Từ lúc Taliban cai
trị, trẻ em Afghanistan đói khát
Người Việt
December
19, 2023
https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/tu-luc-taliban-cai-tri-tre-em-afghanistan-doi-khat/
KABUL,
Afghanistan (NV) – “Lần cuối cùng tôi
mua sữa cho con mình là cách đây hai tháng. Bình thường tôi chỉ đổ trà vào bình
sữa của bé. Hoặc tôi ngâm bánh mì chung với trà rồi cho con ăn,” Sohaila Niyazi
nói trong lúc ngồi trên sàn trong căn nhà làm từ gạch bùn tuốt trên ngọn đồi
phía Đông Kabul.
Để tới được
nhà Niyazi, không có đường đi – người ta phải cuốc bộ lên những con đường dốc đầy
bùn và nước thải chảy kế bên.
Sohaila là
một góa phụ. Cô có sáu người con, đứa con út 15 tháng tên là Husna Fakeeri. Loại
trà mà Sohaila nói tới là trà truyền thống được dùng tại Afghanistan, được làm
bằng lá trà xanh và nước nóng, không có sữa hoặc đường. Nó không có bất kỳ giá
trị dinh dưỡng nào cho đứa con gái bé bỏng của Sohaila.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/12/GettyImages-1827319381-1536x1024.jpg
Trẻ em
Afghanistan lượm ve chai ở tỉnh Badakhshan hôm 6 Tháng Mười Hai, 2023 (Hình:
OMER ABRAR/AFP/Getty Images)
Sohaila là
một trong 10 triệu người ngừng nhận hỗ trợ lương thực khẩn cấp từ Chương Trình
Lương Thực Thế Giới của Liên Hiệp Quốc (WFP) trong năm qua – việc cắt giảm là cần
thiết do thiếu hụt nguồn tài trợ lớn. Đó là một đòn chí tử, đặc biệt là với khoảng
hai triệu gia đình do phụ nữ làm trụ cột ở Afghanistan.
Dưới sự
cai trị của Taliban, Sohaila nói cô không thể ra ngoài làm việc và nuôi sống
gia đình.
“Có những
đêm đói khát. Tôi nói với mấy đứa nhỏ, trời tối đen rồi mà đi xin ăn ở đâu? Mấy
đứa nó phải ngủ trong cơn đói cồn cào, lúc thức giấc tôi khắc khoải không biết
phải làm sao. Nếu có người hàng xóm đem cho chúng tôi một ít thức ăn là mấy đứa
nhỏ giành giật, chúng nói ‘đưa cho con, con muốn ăn’. Thì tôi đành cắn răng chịu
đựng phân chia thức ăn để chúng bình tĩnh,” Sohaila nói.
Để xoa dịu
bé gái đang đói khát, Sohaila nói cô phải cho cô bé dùng “thuốc ngủ.”.
“Tôi cho
cháu uống thuốc để bé khỏi thức dậy đòi sữa vì tôi không có sữa cho bé. Sau khi
cho bé dùng thuốc, bé sẽ ngủ từ sáng hôm nay tới tận sáng hôm sau,” Sohaila
nói. “Nhiều lúc tôi phải rờ coi đứa nhỏ còn sống hay đã chết.”
Nhóm phóng
viên BBC hỏi về loại thuốc mà Sohaila cho con gái uống và phát giác rằng đó là
một loại thuốc kháng histamine hoặc thuốc chống dị ứng thông thường. An thần chỉ
là một tác dụng phụ của thuốc.
Các bác sĩ
nói với nhóm phóng viên mặc dù nó ít gây hại hơn các loại thuốc an thần và thuốc
chống trầm cảm mà một số bậc cha mẹ Afghanistan cho con họ uống lúc đói, nhưng
với liều lượng cao hơn, loại thuốc này có thể gây suy hô hấp.
Sohaila kể
lại chồng cô là một thường dân chết oan mạng trong trận giao tranh ở tỉnh
Panjshir năm 2022, đó là cuộc giao tranh giữa lực lượng Taliban và những người
chống lại sự cai trị của Taliban. Sau khi người chồng qua đời, Sohaila phụ thuộc
rất nhiều vào viện trợ của WFP – gồm có bột mì, dầu và đậu.
Hiện nay
WFP cho biết họ chỉ có thể cung ứng hàng hóa cho ba triệu người – chưa tới một
phần tư số người đang phải gánh chịu nạn đói dai dẳng.
Sohaila
hoàn toàn phụ thuộc vào nhu yếu phẩm quyên góp từ thân nhân hoặc xóm giềng.
Bé Husna,
con gái của Sohaila, bị suy dinh dưỡng ở mức độ vừa phải, là một trong hơn ba
triệu trẻ em mắc bệnh này tại Afghanistan, theo UNICEF. Hơn một phần tư trong số
các bé gặp phải tình trạng tồi tệ nhất – suy dinh dưỡng cấp tính trầm trọng.
Liên Hiệp Quốc cho biết đây là khủng hoảng thậm tệ nhất từng xảy ra ở
Afghanistan.
Ủy Ban Hồng
Thập Tự Quốc Tế (ICRC) đang trả lương cho nhân viên y tế, đồng thời tài trợ thuốc
và thức ăn tại hơn 30 nhà thương – một biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện
sau khi thay đổi thể chế vào năm 2021.
Giờ đây
ICRC không còn đủ nguồn nhân lực để tiếp tục và viện trợ cũng bị rút khỏi phần
lớn các cơ sở y tế, gồm có cả bệnh viện nhi khoa duy nhất của Afghanistan, Bệnh
Viện Nhi Indira Gandhi tại Kabul.
Nhóm phóng
viên chất vấn phát ngôn viên chính của chính phủ Taliban, Zabihullah Mujahid, rằng
họ đang làm gì nhằm thuyết phục cộng đồng quốc tế cung ứng thêm viện trợ.
“Nếu viện
trợ được dùng như một công cụ gây áp lực thì Vương Quốc Hồi Giáo cũng có những
giá trị riêng cần phải bảo vệ bất chấp. Người Afghanistan đã hy sinh rất nhiều
trong quá khứ để bảo vệ những giá trị tinh thần của chúng tôi và sẽ chịu đựng
tiếp chuyện bị cắt viện trợ,” Mujahid nói.
Trước khi
bị Taliban tiếp quản, ba phần tư ngân sách công chánh đến từ tiền ngoại quốc được
cung cấp trực tiếp cho chính thể cũ. Thể chế cũ sụp đổ vào Tháng Tám 2021, làm
cho nền kinh tế rơi vào bế tắc. (TTHN)
No comments:
Post a Comment