Wednesday 6 December 2023

THẢM TRẠNG GIÁO DỤC VIỆT NAM (Tổng hợp)

 



NỘI DUNG :

 

Thảm trạng giáo dục

Lâm Bình Duy Nhiên

.

Trò chơi ném dép

Chu Mộng Long

.

Vụ cô giáo bị học sinh xúc phạm ở Tuyên Quang

Dương Quốc Chính

.

Bộ GD-ĐT: Việc học sinh nhốt cô giáo ở Tuyên Quang là “vi phạm đạo đức nghiêm trọng”

RFA

 

=================================================

.

.

Thảm trạng giáo dục

Lâm Bình Duy Nhiên

06/12/2023

https://baotiengdan.com/2023/12/06/tham-trang-giao-duc/

 

Học sinh xúm lại đánh cô giáo. Cô giáo cũng dùng giày dép rượt đuổi và đánh học trò… Dường như học trò tiểu học hay trung học cơ sở thôi!

 

Thật ngao ngán và xấu hổ! Liệu đó có phải là một trường hợp lẻ loi hay chỉ là bề nổi của tảng băng ngầm cho cái gọi là nền giáo dục Việt Nam ngày nay?

 

Giáo dục là nền tảng của một xã hội nhân bản và tiến bộ. Phát triển một nền giáo dục khoa học dựa trên tinh thần tôn sư trọng đạo là điều cần thiết và cấp bách để đào tạo những công dân có đạo đức và trách nhiệm với cộng đồng. Tiếc thay, Việt Nam chỉ biết chạy đua theo thành tích, giải thưởng Olympic này nọ, học sinh chuyên cấp quận, cấp thành, cấp quốc gia như những cỗ máy, con vẹt nhưng lại quên đi cái nền móng của nền giáo dục!

Học sinh thì bị ép học, học nữa, học mãi theo gương của lãnh tụ mà suy cho cùng cũng chẳng hấp thụ được bao nhiêu kiến thức quan trọng.

 

Thành tích bắt buộc nên học trò lại cứ phải học thêm. Sáng đi học, chiều tối lại cặm cụi đi học thêm, học luyện thi, để có điểm tốt, để trúng tủ đề thi, để được thầy cô giáo nâng đỡ…

Thầy cô thì quên đi trọng trách cao cả của nghề dạy học. Cũng phải bươn chải kiếm sống bằng cách dạy thêm. Suy cho cùng đồng tiền đã chi phối toàn xã hội. Ai cũng nghĩ đến tiền. Học trò, phụ huynh, thầy cô giáo và cả hệ thống giáo dục: phải có tiền để vào trường tốt. Phải có tiền để con học thêm. Phải có tiền từ dạy thêm để nuôi sống gia đình!

 

Bất chợt người viết nhớ lại cái thời học trò trong nước. Cũng chỉ vì muốn trở thành bác sĩ (MK, cũng phải là bác sĩ), mà cha mẹ chạy đôn, chạy đáo kiếm tiền cho con đi học luyện thi!

Mà phải học từ lớp 10 lận! Sáng đi học ở trường. Trưa đạp xe về nhà ăn cơm, xong lại đạp xe, “chạy xô” đi học luyện thi, hết Toán, Hoá rồi Sinh, đến gần 21 giờ mới về nhà.

 

Ngày nào cũng thế. Trong suốt 2 năm…

 

Cha mẹ đóng tiền học luyện thi. Nhớ học môn Sinh vật. Cô giáo là giảng viên đại học Y. Cha đưa một chiếc nhẫn, cả chỉ vàng (?) cho cô giáo, vì không có tiền mặt. Hình ảnh ấy là một cơn ác mộng đeo đuổi người viết đến tận bây giờ!

 

Nhiều ông thầy, bà cô coi như làm giàu nhờ dạy luyện thi. Thậm chí in tờ rơi quảng cáo có học sinh đậu thủ khoa trường A hay B. Mà họ giàu thật. Cứ mùa luyện thi là hốt bạc…

 

Tất cả những kỷ niệm ấy tưởng chừng chỉ tồn tại trong thời bao cấp, đói khổ hay mới mở cửa. Ai ngờ đã vào thế kỷ 21 rồi nhưng nền giáo dục tại quê nhà vẫn không đổi thay.

 

Thậm chí đạo đức bị suy đồi trầm trọng. Từ trò đến thầy cô, không còn sự tôn trọng lẫn nhau. Cái gì cũng phải hơn thua nhau và bạo lực là giải pháp duy nhất để giải quyết mọi mâu thuẫn: giữa học trò, giữa thầy trò, giữa ban giám hiệu với thầy cô giáo…

 

Bạo lực xuất hiện khắp nơi, kể cả trong sách giáo khoa, để gieo rắc sự hận thù trong tâm trí của học sinh các cấp.

 

Bạo lực chính là giải pháp tối ưu trong toàn xã hội!

 

Biết bao giờ người cộng sản mới thức tỉnh để hiểu rằng phải có một nền giáo dục nhân bản và khoa học thì đất nước mới phát triển.

 

Có giáo dục vững mạnh thì kinh tế, khoa học kỹ thuật cũng phát triển vì có nhân tố con người tiến bộ để tác động vào guồng máy xã hội.

 

Dường như người cộng sản chỉ tập trung vào sự cai trị chính trị. Họ vứt bỏ giáo dục vì họ ngại yếu tố con người tiến bộ, có trách nhiệm và được đào tạo bài bản. Những nhân tố ấy là mối đe doạ cho sự tồn tại của chế độ. Chẳng thà đào tạo một tầng lớp chỉ biết đua đòi, tham lam, vô trách nhiệm trong một nền giáo dục lạc hậu và bạo lực còn hơn những tiếng nói phản biện và can đảm.

 

Thầy trò đánh nhau. Công dân vác dao, mã tấu đâm nhau vì những bất đồng trong xã hội. Cứ mâu thuẫn là lấy bạo lực để giải quyết. Đó là thảm trạng của một nền giáo dục độc tài, lấy bạo quyền và đồng tiền làm kim chỉ nam.

 

Một sự tụt hậu được báo trước từ gần nửa thế kỷ qua nhưng không hề được quan tâm bởi bộ máy cầm quyền!

 

Chẳng phải Nelson Mandela đã từng nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để chúng ta có thể thay đổi thế giới”.

 

Chính cái vũ khí ấy khiến mọi chế độ độc tài phải sợ hãi và không muốn phát triển nền giáo dục.

 

Đáng buồn, Việt Nam cũng không là một ngoại lệ!

 

 

====================================================

.

Trò chơi ném dép

Chu Mộng Long

06/12/2023

https://baotiengdan.com/2023/12/06/tro-choi-nem-dep/

 

Báo Tuổi Trẻ tường thuật có đầu có đuôi vụ cô giáo và học sinh chơi “trò chơi ném dép” ở Tuyên Quang. Đầu đuôi là cô giáo có “khúc mắc” với học sinh, học sinh “phản ứng” và sau đó diễn ra “trò chơi ném dép”.

 

Tuy nhiên, báo không cho biết rõ là “khúc mắc” như thế nào. Chỉ nói cô giáo “nhắc nhở” một số học sinh ở ngoài chưa vào lớp và “không đồng ý” khi học sinh xin ra ngoài. Chỉ có thế mà kết quả là xung đột diễn ra. Khi cô giáo đã sang dạy lớp khác mà học sinh vẫn kéo nhau sang tấn công cô giáo: Nhốt cô giáo lại, chửi bới, ném rác, ném dép vào đầu cô giáo.

 

Nếu viết một vở kịch dựa trên tường thuật của báo như vậy thì ắt bạn đọc sẽ bảo: Đó là kịch phi lý hoặc là hư cấu một cách khiên cưỡng. Bởi vì nếu cô giáo chỉ nhắc nhở, không cho học sinh ra vào tùy tiện trong giờ học mà dẫn đến học sinh tấn công cô giáo là chuyện không thể xảy ra. Nếu chỉ vì thế mà bị tấn công thì nhà giáo nào chẳng một lần bị ăn đòn?

 

Nhiều nhà báo, nhà văn, nhà giáo tay nhanh hơn não, chửi học sinh “mất dạy”! Ừ thì xem clip, thấy rõ đám học sinh này mất dạy thật. Nhưng chửi như vậy thì các loại nhà có động não khi truy ngược, rằng ai dạy nó? Chúng ta có trách nhiệm dạy trẻ em và chửi trẻ em “mất dạy” chẳng phải là tự chửi mình sao?

 

Nhiều người chửi cha mẹ những em bé ấy không biết dạy con. Có một bạn viết rất hay rằng, nếu cha mẹ những đứa trẻ này là quan chức thì chửi cũng thỏa đáng. Nhưng đa phần cha mẹ những đứa trẻ này là con dân đen. Tôi tin điều đó là đúng. Nhìn chiếc dép tổ ong của chúng đủ biết chúng thuộc thành phần nào. Dân đen thì gánh trên vai miếng cơm manh áo, gánh học phí và các loại phí như con nợ, gánh giá sách giáo khoa, các loại học liệu và đóng các loại quỹ đến oằn lưng, đầu tắt mặt tối, thời gian đâu mà dạy con?

 

Vậy thì sự “mất dạy” của chúng phải là do thầy cô giáo, do cán bộ Đoàn, Đội, do các quan phụ mẫu chứ không lẽ trời sinh ra thế? Tấm gương các thầy cô, các cán bộ Đoàn, Đội, các quan phụ mẫu thế nào mà trẻ em hư hỏng gần như đồng loạt vậy?

 

Tấm gương thế nào thì trẻ em thời đại Internet biết cả. Thầy cô, đứng đầu là giáo sư, tiến sĩ đại học cho đến thầy cô giáo phổ thông thì như đứa buôn gian bán lận, từ buôn sách, viết thuê bài báo đến luận án, buôn bán bằng cấp và ăn phong bì, quà cáp. Cán bộ Đoàn, Đội thì tổ chức những hoạt động cổ vũ ăn chơi bừa bãi, phản văn hóa. Quan phụ mẫu thì nhận cả vali tiền, ăn không chừa thứ gì. Chưa nói nhà chùa thì nổi lên hoạt động đồng bóng, không thờ Phật mà chỉ biết cúng vong. Cả một hệ thống ma quỷ, cô hồn như vậy bủa vây trẻ em, chúng soi vào đâu để làm người?

 

Đây không phải là một vài học sinh cá biệt mà loạn cả lớp học. Câu “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” của cụ Khổng, hay câu “Phần nhiều do giáo dục mà nên” của cụ Hồ, chẳng lẽ sai?

20.11 vừa rồi, các bản văn từ trên xuống dưới đều ngợi ca truyền thống “Tôn sư trọng đạo” kia mà? Trong trường hợp này sao không nói câu cửa miệng rằng “Mình phải như thế nào mới được đối xử như vậy chứ?”

 

Tôi gạt nước mắt để tỉnh táo xem cả ba phần của clip, gồm ba scene.

 

Scene 1: Cô giáo dọn giáo cụ, học sinh bỏ giấy đỏ giấy vàng như đồ hàng mã vào cặp cô giáo. Cô giáo vứt bỏ ra ngoài và đi ra khỏi lớp, rồi một học sinh ngã lăn quay. Học sinh đóng cửa không cho cô ra ngoài và khiêu khích, mạ lỵ cô, hô hoán lên cô giáo đánh học sinh. Cô giáo im lặng, chịu đựng và lấy điện thoại quay lại cảnh học sinh mạ lỵ mình.

 

Scene 2: Tiếp tục màn học sinh khiêu khích, mạ lỵ cô giáo và một học sinh ném dép vào đầu cô giáo. Cô giáo hỏi đứa nào ném dép vào đầu cô. Thế là đấu khẩu diễn ra. Cô nói một, học sinh nói mười, vì học sinh rất đông.

 

Scene 3: Học sinh ném dép vào cô, và cô chạy quanh phòng ném dép lại học sinh. Và cô cũng ngã lăn quay như học trò!

 

VIDEO :

Xuất hiện clip mới gây bất ngờ vụ việc cô giáo ngất xỉu vì bị học sinh ném dép vào người | PLO

https://www.youtube.com/watch?v=GFmWJbqkLDk&t=1s

 

Nóng: Xuất hiện clip cô giáo cầm giày đuổi cả lớp chạy tán loạn ở Tuyên Quang | THVN

https://www.youtube.com/watch?v=bXJUJks2va8

 

Trên bề mặt hình ảnh ba scene của clip độc nhất vô nhị này, chỉ có thể bào chữa cho trơn mép. Rằng đó không phải cái chợ cá mà là cô và trò đang hoạt động trải nghiệm bằng trò chơi ném dép. Trong trò chơi này, cô và trò đóng vai bình đẳng: Trò ném dép thì cô cũng ném dép, cô quay clip thì trò cũng quay clip, trò lăn quay thì cô cũng lăn quay. Rất vui vẻ để thực hành khẩu hiệu: “Trường học thân thiện”, “Học sinh tích cực”.

 

Trong 5 phẩm chất, 10 năng lực “cốt lõi” mà ông Thuyết và cộng sự chủ trương không có phẩm chất nào “kính thầy, yêu bạn”. Bắt trẻ em phải đạt những phẩm chất và năng lực như ông thánh, khi chúng không thể thành thánh thì ắt chúng thành ma quỷ. Coi như chơi trò ma quỷ nhân hội Halloween để doạ nhau, hay coi như đó là một tiết học trải nghiệm chơi trò đánh giặc giả để thể hiện phẩm chất yêu nước cũng được. Giáo dục như vậy là thành công rực rõ, chưa bao giờ được như bây giờ!

 

===============================================

.

Vụ cô giáo bị học sinh xúc phạm ở Tuyên Quang

Dương Quốc Chính

06/12/2023

https://baotiengdan.com/2023/12/06/vu-co-giao-bi-hoc-sinh-xuc-pham-o-tuyen-quang/

 

Vụ cô giáo bị học sinh quây, ném dép, xúc phạm ở Tuyên Quang, mình xem 3 video đã thấy ngờ ngợ về cô giáo. Chắc phải thế nào mới bị bọn học sinh đồng lòng xúc phạm, kể cả mấy đứa con gái. Còn bọn học sinh bố láo mất dạy thì quá dễ thấy rồi. Nên thoạt nhìn là ai cũng muốn chửi bọn chúng đã.

 

Trong hai video quay bằng điện thoại, cô giáo tỏ ra nhẫn nhục, bất lực, học sinh thì càn quấy, còn tỏ ra chòng ghẹo, trêu chọc cô như chọc người có tật. Nên mình đã cảm thấy trước đó cô đã thế nào đó, nên mới bất lực vậy. Lẽ thường phải báo ban giám hiệu và bảo vệ xử lý, có quyền bỏ dạy, bỏ lớp.

 

Đến khi xem video thứ 3, chắc là camera của trường, cô cũng đuổi theo học sinh để ném giày/dép, đánh học sinh, thì cảm giác của mình thấy đúng hơn 1 tý. Nhìn động tác thấy cô cũng không vừa. Nhưng mình vẫn chưa dám có ý kiến vì vẫn sợ linh cảm sai!

 

Vừa rồi đọc báo mới biết thêm chi tiết, đúng là từ tháng 9 cô giáo H đã có hành vi sai chuẩn mực giáo viên, xúc phạm học sinh và đã bị trường kỷ luật vào đầu tháng 11. Có lẽ vì có vấn đề với cả học sinh và Ban Giám hiệu nên cô H mới trở nên cam chịu và bất lực như ở video.

 

Vụ việc vẫn chưa có kết luận cuối cùng, nhưng giờ này mình cho rằng cả cô và trò đều có vấn đề, đặc biệt là trò thì mất dạy quá. Kể cả cô có thế nào thì hành xử với cô giáo như vậy cũng là quá láo.

 

Báo Dân Trí còn tiết lộ thêm chi tiết là cô H có vấn đề tình cảm riêng tư, bị học sinh biết, nên coi thường, xúc phạm. Có thể cô có gì đó vi phạm đạo đức nữa.

 

Làm giáo viên bây giờ rất áp lực, học sinh bây giờ không còn thuần tính, rất dễ bạo lực ngôn từ hay hành động. Thông tin đời tư và quan hệ xã hội cũng rất dễ lan truyền nên nếu giáo viên có gì đó lệch chuẩn mà học sinh biết được thì cũng rất phiền phức.

 

Mình nhớ hồi học sinh, 199x gì đó, cả nước đói khổ, mẹ mình là giáo viên cấp 3 nhưng cũng phải xoay xở làm thêm để kiếm sống, hồi đó chưa có dạy thêm kiếm tiền như giờ. Nhiều đồng nghiệp chọn buôn bán ở chợ (kiểu bán rau), nhưng mẹ mình không dám làm, vì xấu hổ khi gặp phụ huynh và học sinh. Đấy là không làm gì sai đâu nhé, chỉ là công việc hơi lam lũ, sợ mất hình ảnh cô giáo. Cuối cùng là chọn bóc lạc thuê, cả nhà cùng làm ở nhà.

 

Còn bây giờ, nếu giáo viên làm gì để mất hình ảnh về tư cách, đạo đức, lệch chuẩn mực chung của xã hội thì học sinh phản ứng ngay nếu chúng biết. Ngày xưa có thể học sinh chỉ xầm xì sau lưng thôi.

 

====================================================

 

Bộ GD-ĐT: Việc học sinh nhốt cô giáo ở Tuyên Quang là “vi phạm đạo đức nghiêm trọng”

RFA
2023.12.06

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/students-locking-up-teacher-in-tuyen-quang-is-serious-ethical-violation-12062023073853.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/students-locking-up-teacher-in-tuyen-quang-is-serious-ethical-violation-12062023073853.html/@@images/33c360e7-c16f-49bc-8de0-c2190f480a96.jpeg

Nhóm học sinh dồn cô giáo vào góc tường, liên tục xúc phạm.  (Lao động. cắt từ clip)

 

Bộ Giáo dục Đào tạo đề nghị tỉnh Tuyên Quang xác minh, làm rõ vụ một số học sinh có hành động vi phạm đạo đức với một nữ giáo viên, gây bức xúc dư luận mấy ngày qua.

 

Truyền thông Nhà nước loan tin trên trong ngày 6/12 dựa theo nội dung Công văn của Bộ GD-ĐT gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang trong ngày 5/12.

 

Theo nội dung văn bản, Bộ GD-ĐT khẳng định việc học sinh ở một trường học ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang nhốt, ném đồ vào người cô giáo là hành động bạo lực, vi phạm đạo đức nghiêm trọng.

 

Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc trên, do đó Bộ GD-ĐT yêu cầu tỉnh Tuyên Quang có hình thức xử lý nghiêm khắc theo đúng mức độ vi phạm đối với các cá nhân và tập thể có liên quan: Giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục, lãnh đạo cơ sở giáo dục, đơn vị quản lý giáo dục huyện và các cá nhân, đơn vị liên quan khác.

 

Ngoài ra, UBND tỉnh phải chỉ đạo Sở GDĐT rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ việc, đồng thời tập trung công tác quản lý và đánh giá giáo viên; xây dựng văn hóa học đường; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh; phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

 

Bộ GD&ĐT yêu cầu UBND tỉnh Tuyên Quang thông báo kết quả về Bộ trước ngày 29/12/2023. 

 

Trước đó, vào ngày 4/12, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài hơn bốn phút, ghi cảnh một giáo viên bị nhóm học sinh tấn công. Nhóm học sinh này dồn cô giáo vào tường, ném bằng dép, giấy rác vào người cô và liên tục buông những lời thô tục. Trước hành vi bạo lực của nhóm học sinh, nữ giáo viên này không dám chống cự mà chỉ dùng điện thoại để ghi lại.

 

Trả lời báo chí tối 4/12 về clip trên, ông Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, Tuyên Quang xác nhận thông tin đoạn clip ghi lại hình ảnh sự việc xảy ra tại Trường THCS Văn Phú.

 

Đại diện sở GDĐT tỉnh Tuyên Quang cũng cho biết, Sở đã nắm được thông tin, xác nhận sự việc xảy ra cách đây khoảng hai tháng và đoạn video được đăng tải lại vào ngày 4/12.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats