Sunday, 24 December 2023

'SANG NĂM TỚI HOÀNG SA' (Hiếu Chân/Người Việt)

 



‘Sang năm tới Hoàng Sa’

Hiếu Chân/Người Việt

December 22, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/sang-nam-toi-hoang-sa/

 

Chưa đầy một tháng nữa là tròn 50 năm ngày quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm bằng vũ lực. Ước vọng của người Việt Nam lấy lại phần đất linh thiêng này của tổ quốc xem ra càng xa vời trong niềm tiếc nhớ.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/12/BL-Sang-Nam-Toi-Hoang-Sa-1536x956.jpg

Người dân Hà Nội tham gia một cuộc biểu tình tại Hồ Gươm chống Trung Quốc với biểu ngữ “Sang năm tới Hoàng Sa” hồi năm 2016. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

 

Ngày 19 Tháng Giêng, 1974, lợi dụng thời cơ Mỹ rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam và Quốc Hội Hoa Kỳ có nghị quyết cấm quân đội Mỹ tham chiến tại Đông Dương sau Hiệp Định Paris 1973, quân Trung Quốc đã nổ súng tấn công Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), gây ra trận hải chiến đẫm máu ở quần đảo Hoàng Sa. Ngày 20 Tháng Giêng, 1974, Trung Quốc chiếm được toàn bộ quần đảo. Trước đó, Trung Quốc chỉ làm chủ được một nhóm đảo phía Đông mà họ chiếm được trong lúc tranh tối tranh sáng khi người Pháp rút đi và trước khi VNCH tái lập chủ quyền quần đảo năm 1956. Trong trận Hoàng Sa 1974, Hải Quân VNCH có 74 thủy thủ tử trận, 16 người bị thương, và 48 người bị bắt làm tù binh. Phía Trung Quốc có 18 thủy thủ thiệt mạng, 67 người bị thương.

 

Trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra vào thời điểm quân đội VNCH đang lao đao do đồng minh Hoa Kỳ rút đi và viện trợ quân sự bị giảm mà phải căng sức chống đỡ các chiến dịch tấn công liên tục của Cộng Sản Bắc Việt trên toàn miền Nam. Thiếu vũ khí, xăng dầu, kế hoạch phản công tái chiếm Hoàng Sa của hải quân và không quân VNCH năm 1974 đã không thực hiện được. VNCH chỉ có thể phản đối hành động xâm lăng của Trung Quốc tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

 

Trong khi đó, Hà Nội giữ hoàn toàn im lặng trước hành động xâm lăng của Trung Quốc. Chẳng những không lên án hay phản đối mà còn biện bạch với dân chúng rằng Hoàng Sa chẳng qua là được các “đồng chí Trung Quốc” giành từ “ngụy quyền Sài Gòn” và giữ giùm! Trong một bài viết sau khi đã trở thành nhà bất đồng chính kiến lưu vong, nhà báo Bùi Tín, cựu đại tá quân đội Bắc Việt, nguyên phó tổng biên tập báo Quân Đội Nhân Dân, nói ông cảm thấy xấu hổ khi nhớ lại 40 năm trước ông từng phụ họa với lời giải thích của ông Lê Đức Thọ và Ban Tuyên Giáo Trung Ương rằng: “Hãy yên tâm, Hoàng Sa trong tay các đồng chí Trung Quốc còn hơn là trong tay ngụy quyền tay sai của đế quốc Mỹ.”

 

Năm mươi năm đã trôi qua và theo một số dư luận, chiếu theo luật quốc tế, nếu sau 50 năm mà Việt Nam không lấy lại được Hoàng Sa thì đòi hỏi của Việt Nam về chủ quyền quần đảo sẽ trở nên vô hiệu. Nghĩa là Việt Nam sẽ mất vĩnh viễn Hoàng Sa về tay Trung Quốc. Tuy nhiên, giới am hiểu luật pháp không đồng ý như vậy. “Điều đó không thể hiện ở bất cứ văn bản nào về mặt công pháp quốc tế. Mà thực tế là khi có tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải hay những hòn đảo của hai cơ chế quyền lực, nước nào giữ càng lâu thì chắc chắn nước kia càng khó lấy lại. Nhất là vấn đề tương quan lực lượng giữa hai nước,” Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên, người từng có nhiều năm làm phó trưởng khoa Luật Đại Học Lincoln Law School ở Sacramento, California, giải thích với đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 19 Tháng Giêng, 2021.

 

Về công pháp quốc tế, hành động xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc vi phạm Khoản 4 Điều 2 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, theo đó, trong quan hệ quốc tế, các nước thành viên không được đe dọa sử dụng vũ lực hoặc dùng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của một nước khác. Nghị quyết số 2625 ngày 14 Tháng Giêng, 1970, của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia cũng quy định lãnh thổ quốc gia không thể bị chiếm đóng quân sự bằng việc sử dụng vũ lực trái với những điều khoản của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Một quốc gia không thể dùng vũ lực chiếm đoạt lãnh thổ của một quốc gia khác và lãnh thổ bị chiếm đoạt bằng vũ lực sẽ không được công nhận là hợp pháp.

 

Như vậy, việc Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua trận hải chiến ngày 19 Tháng Giêng, 1974 – dù xảy ra lúc Trung Quốc đang là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ – cũng không được công nhận tính hợp pháp. Điều đó có nghĩa là, cho đến nay, tình trạng pháp lý của Hoàng Sa là vẫn là đang tranh chấp, cơ hội để Việt Nam giành lại Hoàng Sa vẫn còn để ngỏ chứ không hoàn toàn đóng lại dù nửa thế kỷ đã trôi qua.

 

                                                              ***

 

Năm mươi năm qua, dù qua bao biến động dữ dội của thời cuộc, người Việt Nam cả trong và ngoài nước vẫn thao thức không nguôi mỗi khi nghĩ tới Hoàng Sa hoặc có dịp bay qua bầu trời quần đảo hoặc đọc tin về những ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi bị cướp bóc, đánh đập khi hành nghề gần các đảo Tri Tôn, Phú Lâm, một thời thuộc cương vực của tổ quốc. “Sang năm tới Hoàng Sa” đã trở thành câu nhắn gửi cho nhau của người Việt, nuôi dưỡng trong lòng niềm hy vọng một ngày giành lại phần đất nước thiêng liêng đang nằm trong tay quân xâm lược, giống như dân Do Thái sau vài ngàn năm ly tán khắp bốn phương vẫn hẹn nhau “sang năm về Jerusalem” vậy.

 

Năm mươi năm qua, Trung Quốc biến Hoàng Sa từ một vùng hoang đảo không có người ở ngoài một vài đơn vị làm công tác khí tượng và nghiên cứu khoa học thành một căn cứ quân sự khổng lồ, một khu dân cư đông đúc có gần đủ các dịch vụ thiết yếu. Có căn cứ Hoàng Sa làm hậu thuẫn, Trung Quốc liên tục lấn sâu vào vùng lãnh hải Việt Nam, thực hiện các hoạt động đánh bắt hải sản và thăm dò dầu khí trong vùng biển miền Trung trước sự bất lực của nhà cầm quyền Việt Nam. Chính quyền Việt Nam thậm chí còn chấp nhận bồi thường không nhỏ để các tập đoàn khai thác dầu khí quốc tế phải bỏ các dự án của họ.

 

Trong khi đó, chính phủ Việt Nam dường như không có hàng động nào cho thấy Hà Nội có ý định lấy lại Hoàng Sa. Thỉnh thoảng, mỗi khi Trung Quốc lấn tới trên Biển Đông, bức hại ngư dân Việt Nam thì Hà Nội lại cho người phát ngôn lên TV đọc câu văn viết sẵn: “Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.” Tuyên bố sáo rỗng đó cứ nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc vô hồn mà không có hành động đi kèm, từ năm này sang năm khác, trở nên rất nhàm chán. Giới chức cao cấp nhất của đảng Cộng Sản Việt Nam và nhà nước, từ tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng… chưa một ai bày tỏ ý kiến rõ ràng và mạnh mẽ về những hành động gây hấn của Trung Quốc.

 

Tệ hại hơn, công an còn bắt bớ, xử tù những người dân yêu nước xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc thành lập huyện Tam Sa bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa. Chỉ cần mặc chiếc áo có dòng chữ “Hoàng Sa của Việt Nam” cũng đủ để người mặc gặp rắc rối với nhà nước toàn trị. Người dân chỉ còn âm thầm nhắc nhau “Sang năm tới Hoàng Sa” như một lời động viên tinh thần, giữ một niềm hy vọng dù không ai biết được làm thế nào, bằng cách nào để biến niềm hy vọng đó thành sự thực.

 

Nhiều người tin vào luận điểm của tuyên giáo cộng sản, rằng đảng CSVN và nhà cầm quyền Việt Nam không thể cứng rắn với Trung Quốc vì giữa hai nước có sự gần gũi về địa lý, sự tương đồng về ý thức hệ và thể chế chính trị. Hơn thế nữa, kinh tế Việt Nam bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, cung cấp nhiều nhất thiết bị, nguyên vật liệu và sản phẩm tiêu dùng cho Việt Nam. Nếu hai bên căng thẳng thì Việt Nam lâm vào khủng hoảng lớn. Rồi mới giữa Tháng Mười Hai năm nay Việt Nam và Trung Quốc còn ký kết “cộng đồng cùng chia sẻ tương lai” nhân chuyến thăm Hà Nội của ông Tập Cận Bình, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Trung Quốc. Quan hệ giữa hai đảng Cộng Sản, hai nhà nước toàn trị càng nồng thắm thì triển vọng lấy lại Hoàng Sa càng xa vời, càng bế tắc.

 

Thực ra không người Việt Nam nào muốn thấy xung đột hoặc chiến tranh giữa hai nước vì chênh lệch về lực lượng quá bất lợi. “Bán anh em xa mua láng giềng gần,” ai cũng muốn hai nước duy trì hòa bình, ổn định để cùng phát triển. Nhưng hòa bình không có nghĩa là lệ thuộc, không thể là từ bỏ đất đai biển đảo mà tiền nhân đã khai phá và giao lại.

 

Duy trì hòa bình với Trung Quốc không mâu thuẫn với việc đấu tranh với chính quyền Bắc Kinh để bảo vệ lợi ích chính đáng của đất nước. Không gây chiến với Trung Quốc nhưng cũng như các nước khác, Việt Nam hoàn toàn có thể đấu tranh về ngoại giao, về pháp lý để buộc Trung Quốc phải giải quyết vấn đề Hoàng Sa theo luật quốc tế, phải trả lại cho Việt Nam, hoặc chí ít là chấm dứt hành vi lấn chiếm lãnh hải Việt Nam. Năm 2013, khi Philippines nộp đơn lên Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) tại The Hague kiện Trung Quốc về yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, nhiều người đã hy vọng Hà Nội sẽ đồng hành cùng Manila, ngăn chặn âm mưu của Bắc Kinh độc chiếm một vùng biển huyết mạch của thế giới. Niềm hy vọng đó đã tan biến. Ngay đến một thủ tục ngoại giao thông thường như triệu đại sứ Trung Quốc đến để trao công hàm phản đối hành vi gây hấn của Bắc Kinh ở Hoàng Sa, Việt Nam cũng không dám làm vì sợ phật lòng các “ông chủ” ở Trung Nam Hải. Con đường “tới Hoàng Sa” bị tắc không chỉ do Trung Quốc mà còn do giới cầm quyền ở Hà Nội.

 

Xét cho cùng, chỉ có thể “sang năm tới Hoàng Sa” nếu đảng CSVN đang cai trị biết thực hiện dân chủ để đánh thức tiềm lực đất nước, tập trung sức mạnh của 100 triệu đồng bào và tận dụng thời cơ Trung Quốc suy thoái, lâm vào cuộc đối đầu địa chính trị với Mỹ mà thúc đẩy cuộc đấu tranh ngoại giao, pháp lý. Việt Nam cũng cần phải dựa vào quan hệ đang thuận lợi với các nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh như Nhật, Ấn Độ, Malaysia, Philippines để cùng đấu tranh, phản kháng và đòi quyền lợi hợp pháp. Đằng này, với một đảng cầm quyền nhu nhược như vậy, lệ thuộc vào kẻ thù như vậy, thì Hoàng Sa vẫn mãi là một niềm nhớ tiếc khôn nguôi. [đ.d.]

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats