Sunday, 10 December 2023

ẨN GIẤU : NHỮNG VẤN ĐỀ ÍT ĐƯỢC NÓI ĐẾN VỀ NGƯỜI KHUYẾT TẬT (Minh Nhật | Luật Khoa Tạp Chí)

 



 

Ẩn giấu: Những vấn đề ít được nói đến về người khuyết tật

Minh Nhật  -  Luật Khoa Tạp Chí

December 07 2023 5:26 PM

https://www.luatkhoa.com/2023/12/an-giau-nhung-van-de-it-duoc-noi-den-ve-nguoi-khuyet-tat/

 

Hiển nhiên nhưng ít ai thấy.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2023/11/Feature-4-.png

Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.

 

 

Khi được yêu cầu hãy tưởng tượng về một người khuyết tật bất kỳ, có khả năng cao hình ảnh một người đáng thương với số phận bất hạnh sẽ hiện lên trong đầu phần lớn chúng ta. Nếu không, đó có thể là một người khuyết tật đã cố gắng, nỗ lực vượt lên số phận, “tàn mà không phế”. Đó có lẽ là hai hình ảnh phổ biến nhất về người khuyết tật.

 

Những câu chuyện như vậy được lặp đi lặp lại làm chúng ta vô tình đóng khung người khuyết tật trong những định kiến. Trong bài viết này, người viết sẽ phân tích ba vấn đề thường được xem như hiển nhiên về người khuyết tật nhưng lại chưa được nhìn nhận thỏa đáng. Đó là thương cảm (pity), vật truyền cảm hứng (tạm dịch từ inspiration porn), và kỳ thị (stigma). 

 

 

Thương cảm (Pity)

 

Báo Dân Trí trước đây có một bài viết của một độc giả có người yêu là người khuyết tật, đại ý bài viết mô tả người khuyết tật là những người chịu thiệt thòi, do đó nên cần sự cảm thông và chia sẻ từ người khác. Trong bài viết, người khuyết tật hiện lên như những người cố gắng vượt qua nghịch cảnh và chịu nhiều bất hạnh, vì vậy họ xứng đáng nhận được sự quan tâm và nâng đỡ từ những người không khuyết tật. [1]

 

Không chỉ có bài viết này mà chỉ cần tìm kiếm cụm người khuyết tật trên Internet, chúng ta sẽ dễ dàng tìm được các bài viết có nội dung tương tự, nào là “Hãy yêu thương và hết lòng giúp đỡ người khuyết tật” hay là “Cảm thông và chia sẻ của cộng đồng dành cho những người khuyết tật”. [2] [3] Những bài viết này đều có cùng điểm chung là chúng thể hiện sự thương cảm của tác giả dành cho người khuyết tật. 

 

Thương cảm hay thương hại (pity) theo từ điển Britannica định nghĩa là một trạng thái cảm xúc mạnh thường buồn bã hoặc cảm thông cho một ai đó hoặc một điều gì đó. Thoạt nhìn, đây chỉ là một xúc cảm thông thường của con người dành cho người khác. Tuy nhiên, khi dùng cảm xúc này cho người khuyết tật, nó lại ẩn chứa nhiều vấn đề liên quan đến chênh lệch quyền lực. 

 

Trong bài viết “Troubling Signs: Disability, Hollywood Movies and the Construction of a Discourse of Pity” (tạm dịch: Những dấu hiệu rắc rối: Người khuyết tật, phim Hollywood và việc xây dựng diễn ngôn về lòng thương cảm), hai tác giả Michael Hayes và Rhonda Black cho rằng lòng thương cảm biến khuyết tật trở thành một sự giam cầm về xã hội, thể chất, và tinh thần. Ở đó, sự thương cảm không chỉ là một trạng thái cảm xúc, mà nó còn hàm chứa các ý niệm về quyền lực. 

 

Khi thể hiện lòng thương cảm với người khuyết tật, nó trở thành một phản ứng xã hội về mặt cảm xúc, lề hóa người khuyết tật, tạo lập vai vế của người thương cảm và người được thương cảm, và phục vụ lợi ích cho người thương cảm thay vì người được thương cảm. Người thương cảm khi đó cảm thấy họ thuộc một cộng đồng tử tế, nhân văn, và đầy tình người. Người được thương cảm bị hạ bệ thành những người bất hạnh, và cần được nâng đỡ. [4]

 

Điều này cũng được tác giả Joseph Shapiro chia sẻ trong cuốn “No Pity: People with Disabilities Forging a New Civil Rights Movement” (tạm dịch: Không thương cảm: Người khuyết tật khởi đầu một phong trào dân quyền mới), trong đó ông nhấn mạnh “Thương cảm hạn chế các khả năng trong cuộc sống. Thương cảm là áp chế. Thương cảm hàm ý các ý nghĩa về việc cung cấp cho, quan tâm cho, và bảo vệ một ai đó.” Theo quan điểm của Saprio, khuyết tật không ẩn chứa những ý niệm về thương cảm, mà những nỗi sợ hãi, huyền thoại, và khuôn mẫu xã hội mới chính là những trở ngại của người khuyết tật. [5]

 

Những ý niệm về thương cảm đối với người khuyết tật phản ánh mô hình cá nhân, vốn cho rằng khuyết tật là vấn đề khiếm khuyết của người khuyết tật. Ngược lại, các phản biện của Michael, Rhonda, và Saprio thể hiện góc nhìn của mô hình xã hội, trong đó nhấn mạnh sự ảnh hưởng của xã hội trong việc hình thành khuyết tật cho người khuyết tật. 

 

Nếu quan tâm, độc giả có thể đọc bài viết trước của người viết về hai mô hình này thông qua ví dụ về người Điếc. Xem thêm: Người Điếc: khuyết tật hay cộng đồng ngôn ngữ thiểu số?

 

 

Vật truyền cảm hứng (Inspiration porn)

 

Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi Việt Nam có một bài viết tiêu điểm về “Top 11 tấm gương người khuyết tật tiêu biểu nhất Việt Nam”. Sau khi liệt kê 11 tấm gương điển hình, ở cuối bài, tác giả chia sẻ: “Có thể nói, những tấm gương về người khuyết tật trên đã và đang thành công trên những con đường khác nhau chính là động lực về ý chí, nghị lực cho chúng ta trong cuộc sống.” [6]

 

Bài viết này là một ví dụ tiêu biểu cho một thuật ngữ mang tên “vật truyền cảm hứng” (tạm dịch từ inspiration porn) được Stella Young, một nhà hoạt động về quyền người khuyết tật, trình bày trong một bài nói chuyện trên TED Talks năm 2014. [7]

 

Cô cho rằng những câu chuyện như trên biến người khuyết tật thành những vật thể truyền cảm hứng. Người khuyết tật bị vật thể hóa, bị phi nhân hóa nhằm phục vụ cho lợi ích của nhóm không khuyết tật. Với những khiếm khuyết trên người, người không khuyết tật cho đó là những điều tồi tệ đã xảy ra cho người khuyết tật. Chính vì vậy, việc họ có thể vượt qua được những khó khăn này quả là một điều phi thường. 

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/2023/12/6b43b5aad8eb0699474438db1d7c43d7cbc3b326_2400x1800.jpg

Nhà hoạt động Stella Young gây ấn tượng với câu nói “Tôi không phải nguồn cảm hứng của bạn. Cảm ơn nhiều.” trong quãng thời gian hoạt động cho quyền của người khuyết tật. Nguồn ảnh: TED.

 

Thông qua góc nhìn của vật truyền cảm hứng, người khuyết tật chỉ nên kể một câu chuyện, câu chuyện truyền cảm hứng, những câu chuyện mà có thể nhiều người muốn nghe. Những câu chuyện còn lại là không quan trọng, hoặc không đáng lưu tâm. 

 

Tương tự như phân tích về thương cảm, góc nhìn về vật truyền cảm hứng cũng phản ánh mô hình cá nhân. Ở đó, vấn đề chỉ là thái độ là sự cố gắng của cá nhân người khuyết tật, những rào cản xã hội khác là không quan trọng hoặc không đáng lưu ý. 

 

 

Kỳ thị (Stigma)

 

Cuối cùng là vấn đề về kỳ thị, đây không chỉ vấn đề xảy ra cho người khuyết tật mà nó còn có thể xảy ra với các “nhóm lệch chuẩn” khác như người LGBTQI+, hay các nhóm dân tộc thiểu số. 

 

Các vấn đề về kỳ thị xã hội được nhà xã hội học Erving Goffman phân tích trong cuốn sách “Stigma: Notes on the Management of Spoiled Identity” (tạm dịch: Kỳ thị: Lưu ý về việc kiểm soát danh tính hư hỏng) xuất bản năm 1963. Trong đó, kỳ thị được định nghĩa là sự không thừa nhận cao độ đối với một cá nhân dựa trên các đặc điểm xã hội, mà các đặc điểm này được cho là phân biệt họ với các thành viên khác trong xã hội. Kỳ thị không chỉ là vấn đề phân biệt của cá nhân mà là một hiện tượng xã hội, được tạo thành do các tương tác xã hội gây nên. Do đó, khi nói đến kỳ thị thì luôn luôn bao hàm hai đối tượng của kỳ thị: người kì thị và người/đối tượng bị kỳ thị. [8]

 

Vậy thì tại sao vấn đề kì thị lại quan trọng như vậy đối với người khuyết tật và các nhóm được cho là lệch chuẩn khác?

 

Có hai vấn đề quan trọng đối với kỳ thị. Thứ nhất, kỳ thị làm tăng các định kiến về bình thường và loại trừ các nhóm lệch chuẩn. Khi đó người kì thị có sẵn một tiêu chuẩn nhằm áp đặt lên nhóm bị kỳ thị. Trong trường hợp của người khuyết tật, đó là việc thúc đẩy cho việc chữa trị và phục hồi chức năng. Sự khác biệt của người khuyết tật hay các nhóm được cho là lệch chuẩn khác cần phải được chữa trị và phục hồi nhằm đạt được các tiêu chuẩn bình thường trong xã hội. 

 

Thứ hai, kỳ thị được dùng như một công cụ nhằm kiểm soát xã hội (social control). Khi nhấn mạnh vào các giá trị được cho là chuẩn mực (normalcy), những đặc điểm khác biệt của những nhóm lệch chuẩn thường bị phi giá trị (devalued). Trong cuốn, “The Dilemma of Difference” (tạm dịch: Thế tiến thoái lưỡng nan của sự khác biệt), tác giả Mark Stafford và Richard Scott lập luận rằng: “Bởi vì những người bị kỳ thị là không có giá trị, họ trở thành đối tượng của kiểm soát xã hội, với chức năng nhằm giới hạn sự tham gia xã hội của họ.” [9] Khi đó, những nhóm bị cho là lệch chuẩn, như người khuyết tật, bị loại trừ trong các tương tác xã hội thông qua quá trình kỳ thị nhằm củng cố cho các chuẩn mực bình thường.

 


Chú thích

 

1. Tôi rất cảm thông với người khuyết tật. (2009, April 17). Báo Điện Tử Dân Trí. https://dantri.com.vn/ban-doc/toi-rat-cam-thong-voi-nguoi-khuyet-tat-1240163465.htm

 

2. Hãy yêu thương và hết lòng giúp đỡ người khuyết tật! (2020). Sở Y Tế Bạc Liêu. https://syt.baclieu.gov.vn/-/h%C3%A3y-y%C3%AAu-th%C6%B0%C6%A1ng-v%C3%A0-h%E1%BA%BFt-l%C3%B2ng-gi%C3%BAp-%C4%91%E1%BB%A1-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-khuy%E1%BA%BFt-t%E1%BA%ADt-

 

3. AZ Việt. (2022, June 14). Cảm thông và chia sẻ của cộng đồng dành cho những người khuyết tật - Đồng Hành Việt Online. Đồng Hành Việt. https://donghanhviet.vn/cam-thong-va-chia-se-cua-cong-dong-danh-cho-nhung-nguoi-khuyet-tat/

 

4. Hayes, M., & Black, R.S. (2003). Troubling Signs: Disability, Hollywood Movies and the Construction of a Discourse of Pity. Disability Studies Quarterly, 23.

 

5. Shapiro, J. P. (1994). No pity: people with disabilities forging a new civil rights movement. New York Times Books.

 

6. Top 11 Tấm gương người khuyết tật tiêu biểu nhất của Việt Nam. (n.d.). http://asvho.vn/top-11-tam-guong-nguoi-khuyet-tat-tieu-bieu-nhat-cua-viet-nam-a143.html

 

7. Stella Young. (2014, June 9). I'm not your inspiration, thank you very much. TED. Retrieved October 17, 2023, from https://www.ted.com/talks/stella_young_i_m_not_your_inspiration_thank_you_very_much/transcript

 

8. Matthew McIntosh. (2018, March 17). A Sociological Understanding of Deviance, Social Control, and Crime. Brewminate. Retrieved October 17, 2023, from https://brewminate.com/a-sociological-understanding-of-deviance-social-control-and-crime/

 

9. Mark Stafford & Richard Scott. (1986). Stigma, Deviance, and Social Control. The Dilemma of Difference, 77–91. https://link.springer.com/chapter/10.1007/978-1-4684-7568-5_5






No comments:

Post a Comment

View My Stats