Nhà
văn Nguyễn Đình Toàn, trong cuộc trò chuyện cuối
Thứ Tư, 11/29/2023 - 10:25 — tuankhanh
https://www.rfavietnam.com/node/7851
Trong cái chớp mắt của cõi nhân gian, lại bàng hoàng nhận ra một
cái tên lừng danh văn hoá và báo chí miền Nam nữa đã ra đi. Nhà văn Nguyễn Đình
Toàn đã rời bỏ nơi trần thế, ra đi vào lúc 7 giờ 15 phút tối Thứ Ba, 28 Tháng
Mười Một, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 87 tuổi.
Năm 1998 nhà văn Nguyễn Đình Toàn đến Mỹ, góp vào khung trời ký ức mang
theo của người Việt hải ngoại về một thời thi ca nhạc hoạ lẫy lừng miền Nam, có
Nguyễn Đình Toàn như người kể chuyện âm nhạc độc đáo Sài Gòn, qua sóng phát
thanh. Nhà thơ Du Tử Lê từng gọi ông là một nghệ sĩ như người tình không chân
dung của người yêu nhạc, vì người nghe mê say cách ông trình bày một ca khúc,
diễn đạt một ý niệm, mô tả về hình ảnh như du vào mộng, mở cửa vào khu vườn bí
mật của mỗi tối thứ Năm, chương trình nhạc chủ đề.
Vào giai đoạn đó, nhà văn Nguyễn Đình Toàn như một người dẫn chương
trình độc đáo, nâng bước cho nhiều nghệ sĩ. Về sau, nhiều bài hát hay album của
những ca sĩ từng được ông giới thiệu trên đài, vẫn hay chép lại những mô tả của
ông để in trên bìa băng , bài nhạc như khẳng định uy tín. Chẳng hạn, Nguyễn
Đình Toàn đã từng giới thiệu về Khánh Ly, mà về sau câu nói của ông luôn được
dùng lại trong các giới thiệu: “Khánh Ly – người đàn bà hát những bài tình ca
không hạnh phúc”.
Nói về nghề phát thanh viên, Nguyễn Đình Toàn đã mở ra một cách thức mới
mẻ, bằng tiếng nói nhỏ nhẹ, giọng Bắc 1954 êm nhẹ như ru ngủ, cộng với văn tài
của ông mà về sau gần như không có ai có thể thay thế. Nhiều người vào nghề
sáng tác, ca hát đã bỗng chốc quen thuộc với khán giả. Trong một cuộc trò chuyện,
có người đã ví ông tài năng như Oprah Winfrey. Nhưng xét cho cùng, Nguyễn Đình
Toàn còn vượt qua ngưỡng ấy, vì ông không là show diễn, mà dùng tiếng nói của
mình chải chuốt lòng người Việt trong những giai đoạn chiến tranh điêu tàn, vượt
qua những giằng co khác biệt chính trị, mở ra một khung trời thơ mộng trong đêm
tối, mang hy vọng cho ngày mai.
Nhưng nói gì thì nói, Nguyễn Đình Toàn cũng không vượt qua được con mắt
soi xét của chính quyền mới. Sau năm 1975, ông cùng với những bạn văn, bạn thơ,
bạn nhạc… lần lượt đi vào trại giam vì bị coi là thành văn hoá đồi truỵ, những
tên biệt kích văn hoá. Công an ập đến tổng cộng hai lần và đi tù cải tạo một thời
gian gần sáu năm. “Họ dọn đi tất cả sách vở, tài liệu, huy chương, giải thưởng…
nói là để nghiên cứu tội của tôi”, nhà văn Nguyễn Đình Toàn nói, giọng nhỏ nhẹ
như kể chuyện trong một tiết mục trên đài. Các tác phẩm của ông bị truy vết từng
con chữ để lần ra chuyện, trong ý niệm của các điều tra viên. Sau cùng thì các
tác phẩm của ông bị đốt làm gương, và một số được giữ lại trong Bảo tàng Tội ác
Mỹ Nguỵ như chứng tích, trong một thời gian.
Một trong những kỷ vật bị lấy đi, mà ông nhớ tiếc trong nhiều năm, đó
là chiếc kỷ niệm chương Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 1972-1973, trao cho tác
phẩm Áo Mơ Phai – tiểu thuyết nhiều kỳ đăng trên nhật báo Xây Dựng. Tác phẩm
dày 300 trang, câu chuyện qua ánh mắt của một người Hà Nội về nơi chốn của
mình. Cứ tưởng đó là một câu chuyện đời, mà đó lại là câu chuyện của một Hà Nội
muôn thuở sắp mất, mất mãi mãi. Một người trẻ Hà Nội đọc tác phẩm này vào năm
2021, và để lại lời nhận xét “Mỗi tác phẩm đã viết ra như que diêm đã được đốt
cháy. Nhân vật chính trong tác phẩm không phải là những nhân vật được nhắc tới
trong sách mà chính là thành phố Hà Nội. Ai sống ở nơi này thường có cái cảm tưởng
đang sống trong một giấc mơ, có lẽ là giấc mơ không bao giờ phai nhạt với sương
mù cơn mưa sướt mướt hơi lạnh của mùa thu”.
Vào Nam, mang theo trong mình ký ức một thành phố yêu thương của mình,
Nguyễn Đình Toàn dựng lại trong ngôn từ, dựng lại trong tiếc nhớ và dựng lại
cho những người đọc về sau. Mà Không chỉ Áo Mơ Phai, trong nhiều tác phẩm khác
của mình, ông đều dựng nên một không gian lạ lùng định danh Nguyễn Đình Toàn
như vậy.
Nhắc về Giải Văn học Nghệ thuật, mà người ta còn gọi là tắt là giải thưởng
Tổng thống Thiệu, tuyên ngôn của giải này được ghi rằng “Mục đích Giải chính là
nhằm tuyên dương các nỗ lực chấn hưng văn hóa Việt Nam trong hoàn cảnh thế giới
mới có những chuyển biến hết sức phức tạp, cũng là nêu cao chính nghĩa và khát
vọng hòa bình, có nhiệm vụ quảng bá đặc sắc truyền thống nước Việt ra bằng hữu
khắp năm châu”. Vì ý nghĩa này nên ngoài tấm kỷ niệm chương, người đoạt giải
còn nhận được tiền thưởng là 600,000 đồng. Nhà văn Ngô Thế Vinh có nhắc là vào
lúc ông Nguyễn Đình Toàn nhận được số tiền đó, nhà văn Nhật Tiến mua một xe hơi
Renault 4CV, là xe được coi là ngon lành lúc đó, với giá có 400.000 đồng.
Nhà văn Nguyễn Đình Toàn kể, khi lục soát mọi thứ mang đi, viên công an
mang ra tấm Kỷ Niệm Chương bằng đồng, lớn như miệng chén, trên đó có in nổi
dòng chữ “Việt Nam Cộng Hòa – Tổng Thống”, hỏi cái này là cái gì. Ông giải
thích đó là giải thưởng văn học. Không nói không rằng, viên công an đưa tấm Kỷ
niệm chương vào hồ sơ tang vật.
Trải qua lần tù thứ hai, ông được về và phải trình diện với công an khu
vực mỗi tuần, và không được viết cho đến lúc đi. Kỳ diệu thay, nhiều năm sau, một
người Bắc rành rẽ chuyện văn chương thi hoạ miền Nam chợt nhận Kỷ Niệm Chương
có khắc tên ông nằm ở hè bán hàng lạc-xoong. Mua lại với giá bằng hai chai bia,
người này tìm cách gửi lại cho ông. Nghe đâu, những tang vật như vậy, sau năm
1995, người ta tìm thấy được bán rải rác ở các nơi bán đồ cũ, sưu tầm ở miền Bắc
khá nhiều.
Đưa tấm Kỷ Niệm Chương cho chúng tôi xem, ông cười nói “Nó như định mệnh,
mà đã là định mệnh dường như là ta dễ từ bỏ”. Lần cuối, tháng Năm 2023, đến
thăm ông, lúc này ông đã yếu và quên nhiều nhưng vẫn giới thiệu lại chuyện Tấm
Kỷ Niệm Chương.
Gọi con trai mình, anh Nguyễn Đình Thư, mang ra bộ sách cuối cùng của
mình để ký cho chúng tôi, ông không còn giữ vững được cây bút, Chữ viết và chữ
ký chồng lên nhau ngọn xanh như núi, nhìn không còn được chữ. Ký xong, nhìn lại,
ông lại cười “Ừ thì đó là tôi, chữ loạng choạng như người rồi”.
Trò chuyện những giờ cuối với nhà văn Nguyễn Đình Toàn, hỏi ông nhớ gì
Việt Nam. Ông thừ người chốc lát rồi nói “chỉ nhớ con đường làng”. Không biết
được là ông nhớ con đường làng nào, rồi hỏi ông có buồn hay giận gì về những điều
đã mất của mình ở Việt Nam không, ông lắc đầu cười nhẹ như đứa trẻ, không giận
không buồn, người như đã chuẩn bị sẵn hành trang cho mình là một chuyến đi xa
thật thảnh thơi.
Và rồi khi hay tin ông mất ở miền Nam Cali, mới chợt nhận ra rằng ông
là người đã tạo ra khu vườn bí mật, cũ kỹ mà nao lòng, xa xôi mà rộng lớn vô
cùng trong thời đại của chúng ta – những người miền Nam với mãi mãi văn hoá miền
Nam. Nhưng hụt hẫng biết bao, là ông – cây cổ thụ to lớn, thâm sâu nhất trong
khu vườn bí mật của ký ức của chúng ta, đã vẫy tay lìa bỏ địa đàng.
No comments:
Post a Comment