Sunday, 10 December 2023

CHÍNH SÁCH CỦA TRUNG QUỐC ĐANG BẾ TẮC NHƯ THẾ NÀO? (Katsuji Nakazawa  -  Nikkei Asia)

 



Chính sách kinh tế của Trung Quốc đang bế tắc như thế nào?

Katsuji Nakazawa  -  Nikkei Asia  

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

11/12/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/12/11/chinh-sach-kinh-te-cua-trung-quoc-dang-be-tac-nhu-the-nao/

 

Hội nghị trung ương ba nhiều khả năng sẽ bị hoãn đến năm 2024, và vấn đề Evergrande cũng chưa được giải quyết.

 

Chưa đầy hai tuần sau khi trở về từ Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Thượng Hải vào cuối tháng 11, lần đầu tiên sau một thời gian dài.

 

Trong một động thái hiếm hoi, lịch trình chuyến thị sát từ ngày 28/11 của Tập đã được cơ quan chức năng tiết lộ trước và được lan truyền rộng rãi trên cả nước.

 

Các phụ tá thân cận của Tập rõ ràng đang muốn gây ấn tượng mạnh về chuyến đi của nhà lãnh đạo tới trung tâm kinh tế của đất nước. Trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm vực dậy nền kinh tế đang suy yếu, các quan chức đã tìm cách thu hút sự chú ý đối với các chuyến thăm của Tập tới các địa điểm quan trọng về mặt kinh tế như Sàn giao dịch Hợp đồng tương lai Thượng Hải (Shanghai Futures Exchange) và các địa điểm công nghệ cao, cũng như các bài phát biểu của Tập ở những nơi đó.

 

Nhưng phản ứng của thị trường lại không mấy thuận lợi. Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải (Shanghai Composite Index) đã không tăng trong suốt thời ra diễn ra chuyến thăm của Tập, và thậm chí giảm xuống dưới ngưỡng 3.000 điểm vào thứ Ba (05/12/2023).

 

Có một quy định bất thành văn là mỗi khi nhà lãnh đạo Trung Quốc thực hiện các chuyến thị sát với hy vọng thúc đẩy nền kinh tế, các công ty nhà nước sẽ đón nhận thông điệp và cố gắng khơi dậy xu hướng thị trường bằng cách mua mạnh cổ phiếu.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F9%2F6%2F0%2F5%2F46945069-2-eng-GB%2Fphoto_SXM2023120400004082.jpg?source=nar-cms

Tập đến thăm Sàn giao dịch Hợp đồng tương lai Thượng Hải vào ngày 28/11. (Ảnh chụp màn hình từ trang web của chính phủ Trung Quốc)

 

Điều gì đó kỳ lạ đang diễn ra, nhưng tại sao?

 

Có nhiều lý do. Ngày 27/11, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp hàng tháng của Bộ Chính trị do Tập chủ trì, nhưng lại không đưa ra thông báo rằng Hội nghị Trung ương ba, cuộc họp chính sách kinh tế quan trọng vốn đã bị trì hoãn, sẽ được tổ chức vào tháng 12. Các nhà quan sát đã kỳ vọng cuộc họp này sẽ được tổ chức vào cuối năm nay. Nhưng không hiểu vì lý do gì nó lại bị hoãn lại sang năm sau.

 

Năm 2024, kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán sẽ bắt đầu vào đầu tháng 2. Do kỳ nghỉ sẽ kéo dài, đồng thời phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc sẽ được triệu tập vào đầu tháng 3, nên có rất ít lựa chọn về ngày có thể tổ chức hội nghị.

 

Nên những người tham gia thị trường thất vọng là điều đương nhiên.

 

Hội nghị trung ương ba là một sự kiện cấp cao, với sự quan tâm từ quốc tế, diễn ra 5 năm một lần, nhằm đề ra các chính sách kinh tế dài hạn cho Trung Quốc. Nó thường được tổ chức vào mùa thu, một năm sau khi Ban chấp hành Trung ương khoá mới được bầu tại đại hội toàn quốc. Ban Chấp hành Trung ương khóa 20 đương nhiệm đã được bầu tại đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng vào tháng 10/2022.

 

Gần 400 uỷ viên chính thức và dự khuyết của Ban chấp hành Trung ương sẽ tập trung tại Bắc Kinh để tham dự hội nghị trung ương ba. Phương hướng chính sách kinh tế đặt ra tại hội nghị này sẽ được tuyên bố rộng rãi, cả trong và ngoài nước.

 

Không có gì ngạc nhiên khi ngày diễn ra hội nghị trung ương ba phản ánh mong muốn của Tập, người đã nắm trong tay quyền lực tối cao. Ông sẽ cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm tổ chức và đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, ngay cả trong một cơ cấu chính trị kiểu này, sự chậm trễ bất thường vẫn cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình trạng khó khăn chưa từng có.

 

Nhiều khả năng đang có xung đột quan điểm nghiêm trọng trong nội bộ và các phụ tá thân cận của Tập, khiến họ không thể phối hợp nhịp nhàng như trong quá khứ.

 

Một nguồn tin quen thuộc với các vấn đề kinh tế Mỹ-Trung chỉ ra rằng một “vấn đề quan trọng khác đã bị bỏ qua.”

 

Nguồn tin cho biết, những gì đã được thảo luận (hoặc chưa được thảo luận) tại cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 11 là một lý do dẫn đến trì hoãn hội nghị trung ương ba.

 

Cuộc họp ở California của hai nhà lãnh đạo đã không mang lại bất cứ tiến triển nào trong vấn đề quan trọng nhất đối với Trung Quốc: gián đoạn chuỗi cung ứng.

 

Trên thực tế, ngay từ trước khi các cuộc thảo luận được bắt đầu, đã có thể thấy rõ rằng thượng đỉnh Biden-Tập sẽ không mang lại nhiều kết quả kinh tế.

 

Trong phần phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh, Hà Lập Phong, phó thủ tướng Trung Quốc phụ trách các chính sách tài chính và kinh tế, đã không có mặt.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F8%2F1%2F0%2F5%2F46945018-1-eng-GB%2FAP23313690667335.jpg?source=nar-cms

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen chào đón Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong vào ngày 9/11 tại San Francisco. © AP

 

Ông vốn là trợ lý thân cận của Tập. Hai người gặp nhau lần đầu tại Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, khi họ đang trong độ tuổi 30 và là những người bạn không thể tách rời.

 

Ông còn giữ chức Bí thư Đảng ủy Ủy ban Công tác Tài chính Trung ương, Giám đốc Văn phòng Ủy ban Tài chính Trung ương, đồng thời là nhân vật chủ chốt phụ trách kiểm soát rủi ro tài chính phát sinh từ thị trường bất động sản.

 

Hà Lập Phong đã trở thành “sa hoàng kinh tế” mới của Trung Quốc vào đầu năm nay, thay thế Lưu Hạc, người từng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” với Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Lưu cũng luôn tháp tùng Tập trong các chuyến thăm Mỹ.

 

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung mới nhất, sau cuộc gặp song phương mở rộng là một bữa trưa mà mỗi bên đều có ba đại diện tham dự.

 

Ngồi cạnh Tập trong bữa trưa này là Thái Kỳ, một trong bảy thành viên của Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản. Thái cũng là một trong những trợ lý thân cận nhất của Tập.

 

Ông là một nhân vật nặng ký phụ trách an ninh quốc gia, đặc biệt là về khía cạnh đối nội, cũng như công tác tuyên truyền và tư tưởng. Ông được xếp hạng thứ năm trong hệ thống phân cấp của đảng.

 

Thái Kỳ cũng đồng thời giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, một chức vụ quản lý công tác hành chính của Ban chấp hành Trung ương. Ông có phạm vi nhiệm vụ vô cùng rộng lớn. Một số người còn xem Thái “có quyền lực lớn hơn Thủ tướng Lý Cường [người đứng thứ hai trong hệ thống cấp bậc của đảng],” trích lời một nguồn tin trong đảng.

 

Trong bữa trưa còn có Vương Nghị, một thành viên khác của Bộ Chính trị và là nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, người đã đảm nhiệm ghế ngoại trưởng sau khi Tần Cương bị cách chức hồi tháng 7.

 

Nếu không có sự hiện diện của một chuyên gia về các vấn đề tài chính và kinh tế, thì phía Trung Quốc không tài nào có thể thảo luận chi tiết về các vấn đề kinh tế.

 

Trong khi đó, về phía Mỹ, ba đại diện tham dự bữa trưa là Biden, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, và Ngoại trưởng Antony Blinken. Người đồng cấp phía Trung Quốc của Sullivan và Blinken lần lượt chính là Thái Kỳ và Vương Nghị.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F2%2F5%2F0%2F5%2F46945052-1-eng-GB%2F2023-11-15T193928Z_2097484250_RC2FMX9766NB_RTRMADP_3_APEC-USA-CHINA+%281%29.JPG?source=nar-cms

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tập Cận Bình tại dinh thự Filoli bên lề thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương ở Woodside, California, vào ngày 15/11. © Reuters

 

Thật ra, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong đã tới Mỹ trước chuyến thăm của Tập và hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.

 

Nếu ông đạt được những thỏa thuận đáng chú ý với Mỹ thông qua các cuộc họp để chuẩn bị cho thượng đỉnh Tập-Biden, thì hẳn Hà đã tháp tùng Tập đến Mỹ để khoe về những thành tựu của mình ngay tại hội nghị, vốn là một sự kiện quan trọng.

 

Về phần mình, Yellen đã đóng một vai trò quan trọng trong chuyến thăm của Tập. Bà luôn tạo ấn tượng rằng mình là người thân Trung Quốc và đã chào đón Tập bằng một cái bắt tay sau khi ông bước xuống chuyên cơ tại Sân bay Quốc tế San Francisco.

 

Chức vụ Bộ trưởng Tài chính rất quan trọng, thể hiện qua việc Yellen ngồi cạnh Biden tại cuộc họp mở rộng trong thượng đỉnh. Nhưng ngồi đối diện với Yellen không phải là chuyên gia kinh tế Hà Lập Phong, người vắng mặt, mà là Thái Kỳ, nhân vật phụ trách an ninh quốc gia.

 

Danh sách người tham dự cho thấy hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung phần lớn bị chi phối bởi các vấn đề an ninh.

 

Thay mặt cho Hà, Trịnh Sách Khiết, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, đã tháp tùng Tập trong chuyến thăm Mỹ để hỗ trợ đối thoại về chính sách kinh tế giữa hai nước. Khác với Ủy viên Bộ Chính trị Hà, Trịnh là thành viên cấp thấp trong Ban Chấp hành Trung ương.

 

Trịnh cũng không hiện diện nhiều trong hội nghị thượng đỉnh. Suy cho cùng, ông chỉ là một chính trị gia cấp thấp, ít kinh nghiệm trên trường quốc tế.

 

Nguồn tin quen thuộc với các vấn đề kinh tế song phương nhận xét “Khi người ta biết rằng Hà Lập Phong không phải là thành viên trong đoàn tháp tùng Tập đến Mỹ, việc thiếu vắng thành tựu kinh tế trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung là một kết luận có thể đoán trước được.”

 

Nguồn tin cho biết rất nhiều người trông chờ tiến bộ đạt được trong các vấn đề kinh tế và thương mại song phương, vốn rất quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. Chuyến thăm Mỹ của Phó Thủ tướng Hà hóa ra chỉ là chuyến đi hình thức trước thềm chuyến thăm của Tập.

 

Vì không thể mang thành tựu kinh tế nào từ thượng đỉnh về nhà, chính phủ Tập Cận Bình không thể nhanh chóng tổ chức hội nghị trung ương ba. Kế hoạch tuyên truyền thành tích đã bị sụp đổ.

 

Chuyến thị sát Thượng Hải của Tập gần như không thu hút được phản ứng nào của thị trường, bất chấp sự xuất hiện của các thông báo trước. Ngay cả các doanh nghiệp nhà nước được chính phủ hỗ trợ cũng không hưởng ứng bằng cách mua cổ phiếu một cách nhiệt tình.

 

Nếu các công ty nhà nước không có động thái nào, thì các công ty tư nhân sẽ không thể nào hành động – đơn giản là họ không đủ khả năng để làm điều đó, do hiệu quả kinh doanh đang sa sút.

 

Ngoài ra, còn một diễn biến rất thú vị khác vào thứ Ba.

 

Tòa án Tối cao Hong Kong đã hoãn phiên điều trần yêu cầu thanh lý tài sản của tập đoàn phát triển bất động sản China Evergrande Group cho đến ngày 29/01. Tòa có lẽ đã trì hoãn ra quyết định vì cho rằng thời điểm trong và ngoài nước chưa chín muồi.

 

Nhưng tập đoàn này có trụ sở chính và phần lớn tài sản ở Trung Quốc đại lục. Chưa rõ liệu thẩm quyền của Tòa án Hong Kong đối với việc xử lý tài sản có mở rộng sang tài sản ở đại lục hay không.

 

Nhà sáng lập Evergrande Hứa Gia Ấn là người quen biết rất rộng, và nhiều khả năng ông có mối quan hệ bền chặt với các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hứa chính là người thúc đẩy đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng nhà ở phù hợp với chính sách quốc gia. Ông thường xuyên đi lại giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục để gọi vốn.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F5%2F3%2F0%2F5%2F46945035-1-eng-GB%2F2017-03-28T120000Z_1167003347_RC170181D4E0_RTRMADP_3_EVERGRANDE-RESULTS.JPG?source=nar-cms

Nhà sáng lập Evergrande Hứa Gia Ấn tham dự cuộc họp báo về kết quả kinh doanh hàng năm của tập đoàn tại Hong Kong vào ngày 28/03/ 2017. © Reuters

 

Nhưng những mối quan hệ chính trị của ông giờ đã trở nên vô ích. Ông đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giam.

 

Evergrande tuyên bố vỡ nợ ở nước ngoài sau khi không thể trả lãi cho khoản trái phiếu bằng đô la Mỹ trong thời gian ân hạn. Vụ bê bối này có liên quan đến nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

 

Dù vậy, vấn đề Evergrande vẫn được để ngỏ là bởi các nhà chức trách chưa thể đưa ra quyết định về việc khắc phục khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản. Trung Quốc sẽ bước vào năm mới trong khi vẫn chưa giải quyết được vấn đề quan trọng và cấp bách nhất mà nền kinh tế nước này đang phải đối mặt.

 

----------------------

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

 

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi-Biden summit leaves China’s economic policies up in air,” Nikkei Asia, 07/12/2023





No comments:

Post a Comment

View My Stats