Saturday, 23 December 2023

NHẬT BẢN GIÁN TIẾP CUNG CẤP VŨ KHÍ CHO UKRAINE THÔNG QUA HOA KỲ (Trọng Nghĩa / RFI)

 



Nhật Bản gián tiếp cung cấp vũ khí cho Ukraina thông qua Mỹ

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 22/12/2023 - 15:38

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20231222-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-gi%C3%A1n-ti%E1%BA%BFp-cung-c%E1%BA%A5p-v%C5%A9-kh%C3%AD-cho-ukraina-th%C3%B4ng-qua-m%E1%BB%B9

 

Trong bối cảnh chiến tranh Ukraina bị các chủ đề thời sự khác che khuất, nhật báo kinh tế Pháp Les Echos số ra hôm nay, 22/12/2023, có một bài viết đáng chú ý về một thay đổi quan trọng trong chính sách xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản, mà một trong những quốc gia hưởng lợi sẽ là Ukraina.

 

https://s.rfi.fr/media/display/c8977e46-1539-11ea-8b66-005056bf7c53/w:980/p:16x9/2018-08-28t035606z_2057983819_rc1696174900_rtrmadp_3_japan-defence-northkorea.webp

(ẢNH MINH HỌA) - Tên lửa Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) của lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại căn cứ không quân Yokota của Mỹ, Fussa, ngoại ô Tokyo, ngày 29/08/2017. REUTERS/Issei Kato/File Photo

 

Trong bài viết mang tựa đề: “Lần đầu tiên Nhật Bản giúp Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraina”, Yann Rousseau, thông tín viên của tờ báo Pháp tại Tokyo, nhắc lại rằng luật lệ tại Nhật Bản vốn cấm bán vũ khí sát thương ra nước ngoài, thế nhưng Tokyo sẽ bắt đầu cung cấp tên lửa Patriot cho Mỹ, tạo điều kiện cho Washington lấy tên lửa do chính mình làm ra để cung cấp cho quân đội Ukraina trong cuộc chiến chống lại Nga.

 

Les Echos trước hết ghi nhận sự kiện: Sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng trong nội bộ phe đa số đang cầm quyền, chính phủ Nhật Bản vào hôm 22/12 đã quyết định nới lỏng các quy định về xuất khẩu thiết bị quốc phòng trong một cuộc cải cách mang tính chất biểu tượng, gián tiếp cho phép Hoa Kỳ gia tăng số lượng tên lửa viện trợ cho Ukraina.

 

Một cách cụ thể, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nhật Bản sẽ cho phép gởi vũ khí sát thương hoàn chỉnh được chế tạo tại Nhật Bản, trong khuôn khổ các kế hoạch phát triển hoặc sản xuất chung với các nước khác, qua chính quốc gia đối tác nắm giữ bằng sáng chế về vũ khí đó. Cho đến nay, chỉ có những linh kiện được sản xuất “theo giấy phép” mới có thể được chuyển đến một số quốc gia đối tác, nhưng không có loại vũ khí sát thương hoàn chỉnh nào được bán ra ngoại quốc.

Publicité

 

Mitsubishi được xuất khẩu hệ thống Patriot hoàn chỉnh qua Mỹ

 

Nhờ sự điều chỉnh này, tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản sẽ được phép bán qua Hoa Kỳ loại tên lửa đất đối không Patriot PAC-2 và PAC-3, mà tập đoàn này sản xuất tại Nhật Bản sau khi được phép của chủ nhân bằng sáng chế là hai tập đoàn Mỹ Lockheed Martin và RTX, trước đây là Raytheon Technologies.

 

Trong giai đoạn đầu, những tên lửa sản xuất tại Nhật Bản sẽ không được chuyển trực tiếp tới Kiev hoặc các quốc gia khác, mà sẽ bổ sung vào kho vũ khí của Mỹ. Thế nhưng, việc kho vũ khí được bổ sung sẽ cho phép Hoa Kỳ tăng cường việc cung cấp tên lửa Patriot do chính Mỹ sản xuất cho các đối tác của họ hiện đang tham gia xung đột, đặc biệt là Ukraina.

 

Trong giai đoạn thứ hai, tùy từng trường hợp cụ thể, Tokyo có thể cân nhắc việc cho phép Washington cung cấp tên lửa do Nhật Bản sản xuất cho một quốc gia thứ ba.

 

Cho đến nay, Nhật Bản là một trong những quốc gia châu Á hậu thuẫn mạnh mẽ cho Ukraina, nhưng do những ràng buộc về mặt pháp lý, Tokyo hiện chỉ cung cấp trực tiếp cho Ukraina một số thiết bị bảo hộ (mũ bảo hiểm, áo chống đạn, v.v.), hoặc thiết bị vận tải.

 

Theo Les Echos, do căng thẳng gia tăng trong khu vực liên quan đến Đài Loan, Trung Quốc và thậm chí đến cả Bắc Triều Tiên, các đối tác lớn của Tokyo đã tăng áp lực yêu cầu Nhật Bản nới lỏng các quy định về xuất khẩu thiết bị quân sự.

 

Pháp: Chính quyền lại mong Luật nhập cư được Hội Đồng Bảo Hiển sửa đổi

 

Sự kiện Quốc Hội Pháp thông qua luật mới về nhập cư rất khắt khe cách nay 3 hôm vẫn tiếp tục được báo chí Pháp chú ý, đặc biệt trên tờ Le Monde, đã chạy trên trang nhất hàng tựa lớn: “Luật nhập cư: Macron sẵn sàng chịu trách nhiệm, phe của ông chao đảo”.

 

Theo tờ báo, bị cánh tả và một bộ phận trong phe của chính ông cáo buộc là đã hy sinh các giá trị của nền Cộng hòa để giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu về luật nhập cư, nguyên thủ quốc gia Pháp tối 20/12 đã nhận trách nhiệm về mình trên một văn bản được ông mô tả là một tấm “lá chắn (mà nước Pháp) còn thiếu”. Theo tổng thống Macron, luật vừa được thông qua sẽ “giúp chúng ta đấu tranh chống lại những gì đã nuôi dưỡng đảng Tập Hợp Dân Tộc (cực hữu)”.

 

Điều được Le Monde nêu bật là cả tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Elisabeth Borne đều tuyên bố "không thoải mái" với một số điều khoản trong luật vừa được thông qua, và đặt hy vọng Hội Đồng Bảo Hiến sẽ sửa đổi những điểm đó.

 

Cũng liên quan đến luật nhập cư mới của Pháp, trong một bài phân tích bên trong, nhật báo Công Giáo La Croix đã tỏ ý lo ngại về tác động xấu của luật này trên vấn đề nhân đạo.

 

Trong bài phân tích mang tựa đề “Luật nhập cư làm đảo lộn chế độ cấp chỗ tạm trú khẩn cấp”, tờ báo nêu bật sự kiện là luật nhập cư mới đã có điều khoản quy định rằng những người nước ngoài bị từ chối quyền tị nạn hoặc những người được lệnh rời khỏi lãnh thổ sẽ không còn quyền được cấp chỗ ở khẩn cấp. Đối với La Croix, thay đổi này sẽ có những hậu quả rất nghiêm trọng về mặt nhân đạo.

 

Nhật báo thiên tả Libération cũng tiếp tục phê phán nhiều điểm trong luật mới và nêu bật sự kiện hàng chục tỉnh do cánh tả lãnh đạo tại Pháp đã tuyên bố sẽ không áp dụng luật vừa được thông qua.

 

Trong bài “Luật nhập cư: Phong trào chống đối của các tỉnh cánh tả khiến cánh hữu bực tức”, tờ báo ghi nhận việc các hội đồng địa phương theo cánh tả tiếp tục vận động chống lại việc áp dụng luật đang gây tranh cãi. Theo quan sát của Libération, trong đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa LR, có những người đã chỉ trích “những tiểu vương nhỏ bé ở địa phương”.

 

Tờ báo không quên nhấn mạnh đến việc các công đoàn kêu gọi nguyên thủ quốc gia “không ban hành” bộ luật này.

 

Hồi Giáo Pháp trong cơn thử thách

 

Ngoài Le Monde, các tờ báo lớn phát hành tại Pháp vào hôm nay 22/12/2023 đều dành trang nhất cho những đề tài rất khác nhau, từ tác động của cuộc chiến Israel-Hamas đối với đạo Hồi tại Pháp trên tờ Le Figaro, vụ tổng thống Pháp Macron bênh vực tài tử Gérard Depardieu trên Libération, cho đến phán quyết của Tòa Án Châu Âu chống lại Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu trên Les Echos, hay cuộc điều tra về các chủng sinh tại Pháp trên tờ La Croix.

 

Dưới hàng tựa lớn: “Hồi Giáo Pháp bị cuộc xung đột Israel-Palestine thử thách”, Le Figaro nhận định: Cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, kể từ ngày 7 tháng 10, đã làm lộ rõ những khó khăn mà đạo Hồi và các đại diện của tôn giáo này ở Pháp đang gặp phải trong việc truyền tải một thông điệp thống nhất và rõ ràng. Các liên đoàn khác nhau tạo nên Hồi Giáo tại Pháp - Maroc, Algérie, Tunisie, Châu Phi cận Sahara, Thổ Nhĩ Kỳ và xu hướng thân cận với tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo - đang bị chia rẽ sâu sắc. Nếu những phong trào này đều nhất trí bảo vệ chính nghĩa Palestine, thì họ không có lập trường thống nhất đối với Hamas. Sự khác biệt cũng được minh họa trong việc lên án ít nhiều rõ ràng các hành vi bài Do Thái.

 

Về phần mình, Nhà Thờ Hồi Giáo Paris (La Grande mosquée de Paris) đang phải hứng chịu làn sóng chỉ trích nặng nề, trong khi mà trước đây, thực thể này từng là tủ kính của đạo Hồi ở Pháp và là tác nhân đối thoại với nhà Nước Pháp. Các chỉ trích đặc biệt dữ dội từ ngày 07/10 vừa qua khi Nhà Thờ này chìa tay cho lãnh đạo các nhóm quá khích Salafist và tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, dù cũng đồng thời lớn tiếng khẳng định sự gắn bó của mình với các giá trị cộng hòa.

 

Trong tình hình khủng hoảng đó, Le Figaro lại thấy rằng Hồi Giáo cực đoan đang thu hút các thế hệ thanh niên Hồi Giáo, đang bị cuộc xung đột Israel-Hamas kích động.

 

Công Giáo Pháp: Thế hệ linh mục mới sẽ ra sao?

 

Cũng trong địa hạt tôn giáo, nhưng liên quan đến đạo Công Giáo, nhật báo La Croix đặt một câu hỏi lớn trên trang nhất: “Các linh mục của ngày mai là ai?”.

 

Ngay bên dưới hàng tựa, tờ báo giải thích: Một công trình nghiên cứu mới, được La Croix độc quyền công bố, cho phép xác định tính cách của các chủng sinh – tức là những người đang theo học tại các chủng viện tại Pháp – những  linh mục trong tương lai.

 

Theo tờ báo, hơn 430 chủng sinh đến từ các giáo phận ở Pháp đã trả lời các câu hỏi và đã cho thấy ba đặc điểm nổi bật: Lòng trung thành với Giáo Hội, có lý tưởng mạnh mẽ và có một tầm nhìn cổ điển về linh mục.

 

Sấm động trên làng bóng đá châu Âu!

 

Riêng về phán quyết của ngành tư pháp châu Âu trong lãnh vực thể thao, Les Echos đã chạy ngay trên trang nhất hàng tựa lớn ngắn gọn “Bóng đá: Tiếng sấm nổ”.

 

Tờ báo Pháp nêu bật phán quyết ngày hôm qua, 21/12/2023 của Tòa Án Công Lý Châu Âu, xác định rằng hai cơ chế quản lý bóng đá - UEFA cấp châu Âu và FIFA ở cấp thế giới - đều đã lạm dụng vị trí thống trị của mình khi yêu cầu các giải đấu cấp câu lạc bộ đều phải thông qua họ, và quyết định cấm cầu thủ tham dự những giải đấu như Super League Châu Âu đã vi phạm luật của Liên Hiệp Châu Âu.

 

Đối với Les Echos, phán quyết hôm qua là một quả búa tạ giáng xuống đầu Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu, một quyết định bất ngờ và có lợi cho những người chủ trương thành lập giải đấu Superleague Châu Âu để cạnh tranh với Champions League, vốn đã có thể đẩy mạnh việc hình thành giải đấu của họ. Theo Les Echos, tác động kinh tế của phán quyết hứa hẹn sẽ rất lớn.

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats