Saturday 2 December 2023

HENRY KISSINGER : TRUNG QUỐC TIẾC THƯƠNG 'NGƯỜI BẠN CŨ QUÝ GIÁ NHẤT' (Fan Wang / BBC News)

 



Henry Kissinger: Trung Quốc tiếc thương 'người bạn cũ quý giá nhất'

Fan Wang

BBC News, Singapore

2 tháng 12 2023, 15:19 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cg3ppq34q9lo

 

Cái chết của cựu Ngoại trưởng gây tranh cãi của Mỹ, Henry Kissinger đã khơi dậy nỗi tiếc thương và những lời khen ngợi ở Trung Quốc vào thời điểm quan hệ giữa hai nước đang xuống dốc.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3d88/live/9ecfa760-90ea-11ee-833d-0f8d294ddc97.png

Ông Kissinger đã đến thăm Trung Quốc hơn 100 lần

.

“Ông mãi mãi là bạn của người dân Trung Quốc, yên nghỉ nhé”, một bình luận được yêu thích hàng đầu trên Weibo, mạng xã hội của đất nước này viết.

 

Vài giờ sau khi tin tức về cái chết của Henry Kissinger được lan truyền, những từ khoá liên quan đã trở thành xu hướng được tìm kiếm nhiều nhất ở Trung Quốc với hàng triệu lượt xem.

 

“Đây là sự kết thúc của một kỷ nguyên”, một bình luận có lượt thích hàng đầu viết. "Ông ấy đã chứng kiến nhiều thập niên thăng trầm. Ông ấy sẽ nghĩ gì về quan hệ Trung-Mỹ hiện tại?" một người dùng khác hỏi.

 

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger qua đời ở tuổi 100

Henry Kissinger: Người định hình thế giới đầy tranh cãi

Tròn 100 tuổi, Henry Kissinger nói gì về Đảng CS Trung Quốc và đối đầu Mỹ-Trung?

 

Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh có lẽ đã xuống mức thấp nhất kể từ khi hai bên bắt đầu đàm phán chính thức vào năm 1979 - đỉnh điểm của những nỗ lực được ông Kissinger khởi xướng. Trong khi các mối quan hệ được "bình thường hóa" dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, chính người tiền nhiệm Richard Nixon là người đã thực hiện chuyến đi lịch sử đầu tiên tới Bắc Kinh để gặp ông Mao Trạch Đông vào năm 1972, chấm dứt hàng thập kỷ thù địch giữa hai nước.

 

Ông Kissinger, người định hình chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm quan trọng nhất của Chiến tranh Lạnh, là người đứng ra dàn xếp chuyến đi đó, chuyến đi mà nhiều người coi là thời điểm then chốt trong quyết định của Trung Quốc hợp tác với Phương Tây. Năm 1971, ông bí mật tới Bắc Kinh để sắp xếp cuộc gặp.

 

Với phần lớn nội dung trang trọng và bày tỏ sự tôn trọng, các bình luận trên mạng xã hội Trung Quốc miêu tả ông Kissinger như một người bạn lâu năm và đáng tin cậy từ thời mà Mỹ và Trung Quốc háo hức chào đón nhau.

 

Đó cũng là thời điểm Mỹ đang cố gắng đàm phán với Liên Xô và hy vọng mối quan hệ tốt hơn với Trung Quốc sẽ làm gia tăng áp lực. Chiến tranh Việt Nam vẫn còn khốc liệt - ông Kissinger vừa được ca ngợi vì đã đạt được một thỏa thuận hòa bình, vừa bị tố cáo vì không kết thúc chiến tranh sớm hơn. Và ông bị gọi là tội phạm chiến tranh vì vai trò trong vụ ném bom ở Lào và Campuchia, giết chết hàng chục ngàn dân thường.

 

Không nhận được cảm tình ở Việt Nam, Lào và Campuchia, tuy nhiên Henry Kissinger vẫn được ca tụng ở Trung Quốc vì vai trò của ông trong việc khởi động giai đoạn trăng mật trong quan hệ Mỹ-Trung.

 

Ông Kissinger là một trong những người Mỹ nổi tiếng nhất trong lòng người dân Trung Quốc. Cho đến ngày nay, tên của ông vẫn được dạy trong các bài học lịch sử trên khắp đất nước, và rất nhiều người coi ông như một gương mặt Phương Tây thân thiện - điều mà họ tin rằng ngày càng trở nên hiếm hoi.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/b745/live/bec320b0-90ea-11ee-833d-0f8d294ddc97.png

Chuyến đi năm 1971 của ông Kissinger được coi là thời điểm then chốt trong việc làm tan băng quan hệ Mỹ-Trung

 

Trong suốt sự nghiệp kéo dài hàng thập niên của mình, ông Kissinger coi việc hợp tác với Trung Quốc là một trong những di sản chính của mình.

 

“Trung Quốc là quốc gia mà tôi có mối liên hệ lâu dài và sâu sắc nhất. Trung Quốc đã trở thành một phần rất quan trọng trong cuộc sống của tôi”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2011 với Can Kao Xiaoxi, hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc.

 

Cựu Ngoại trưởng Mỹ là một trong số rất ít lãnh đạo nước ngoài gặp gỡ 5 thế hệ lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc, từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình. Trong một bài đăng trên Weibo, đài truyền hình nhà nước CCTV đã gọi ông là “hóa thạch sống”, người chứng kiến sự phát triển trong mối quan hệ song phương giữa hai nước.

 

Sự ủng hộ của ông Kissinger đối với sự gắn kết giữa hai nước mạnh mẽ đến mức ông gọi cuộc đàn áp tàn bạo đối với các cuộc biểu tình của sinh viên Thiên An Môn năm 1989 là "không thể tránh khỏi".

 

“Sự tàn bạo của sự kiện thật gây sốc,” ông viết trên tờ Washington Post vào tháng 8/1989, nhưng ông cũng nói “Không chính phủ nào trên thế giới có thể chấp nhận được việc quảng trường chính của thủ đô bị hàng chục nghìn người biểu tình chiếm đóng trong 8 tuần”.

 

Khi đó ông đã viết rằng “Trung Quốc vẫn quá quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ nên không thể mạo hiểm mối quan hệ này”.

 

Trong những năm gần đây, ông Kissinger kêu gọi giảm bớt căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông thúc đẩy điều đó ngay cả khi Trung Quốc phát triển thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và thách thức chính quyền lực của Mỹ mà Kissinger đã nắm giữ trong phần lớn cuộc đời mình.

 

Và ông luôn được chào đón ở Bắc Kinh - vừa là lời nhắc nhở về kỷ nguyên can dự của Mỹ, vừa là người ủng hộ nhất quán cho điều đó.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/b98a/live/d0356010-90ea-11ee-ac7f-c97dfdb65d91.png

Ông Mao Trạch Đông và ông Kissinger năm 1975

 

Ông đã đến thăm Trung Quốc hơn 100 lần, rất lâu sau khi nghỉ hưu - chuyến thăm cuối cùng là vào tháng 7 năm nay, nơi cựu nhà ngoại giao 99 tuổi được ông Tập chào đón tại Bắc Kinh bất chấp mối quan hệ lạnh nhạt giữa Trung Quốc và Mỹ.

 

Ông Tập nói với ông Kissinger rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ quên "những người bạn cũ của chúng tôi" và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Mỹ cần "sự khôn ngoan ngoại giao kiểu Kissinger" trong chính sách đối với Trung Quốc.

 

Cuộc gặp diễn ra chỉ vài tuần sau chuyến thăm cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Trung Quốc để nối lại liên lạc và khiến Nhà Trắng khó chịu. Ông Kissinger dường như có khả năng tiếp cận Bắc Kinh tốt hơn các quan chức chính phủ Mỹ hiện nay.

 

“Trung Quốc và Mỹ phải kế thừa và phát huy tầm nhìn chiến lược, lòng dũng cảm chính trị và sự khôn ngoan ngoại giao của Tiến sĩ Kissinger”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân nói hôm 30/11 sau khi ca ngợi ông Kissinger là “người bạn cũ và tốt của người dân Trung Quốc”.

 

Đảng Cộng sản Trung Quốc không hề do dự khi khen ngợi ông Kissinger - một sự tương phản hoàn toàn với những phản ứng mà nước Mỹ thường đưa ra.

 

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tạ Phong cho biết: “Lịch sử sẽ ghi nhớ những gì người đàn ông trăm tuổi đã đóng góp cho mối quan hệ Trung-Mỹ”.

 

Cơ quan truyền thông nhà nước China News Service mô tả ông là người có "tầm nhìn sắc bén và có thể nhìn thấu các vấn đề thế giới".

 

Phản ứng bên kia eo biển - ở Đài Loan, nơi nỗi sợ hãi về các mối đe dọa của Bắc Kinh ngày càng gia tăng - lại kém phần ca tụng.

 

Khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1979, nước này đã thay đổi sự công nhận ngoại giao đối với hòn đảo tự trị Đài Loan, đồng ý rằng chỉ có một Trung Quốc có chính phủ đặt tại Bắc Kinh.

 

“Từ góc độ lịch sử, ông ấy là một nhân vật tiêu cực”, một người dùng Facebook ở Đài Loan viết.

 

Một bình luận hàng đầu khác viết: “Ông ta đã khiến Đài Loan đau khổ quá nhiều”.

 

----------------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

·         

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger qua đời ở tuổi 100

30 tháng 11 năm 2023

·         

Henry Kissinger: Người định hình thế giới đầy tranh cãi

30 tháng 11 năm 2023

·         

Tròn 100 tuổi, Henry Kissinger nói gì về tương lai Đảng CS Trung Quốc?

29 tháng 5 năm 2023

·         

Stephen B. Young: 'Sự phản bội của Henry Kissinger là nguyên nhân chính khiến Việt Nam Cộng hòa sụp đổ'

30 tháng 3 năm 2023





No comments:

Post a Comment

View My Stats