Monday, 4 December 2023

VÌ SAO TRUNG QUỐC HẾT LỜI CA NGỢI KISSINGER? (Chi Phương / RFI)

 



Vì sao Trung Quốc hết lời ca ngợi Kissinger ?

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 04/12/2023 - 14:23

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20231204-v%C3%AC-sao-trung-qu%E1%BB%91c-h%E1%BA%BFt-l%E1%BB%9Di-ca-ng%E1%BB%A3i-kissinger

 

Cựu ngoại trưởng dưới thời tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon, Henry Kissinger đã ra đi ở tuổi 100 vào thứ Tư, ngày 29/11/2023 vừa qua. Một trong những thành tựu ngoại giao lớn nhất của ông đó là thiết lập bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Chiến Tranh Lạnh. Đối với Trung Quốc, sự ra đi của ông được xem như là một sự « mất mát », Bắc Kinh mất đi một « người bạn » đáng tin cậy, « đóng lại cánh cửa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc »

 

https://s.rfi.fr/media/display/e066893c-1736-11ea-8faa-005056bf7c53/w:980/p:16x9/kissinger%20xi%20jinping%20310315.webp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) với cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, Bắc Kinh, 17/03/2015. REUTERS/Feng Li/Pool

 

Tạp chí Time nhận định rằng, đối với một số người, Henry Kissinger là một người Mỹ yêu nước, yêu hòa bình, nhưng số khác thì lại coi ông là một kẻ hiếu chiến. Kissinger đã để lại một dấu ấn không thể xóa nhòa và gây tranh luận, thậm chí chia rẽ nhiều nơi trên thế giới. Thế nhưng tin cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ qua đời ở tuổi 100, được tưởng niệm tại Trung Quốc, đất nước được coi là thành công ngoại giao lớn nhất của ông. 

   

Trên mạng xã hội X, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, Tạ Phong (Xie Feng) nhận định rằng sự ra đi của Kissinger là một mất mát to lớn cho đất nước Trung Hoa và thế giới, và “ông ấy sẽ luôn sống mãi trong trái tim người dân Trung Quốc” như “một người bạn lâu đời đáng quý nhất”.   

 

Tại Trung Quốc, cụm từ “người bạn lâu đời” có ý nghĩa đặc biệt, đã được chính chủ tịch Tập Cận Bình sử dụng để mô tả Kissinger trong chuyến thăm cuối cùng của ông đến nước này vào tháng 07/2023. Tập Cận Bình đã khẳng định rằng “Trung- Mỹ, mối quan hệ sẽ luôn gắn liền với cái tên Henry Kissinger”.   

 

Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV gọi Kissinger là nhà ngoại giao thuyền thoại đồng thời nêu bật vai trò quan trọng của ông trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc dưới thời Chiến Tranh Lạnh. Tại Trung Quốc, ông được coi là người “hai lần 100 tuổi”, vì tuổi tác và vì ông đã thăm Trung Quốc hơn 100 lần.    

 

 

Kissinger đã giúp thiết lập quan hệ Mỹ Trung như thế nào trong Chiến Tranh Lạnh ?    

 

Trước khi tổng thống Richard Nixon trở thành chủ nhân Nhà Trắng đầu năm 1969, Henry Kissinger đã quan tâm đến việc hàn gắn quan hệ Mỹ Trung, đồng thời tận dụng sự chia rẽ giữa Nga và Trung Quốc để kiềm chế Nga, đối thủ thời Chiến Tranh Lạnh của Hoa Kỳ. Kissinger được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia và sau đó là ngoại trưởng.

 

Nixon và Kissinger đã cố gắng thiết lập liên lạc với “Người Cầm Lái Vĩ Đại” Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, những sự việc xảy ra sau đó, điển hình là việc Mỹ xâm lược Cam Bốt đã cản trở đối thoại. Kissinger đã cố gắng sử dụng Rumani và các mối liên hệ chung của sứ quán Trung Quốc ở Paris, và đặc biệt là qua việc sử dụng Pakistan làm trung gian.

 

Vào tháng 12/1970, thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã trả lời điện tín từ tổng thống Pakistan Yahya Khan cho biết “một đặc phái viên của tổng thống Nixon sẽ được chào đón nồng nhiệt nhất ở Bắc Kinh.” Đến mùa xuân năm 1971, hai nước đã gửi đi những dấu hiệu tích cực, qua việc tổng thống Nixon công khai bày tỏ mong muốn đến thăm Trung Quốc cũng như việc trao đổi vận động viên bóng bàn - từng được gọi là “ngoại giao bóng bàn”. Tháng 07/1971, Kissinger đã được bí mật cử đến Trung Quốc tham gia vào cuộc họp có ý nghĩa đầu tiên với Chu Ân Lai, nhằm giải quyết những bất đồng, đặc biệt là liên quan đến hồ sơ bán đảo Triều Tiên và Việt Nam.    

 

Trang NBC của Hoa Kỳ cho rằng sự can thiệp của Kissinger đã tạo ra “chuyến đi lịch sử” của Nixon vào năm 1972, dẫn đến việc bình thường hóa chính thức quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào năm 1979. Việc Bắc Kinh mở cửa với Mỹ sau nhiều thập kỷ cô lập dưới thời Mao Trạch Đông đã giúp Trung Quốc phát triển thành một cường quốc sản xuất, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế.       

 

 

Tại sao Mỹ Trung thiết lập quan hệ ngoại giao lại quan trọng ?   

 

Theo The Wall Street Journal, việc Hoa Kỳ mở cửa với Trung Quốc được coi là một sự kiện thay đổi toàn cầu. Quan hệ hai bên nguội lạnh trong hơn hai thập kỷ, thậm chí xung đột với nhau trong chiến tranh Triều Tiên, và đối lập trong chiến tranh với Việt Nam, vì Trung Quốc tập trung nguồn lực hỗ trợ Bắc Việt Nam. Xích lại gần Trung Quốc đã giúp Mỹ “thoát khỏi Việt Nam”, cho phép Bắc Kinh và Washington có cùng lý do chống lại Liên Xô, vốn đang cạnh tranh với chính phủ của Mao Trạch Đông để giành được ảnh hưởng tại các nước trong khối Cộng Sản và các nước đang phát triển.   

 

« Liên minh ngầm » mà Kissinger thiết lập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức giữa Mỹ và Đài Loan và tạo điều kiện dễ dàng cho các doanh nghiệp Mỹ đổ vào Trung Quốc sau khi người kế nhiệm Đặng Tiểu Bình đưa ra các chính sách mở cửa thận trọng.     

 

 

Vai trò của Henry Kissinger sau khi rời khỏi chính phủ Mỹ là gì ?   

 

Sau khi Nixon từ chức, theo Wall Street Journal, các tổng thống kế nhiệm cũng được Kissinger cố vấn. Tuy nhiên, quan điểm của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn, do vậy mà các chính quyền kế nhiệm Nixon cũng giảm bớt sự can dự của ông.   

 

Kissinger vẫn nhận được ủng hộ mạnh mẽ ở Bắc Kinh, vì được coi là người ủng hộ hai chính phủ hợp tác, ông cũng luôn duy trì quan điểm “ Trung Quốc và Hoa Kỳ không cần - và không nên trở thành một trò chơi có tổng bằng 0,” dù quan hệ hai bên có suy giảm.   

Kissinger vẫn tiếp tục hoạt động tích cực ở Trung Quốc với tư cách là một nhà ngoại giao và doanh nhân. Trong những năm gần đây, Kissinger thường bày tỏ quan ngại về quan hệ Mỹ - Trung khi hai bên xảy ra xung đột về một loạt vấn đề, về thương mại, công nghệ, nhân quyền, về chủ quyền của Đài Loan cũng như lập trường của Trung Quốc đối với cuộc chiến ở Ukraina và Trung Đông.     

 

 

Chiến lược ngoại giao của Kissinger với Trung Quốc có gì đặc biệt?  

 

Trong hơn 100 chuyến thăm Trung Quốc trong nửa thập kỷ qua, Kissinger đã gặp tất cả các nhà lãnh đạo thời hiện đại của nước này, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình. Theo Wall Street Journal, trong khi nhiều chuyến đi có vẻ dè dặt nhưng các nguyên thủ của Trung Quốc đã sử dụng chuyến thăm của Kissinger để báo hiệu với Washington rằng Bắc Kinh muốn đối thoại.   

 

Nhà nghiên cứu về Trung Quốc Ian Johnson, trả lời NBC, cho rằng những gì mà ông Kissinger để lại “khá là hỗn tạp” : “Một mặt, Kissinger đại diện cho một cách nhìn chính trị thực dụng hữu ích hiện nay về Trung Quốc, tức là không bị cuốn vào một hệ tư tưởng nào đó, coi Trung Quốc là một đối tác hữu ích trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt. Mặt khác, đôi khi Kissinger lại để mình làm chỗ dựa cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn cho công chúng thấy rằng họ có quan hệ tốt với Hoa Kỳ, cùng lúc đó kiếm được lời lớn từ các chuyến đi đến Trung Quốc”.   

 

Tư duy chiến lược và chính trị cũng như ưu tiên đàm phán hậu trường của Kissinger phù hợp với cách tiếp cận thực dụng của đảng Cộng Sản Trung Quốc vốn coi thường các cuộc tranh luận công khai. Phương pháp của Kissinger cũng phù hợp với phía Hoa Kỳ, coi Kissinger là người tốt nhất có thể “mở cánh cửa Trung Quốc.”    

 

 

Liệu lợi ích kinh tế có ảnh hưởng đến đến những tư vấn về quan hệ Mỹ Trung của Kissinger hay không ?   

 

Vấn đề này được đặt ra trong cuốn “Nước Mỹ thứ hai: Giới tinh hoa Mỹ đang làm cho Trung Quốc mạnh hơn như thế nào” (America Second: How America's Elites Are Making China Stronger 2022) của tác giả Isaac Stone Fish. Theo Wall Street Journal, qua tài liệu lưu trữ, tác giả Stone Fish chỉ ra rằng Kissinger đã thành lập quỹ China Ventures, trị giá 75 triệu đô la với một doanh nghiệp Trung Quốc vào tháng Năm 1989, sau đó ông đưa ra lập luận phản đối các trừng phạt của chính phủ Mỹ để trả đũa Bắc Kinh sau khi quân đội Trung Quốc nổ súng vào những người biểu tình ủng hộ dân chủ vài tháng sau, ở Thiên An Môn.   

 

Cuốn sách chỉ ra rằng những lời khuyên của Kissinger đã cho phép đảng Cộng Sản Trung Quốc có quyền kiểm soát lớn hơn đối với các công ty nước ngoài, và khiến họ gần gũi hơn với Đảng. Như vậy Kissinger có thể tích lũy của cải cũng như tăng cường sức ảnh hưởng.    

 

Công ty tư vấn Kissinger Associates không báo cáo số liệu tài chính, cũng không cho biết danh sách khách hàng của mình, nhưng được cho là đã làm việc ở Trung Quốc, thay mặt cho nhiều tập đoàn Hoa Kỳ để giải quyết các vấn đề ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc J. Stapleton Roy, cũng là giám đốc điều hành Kissinger Associates cho biết: “Kissinger rất cẩn thận, tiếp cận các nhà lãnh đạo Trung Quốc vì họ quan tâm đến quan điểm của ông ấy về chính sách đối ngoại”. Kissinger thường đưa các lãnh đạo doanh nghiệp đi cùng để gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhưng ông để họ tự thảo luận về các vấn đề kinh doanh ở Trung Quốc thay vì yêu cầu sự giúp đỡ, và bằng cách này có thể bảo vệ “quyền tiếp cận của ông”.   

 

 

Trong năm nay, quan hệ Mỹ-Trung đã giảm xuống mức thấp nhất, vì vấn đề Đài Loan, vì các biện pháp kiểm soát công nghệ của Mỹ, hay về lập trường đối với chiến tranh Ukraina,…và nhất là vụ một quả bóng do thám bị nghi ngờ của Trung Quốc, liệu Kissinger có đóng vai trò gì trong việc giải quyết mâu thuẫn hay không ?   

 

Trên thực tế, để xoa dịu quan hệ giữa hai nước, chính quyền Biden đã cử nhiều lãnh đạo cấp cao, bao gồm cả bộ trưởng Tài Chính Janet Yellen đến Bắc Kinh.   

 

Trong bối cảnh này, theo Wall Street Journal, Kissinger đã xuất hiện ở thủ đô Bắc Kinh vào tháng Bảy, cùng ngồi với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong nhà khách chính phủ được trang trí công phu. Đó cũng là nơi mà nhà ngoại giao Mỹ đã đàm phán với thủ tướng Chu Ân Lai nửa thế kỷ trước đó, để chuẩn bị cho chuyến đi của Nixon. Ông Kissinger nói với Tập Cận Bình rằng cuộc gặp với ông Chu Ân Lai cho thấy “mối quan hệ giữa hai nước sẽ là trung tâm cho hòa bình trên thế giới và cho sự tiến bộ của xã hội”.   

 

Theo The Wall Street Journal, Bắc Kinh cũng đã chơi khó với chính quyền Biden. Cuộc gặp của Kissinger trên thực tế đã được Washington ghi nhận. Khi ông Tập đồng ý đến Mỹ dự hội nghị thượng đỉnh với Biden, các nhà ngoại giao Trung Quốc muốn Kissinger đứng ra giới thiệu nhà lãnh đạo Trung Quốc tại một bữa tiệc ở San Francisco với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ. Khi biết rằng Kissinger quá yếu, khó có thể đến tham dự, họ đã hỏi liệu ông có thể tham gia trực tuyến hay không. Nhưng điều này đã không xảy ra.    

 

Tuy nhiên, phát biểu trước các doanh nhân Mỹ, ông Tập coi cuộc gặp với Kissinger vào tháng Bảy như là một phần của nỗ lực khôi phục quan hệ hai bên. Về phía Tập Cận Bình, việc Kissinger từng tiếp cận với các lãnh đạo mang tính biểu tượng như Mao Trạch Đông hay Chu Ân Lai giúp đánh bóng hình ảnh nhà lãnh đạo của mình.  

 

Nếu như Kissinger có thể mở những cánh cửa rộng mở với Trung Quốc thì ảnh hưởng của ông đối với các chính quyền tổng thống Mỹ gần đây ngày càng suy yếu. Các quan chức có thể lắng nghe ông nhưng không nhất thiết phải đồng tình với quan điểm của ông về sự cần thiết của hợp tác Mỹ-Trung.   

 

Vào tháng 10 vừa qua, dù sức khỏe suy yếu, Kissinger “vẫn sáng suốt lưu ý rằng ông đã dành nửa cuộc đời mình cho mối quan hệ Trung-Mỹ” và cảnh báo hai nước có một khả năng đặc biệt để mang lại hòa bình và tiến bộ cho thế giới, và “cũng có khả năng độc nhất có thể hủy diệt thế giới nếu không cùng nhau hợp tác”.  

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

NGOẠI GIAO - QUỐC TẾ

Henry Kissinger: 100 tuổi vẫn là nhà ngoại giao

 

TRUNG - MỸ - NGOẠI GIAO

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp « nhà ngoại giao huyền thoại » Kissinger

 

HOA KỲ - HENRI KISSINGER

Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger qua đời

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats