Thursday 7 December 2023

THƯỢNG ĐỈNH LIÊN HIỆP CHÂU ÂU - TRUNG QUỐC VẪN LẠI LÀ ĐỐI THOẠI GIỮA NHỮNG NGƯỜI ĐIẾC? (Anh Vũ / RFI)

 



Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu - Trung Quốc vẫn lại là đối thoại giữa những người điếc ?

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 06/12/2023 - 15:28

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20231206-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-li%C3%AAn-hi%E1%BB...BB%9Di-%C4%91i%E1%BA%BFc

 

Ngày 07/12 Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu có cuộc gặp thượng đỉnh. Đây là dịp để hai bên thảo luận về một loạt các hồ sơ quan trọng từ khủng hoảng Ukraina cho đến những bất đồng ngày càng trầm trọng trong quan hệ thương mại. Giới quan sát đều có chung nhận định cuộc gặp dự báo nhiều khó khăn, sẽ có nhiều lời lẽ tuyên bố mạnh mẽ hơn là kết quả cụ thể.

 

https://s.rfi.fr/media/display/f6312888-943e-11ee-8e6d-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP22091507218451.webp

Ảnh tư liệu: Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo vào cuối hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc, Bruxelles, Bỉ, ngày 01/04/2022. AP - Olivier Matthys

 

Theo Reuters, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và lãnh đạo Ngoại giao Liên Âu Josep Borrell sẽ lần lượt có các cuộc hội đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào buổi sáng và thủ tướng Lý Cường vào buổi chiều ngày thứ Năm 07/12 này tại Bắc Kinh. Nhiều quan chức EU đã cho biết sẽ không có tuyên bố chung nào từ các cuộc đàm phán lần này và họ không hy vọng đạt kết quả cụ thể nào.

 

Theo Euractiv, trang tin chuyên về chính trị Liên Hiệp Châu Âu, đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh trực diện đầu tiên sau 4 năm và sẽ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quan hệ giữa Trung Quốc và Liên EU, vốn  đã xấu đi trong thời kỳ đại dịch.  Hồi tháng 04/2022, hai bên đã có cuộc họp thượng đỉnh, nhưng là dưới hình thức trực tuyến qua video. Cuộc gặp khi đó đã được lãnh đạo Ngoại giao Liên Âu ông  Josep Borrell đánh giá là cuộc « đối thoại giữa những người điếc ».  Lần này , khi các quan chức hàng đầu châu Âu trực tiếp đến Bắc Kinh, liệu có gì khác trước ?

 

Sau cuộc gặp thượng đỉnh hai bên vào năm 2019, Liên Hiệp Châu Âu đã đánh giá Trung Quốc là « đối tác và đối thủ cạnh tranh có hệ thống ». Từ đó đến nay, các bất đồng trong chính trị cũng như quan hệ kinh tế giữa hai bên ngày càng tích tụ thêm. Mới đây, Liên Âu đưa ra chính sách «  giảm thiểu rủi ro » nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào nhập khẩu Trung Quốc, đặc biệt đối với các loại nguyên liệu thô thiết yếu. Thực tế là những biện pháp đối phó với mối đe dọa bành trướng kinh tế của Trung Quốc ở Liên Âu. 

 

Hai bên hiện đang có tranh chấp kiện tụng tại Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WHO) xung quanh lệnh cấm vận Trung Quốc áp đặt đối với tất cả hàng xuất khẩu của Litva sau khi Vilnius quyết định mở văn phòng đại diện của Đài Bắc trên lãnh thổ của mình. Về phần mình, Bắc Kinh biện hộ cho hành động của mình rằng các nhà nhập khẩu của họ đơn giản là không muốn mua sản phẩm từ các quốc gia coi thường chủ quyền của Trung Quốc.

 

Căng thẳng thương mại giữa EU và Trung Quốc sẽ là hồ sơ chính của các cuộc thảo luận, khi mà Liên Âu đang dự định đưa ra một loạt các quyết định nhằm đối phó với việc chính phủ Trung Quốc trợ giá cho các loại xe hơi điện, turbin gió phát điện, hay các công nghệ y tế, chính sách này của Bắc Kinh được châu Âu coi là hành động cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc.

 

Mối quan tâm lớn nhất của Liên Âu hiện nay  là mối  quan hệ thương mại « không cân đối » với Trung Quốc. Bruxelles khẳng định do các hạn chế mà Bắc Kinh áp đặt đối với các doanh nghiệp châu Âu,  mà cán cân thương mại của EU bị thâm hụt gần 400 tỷ euro so với Trung Quốc.

Những bất bình của Trung Quốc  đối với Liên Âu cũng không khác những gì Bruxelles vẫn đưa ra để tố cáo Bắc Kinh như là làm suy thoái môi trường, lợi dụng an ninh quốc gia để che đậy chủ trương bảo hộ thương mại...  Đó là lý do để giới quan sát cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh EU- Trung Quốc lần này vẫn tiếp tục là cuộc đối thoại của những kẻ điếc.

 

Bà Alicja Bachulska, phụ trách quan hệ đối ngoại của Hội Đồng Châu âu nhận định trên trang Euractiv, chuyên về chính trị của Liên Âu : «  Còn phải xem Bắc Kinh sẽ nhìn nhận mối quan ngại của châu Âu nghiêm túc đến mức nào. Tuy nhiên, do kinh nghiệm khá hạn chế của Trung Quốc khả năng hòa giải nên kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh này sẽ rất khiêm tốn”.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

TRUNG QUỐC - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Liên Hiệp Châu Âu mở điều tra về việc Trung Quốc bảo hộ ngành ô tô điện

 

LIÊN HIỆP CHÂU ÂU - TRUNG QUỐC

Liên Hiệp Châu Âu công bố danh sách các công nghệ quan trọng cần tăng cường giám sát, bảo vệ

 

TRUNG QUỐC - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Chuẩn bị họp thượng đỉnh song phương, Liên Âu cảnh báo Trung Quốc về mất cân bằng thương mại

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats