Tuesday 5 December 2023

KISSINGER ĐỂ LẠI DI SẢN GÌ CHO QUAN HỆ VIỆT - MỸ? (Hoàng Trường | Blog VOA)

 



Kissinger để lại di sản gì cho quan hệ Việt – Mỹ?

Hoàng Trường  |  Blog VOA

04/12/2023

https://www.voatiengviet.com/a/kissinger-de-lai-di-san-gi-cho-quan-he-viet-my-/7383367.html

 

Kissinger khiến cho Hà Nội cay đắng mỗi khi nhớ lại đã bị Bắc Kinh bán đứng như thế nào. Điều Lê Duẩn tâm đắc, đánh Mỹ là “đánh cho cả Liên Xô lẫn Trung Quốc”, liệu có thể trở thành bài học nằm lòng trong bối cảnh địa-chính trị mới?

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-5317-08dbf2be63a2_cx0_cy3_cw0_w650_r1_s.jpg

Tập Cận Bình và Kissinger hồi 2015 tại Seattle, Washington.

 

Kissinger qua đời ngày 29/11/2023 nhưng tên tuổi của vị Cố vấn an ninh quốc gia kiêm Ngoại trưởng Hoa Kỳ có lẽ sẽ không bao giờ tách khỏi lịch sử bang giao Mỹ – Việt, cũng như bang giao quốc tế nói chung. Theo các nguồn tin nội bộ, Ban Tuyên giáo ĐCSVN chỉ thị cho báo giới không được khen mà cũng không được chê, chỉ giữ một thái độ bàng quan. TTXVN đưa lại đánh giá của Reuters, cho rằng Tiến sỹ Kissinger là “một nhà ngoại giao nhiều ảnh hưởng, từng phục vụ dưới thời của hai tổng thống Mỹ” và “để lại nhiều dấu ấn lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ” (1). Một bản tin ngắn của VTV cũng nhắc đến việc ông Kissinger từng tham gia vào quá trình đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973.

 

Điều mà TTXVN trích dẫn, “Kissinger để lại nhiều dấu ấn lớn…”, đối với CSVN không chỉ bao gồm các trận tập kích Hà Nội, Hải Phòng bằng B52 của bộ đôi Nixon – Kissinger quyết đưa Việt Nam trở về thời đồ đá, cũng như các cuộc ném bom rải thảm Cambodia để tìm diệt cơ quan đầu não Việt cộng. “Tội to nhất” của Kissinger chủ yếu là đã hành động táo tợn và bất ngờ để bóc mẽ cái gọi là “chủ nghĩa quốc tế vô sản”, sợi dây mỏng manh kết nối ba thực thể: Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô trong các cuộc tương tranh, nhưng đặc biệt là trong giai đoạn kết thúc cuộc chiến. Lịch sử ghi lại hai sự kiện ngoại giao chấn động một thời, gắn với tên tuổi Kissinger, đó là chuyến thăm Bắc Kinh (tháng 2/1972) và Mátxcơva (tháng 5/1972) của Tổng thống Richard Nixon. Nixon đến Trung Quốc, dù bấy giờ giữa hai nước chưa có quan hệ ngoại giao, nhằm ép Hà Nội ký một hiệp ước hòa bình có lợi cho Mỹ. Nixon hy vọng, sự “quay xe của hai đàn anh hàng đầu” của Hà Nội sẽ khiến cho Bắc Việt Nam nhượng bộ trong các cuộc hoà đàm Paris (2).

 

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những ngày này Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hơn một lần vẫn tái khẳng định sự coi trọng cao độ và ưu tiên hàng đầu của Đảng và nước Việt Nam đối với quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Người đứng đầu ĐCSVN cam kết như thế khi tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 2/12/2023. Về nội trị, TBT yêu cầu Công đoàn Việt Nam phải “trung thành với Đảng và giai cấp”. Mặc dù chính ông cũng thừa biết rằng, hiện nay hàng vạn công nhân đang thất nghiệp, hàng vạn người lao động đang sống lay lắt ở quê, nhưng ông Trọng “vẫn yêu cầu mỗi đoàn viên Công đoàn phải nhận thức sâu sắc hơn về Đảng, về chế độ, về giai cấp… trên nền tảng chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh” (3).

 

Xem ra, não trạng của người đứng đầu ĐCSVN vẫn như cách đây hàng thế kỷ. Với tư duy “án binh bất động” ấy, ông Trọng và Bộ Chính trị ĐCSVN không thể nuốt nổi “quả đắng” khi mà ĐCSTQ, với tư cách là “chủ chăn” về ý thức hệ của ĐCSVN, vẫn một mực tiếc thương Kissinger như là “người bạn cũ quý giá nhất”. Các bình luận trên mạng xã hội Trung Quốc còn miêu tả ông Kissinger như một người bạn lâu năm và đáng tin cậy từ thời mà Mỹ và Trung Quốc háo hức chào đón nhau (4). Mãi đến gần cuối đời, Kissinger vẫn lặn lội qua Trung Quốc khi bang giao Trung – Mỹ chạm đáy. Riêng điều này đủ cho ta thấy sự tận tụy của ông đối với nước Mỹ và quan hệ Mỹ – Trung. Nếu sự ra đi của ông là kết thúc một kỷ nguyên, thì cái trật tự mới trong những kỷ nguyên tới đây là gì?

 

“Chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng trong lịch sử thế giới, nơi mà những quyết định được đưa ra trong 3, 4 hoặc 5 năm tới sẽ định hướng cho cả thế giới trong vòng 25 đến 50 năm nữa”. Đó là tuyên bố của Tổng thống Joe Biden tại Hà Nội ngày 10/9/2023. Nhưng làm thế nào để Việt Nam có thể góp phần vào các nỗ lực chung nhằm “định hướng cho cả thế giới trong vòng 25 đến 50 năm nữa”, khi mà ký xong CSP với Mỹ, lãnh đạo ĐCSVN lại đẩy mạnh chủ trương bắt bớ và đàn áp mọi tiếng nói phản biện ôn hòa trong khuôn khổ hiến định? Con số bắt bớ trong năm nay dường như đạt kỷ lục cao hơn các năm trước, kể cả chủ trương bắt rồi sẽ điều tra sau, như trường hợp “scandal” về Phó ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng (5). Và không chỉ đối với ông Nhưỡng, theo Bộ Công an Việt Nam, việc đưa tin Hà Nội bắt giam các nhà hoạt động môi trường, trong đó có bà Ngô Thị Tố Nhiên và nhiều nhà hoạt động khác “là luận điệu xuyên tạc, vu cáo và can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam” (6).

 

Giới quan sát còn đế ý thấy Việt Nam vừa “đi xin tiền” nhưng lại cũng vừa “lên giọng dạy đời” (7). Trên thực tế, Việt Nam đã đặt một chân vào cam kết cùng chiến đấu chống lại biến đổi khí hậu khi ký thỏa thuận “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” gọi tắt là JETP trị giá hơn 15,5 tỷ USD. Nhưng những năm gần đây, Hà Nội lại liên tiếp bỏ tù các nhà hoạt động môi trường tiêu biểu, trong đó ngoài bà Nhiên, còn có các bà Hoàng Minh Hồng, Ngụy Thị Khanh, các ông Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương. Đến nay mới chỉ có bà Khanh được trả tự do sau khi thụ án 16 tháng tù. Theo giới quan sát trong nước, các nhà hoạt động môi trường này là những “cánh chim đầu đàn” đã và đang dũng cảm tố cáo các nhóm lợi ích thân Bắc Kinh, đang tìm mọi cách duy trì năng lượng than đá. Những chiến sỹ dũng cảm đấu tranh cho JETP, lẽ ra có thể đóng vai trò chủ đạo trong giám sát độc lập quá trình chuyển đổi. Dư luận đang đặt dấu hỏi, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden và việc hai nước nâng cấp quan hệ CSP liệu có giúp ích gì cho cuộc chống biến đổi khí hậu và cải thiện môi trường dân chủ ở Việt Nam? (8)

 

Tựu trung lại, ý thức hệ vốn đã được “đào sâu chôn chặt” qua các cuộc tỷ thí giữa Liên Xô với Trung Quốc, giữa Việt Nam với Cambodia, giữa Trung Quốc với Việt Nam. Chỉ có chủ nghĩa dân tộc – câu chuyện ngàn xưa ấy – bao giờ cũng là nguồn năng lượng mới và có sức sống mãnh liệt. Việt Nam khó có thể hy vọng, thông qua quan hệ giữa hai ĐCS để hạ nhiệt những tham vọng về lãnh thổ và lãnh hải của Bắc Kinh. Di sản “phi ý thức hệ trong bang giao quốc tế” của TS. Kissinger dường như chưa ngấm được bao nhiêu vào các mối liên hệ tay ba, tay tư giữa Việt Nam với các cường quốc trong kỷ nguyên “Indo-Pacific tự do và rộng mở” (FOIP). Các đánh giá không mấy lạc quan của những người vừa tham dự diễn đàn ngày 2/12/2023 để triển khai quan hệ CSP Việt – Mỹ (xin ẩn danh, vì lý do an toàn) cho thấy, con đường để thúc đẩy CSP trước mắt vẫn còn khá nhiều trở lực. Phải chăng vì thế mà các nội dung chi tiết của Hội thảo đã không được công bố ngay cả trên truyền thông trong nước. Báo chí nước ngoài lại càng “không có cửa” (9).

 

-----------------

Tham khảo:

 

(1) https://www.vietnamplus.vn/cuu-ngoai-truong-my-henry-kissinger-qua-doi-huong-tho-100-tuoi-post910854.vnp

 

(2) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/there-is-another-lose-05142020231559.html

 

(3) https://vovworld.vn/vi-VN/viet-nam-con-duong-da-chon/1000.vov

 

(4) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cg3ppq34q9lo

 

(5) https://cafef.vn/thong-tin-moi-ve-vu-an-lien-quan-ong-luu-binh-nhuong-188231201135113025.chn

 

(6) https://baotainguyenmoitruong.vn/viec-dua-tin-viet-nam-bat-giam-cac-nha-hoat-dong-moi-truong-la-luan-dieu-xuyen-tac-vu-cao-363855.html

 

(7) https://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-du-va-phat-bieu-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-nhom-g77-post911397.vnp

 

(8) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-66751582

 

(9) https://dantri.com.vn/the-gioi/thuc-day-hop-tac-phat-trien-quan-he-viet-my-huong-toi-thinh-vuong-chung-20231202134428159.htm

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats