Tuesday, 19 December 2023

TANG LỄ NHÀ VĂN, NHÀ THƠ, NHẠC SĨ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN ĐẦY TÌNH THƯƠNG và TIẾC NUỐI (Thiện Lê / Người Việt)

 



Tang lễ nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đầy tình thương và tiếc nuối

Thiện Lê/Người Việt

December 17, 2023

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/cong-dong/tang-le-nha-van-nha-tho-nhac-si-nguyen-dinh-toan-day-tinh-thuong-va-tiec-nuoi/

 

WESTMINSTER, California (NV) – Đông đảo đồng hương có mặt tại nghĩa trang Westminster Memorial Park hôm Chủ Nhật, 17 Tháng Mười Hai, để dự tang lễ của nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn với đầy tình thương và tiếc nuối.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/12/DP-tang-le-Nguyen-Dinh-Toan-1-1536x1024.jpg

Chân dung nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn trên bàn thờ. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

 

Từ lúc 10 giờ sáng, nhiều người có mặt tại nhà tang lễ trong nghĩa trang để viếng và tiễn đưa ông Nguyễn Đình Toàn, một người có nhiều cống hiến cho văn học nghệ thuật Việt Nam.

 

Ông qua đời tại bệnh viện Fountain Valley vào tối ngày 28 Tháng Mười Một, hưởng thọ 87 tuổi.

 

Vì có nhiều cống hiến cho văn học nghệ thuật quê nhà và còn là một bằng hữu được nhiều người trong cộng đồng yêu quý, đông người có mặt tại là nhà tang lễ, trong đó có nhiều văn nghệ sĩ và những người từng gắn bó với ông trong nhiều năm, cùng nhiều người ngưỡng mộ.

 

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái, đại diện gia đình, đón chào cộng đồng đến dự buổi tiễn biệt “một nhà thơ, một nhà văn và bằng hữu” Nguyễn Đình Toàn, sau đó mời một số người từng có quan hệ thân thiết với ông lên phát biểu.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/12/DP-tang-le-Nguyen-Dinh-Toan-2-1536x1024.jpg

Một số người thắp nhang cho nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

 

Nữ tài tử Kiều Chinh cho biết bà đến tiễn một người bà rất kính mến, và nói bà không biết phải gọi ông là nhạc sĩ, văn sĩ hay nhà thơ vì ông là người đa tài, nhưng luôn gọi ông là “anh Toàn.”

 

Bà chia sẻ bà không muốn đào sâu vào văn thơ và nhạc của ông vì có nhiều người tiếp theo sẽ trình bày, nên chỉ nói về tình bạn giữa bà và ông.

 

Bà nói rất thích truyện “Ngày Tháng” của ông, nên từng xin phép ông để chuyển thể thành phim có bà và đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc đứng sau dự án. Nghe vậy, ông Nguyễn Đình Toàn nói bà không cần phải phép tắc như vậy, chỉ cần báo thôi là ông mừng lắm rồi.

 

Bà cho biết ông còn rất vui khi nghe bà và ông Hoàng Vĩnh Lộc đứng sau dự án phim này, nhưng không thực hiện được vì Sài Gòn thất thủ. Vẫn theo bà, khi định cư ở Mỹ, ông nói với bà “ở Mỹ làm đi chưa muộn,” nhưng bà nói bà không còn làm chủ hãng phim nữa và không còn đạo diễn nữa.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/12/DP-tang-le-Nguyen-Dinh-Toan-3-scaled.jpg

Đông đảo đồng hương đến dự tang lễ. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

 

Giáo Sư Trần Huy Bích cho biết ông và ông Nguyễn Đình Toàn có nhiều điểm giống nhau và nhiều điểm bổ túc cho nhau. Ông nói hai người cùng tuổi, nhưng ông Toàn là nhà thơ, nhà văn, và nhạc sĩ, có lời văn và lời nhạc đẹp. Vì vậy, ông bổ túc cho ông Toàn bằng tình yêu ông dành cho thơ văn và âm nhạc.

 

Giáo sư còn nói ông và ông Nguyễn Đình Toàn gặp nhau từ lâu và lúc nào cũng quý mến nhau, nên rất xúc động khi nghe tin ông ra đi, nhưng hy vọng ông tìm được niềm vui vì được gặp lại người vợ qua đời trước ông hai năm là bà Thu Hồng.

 

Nhạc sĩ Nam Lộc cho biết ông đến tiễn đưa một người ông, một người cha và một người bạn đáng quý. Ông nói ông coi ông Toàn như một người thầy trong văn chương, trong âm nhạc, còn học được ông chân lý sống và các đạo lý trong đời.

 

Nhạc sĩ Nam Lộc còn khen ông Toàn là một người sống sạch trong tù, sống đẹp trong đời, và luôn chung thủy với vợ con.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/12/DP-tang-le-Nguyen-Dinh-Toan-4-1536x1153.jpg

Một số hình ảnh của ông Nguyễn Đình Toàn tại nhà tang lễ. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

 

Ông kể ông từng về Thủ Đức sau khi được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ giao cho một số công việc về HO, sau đó đi thăm ông Nguyễn Đình Toàn và không quên được cảnh hai anh em “mừng mừng tủi tủi” sau khi gặp lại nhau, rồi nói ông sẽ sống mãi trong lòng mình.

 

Nhà văn Phan Nhật Nam cho biết ông Toàn là một người có nội lực, và hai người tuy ở độ tuổi 80 và 90 nhưng vẫn cầm bút để tiếp tục cuộc chiến bằng ngòi bút.

 

Nhà thơ Đỗ Quý Toàn nói ông Nguyễn Đình Toàn là một người đa tài, là một trong những người tiên phong đưa văn học lên đài phát thanh và được nhiều người quý mến.

 

Ông cho hay ông Toàn là một người “dễ thương” và xin chào tạm biệt người quá cố.

 

Anh Nguyễn Đình Thức, trưởng nam của cố nhà văn và nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, thay mặt gia đình cảm ơn cộng đồng và nhiều người ở khắp nơi đã tri ân, rồi xin ghi lại những cảm xúc họ dành cho cha mình.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/12/DP-tang-le-Nguyen-Dinh-Toan-5-1536x1024.jpg

Anh Nguyễn Đình Thức, trưởng nam của cố nhà văn Nguyễn Đình Toàn. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

 

Anh còn đọc một đoạn trong bài thơ “Mai Tôi Đi” để tiễn biệt thân phụ lần cuối:

 

“Mai tôi đi như máu chảy ngoài tim

 

Xin khấn nguyện cả mười phương tám hướng

 

Cho quê hương u mê ngày thức tỉnh

 

Để dù xa có chết cũng vui mừng.”

 

Tang lễ của nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đầy tình thương và có nhiều sự rung động của những người có mặt vì ai cũng tiếc thương khi thấy một người có nhiều cống hiến cho văn học nghệ thuật Việt Nam ra đi.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/12/DP-tang-le-Nguyen-Dinh-Toan-6-1536x1024.jpg

Nhiều người đợi thắp nhang và viếng nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

 

Theo Wikipedia, ông Nguyễn Đình Toàn sinh ngày 6 Tháng Chín, 1936 tại huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Ông còn có bút hiệu Tô Hải Vân khi viết văn và Hồng Ngọc khi viết nhạc. Năm 1954, ông di cư vào Nam.

 

Ông là tác giả bài hát nổi tiếng “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” và từng một thời phụ trách chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975.

 

Ông đóng góp nhiều sáng tác văn học nghệ thuật dưới nhiều dạng như tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, và bút ký. Tác phẩm “Áo Mơ Phai” của ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Cộng Hòa năm 1973.

 

Ông cũng viết nhiều truyện dài đăng thành nhiều kỳ trên các báo miền Nam Việt Nam như tạp chí Văn, Văn Học và các nhật báo như Tự Do, Chính Luận, Xây Dựng, và Tiền Tuyến.

 

Sau năm 1975, ông bị bắt và giam học tập cải tạo 10 năm mới được thả. Năm 1998 ông cùng gia đình xuất cảnh sang Mỹ, định cư ở Nam California, và tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. [đ.d.]

 

 

Liên lạc tác giả: le.thien@nguoi-viet.com





No comments:

Post a Comment

View My Stats