Monday, 4 December 2023

KHÔNG NGẠI THÍ QUÂN, PUTIN NUÔI HY VỌNG THẮNG TRÊN CHIẾN TRƯỜNG UKRAINA (Thụy My / RFI)

 



Không ngại thí quân, Putin nuôi hy vọng thắng trên chiến trường Ukraina

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 03/12/2023 - 00:27

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20231202-kh%C3%B4ng-ng%E1%BA%A1i-th%C3%AD-qu%C3%A2n-putin-nu%C3%B4.....BB%9Dng-ukraina

 

The Economist nhận định, nếu Putin có thể chiếm ưu thế, đó là nhờ sự lì lợm chứ không phải giành được đất – mỗi ngày Nga mất đến 900 mạng lính ở thành phố Avdiivka. Ông ta huy động toàn bộ nguồn lực cho bộ máy chiến tranh, trong khi Ukraina thiếu thốn đạn pháo, còn phương Tây do thiếu tầm nhìn chiến lược đã không hỗ trợ đúng mức, tuy mạnh hơn Nga rất nhiều.

 

https://s.rfi.fr/media/display/2e54eb64-3cdd-11ee-a55e-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP23197352313342.webp

Những mảnh đạn rốc-kết và đạn chùm quân Nga dùng để oanh tạc Kharkiv được Ukraina thu thập lại, ngày 03/12/2022. AP - Libkos

 

Thời gian đứng về phía Putin ?

Về cuộc chiến ở Ukraina, The Economist tìm hiểu bộ máy chiến tranh của Nga và đặt vấn đề « Có phải Putin đang thắng ? ». Lần đầu tiên kể từ khi khởi đầu cuộc xâm lăng, Vladimir Putin tỏ ra tràn trề hy vọng. Ông ta đặt nước Nga vào tình trạng chiến tranh đồng thời củng cố quyền lực, mua thêm vũ khí, xúi giục « các nước phương Nam » chống lại Mỹ. Nhất là Putin làm suy yếu niềm tin nơi phương Tây, rằng Ukraina có thể - và phải - ra khỏi cuộc chiến với tư cách một nền dân chủ châu Âu thịnh vượng.

 

Nếu muốn, phương Tây có thể huy động nguồn lực kỹ nghệ và tài chánh vốn lấn át Nga. Tuy nhiên sự tự mãn và thiếu tầm nhìn chiến lược, nhất là ở châu Âu, đã cản trở. Lý do khiến Putin có thể thắng là nhờ sự bền bỉ chứ không phải chiếm đất - Nga mỗi ngày mất đến 900 mạng lính trong trận đánh Avdiivka thuộc Donbass. Chiến trường định hình chính trường, nếu Ukraina thụt lùi, bất đồng chính kiến ở Kiev sẽ ngày càng nhiều hơn, và phương Tây sẽ cho rằng viện trợ cho Ukraina là lãng phí.

 

Năm 2024, Nga có thế mạnh trong chiến đấu vì có nhiều drone và đạn pháo mua từ Iran, Bắc Triều Tiên ; quân Nga dùng chiến tranh điện tử vô hiệu hóa một số vũ khí của Ukraina, và vì Putin chấp nhận thí quân. Ông ta có thể trả tử tuất hậu hĩnh cho thân nhân những người lính chết trận. Nhà kinh tế Vladislav Inozemtsev ước tính gia đình một lính Nga bị tử trận sau năm tháng phục vụ sẽ nhận được khoảng 15 triệu rúp, số tiền mà một người Nga trung bình phải làm việc trong 30 năm mới có được. Vả lại, tuổi thọ bình quân của đàn ông Nga chỉ là 65 ! Chế độ Putin muốn cho người nghèo làm một con tính.

 

Giới ăn trên ngồi trước làm giàu nhờ chiến tranh

Ngân sách quốc phòng được tăng gấp đôi, chiếm đến 6 % GDP, kỹ nghệ được đầu tư mạnh. Các công ty nhà nước đóng vai trò ngày càng quan trọng và đa dạng. Tập đoàn Gazprom độc quyền về khí đốt chẳng hạn, sở hữu nhiều cơ quan truyền thông ; tập đoàn dầu lửa Rosneft đóng tàu…Các quan chức giám sát những đế chế này đều là người thân cận của Putin, bất chấp xung đột lợi ích.

 

Denis Manturov, phó thủ tướng quản lý việc mua hàng cho quân đội lại nằm trong hội đồng quản trị Rostec, một tập đoàn quốc phòng. Giám đốc Rostec là Sergei Chemezov, cựu KGB từng làm việc với Putin ở Đông Đức. Hai gia đình Manturov và Chemezov cùng sở hữu nhiều bến cảng, khách sạn, biệt thự sang trọng, vườn nho…Dimitri Patrushev, bộ trưởng nông nghiệp là con trai của Nicolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia. Ekaterina Tikhonova, con gái của Vladimir Putin làm chủ tịch một tập đoàn vận động hành lang nhập hàng thay thế…

 

Kiev chịu đựng « cơn đói đạn pháo »

Trong khi quân Nga tha hồ oanh tạc, Kiev phải chịu đựng « cơn đói đạn pháo », trong một cuộc chiến chủ yếu là đấu pháo, theo nhận xét của chuyên gia Michael Kofman. Ông tính toán rằng Ukraina bắn ra 220-240.000 quả đạn pháo cỡ lớn mỗi ngày trong mùa hè, nhưng nay chỉ còn khoảng 80.000.

 

Trong 600 ngày chiến tranh, Mỹ là vị cứu tinh lớn nhất của Ukraina nhưng nay đang trở thành một trong những quan ngại, khi Quốc Hội ngăn trở viện trợ. Một nguồn tin Ukraina cho biết : « Vào mùa xuân, quân viện là một dòng sông rộng. Đến mùa hè, trở thành một con suối, và nay chỉ còn là vài giọt nước mắt ».

 

Trước tình hình này, không có gì đáng ngạc nhiên khi tâm trạng ở Kiev trở nên u ám hơn, tổng thống Volodymyr Zelensky và tướng Valery Zaloujny bất đồng quan điểm. Các chính phủ phương Tây khẳng định vẫn luôn ủng hộ Ukraina, nhưng khả năng Donald Trump đắc cử năm tới sẽ là thảm họa.

 

 

Châu Âu cần cam kết vì một Ukraina giàu mạnh, dân chủ

Theo The Economist, châu Âu nên chuẩn bị cho giả thiết trên, dù sao viện trợ Mỹ cũng sẽ ít dần dù tổng thống là ai đi nữa. Liên Hiệp Châu Âu hứa sẽ tài trợ cho Ukraina 50 tỉ euro, nhưng đang bị Hungary ngáng chân và Đức bị mắc mứu về ngân sách.

 

Về phía Nga đang thiếu quân trầm trọng, cảnh sát không chỉ truy lùng những người trốn quân dịch mà cả những lao động nhập cư từ Trung Á, thường xuyên có những cuộc đột kích vào ký túc xá. Đến năm 2025, áp lực chiến tranh có thể bắt đầu đè nặng lên Putin, người Nga ngày càng bất mãn vì lệnh động viên, nạn lạm phát, tham ô trong quân đội… Nhưng không thể ngồi chờ chế độ sụp đổ vì Vladimir Putin có thể tại vị nhiều năm nữa, và sẽ còn gây chiến vì như vậy mới có cớ đàn áp và buộc người dân phải hy sinh.

 

Châu Âu cần coi Putin là mối đe dọa lâu dài cho an ninh. Nga sẽ tái vũ trang, và đã có kinh nghiệm chiến đấu. Kế hoạch phòng thủ châu Âu cần được thiết kế để ngăn Putin cảm thấy một điểm yếu, nhất là khi ông ta cho rằng tổng thống Donald Trump sẽ không tham chiến khi một nước NATO bị tấn công. Cách tốt nhất để răn đe Vladimir Putin là chứng tỏ ngay từ lúc này sẵn sàng cam kết vì một Ukraina giàu mạnh, dân chủ, hướng về phương Tây, thành viên tương lai của EU.

 

Chi viện vũ khí rất quan trọng, nhất là phòng không và hỏa tiễn tầm xa để đánh vào hậu cần Nga, chính vì vậy mà Mỹ đã thông qua ngay trong gói viện trợ đầu tiên. Châu Âu nên tăng tốc sản xuất, và nhắm vào các mục tiêu cụ thể để trừng phạt nhằm chia rẽ chế độ với giới tinh hoa. Chừng như một số nhà lãnh đạo châu Âu vẫn chưa ý thức được tầm vóc nhiệm vụ, điều này thật là điên rồ. Họ nên nhớ đến Léon Trotsky : có thể ta không quan tâm đến chiến tranh, nhưng chiến tranh lại chú ý đến ta.

 

 

Nhiều thanh niên Nepal thất nghiệp thành bia đỡ đạn cho Nga

Không chỉ có dân nghèo tại Nga trở thành vật hy sinh cho tham vọng của Putin, mà cả từ một số nước khác. Courrier International trích dịch một bài viết của New York Times, cho biết đã có khoảng mấy trăm thanh niên Nepal bỏ xác trên chiến trường Ukraina, cách xa quê hương mình nhiều ngàn cây số.

 

Cách đây vài tháng, Sandip Thapaliya, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm đang bị thất nghiệp, từ Matxcơva gọi điện cho em gái là Shanta ở Katmandou, vui vẻ thông báo sẽ gia nhập quân đội Nga và sẽ được đưa sang Ukraina. Cô em hoảng sợ hỏi anh điên hay sao, hàng ngàn người đã chết ở đó, nhưng Sandip trấn an là anh chỉ làm công việc hộ lý. Vài tuần sau, anh gởi cho Shanta bản sao hợp đồng với tiền lương 75.000 rúp một tháng (765 euro), hình chụp trong bộ đồ rằn ri. Chưa đầy một tuần, Sandip nhắn vội qua hộp thư thoại là được đưa vào rừng sâu, và sau đó chẳng còn tin tức gì.

 

Sang Nga năm ngoái với ý định làm việc vài năm rồi tìm cách qua Tây Âu nhưng Sandip chỉ có được một số công việc bấp bênh, cực nhọc. Giấy phép làm việc sắp hết hạn thì đến tháng 5/2022 tổng thống Vladimir Putin loan báo người nước ngoài phục vụ một năm trong quân đội sẽ được nhập tịch Nga. Anh không ngần ngại ký hợp đồng với bộ Quốc Phòng để tham gia « các hoạt động nhằm duy trì hoặc tái lập hòa bình quốc tế », và tháng 6/2023 bị gởi sang Bakhmut, nơi quân Nga chết như rạ.

 

Shanta kêu cứu khắp nơi, từ bộ Ngoại Giao, Nội Vụ đến những người Nepal lao động tại Nga nhưng vô vọng. Mãi đến cuối tháng Tám, mới nhận được tin nhắn của một sĩ quan Nga : « Anh cô đã được chôn cất hôm 14/07 vào lúc 12 giờ 50 tại nghĩa địa Novo-Talisty ở Ivanova, Nga. Xin chia buồn ».

 

Nepal, một trong những nước nghèo nhất châu Á, hàng năm có nửa triệu thanh niên bước vào thị trường lao động nhưng chỉ 80.000 đến 100.000 người tìm được việc làm. Cuộc chiến tranh ở Ukraina đẩy Nepal vào tình trạng khó xử. Katmandou cố tỏ ra trung lập, không tham gia trừng phạt Matxcơva nhưng cũng phản đối việc Nga bành trướng. Chính quyền khuyến cáo người trẻ nên tránh xa chiến tranh, nhưng không có can đảm yêu cầu quân đội Nga không tuyển mộ công dân Nepal.

 

 

Thả con tin nhỏ giọt, Hamas bắt bí Israel

 

Tại Trung Đông, không hẹn mà nên, Le Point, L’Express và Courrier International cùng nói về « Israel-Hamas : Cuộc chiến tranh cân não ». Le Point mô tả, những chiếc ruy-băng vàng được cột trên cổ tay, phấp phới ở kính chiếu hậu xe hơi, cột vào gốc cây dọc theo những đại lộ ở Tel-Aviv…Ảnh những người bị bắt cóc được dán vào các băng ghế công cộng, những bức tường, trên pa-nô ở quảng trường Dân Chủ lấp lánh dòng chữ « Bring them home now » (Hãy đưa họ về nhà bây giờ). Israel hồi hộp với số phận các con tin, những câu chuyện về họ được đưa lên tục trên truyền hình. Áp lực lên chính quyền Benjamin Netanyahou rất lớn, khiến thủ tướng Israel phải chấp nhận thương lượng.

 

Courrier International trích dịch tờ Ha’Aretz nhận định, khi thả con tin nhỏ giọt, Hamas chơi đòn cân não để duy trì tâm trạng bất an trong xã hội Israel đồng thời củng cố lực lượng. L’Express tìm đến Jerusalem, thánh địa nơi hàng trăm ngàn người Palestine và Israel sinh sống đang căng thẳng cao độ. Không chỉ lính tráng mà quân nhân dự bị, nhân dân tự vệ đều mang súng ; các nhà thuốc giảm giá các loại bình xịt hơi cay mini mang theo người. Tại những khu phố hầu hết cư dân là người Palestine, cảnh sát gia tăng kiểm tra ở các ngã tư. Không khí nghẹt thở này khiến Jerusalem mất đi nguồn lợi tức chính là du lịch. Tại một ít khách sạn còn mở cửa, khách lưu trú là vài phóng viên ngoại quốc và người Israel sống ở miền nam gần Gaza đi sơ tán.

 

 

Từ Ukraina đến Israel, cách xử sự khó chê trách của Mỹ

 

Về tổng thống Mỹ, L’Express khen ngợi ông Joe Biden từ ba năm qua đã có thái độ không gì chê trách được, ở Ukraina lẫn Israel.Đã gần ba năm, Biden đã phải đối phó với đủ mọi tình huống : một quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử khởi động cuộc chiến tranh quy mô chưa từng thấy trên đất châu Âu, hải quân Trung Quốc nhanh chóng bành trướng gây căng thẳng ở Đông Á, cuộc chiến thứ tư nổ ra giữa Israel và Hamas, dữ dội hơn những lần trước.

 

Tại Ukraina, tổng thống Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraina nhưng tránh nguy cơ trở thành đồng tham chiến. Hoa Kỳ không mất một người lính nào, tuy tốn kém nhiều nhưng mang lại viễn cảnh tươi sáng cho những hợp đồng vũ khí tương lai. Về Đài Loan, ông không giữ chiến lược nhập nhằng, khẳng định Hoa Kỳ sẽ không dung thứ một cuộc xâm lăng. Trong chưa đầy ba năm, Washington đã củng cố liên minh với Nhật Bản, Úc, Philippines, nhiều đảo quốc Thái Bình Dương, tạo ra một cực ngoại giao tập hợp những nước láng giềng với Trung Quốc như Việt Nam và Ấn Độ.

 

Và ngay khi xảy ra vụ thảm sát của Hamas tại Israel, Biden không chỉ ủng hộ Nhà nước Do Thái về chính trị mà còn gởi ngay hai hàng không mẫu hạm đến. Đây là điều chưa từng có kể từ 1945 và tỏ rõ tác động răn đe : cả Nga lẫn Iran đều không dám hó hé. Đồng thời kêu gọi Israel tránh « những sai lầm của Hoa Kỳ sau sự kiện ngày 11 tháng Chín ».

 

Cho đến nay tuy chiến tranh vẫn tiếp diễn, nhưng cả bốn nước Ả Rập đã ký hiệp định Abraham do Washington bảo trợ, không nước nào đổi ý. L’Express kết luận, có thể chỉ trích chính sách Mỹ tại cả ba chiến trường khác nhau, nhưng không thể chối cãi sự thành công của một tổng thống mà người ta vẫn hay quên rằng trong suốt hai thập niên từng là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện, và thêm tám năm làm phó tổng thống.

 

 

Nếu Biden không là tổng thống Mỹ lúc Nga xâm lược Ukraina…

Le Point nhận định Joseph Robinette (Joe) Biden có lẽ là tổng thống tầm cỡ nhất của Hoa Kỳ từ sau Ronald Reagan, gọi ông là « cao bồi già đơn độc ». Tờ báo ví von, tuổi tác là điều sẽ phải đến, cũng như mùa đông. Có đến 71 % cử tri Mỹ coi tổng thống sắp mãn nhiệm là « quá già », nhưng họ quên rằng Donald Trump chỉ « trẻ » hơn có bốn tuổi.  

 

Joe Biden gây ấn tượng vì khác với nhiều nhà lãnh đạo phương Tây trước đây cũng như hiện nay, ông có niềm tin mạnh mẽ, không ngần ngại gọi Vladimir Putin là « đao phủ », Tập Cận Bình là « nhà độc tài ». Biden cũng không sợ mất lòng cử tri Do Thái hay Hồi giáo trong đảng Dân Chủ, ông chỉ tuân theo trực giác.

 

Sẽ rất choáng khi tự hỏi, chuyện gì sẽ xảy ra nếu Joe Biden không phải là tổng thống Mỹ lúc Ukraina bị xâm lược. Tất cả đều có thể xảy ra, kể cả điều tệ hại nhất. Châu Âu không có chính sách quốc phòng chung, không thể trông cậy vào ai, trừ Joe Biden, cho dù ông vẫn tập trung vào đối thủ Trung Quốc. Về kinh tế, chính sách đầu tư ồ ạt vào kỹ nghệ (500 tỉ đô la) mang lại kết quả : thêm nhiều việc làm, GDP tăng 4,9 % trong khi châu Âu khựng lại.

 

Đài Loan : Một cuộc khủng hoảng Cuba đảo ngược ?

Tại châu Á, The Economist nhận định cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan sẽ là cuộc đua tay ba, giữa đương kim phó tổng thống Lại Thanh Đức (Lai Ching Te) và hai ứng cử viên đối lập Hầu Hữu Nghi (Hou Yu Ih), Kha Văn Triết. Tuy ông Lại Thanh Đức vẫn đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, nhưng cuộc chạy đua tỏ ra gay go. Ngay cả khi ứng cử viên Dân Tiến đắc cử, đảng này vẫn có thể bị mất đa số trong Quốc Hội, khiến việc thông qua luật chống ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ trở nên khó khăn hơn.

 

Trên L’Express, nhà sử học Niall Ferguson của đại học Stanford cho rằng nếu Lại Thanh Đức thua cuộc trước một ứng cử viên thân Bắc Kinh, Tập Cận Bình có thể kết luận là không cần phải nhận lấy rủi ro khi sử dụng vũ lực. Nhưng có một khả năng khác từ phía Bắc Kinh. Có tin đồn là cựu ngoại trưởng Tần Cương (Qin Gang), người bị mất chức vì ngoại tình với một biên tập viên truyền hình, đã chết. Theo một tin đồn khác, cựu bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), bị cách chức tháng trước, bị cáo buộc tội « phản quốc » vì rò rỉ tin tức về hỏa tiễn. Ngoài ra còn có những lời đồn đãi khác về cái chết của Lý Khắc Cường và sức khỏe của bản thân ông Tập.

 

Ông Ferguson đặt nghi vấn, phải chăng Tần Cương và Lý Thượng Phúc đã phạm sai lầm là phản đối việc tấn công Đài Loan ? Có thể Tập Cận Bình nôn nóng giải quyết vấn đề Đài Loan hơn người ta nghĩ, và không chừng đã bàn bạc với Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Bắc Kinh tháng trước, định tranh thủ cơ hội Hoa Kỳ đang bận rộn với hai cuộc chiến tranh ở châu Âu và Trung Đông. Trong trường hợp này, trái với cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba năm 1962, lần này bên tiến hành phong tỏa sẽ là Trung Quốc, còn Mỹ bị đặt vào vị trí của Liên Xô thời trước.

 

Việt Nam : Nước mặn giết chết cây lúa

L’Express tuần này có chuyên đề « Địa ốc : Cơn ác mộng của người Pháp ». Cũng tại Pháp, hồ sơ của L’Obs dành cho những tiết lộ về những « lính mới » trong đội ngũ buôn ma túy, với tựa đề gây sốc « Tôi, 16 tuổi, kẻ giết mướn ». Le Point đưa tít lớn « Trí thông minh nhân tạo : Trận chiến để kiểm soát đầu óc của chúng ta ». Về kinh tế, Courrier International nói về « Gạo, cuộc khủng hoảng sắp tới » : Biến đổi khí hậu và các biện pháp bảo hộ của các nước sản xuất làm lúa gạo tăng giá, khiến báo chí lo ngại một cuộc khủng hoảng lương thực còn tệ hại hơn năm 2008.

 

Liên quan đến Việt Nam, trong hồ sơ về lúa gạo, Courrier International trích dịch phóng sự của tờ De Volkskrant (Hà Lan), « Tại đồng bằng sông Cửu Long, nước mặn giết chết cây lúa » khiến ngày càng nhiều nông dân chuyển sang canh tác những loài khác. Mảnh ruộng của ông Đinh Công Chiến nay trở thành đất trồng cây ăn trái. Cả làng đều phải chuyển nghề khi năm 2016 nước trở nên nhiễm mặn. Nông dân Dương Trường Giang nói nay ông chỉ trồng lúa nửa năm, thời gian còn lại nuôi tôm, thu nhập gấp bốn lần.

 

Tác giả cho rằng nông dân toàn cầu phải thích nghi với biến đổi khí hậu, nhưng không đâu tác động nhanh chóng và sâu sắc như ở Đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ ba thế giới, nhưng vựa lúa miền tây mỗi năm đất lún xuống 4 centimet. Đặng Kiều Nhân, giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long cho biết nông dân xoay sở bằng cách xen kẽ việc trồng lúa với nuôi cá, sản lượng lúa chắc chắn sẽ giảm đi.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats