Tuesday 12 December 2023

CHỦ TỊCH TẬP SANG THĂM : TIỀN ĐẦU TƯ, TÌNH ĐỒNG CHÍ và CÁC KHẨU HIỆU (BBC News Tiếng Việt)

 



Chủ tịch Tập sang thăm: Tiền đầu tư, tình đồng chí và các khẩu hiệu

BBC News Tiếng Việt

11 tháng 12 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3g2d91p33xo

 

Trước ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện thăm Việt Nam (12-13/12), truyền thông nước chủ nhà đồng loạt đăng các bài ca ngợi sự kiện này, chuẩn bị dư luận cho quyết định “nâng cấp quan hệ” lên trên mức hiện có.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3a6d/live/b6b807d0-97db-11ee-91bf-230bfab3fcba.jpg

Chủ tịch Tập Cận Bình bước ra từ chuyên cơ Trung Quốc trong một chuyến thăm quốc tế - hình minh họa

 

Tuy thế, truyền thông nước ngoài cho rằng Việt Nam đã cố gắng “đón tiếp với nhiều nghi lễ cao nhất” khi bị Trung Quốc bắt phải chấp nhận khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh”.

 

 

Báo Việt Nam dùng nhiều 'khái niệm mới'

 

Trang VOV trích lời một thứ trưởng ngoại giao Việt Nam nói hai bên sẽ “nâng cấp định vị mới cho quan hệ song phương”.

 

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nói rằng trong chuyến thăm sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ [có] kỳ vọng về một “định vị mới”, “tầm mức mới” của quan hệ song phương Việt Nam – Trung Quốc.

 

Các bản tiếng Anh của VietnamPlus cũng đăng bài phỏng vấn với ông Nguyễn Minh Vũ gợi ý về việc đẩy lên cao hơn nữa quan hệ Trung Việt mà giới quan sát nước ngoài cho là sẽ đưa Việt Nam vào ‘cộng đồng chung vận mệnh’ với Trung Quốc. Tuy thế, ngôn từ chính thức, cụ thể của ‘tầm mức’ mới này ra sao thì còn phải chờ những công bố cụ thể.

 

Tiếng Hán cũng xâm nhập văn bản tiếng Việ với khái niệm ‘định vị’ mới vốn chưa thấy được dùng phổ biến cho tới nay.

 

Phong cách Trung Hoa điểm ra các con số khi nói về chính sách đang được đồng loạt đăng tải trên truyền thông nhà nước Việt Nam.

 

Ví dụ VOV dùng cụm từ “ba kỳ vọng”, còn Thanh Niên trích Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba nói về “bốn mới” trong quan hệ mà ông cho là “hết sức đặc biệt và có thể nói là hiếm thấy trên thế giới”.

 

Theo đại sứ Trung Quốc, bốn điều mới là “định vị mới, phương hướng mới, triển vọng mới và động lực mới”.

 

Ông Hùng Ba còn nói tới quan hệ “nhớ nhau” của hai vị lãnh đạo hai đảng cộng sản, TBT Tập Cận Bình và TBT Nguyễn Phú Trọng:

 

“"Đây là sự kiện mà hai tổng bí thư đều rất mong chờ, vì hai người đều rất nhớ nhau và mong được gặp nhau", ông Hùng Ba nói, tuy không nêu chi tiễt hai nhà lãnh đạo "nhớ nhau" thế nào.

 

Nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng "tình hữu nghị giữa hai nhà lãnh đạo cũng là tài sản chung quý báu của hai nước. Do đó hai bên đều rất mong chờ chuyến thăm lần này,” theo trích dẫn của tờ Thanh Niên ngày 11/12.

 

Quan hệ mật thiết của hai đảng cộng sản cầm quyền ở hai quốc gia châu Á được các báo Việt Nam nhấn mạnh.

 

Ông Tập Cận Bình quay trở lại Hà Nội sau gần sáu năm, tính từ 2017, ở cương vị TBT Đảng Cộng sản Trung Quốc.

 

Các đoàn tiền trạm đông đảo của Trung Quốc đã tới thủ đô Việt Nam từ trước, thể hiện sự hùng hậu của sức mạnh Trung Hoa.

 

Trang báo mạng Tiền Phong phục vụ bạn đọc bằng bài và chùm ảnh ghi lại những thời điểm quan trọng trong hai chuyến thăm trước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hà Nội, năm 2015 và 2017.

 

Tờ báo viết đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ ba của ông Tập với tư cách người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc và Nhà nước CHND Trung Hoa.

VietnamNet thì nhắc rằng cá nhân ông Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm Việt Nam lần thứ tư.

 

Hồi năm 2011, khi làm Phó Chủ tịch nước Trung Quốc, ông đã tới Việt Nam lần đầu.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/78f7/live/d5a92c50-97db-11ee-91bf-230bfab3fcba.jpg

Chủ tịch Tập (phải) mời TBT Nguyễn Phú Trọng uống trà ở Bắc Kinh năm 2017

 

 

Một số đánh giá từ bên ngoài và vấn đề kinh tế

 

Sự kiện TBT Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam nhiều hơn một số quốc gia láng giềng được báo chí Việt Nam cho là điều thể hiện sự quan tâm đặc biệt coi trọng Việt Nam của ban lãnh đạo Trung Quốc thời ông Tập.

 

Nhưng ở một góc độ khác thì việc ông phải sang thăm Việt Nam liên tục cho thấy các động lực trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam có thể khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể không chú ý.

 

Chẳng hạn theo đánh giá của TS Trương Đăng Hoa từ ĐH Quốc gia Australia trong một bài viết năm 2018 (sau hai lần ông Tập thăm Việt Nam) thì chính quan hệ Trung-Việt là vấn đề khó khăn cho Trung Quốc khi triển khai chiến lược ‘láng giềng tốt’ nhằm tạo vùng ảnh hưởng cận biên (zhoubian).

 

Trang France24 của Pháp đặt chuyến thăm của ông Tập sang Hà Nội vào bối cảnh quan hệ Mỹ-Việt được nâng cao và trích lời giới nghiên cứu nói Trung Quốc phải tỏ ra là họ "chưa mất Việt Nam cho phe đối thủ" (rival camp).

 

Một số báo tiếng Anh như The Diplomat (08/12) thì nói như vậy Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đón cả tổng thống Hoa Kỳ (Joe Biden) và chủ tịch Trung Quốc (Tập Cận Bình) sang thăm trong chỉ một năm 2023.

 

Trang web này, trong bài tuần qua của Sebastian Strangio cũng nói “giao tiếp dồn dập trong quan hệ Trung-Việt sẽ lên đỉnh điểm bằng nghi lễ cao cấp, hoành tráng” (ash of interactions between China and Vietnam will reach their culmination in the high pageantry) khi ông Tập tới Việt Nam.

 

Ông Strangio nói các tin tức cho tới nay nói “Trung Quốc ép Việt Nam chấp nhận khẩu hiệu (slogan) “cộng đồng chung vận mệnh” (CCD) từ lâu nay.

 

Đây là khái niệm rất quan trọng với cá nhân ông Tập nhưng với cộng đồng quốc tế thì nó bị cho là “mơ hồ”, thậm chí “trống rỗng” (empty).

 

GS Carl Thayer, một nhà quan sát tình hình Việt Nam lâu năm, trong bài đăng trên trang tư vấn của ông -Thayer Consultancy – hôm 09/12 dự báo rằng cụm từ “cộng đồng chung vận mệnh” nhiều khả năng sẽ xuất hiện trong Tuyên bố chung Trung-Việt tuần này.

 

Bằng việc đó, “Trung Quốc muốn tỏ ra là quan hệ với Việt Nam có tính chất đặc biệt, khác quan hệ đối tác chiến lược mà Việt Nam đã ký với Hoa Kỳ,” GS Thayer viết.

 

Tuy thế, bên cạnh vấn đề ngôn từ vốn có ý nghĩa trọng đại với Đảng Cộng sản Trung Quốc thì phần chính vẫn là các dự án của Trung Quốc.

 

Báo Nhật Bản Nikkei Asia đã viết rằng hàng loạt dự án nhiều tỷ USD đã và đang được ký kết, liên quan tới nguồn đất hiếm.

 

Quan chức hai bên cũng gián tiếp xác nhận điều này, và nêu ra các hoạt động nâng cấp cả tuyến đường sắt Hải Phòng-Côn Minh và nhiều kết nối trên không, trên biển khác nữa.

 

Trung Quốc sẽ nhân chuyến thăm công bố việc mở cửa thị trường cho một số mặt hàng Việt Nam thêm nữa.

 

Việc mở cho hàng Việt Nam vào thị trường hơn 1 tỷ dân này, theo TS Vũ Minh Khương từ Singapore (trả lời báo Dân Trí), sẽ tạo cơ hội to lớn cho kinh tế Việt Nam.

 

Hiện Việt Nam đang nhập từ Trung Quốc 120 tỷ USD/năm, nhiều hơn xuất sang nước láng giềng đông dân (58 tỷ USD), theo các nguồn chính thống.

 

Mặt khác, với dự án Vành đai & Con đường (BRI) tiến triển mạnh, có thể nói toàn bộ khu vực kinh tế miền Bắc Việt Nam đang dần đóng vai trò thành bộ phận của khu vực kinh tế năng động phía Nam nước Trung Quốc.

 

Đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đạt hơn 2,5 tỷ USD với 555 dự án, đưa TQ thành nhà đầu tư FDI lớn thứ 4 tại Việt Nam. Và chỉ từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt các doanh nghiệp có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã tăng cường khảo sát đầu tư tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam, theo trang trang Quân đội Nhân dân.

 

Trao đổi thương mại hai bên với kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 140 tỷ USD chỉ trong 10 tháng của năm 2023 – theo trang Dân Trí- cho thấy đây mới là động lực chính của mối giao thương.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats