Saturday, 23 December 2023

TÌNH CA GIÁNG SINH, DÒNG NHẠC BẤT HỦ CỦA MIỀN NAM (Tuấn Khanh / Saigon Nhỏ)

 




Tình ca Giáng Sinh, dòng nhạc bất hủ của Miền Nam

Tuấn Khanh  -  Saigon Nhỏ

23 tháng 12, 2023

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/tinh-ca-giang-sinh-dong-nhac-bat-hu-cua-mien-nam/

 

Tình ca Giáng sinh là một dòng nhạc rất đặc biệt của miền Nam và mãi mãi trở thành lịch sử trong di sản của âm nhạc Việt. Những bài hát tình yêu trong mùa Giáng sinh được các nhạc sĩ có đạo Công giáo, kể cả Phật giáo, lương giáo… cùng sáng tác dựa trên niềm cảm hứng của một mùa lễ đến, trong khung cảnh hội ngộ và dạt dào cảm xúc cho niềm hy vọng cuối năm.

 

Nhiều năm nữa có thể sẽ có các bài hát Giáng sinh mới ra đời, nhưng khung cảnh và phong  cách âm nhạc sáng tác của tình ca Giáng sinh miền Nam trước mãi mãi là dòng sản phẩm độc quyền trong một thời đại mà tín ngưỡng được chan hòa, và lan tỏa đến mọi nơi, được đón nhận ở cả miền Bắc, lúc đó với sự chia cắt, Giáng sinh chỉ là những ngày lễ riêng, nếu không nói là lặng lẽ trong các nhà thờ.

 

Trong một cuộc thăm dò nhỏ với các nhạc sĩ từng viết những bài hát Giáng Sinh để lại ký ức đẹp đẽ trong lòng người thì hầu như ai cũng nói rằng việc sáng tác những bài hát đó xuất hiện trong ý tưởng một cách ngẫu nhiên và bất ngờ, khiến việc viết xuống nhanh chóng. Sự xuất hiện được đón nhận cũng nhanh chóng cũng khiến các nhạc sĩ coi đó là những chuyện vô cùng đặc biệt trong đời.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Vũ kể rằng, ý nhạc của Bài Thánh Ca Buồn đến với ông nhanh và lạ thường. Khi đang ngồi trò chuyện với mấy người bạn, bỗng chợt một giai điệu loé lên trong đầu, ông khoát tay để tạm dừng mọi thứ, rút trong gói thuốc lá tờ giấy bạc, vuốt cho phẳng rồi ghi vội những câu hát về sau trở thành bất tử “Bài thánh ca đó còn nhớ không em, Noel năm nào chúng mình có nhau…”

 

Nhạc sĩ Nguyễn Vũ là một người Hà Nội, sau năm 1954 cùng gia đình di cư vào Nam và sống ở Đà Lạt. Khung cảnh huyền ảo của thành phố sương mù còn rất nguyên sơ lúc đó đã cho ông một nhịp đập lãng mạn bất ngờ khi nhìn thấy một cô gái đi nhà thờ, đẹp nhưng dịu dàng và xa cách. Thậm chí ông còn lẳng lặng tìm hiểu, biết rằng cô gái đó lớn hơn ông hai tuổi và là một người có đạo.

 

“Trái tim vụng dại của tôi, thằng con trai mới lớn đập loạn nhịp trước bóng hình thiếu nữ tóc xõa vai mềm bềnh bồng trong gió cao nguyên”, ông kể trong một chương trình truyền hình phỏng vấn về cuộc đời sáng tác của mình.

 

Bài hát Bài Thánh Ca Buồn của nhạc sĩ Nguyễn Vũ xuất hiện năm 1972, tạo thành cơn sốt cùng với các bài hát Giáng sinh khác. Bởi là người chơi nhạc trẻ, thích những giai điệu mới, ông đã tạo ra một bài tình ca Giáng sinh vút cao, cần một sự diễn đạt khoẻ mạnh. Ca sĩ Thái Châu là người trình bày đầu tiên, và sau đó, giọng nam thứ hai là Elvis Phương.

 

Nhiều thập niên trôi qua, dù là trong chiến tranh, hay đã ngừng tiếng súng, Bài Thánh Ca Buồn vẫn luôn đến hẹn lại lên, dựng lại miền cảm xúc đầy trời kỷ niệm của người miền Nam và đem lại một làn gió âm nhạc khác lạ cho những người Việt ở bên kia bờ sông Bến Hải, bắt đầu nhìn thấy Giáng sinh như một mùa vui chung không cần phải e dè.

 

Như đã nói, điểm lại những bài tình ca Giáng sinh, người ta nhìn thấy một điều thú vị rằng đa số nhạc sĩ sáng tác đều là những người không phải là đạo Công giáo. Nhưng có lẽ chính vì lý do này mà nội dung những bài hát cũng phóng khoáng và tự do không bị thiết đặt trong những nguyên tắc của người theo đạo.

 

Mượn mùa Giáng sinh để kể những câu chuyện tình yêu là thường thấy, nhưng còn có những trường hợp mượn Giáng sinh để nói về quê hương và nỗi lòng của mình, với hiện trạng đất nước cũng là một dòng tâm tư đặc biệt khiến người nghe nhớ mãi, chẳng hạn với Lạy Chúa Con Là Người Ngoại Đạo của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Trong bài hát là bàng bạc một nỗi buồn nhân thế của người Việt vào mùa vọng yêu thương.

 

Lạy Chúa tôi con người không đạo

 

Nhưng tin có Chúa ở trên cao

 

Con nghe trong đêm Việt Nam tối tăm

 

Những mìn bom hoen dấu

 

Lạy Chúa trên cao Chúa ở nơi nào

 

Lạy Chúa tôi tuy người không đạo

 

Nhưng yêu nhớ lắm nhạc chuông khuya

 

Khi con bơ vơ chắp tay nguyện cầu

 

Cho người thương còn xa mãi xa

 

Mà suốt đêm dài ánh sáng chưa qua

 

 

Nhưng đó cũng có thể là điều đặc biệt của dòng tình ca Giáng sinh miền Nam, vì những bài hát ngợi ca Thiên Chúa, ngợi ca mùa Giáng sinh lại đan xen trong đó những tình cảm của con người, mang tính phổ quát sự kiện của đời sống, của xã hội… khiến cho những bài hát này sống mãi trong ký ức mọi người, chứ không phải là chỉ dành riêng trong các nhà thờ, hay của riêng người Công giáo.

 

Chẳng hạn với bài hát quen thuộc của nhạc sĩ Tuấn Hải, bài Nửa Đêm Khấn Hứa, cũng là câu chuyện tình yêu mùa Giáng sinh, nhưng trong đó không thiếu được bối cảnh chung của một thế hệ, và trở thành lịch sử khi hát lên.

 

Mùa thương nhớ xưa

 

Lại về đêm sinh nhật Chúa

 

Lẳng lặng mình em

 

Quỳ bên hang đá cầu xin

 

Cầu cho tổ quốc sớm thoát cơn lửa binh

 

Khắp chốn vui bình yên

 

 

Nhạc sĩ Tuấn Hải kể ông đưa bản Nửa Đêm Khấn Hứa cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông xem qua, để xếp vào album Sơn Ca 3, cho chủ đề Giáng Sinh năm 1972. Vừa xem xong, ngâm nga một chút, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông lập tức nói ông còn bài nào đưa thêm vô (sau đó là bài Lời Con Xin Chúa). Nhờ bài hát này mà nhạc sĩ Tuấn Hải được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông tin cậy, giao toàn quyền việc tổ chức tuyển chọn bài hát và thực hiện ghi âm, do lúc đó ông Đông phải chạy quá nhiều việc, cũng như quản lý nhiều chương trình ghi âm.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/ns-Tuan-Hai.jpg

Nhạc sĩ Tuấn Hải (ảnh: TK)

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/ns-Dai-Phuong-Trang.jpg

Nhạc sĩ Đài Phương Trang, phải (ảnh: TK)

 

Nhiều năm sau 1975, trong những lớp nhạc sĩ trẻ từ miền Bắc vào, trò chuyện về những sự khác biệt của âm nhạc Bắc-Nam thế kỷ 20, một người xin giấu tên đã nói rằng “Miền Nam tràn ngập một không gian rộng mở để sáng tác bất kỳ điều gì mà sự ngẫu hứng xuất hiện. Nhưng đặc biệt, nhạc vàng Giáng sinh luôn tạo một âm hưởng vô cùng thú vị vào thời gian cuối năm”.

 

Nhà chép sử Công giáo Vũ Sinh Hiên, sống tại Sài Gòn, trong hành trình thực hiện ghi chép lịch sử về Công giáo miền Bắc sau năm 1954, có kể rằng những người sống qua giai đoạn ấy tại miền Bắc đã chứng kiến những lễ Giáng sinh vô cùng buồn bã.

 

Vừa xuất hiện ở miền Bắc từ năm 1949 đến 1952, lễ Giáng sinh được người Công giáo và cả lương giáo ở miền Bắc vui mừng đón nhận như một mùa vui, thì sau năm 1954, các nhà thờ đã phải khép cửa lặng lẽ làm lễ Giáng sinh và thậm chí các linh mục cũng bị đặt tên là “những con quạ đen”, bị xem như là thành phần thù địch được cài lại. Một dòng nhạc Giáng sinh bình thường và thậm chí sinh hoạt mở rộng ở xã hội làm thế nào để có thể tồn tại được trong một không khí như vậy?

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/Nguyen-Vu-02.jpg

Nhạc sĩ Nguyễn Vũ (ảnh: TK)

 

Không gian, thời gian và sự tự do sáng tác đã giúp cho các nhạc sĩ ở miền Nam tạo nên một dòng nhạc tình ca Giáng sinh bất hủ và không bao giờ có thể lặp lại lần thứ hai. Nhạc sĩ Đài Phương Trang, tác giả của bài hát lừng danh Hai Mùa Noel, cũng là một người ngoại đạo,  kể rằng ông đã vô cùng ngạc nhiên khi mình trở nên vô cùng nổi tiếng vào mùa Giáng sinh 1972, bên cạnh những bài tình ca Giáng sinh khác. “Là một thầy giáo sống với đồng lương khiêm tốn lúc đó tôi chưa bao giờ nghĩ mình được trở nên giàu có một cách bất thường nhờ một bài hát như vậy”, nhạc sĩ Đài Phương Trang kể.

 

Quả là giai đoạn lịch sử của nền văn nghệ tự do trước năm 1975 ở miền Nam đã là mảnh đất màu mỡ, ươm chồi nảy nở rất nhiều thể loại âm nhạc, và trong đó có dòng nhạc Giáng sinh. Mãi mãi điều đó khó có thể lặp lại được. Sau năm 1975, nhạc sĩ Đài Phương Trang trong sự khuyến khích của vài người bạn, đã cố thử là một cú hit thứ hai trong đời mình, với việc sáng tác bài Hai Mùa Noel 2. Nhưng điều này đã không thành, mặc dù bài hát ra đời sau đó vẫn là một bài hát thú vị, thu hút người nghe.

 

Cũng thật dễ giải thích: Một xã hội với lớp thính giả chân thành đó, một không gian âm nhạc tự do phát triển đó, và nơi con người sáng tạo tuyệt đối rộng mở tư duy để không ngần ngại bất kỳ điều gì khi đặt bút viết xuống, đã không còn. Nên không thể nào có thể xuất hiện trở lại một dòng nhạc Giáng sinh bất hủ mà hôm nay người ta chỉ còn nghe với kỷ niệm.

 

Đó là điều không ngoa, khi những ngày cuối năm lại đến, lắng nghe những âm thanh của dòng nhạc tình ca Giáng sinh bất hủ của miền Nam vang lên, người ta biết mãi mãi đó là lịch sử vàng son, là kỷ niệm không bao giờ phai mờ, và là một điều độc đáo mà chỉ riêng văn hoá tự do của miền Nam, trong một giai đoạn rực rỡ, mới có thể tạo dựng nên.

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats