Đã uống rượu bia thì không lái xe
29/11/2023
https://baotiengdan.com/2023/11/29/da-uong-ruou-bia-thi-khong-lai-xe/
LGT của Tiếng Dân: Ở Mỹ và các nước phương Tây,
luật cấm lái xe khi say rượu, bia, hoặc các chất kích thích khác (Tiếng Anh gọi
là DUI – Driving Under the Influence) đã có hơn 100 năm trước. Chẳng hạn như, ở
tiểu bang California, luật này có từ năm 1911, với các hình phạt nghiêm khắc
nhằm răn đe những người lái xe bị DUI.
Về nồng độ cồn trong máu cao bao nhiêu thì phạm luật DUI, hiện DMV (Nha Lộ Vận) bang California quy định như sau: Nồng độ cồn
0,08% hoặc cao hơn nếu người lái xe trên 21 tuổi; 0,01% hoặc cao hơn nếu người
lái dưới 21 tuổi; 0,01% hoặc cao hơn ở mọi lứa tuổi nếu người lái đang trong thời
hạn bị quản chế do vi phạm DUI trước đó; 0,04% hoặc cao hơn nếu người lái xe
yêu cầu phải có bằng lái xe thương mại; 0,04% hoặc cao hơn nếu một người đang
lái xe chở khách thuê.
Để tránh lặp lại chuyện “sai – sửa, sửa – sai” như luật Căn cước và các
luật khác, cũng như tiết kiệm tiền của dân qua các phiên họp Quốc hội, các nhà
lập pháp Việt Nam có thể mượn luật (của California hoặc các tiểu bang khác, thậm
chí các nước khác) về nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với hoàn cảnh trong nước.
Sau đây là bài viết của bác sĩ Võ Xuân Sơn, bàn về
chuyện lái xe khi say rượu bia ở trong nước:
***
Tôi đọc được nhiều ý kiến phản đối sự quyết liệt trong việc đo nồng độ
cồn của cảnh sát. Gần đây, còn nhiều ý kiến viện dẫn sự sụp đổ của hệ thống
quán nhậu, và qui kết sự sụp đổ này là do sự quyết liệt của cảnh sát trong việc
đo nồng độ cồn ở người lái xe.
Tôi là người đã từng phản đối việc qui định cứ có nồng độ cồn là phạt.
Tôi từng đề nghị, cần có một tỉ lệ cho phép ở mức tối thiểu, dành cho các trường
hợp có nồng độ cồn tự nhiên do thức ăn mà không phải do bia rượu. Đó là một ý
kiến về mặt kĩ thuật. Còn tôi tuyệt đối ủng hộ chủ trương ngăn chặn quyết liệt
người uống bia rượu rồi mà vẫn lái xe.
Tôi đã có 20 năm làm công việc cấp cứu chấn thương sọ não, mà đại đa số
là chấn thương liên quan đến việc uống rượu bia rồi mà vẫn lái xe. Tôi từng làm
việc dưới tư cách bác sĩ tập sự, bác sĩ chính thức, và bác sĩ trưởng tua trực
(người chịu trách nhiệm chuyên môn cao nhất trong thời gian trực). Nếu kể thêm
3 năm đi theo các đàn anh khi còn là sinh viên, thì tôi đã tham gia cấp cứu chấn
thương sọ não trong tất cả các vị trí mà một bác sĩ có thể tham gia như một người
làm chuyên môn.
Còn nhớ một đêm Mùng Hai Tết nào đó, tôi đã phải mổ liên tục, từ 7 giờ
sáng đến 5 giờ sáng hôm sau, hơn chục ca chấn thương sọ não. Trên vai trò là
trưởng tua trực, tôi còn phải xem xét và quyết định hàng chục ca mổ khác nữa,
và phân công người mổ, người khám bệnh, sàng lọc ở phòng cấp cứu, người khám và
theo dõi bệnh nhân ở lầu trại. Đó là còn chưa kể các cú điện thoại tham vấn về
chuyên môn ở một số tỉnh từ Đà Nẵng trở vô.
Ca mổ cuối cùng của tôi lúc 5 giờ sáng là một người say xỉn chạy xe gắn
máy. Anh ta đã tông vô một chiếc xe có hai vợ chồng chở đứa con nhỏ, mà trước
đó tôi đã phải mổ cho đứa con ấy. Cho tới lúc tôi mổ, anh ta vẫn là vô danh
(không biết danh tính, tên tuổi). Trong sự mệt mỏi và cực kì chán nản vì mình
phải vắt kiệt sức ra để phục vụ cho những kẻ ăn nhậu xong rồi ngang nhiên lái
xe, bất chấp sinh mạng của họ và người khác, tôi đã có những lời lẽ thật không
hay với người bệnh nhân của mình.
Tôi đã nguyền rủa anh ta sao nhậu xong không chết luôn đi, mà còn gây
tai nạn cho người khác, rồi làm khổ cho cả tôi và nhân viên y tế. Các bạn có thể
tưởng tượng, là vào lúc 5 giờ sáng của ngày Mùng 3 Tết, tôi chưa được ăn bữa tối
của ngày Mùng Hai. Trước khi tôi mổ cho cái anh chàng bị tôi nguyền rủa, có một
ca khác cần phải mổ sớm, là người nhà của một người bạn của một bác sĩ trong
khoa.
Bác sĩ này trực ngày Mùng Một, sáng Mùng Hai ra trực. Biết là bác sĩ ấy
đã được ngủ, nên 5 giờ sáng Mùng Ba, tôi đã gọi cho anh ấy, nhờ anh ấy vô mổ
cho người nhà của bạn anh ấy. Thực ra thì lúc ấy chúng tôi cũng không còn ai
khác, mà nếu chờ tôi mổ xong cho anh chàng bị tôi nguyền rủa, thì ca này có thể
đã không còn hi vọng. Tức quá thì chửi rủa xả stress thôi, chứ đâu có thể bỏ mặc
anh ta, để mổ cho người nhà của bạn của đồng nghiệp mình được.
Nếu các bạn đã trải qua như tôi, thì tôi tin rằng các bạn sẽ rất ủng hộ
việc các anh cảnh sát quyết liệt đo nồng độ cồn cho người lái xe. Tôi còn nghe,
cảnh sát rất quyết liệt với việc uống bia rượu xong vẫn lái xe, đến mức không
thể hối lộ cho họ được. Nếu đúng vậy thì thật mừng, là ít ra còn có một mảng mà
cảnh sát quyết tâm thực hiện.
Tôi nghĩ rằng, những người đang phản đối việc đo nồng độ cồn cho người
lái xe, và những người đang tỏ ra lo lắng cho các chủ quán nhậu và nền kinh tế
bị giảm thu do quán nhậu đóng cửa, sao không nhìn thấy cái cốt lõi của việc kiểm
soát nồng độ cồn ở người lái xe, là “đã uống rượu bia thì không lái xe”, để mà
vận động người nhậu xong thì đi xe công cộng về. Taxi, xe ôm công nghệ đang đầy
ra kia, họ đang rất mong có người gọi để chở về.
Tại sao cứ phải lái xe ra quán nhậu, nhậu xong thì lại leo lên xe lái về,
để gây tai nạn cho chính mình và người khác? Nếu đã chủ đích đi nhậu, thì để xe
ở nhà hoặc gởi ở cơ quan, hoặc chỗ nào giữ xe, đi xe buýt, taxi hay xe ôm đến
quán, và đi về cũng bằng phương tiện công cộng. Có ai phạt người nhậu mà không
lái xe đâu, ngoại trừ nhậu xong đập phá hay đâm chém nhau mà thôi.
Bỏ tiền nhậu thì được, còn bỏ tiền đi xe công cộng thì tiếc. Coi rẻ mạng
mình và mạng người khác, làm phiền, gây khổ cho nhân viên y tế và người thân.
Đó là cái văn hóa nhậu tệ hại, cần loại bỏ. Đừng viện cớ giảm thu thuế để bao
biện cho việc nhậu xong lái xe về.
No comments:
Post a Comment