xây dựng ở thượng nguồn đã chặn nước, giữ lại phù sa và cản trở
sự di chuyển của cá. Các quốc gia hạ lưu theo truyền thống lấy khoảng 40% lượng
nước của họ từ phần sông của Trung Quốc trong mùa khô và 18% trong mùa mưa,
nhưng tỷ lệ đó đã giảm mạnh do các con đập ở thượng nguồn.
Sau năm 2020, lượng phù sa đổ vào ĐBSCL ước
tính chỉ còn khoảng 1/3 của năm 2007. Theo một nghiên cứu năm 2018, các con đập
cũng ngăn chặn sự di cư của cá và dự kiến sẽ gây ra sự sụt giảm thu nhập từ nghề
cá ở các quốc gia phía Nam Trung Quốc lên tới 22,6 tỷ USD trong vòng 24 năm.
Một cô gái đi trên một con kênh cạn nước
do hạn hán ở Long Phú, Sóc Trăng vào tháng 3/2016. AFP
Chiếc đinh cuối cùng cho cỗ quan tài chôn vùi ĐBSCL
Mới đây, Campuchia đã quyết định cho đào một
con kênh mang tên Phù Nam Techno.
Con kênh này dự kiến sẽ là tuyến đường thủy nối
thủ đô Phnom Penh với tỉnh Kampot, qua sông Bassac. Tỉnh Kampot nằm ở phía nam
Campuchia, có một mặt giáp với tỉnh Kiên Giang của Việt Nam, và một mặt giáp với
vịnh Thái Lan. Dự án này sẽ vận chuyển hàng hoá đến và đi từ cảng Phnom Penh ra
biển mà không cần phải trung chuyển qua Việt Nam.
Hôm 17-10, tại thủ đô Phnom Penh của
Campuchia, Ủy ban liên bộ Campuchia do Phó thủ tướng Sun Chanthol đứng đầu đã
ký kết thỏa thuận với đại diện Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) về dự
thảo khung xây dựng kênh đào nối ra biển Phù Nam Techo.
Thỏa thuận này sẽ cho phép CRBC tiến hành
nghiên cứu chuyên sâu về tất cả các khía cạnh của dự án trong vòng tám tháng. Dự
án kênh đào Phù Nam Techo ước tính sẽ tiêu tốn khoảng 1,7 tỷ USD và mất bốn năm
để hoàn thành.
Campuchia cũng thông báo rõ ràng là các nghiên
cứu thực hiện dự án kênh đào này sẽ do các công ty Trung Quốc thực hiện.
Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia, việc
Campuchia xây dựng kênh đào Phù Nam Techno này ra biển sẽ làm giảm lưu lượng nước
trên dòng sông Hậu, điều này sẽ tác động đến ĐBSCL, khu vực đang chịu ảnh hưởng
mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn…
Brian Eyler – Một chuyên gia về Mekong và cũng
là tác giả của cuốn sách “Những ngày cuối cùng của một dòng Mekong hùng vĩ”, đã
nhận xét về tác động của kênh đào Phù nam Techno như “một chiếc đinh cuối cùng
đóng vào cỗ quan tài ĐBSCL”.
Kênh Phù
Nam, Funan Techo Canal. Nguồn: Mekong River Commission. (Ảnh và chú thích: Kỹ
sư Phạm Phan Long.)
Chính phủ Việt Nam làm gì để cứu ĐBSCL?
Theo đánh giá sơ bộ, dự án sẽ gây tác động
xuyên biên giới đến tài nguyên nước, môi trường, thuỷ sản, đa dạng sinh học,
giao thông thuỷ, nông nghiệp, sinh kế, kinh tế xã hội vùng ĐBSCL.
Lo lắng trước những hậu quả tồi tệ cho dòng
Mekong và ĐBSCL, nhiều nhà trí thức hải ngoại đã lên tiếng mạnh mẽ, yêu cầu
Chính phủ Việt Nam cần có hành động cần thiết để cứu vãn tình thế.
“Với những hậu quả đã hiện rõ trước mắt
nếu như giới chức Việt Nam vẫn tiếp tục thái độ bàng quang, duy trì các
chính sách nông nghiệp, thủy lợi duy ý chí và lạc hậu, không cho người
nông dân quyền tự quyết về việc “nuôi con gì, trồng cây gì” như
hiện tại thì ngay khi “Đế chế Phù Nam” hoàn thành, người ta sẽ tận mắt
chứng kiến sự tàn lụi của một vùng châu thổ giàu có ĐBSCL chỉ trong vài
năm tới. ĐBSCL đang gánh vác trách nhiệm an ninh lương thực, đảm bảo diện
tích trồng lúa lớn. Người dân không có quyền trên thửa ruộng của họ và
ngay cả việc bán sản phẩm lúa gạo cũng phải thông qua các công ty lương
thực nhà nước hoặc các chủ vựa là người nhà của giới chức chính
quyền”.
Mới đây, Học viện Ngoại giao đã tổ chức một Diễn
đàn về Mekong tại TP.HCM. Diễn đàn này được cho là: “bên cạnh nỗ lực của kênh
ngoại giao chính thức, các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp của giới chuyên gia, học
giả sẽ góp phần hỗ trợ thực hiện các mục tiêu này. Hợp tác liên cơ chế, hành động
tập thể, chia sẻ kiến thức và phối hợp chính sách là chìa khóa để thúc đẩy hợp
tác hướng tới tương lai bền vững của tiểu vùng Mekong…”
Thêm nữa, báo chí cũng cho biết: Thủ tướng
Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ TN&MT, Uỷ ban sông Mekong Việt Nam phối hợp với
các bộ, ngành và địa phương thu thập thông tin chi tiết về dự án, triển khai
đánh giá tác động xuyên biên giới của dự án kênh đào Phù Nam Techno tới vùng
ĐBSCL của Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam thời gian qua đã bất lực
trước việc Lào xây các con đập trên cả dòng chính và dòng nhánh sông Mekong. Và
giờ đây chính phủ Việt Nam cũng sẽ bất lực trước dự án kênh đào này của
Campuchia. Tuy nhiên điều đáng nói là không phải là Việt Nam không thể cứu vãn,
mà chính vì chính sách bất nhất của chính phủ Việt Nam cùng với các nhóm lợi
ích “tranh thủ lợi dụng” đã khiến Việt Nam tuyệt vọng trong vấn đề này như vậy.
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Từ khi Lào quyết định xây một loạt đập thuỷ điện
trên dòng chính Mekong, nổi bật trong đó là các đập Xayaburi, Donsahong… Đã nhiều
nhà khoa học trong nước và thế giới cùng lên tiếng, yêu cầu Lào phải tôn trọng
quy trình PNPCA được quy định rõ ràng trong Hiệp định Mekông 1995 mà Lào là một
thành viên ký kết. Thế nhưng báo chí trong nước luôn giữ im lặng khi nhắc tới
Lào, do Ban Tuyên giáo Trung ương có chỉ đạo là không được làm ảnh hưởng tới
tình bạn với Lào. Trong khi Lào sẵn sàng phớt lờ lợi ích của hơn 20 triệu dân
ĐBSCL khi bất chấp mọi ngăn cản để xây dựng các con đập thuỷ điện, và các công
ty xây dựng các con đập này đều từ Trung Quốc.
Thêm nữa, mặc dù một số ban ngành ra sức kêu gọi
can thiệp vào các dự án xây đập hoặc kênh đào Phù Nam Techno, nhưng Việt Nam thực
sự không đủ sức mạnh và uy tín khiến Lào và Campuchia phải đắn đo khi thực hiện
các dự án này, đơn giản là vì Việt Nam luôn tiếp tay cho các dự án này của Lào
và Campuchia. Chính Việt Nam đã phớt lờ các quy định PNPCA của Hiệp định Mekông
1995 và lợi ích của hàng triệu người dân ĐBSCL thì cớ gì mà yêu cầu họ cân nhắc.
Năm 2019, dư luận Việt Nam bàng hoàng khi một
tập đoàn lớn thuộc loại doanh nghiệp nhà nước lớn nhất nhì Việt Nam lại tham
gia một dự án thuỷ điện trên dòng Mekong của Lào.
Đây cũng không phải là trường hợp duy nhất. Đầu
năm nay, dư luận lại rúng động khi một tập đoàn tư nhân Việt Nam đã bí mật tham
gia một dự án xây đập Sekong A tại Lào. Brian Eyler đã nhận xét: “tôi gọi dự án
này là một hồi chuông báo tử cho nghề cá trên sông Mekong. Và theo nhiều cách,
Việt Nam đang tự bắn vào chân mình bằng cách xây dựng con đập này ở Lào”.
Nhiều tổ chức quốc tế đã kêu gọi Việt Nam dừng
các dự án này lại, nhưng các nhóm lợi ích cứ phớt lờ tất cả.
Và như mọi khi, các thông tin thực tế về tác hại
của các dự án này sẽ không bao giờ tìm thấy trên báo chí Việt Nam.
Một mặt, một số ban ngành ở Việt Nam tìm cách
can thiệp vào các dự án đập thuỷ điện ở Lào, tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt
Nam (EVN) vẫn vô tư mua điện từ các dự án đập thuỷ điện đã tham gia vào việc bức
tử ĐBSCL.
Tranh thủ lợi dụng
Không chỉ “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”
trong hoạt động chính sách, nhiều nhóm lợi ích còn ngang nhiên lợi dụng tình trạng
khó khăn, đã vẽ ra các dự án ma để trục lợi. Đơn cử như trường hợp đập
Xayraburi. Bất lực khi không yêu cầu được Lào ngừng dự án. Theo quy định của Luật
pháp quốc tế về sử dụng các nguồn nước, cũng như quy định tại Hiệp định Mekông
1995, Lào có nghĩa vụ phải thực hiện một báo cáo đánh giá tác động môi trường
(EIA) trước khi thực hiện dự án xây đập. Tuy nhiên, Lào chỉ thực hiện EIA một
cách qua loa, và chỉ đánh giá tác động môi trường cách đập Xayaburi chưa đầy
3km, trong khi ĐBSCL mới là nơi bị tác động nhiều nhất thì lại không được đánh
giá.
Uỷ ban Sông Mekong Việt Nam cùng với Bộ Tài
nguyên và Một trường (Bộ TN&MT) Việt Nam đã đề nghị với Chính phủ Việt Nam
thuê một bên nước ngoài thực hiện EIA với kinh phí gần năm triệu USD. Phía Uỷ
ban Sông Mekong Việt Nam và Bộ TN&MT khẳng định đây là nghiên cứu quan trọng
để xác định tác động đến môi trường của ĐBSCL trước các dự án thuỷ điện của
Lào.
Thế nhưng, kết quả đánh giá thì hỡi ôi. Đại biểu
Quốc hội Nguyễn Ngọc Trân đã nêu rõ vấn đề này: “Trong hai lần phản biện của
mình, tôi đã chỉ rõ năm điểm yếu cơ bản của nghiên cứu của DHI (phương pháp luận,
mô hình hóa, số liệu, chế độ vận hành, hiểu biết thực tế) và đi đến kết luận là
các kết quả và kết luận của công trình là không đáng tin cậy và tiềm ẩn hậu quả
bất lợi khôn lường nếu được Chính phủ Việt Nam phê duyệt”.
Nói một cách ngắn gọn, đây chỉ là dự án Bộ
TN&MT cùng với Uỷ ban Sông Mekong Việt Nam vẽ ra để trục lợi mà thôi.
Với những chính sách “trống đánh xuôi, kèn thổi
ngược” như vậy, cộng với việc tham nhũng chính sách, thì ĐBSCL sẽ chết chỉ là
chuyện sớm hay muộn mà thôi.
_____
Tham khảo:
1.
https://vnexpress.net/chuyen-gia-my-trung-quoc-co-the-giu-50-nuoc-mekong-vao-mua-kho-4059158.html
3. http://www.mrcmekong.org/assets/Publications/Situation-report-Jan-Jul-2020.pdf
5. http://m.en.freshnewsasia.com/index.php/en/localnews/41715-2023-10-18-02-08-54.html
8. https://baoquocte.vn/cho-mot-tuong-lai-ben-vung-hon-o-tieu-vung-song-mekong-251230.html
12. https://www.iucn.org/news/viet-nam/202109/viet-nam-should-save-sekong-its-own-benefit
13. https://danviet.vn/vi-sao-evn-thuc-mua-hang-nghin-mw-dien-tu-lao-20230925181945149.htm
14. https://tiasang.com.vn/dien-dan/mot-van-de-can-duoc-chat-van-10222/
*
Tác giả Hà Lệ Chi là một nhà nghiên cứu độc lập, đã tốt nghiệp ngành quan hệ quốc
tế ở Úc. Hà Lệ Chi đã có thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam. Hiện
tác giả đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
No comments:
Post a Comment