Thursday, 9 November 2023

VÌ ĐÂU DÂN TRÍ THẤP (Nguyễn Đình Cống)

 



 VÌ ĐÂU DÂN TRÍ THẤP  

Nguyễn Đình Cống

8-11-2023  22:16  

https://www.facebook.com/ngdinhcong/posts/pfbid02jWZRMvLjfDo5gqjAWRgkLTW49PD3qxwaRdwtgUqvUq99pzXMLLqYynoUseqaArsGl?locale=vi_VN

 

 (bài đã đăng trước đây, nay sửa chữa và đăng lại)

 

Nguyên nhân rất nhiều tai họa mà đa số người dân Việt Nam hiện nay phảỉ chịu được quy về hai nhóm: Những sai lầm trong lãnh đạo và dân trí thấp. Hai nguyên nhân này phối hợp với nhau, cộng hưởng lẫn nhau, thể hiện ra dưới nhiều dạng khác nhau. Một trong các dạng thường được trình bày là sự kết hợp giữa những độc hại của chủ nghĩa Mác Lê và một số yếu kém trong văn hóa dân tộc. Sai lầm trong lãnh đạo là do chủ nghĩa Mác Lê, dân trí thấp tạo ra một số yếu kém về văn hóa.

 

Bài viết này không bàn đến những sai lầm của lãnh đạo, chúng đã được nhiều người trình bày ở nhiều nơi và còn được tiếp tục. Chỉ xin bàn đến một phần nhỏ trong vấn đề dân trí.

 

Dân trí có ba loại, về khoa học, về nghề nghiệp và về chính trị.

 

Dân trí về khoa học là những kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và những ứng dụng các kiến thức đó trong đời sống. Dân trí về nghề nghiệp là những hiểu biết, tình cảm, kỹ năng, kỹ xảo đối với nghề đang làm .

 

Dân trí chính trị là những hiểu biết về các loại chính quyền và quan hệ giữa chính quyền với người dân, về nhân quyền và dân quyền, về tự do, dân chủ, bình đẳng, về, về những biện pháp để thực thi nhân quyền và dân quyền, để tự bảo vệ và đòi được bảo vệ khi các quyền bị xâm hại, về sự hoạt động của các đảng phái chính trị v.v…

 

Ba loại dân trí không mâu thuẩn nhau, nhưng cũng không hoàn toàn thống nhất trong mỗi người. Đã từng có những người làm chủ bằng cấp cao về khoa học, nắm vững chuyên môn giỏi trong nghề nghiệp mà lại có hiểu biết không những mơ hồ mà con sai về dân trí chính trị.

 

Ở VN, dưới thể chế hiện tại, không phải chỉ dân trí chính trị thấp mà “quan trí” càng thấp, hơn nữa chức quan càng cao thì trí tuệ càng thấp so với yêu cầu. Có ý kiến cho rằng: Dân trí thấp thì làm sao quan trí cao được, vì dân ấy sinh ra quan ấy. Nhưng cách nói ngược lại rằng “quan ấy sinh ra dân ấy” có thể đúng hơn.

 

Phan Chu Trinh đã rất đúng khi ra sức vận động “Nâng cao dân trí, Chấn hưng dân khí”. Sự hoạt động của nhiều người, nhiều tổ chức xã hội dân sự cũng nhằm nâng cao dân trí, chính trị, cho đấy là động lực của tiến bộ.

 

Nguyên nhân nào làm cho dân trí chính trị thấp. Phải chăng bản chất của nòi giống dân tộc Việt là có trí tuệ kém. Không, không phải thế. Có thể nêu ra hàng ngàn, hàng vạn dẫn chứng trong lịch sử, rằng về bản chất, dân tộc Việt có trình độ trí tuệ không hề thấp kém. Nhưng hiện nay, rõ ràng dân trí chính trị của đại đa số người Việt ở trong nước thấp hơn so với rất nhiều quốc gia, thấp hơn người Việt ở nước ngoài. Nhận xét ở đoạn trên (dân trí thấp tạo ra quan trí thấp) nghe qua thấy có vẻ đúng về hình thức nhưng sai về bản chất, là người ta đổ lỗi cho dân, cho rằng dân trí thấp là tại dân. Phải chăng tại dân cam tâm chịu ngu dốt, không chịu giác ngộ về nhân quyền và dân quyền, tại vì dân chỉ chăm lo niêu cơm, manh chiếu mà không quan tâm đến văn hóa, chính trị, sẵn sàng chịu sai khiến v.v… Việc đổ lỗi cho dân là quá dễ nên một số người đã nghĩ và làm như thế. Không,không phải như thế. Những người tử tế không tán thành cách đổ lỗi như vậy.

 

Đúng là có hiện tượng một số người dân chỉ lo cho niêu cơm manh chiếu nhà mình mà không quan tâm đến văn hóa, chính trị, cam tâm chịu sai khiến, nhưng đó là số ít, rất ít và chủ yếu họ bị bắt buộc, bị kìm kẹp, bị dọa nạt. Họ sợ chính quyền, sợ không giống những người xung quanh, sợ bị trừng phạt. Nhưng bản chất của dân Việt không phải như vậy.

 

Nguyên nhân chủ yếu của dân trí chính trị thấp bắt nguồn từ phía lãnh đạo. Về hình thức, ngoài mồm hoặc trong văn bản, lãnh đạo nói nhiều, nói mạnh đến phát triển văn hóa giáo dục, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài v.v…, nhưng thực tế họ cố nâng cao dân trí khoa học và dân trí nghề nghiệp một cách lệch lạc là nặng về dạy người ta làm theo mẫu, trả lời chủ yếu câu hỏi làm như thế nào, mà không dạy học khai phóng nhằm kích thích sáng tạo, trả lời câu hỏi tại sao, là tìm cách xa rời tính nhân bản nhằm đào tao con người tự do mà tránh việc đào tạo con người công cụ, còn dân trí chính trị thì bị làm cho lệch lạc bằng một số biện pháp sau: 1- Nền giáo dục phụ họa chính quyền, xa rời tính nhân bản, khai phóng. 2- Hệ thống tuyên truyền một chiều. 3- Ngăn cấm tự do ngôn luận. 4- Khống chế việc thống nhất tư tưởng và lòng trung thành với đảng; 5- Đàn áp các xu hướng khác biệt, ngăn cấm các phản biện và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự.

 

Kết quả của chính sách, đường lối trên dẫn tới dân trí chính trị càng ngày càng thấp. Sự kìm kẹp và dối trá đã buộc khá đông thành phần tinh hoa nhập vào giòng chảy chất xám. Số trí thức được đảng đào tạo hoặc tiếp nhận, phần lớn chỉ giỏi phụ họa, hữu danh vô thực, một số ít tuy có trình độ nhưng chỉ phát huy được trong lĩnh vực chuyên môn hẹp, hoặc vì trung thực nên bị vô hiệu hóa, một số khác vì phản biện mà bị tù đày. Lãnh đạo có những chủ trương trên đây, chủ yếu là do đã bị Tàu cộng xúi bẫy, bị mắc lừa mà cứ tưởng được dạy bảo thực lòng theo mười sáu chữ vàng. Một số người tưởng nhầm là làm cho dân ngu để dân giữ một lòng trung thành, không còn ai phản biện, để cho một mình đảng, tha hồ kiên trì chủ nghĩa mà họ tôn thờ. Nhưng không phải như vậy, làm cho dân ngu một thì lãnh đạo nhận lấy ngu gấp hai, gấp ba lần. Thực tế chứng tỏ rõ rằng càng về sau trình độ lãnh đạo ngày càng thấp là dẫn chứng, càng dễ bị lệ thuộc vào Trung cộng.

 

Trong lúc dẫn dắt dân Việt làm cách mạng, làm chiến tranh để mang lại độc lập và thống nhất lãnh thổ, lãnh đạo đã phạm một số sai lầm trong đó làm ngu dân về chính trị là thuộc loại khá nặng, một mặt nó góp phần tạo ra máu chảy đầu rơi, phá nát kinh tế mặt khác quan trọng hơn, nó hủy hoại nền văn hóa truyền thống, hủy hoại tinh thần bất khuất của nhân dân, làm suy yếu dân tộc, tạo cơ hội và điều kiện cho kẻ thù phương bắc thao túng.

 

.

192 BÌNH LUẬN  

 









No comments:

Post a Comment

View My Stats