Friday, 22 December 2023

KÊNH ĐÀO FUNAN, MỘT PHẦN CỦA ĐẠI DỰ ÁN "CỰC KINH TẾ THỨ TƯ" của TẬP CẬN BÌNH và HUN SEN (RFA)

 



 

Kênh đào Funan, một phần của đại dự án “Cực kinh tế thứ tư” của Tập Cận Bình và Hunsen

RFA
2023.12.20

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/funan-canal-a-part-of-the-fourth-economic-pole-grand-project-of-xi-jinping-and-hunsen-12202023121759.html

 

Dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia gần đây khiến chính phủ Hà Nội và nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước lo ngại về tác động xấu của nó tới hệ thống sông Mekong và Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong thư Thông báo gửi Ủy hội Sông Mekong (MRC), Chính phủ Campuchia chỉ nói dự án này phục vụ giao thông thủy nội địa. Nhưng gần đây, ông Jean-François Tain, Bộ trưởng Chuyên trách Ngoại giao và Hợp tác quốc tế của Campuchia nói trên tờ Khmer Times rằng dự án kênh đào Funan sẽ không chỉ là một dự án giao thông thủy. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/funan-canal-a-part-of-the-fourth-economic-pole-grand-project-of-xi-jinping-and-hunsen-12202023121759.html/@@images/e3b58687-6fc4-496f-9032-4a625f4e6160.png

Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen tại hôm 10/2/2023 tại Điếu Ngư Đài Quốc tân quán (nhà tiếp khách quốc gia), Bắc Kinh

 

Theo ông Jean-François Tain, dự án kênh đào Funan một mặt “dự kiến ​​sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho Campuchia như giảm thời gian, chiều dài và chi phí vận chuyển,” (giao thông thủy), nhưng mặt khác, nó “tạo ra các khu thương mại và trung tâm hậu cần, phát triển các nhà ga mới, mở rộng các khu phát triển nông nghiệp, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi và hỗ trợ sự phát triển của cực kinh tế thứ tư.”

 

 

“Cực kinh tế thứ tư” của Campuchia là gì?

 

Theo tờ Phnompenh Post đưa tin hôm 14/3/2023, cựu thủ tướng Campuchia khi đó là ông Hunsen đã thông báo chính phủ nước này chỉ định 4 tỉnh – Pursat, Battambang, Banteay Meanchey và Pailin – là “cực kinh tế thứ tư của Campuchia,” nhằm đáp ứng sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp và đánh bắt cá.

 

Ông Hun Sen tiết lộ điều này khi đến thăm địa điểm dự án đập thủy điện Stung Pursat I ở tỉnh Pursat vào ngày 14/3. Tờ Phnomphenh Post dẫn lời ông nói: 

 

“Cực kinh tế thứ tư là sáng kiến ​​giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tôi. Dự án tập trung vào Hành lang Lúa gạo vì bốn tỉnh có nguồn lúa và cá dồi dào”.

 

Như vậy, dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia không chỉ phục vụ giao thông thủy mà là một phần của một sáng kiến kinh tế rộng lớn tại Campuchia, được thực hiện với sự phối hợp của nước này và Trung Quốc. 

 

Mặc dù Thủ tướng Hun Manet nói với người đồng cấp Việt Nam rằng kênh đào Funan không lấy nước từ sông Mekong, nhưng ông Jean-François Tain, Bộ trưởng Chuyên trách Ngoại giao và Hợp tác quốc tế của Campuchia, lại tiết lộ trên Khmer Times rằng mục đích của dự án này là “nhằm tối đa hóa tiềm năng vận tải đường thủy của Campuchia bằng cách kết nối hệ thống sông Mekong với biển”, sau khi tiến hành một nghiên cứu kéo dài 26 tháng. Đặc biệt, theo ông Jean-François Tain, dự án cũng được kỳ vọng sẽ tạo thêm việc làm tại Cảng Sihanoukville, Cảng Phnom Penh và các cảng khác, đồng thời đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị, quy hoạch đô thị và thị trường bất động sản. Như vậy phát biểu của ông Bộ trưởng đã cung cấp thêm một số thông tin về vai trò của dự án kênh đào Funan Techno trong sáng kiến “Cực kinh tế thứ tư” của hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình - Hunsen. 

 

 

Campuchia báo cáo không chính xác với Ủy hội Sông Mekong?

 

Trao đổi với RFA về chức năng của kênh đào Funan trong thư Thông báo của Campuchia cho Ủy hội sông Mekong (MRC), TS. Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Stimson Center, một think tank ở Wasington DC, 

 

“Trong những tháng qua, thông tin mới về thiết kế và mục đích sử dụng của Kênh Funan Techo đã được đưa ra ánh sáng. Tôi tự hỏi những thông tin mới nào sẽ đến trong những tháng tới, để nâng cao hiểu biết của chúng ta về dự án này. 

Thủ tướng Hun Manet đã giúp ích cho Việt Nam bằng cách thảo luận dự án này một cách cởi mở và ngoại giao. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là Ủy hội sông Mekong (MRC) là định chế then chốt cho các vấn đề ngoại giao nguồn nước trong khu vực. 

Thế nhưng, hiện tại, vai trò của MRC với tư cách là người triệu tập các tiến trình ngoại giao hữu ích liên quan đến dự án này đã bị gạt ra ngoài lề, vì Campuchia đã không mô tả chính xác dự án này là một dự án có tác động đến dòng chính sông Mekong.” 

 

Theo phân tích của TS. Brian Eyler, các tài liệu dự án được đệ trình lên MRC vào tháng 8 đã mô tả một cách không chính xác khi tuyên bố dự án này là một dự án “phụ lưu” (a tributary project). Tuy nhiên, tờ Khmer Times đã hai lần mô tả dự án này là dự án “tạo ra một tuyến đường thủy mới dài 180 km từ Prek Takeo của sông Mê Kông ra biển ở tỉnh Kep, sau khi đi qua Prek Ta Ek và Prek Ta Hing của sông Bassac ở huyện Koh Thom của tỉnh Kandal." Ông trao đổi với RFA qua email:

 

 

“Vì kênh Funan nối với sông Mekong tại Prek Takeo nên dự án được coi là dự án tác động đến dòng chính Mekong. Khi lỗi này được khắc phục và dự án được mô tả chính xác trong thông báo chính thức rằng nó tác động đến dòng chính sông Mekong thì quy trình Thông báo trước và Tham vấn trước (PNPCA) của MRC sẽ bắt đầu. 

 

Quá trình này sẽ làm sáng tỏ tất cả các chi tiết xung quanh dự án và cung cấp nền tảng chính thức cho các bên liên quan thuộc chính phủ và phi chính phủ trong toàn khu vực, để kiểm tra và nhận xét về các tài liệu dự án, đánh giá tác động và kế hoạch giảm nhẹ các tác động tiêu cực đó. 

 

Quá trình này cũng sẽ tạo điều kiện cho Ủy hội Sông Mekong đánh giá kỹ thuật. Điều này chắc chắn sẽ giảm thiểu một số tác động môi trường và xã hội liên quan của dự án. Ủy ban sông Mekong quốc gia ở cả 4 nước thành viên, đặc biệt là Việt Nam, nên kêu gọi tiến trình PNPCA.

 

Đây không phải là lần đầu tiên một quốc gia thành viên MRC thông báo sai về một dự án và chỉ thay đổi thông báo sau khi các chi tiết khác được đưa ra ánh sáng.” 

 

 

Trao đổi với RFA, TS. Brian Eyler chỉ ra rằng trước đây, Chính phủ CHDCND Lào ban đầu mô tả đập Don Sahong là một đập phụ, trong thông báo chính thức gửi MRC nhiều năm trước. Tuy nhiên, những lời kêu gọi của công chúng, truyền thông và các quốc gia thành viên MRC đã khiến Chính phủ Lào sau đó phải mô tả chính xác con đập này là con đập được xây dựng trên dòng chính của sông Mekong. Điều đó đã khởi động quá trình PNPCA và cuối cùng dẫn đến một thiết kế mới cho con đập, giúp cải thiện việc tác động xấu đến nghề cá tại khu vực đập.

 

Theo TS. Brian Eyler, quá trình Thông báo trước và Tham vấn trước của MRC bắt đầu càng sớm thì kết quả của dự án này sẽ càng tốt hơn vì lợi ích của toàn bộ khu vực, trong đó có Campuchia và Việt Nam.

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats