Thursday 30 November 2023

HÀNH TRÌNH 'LÒNG VÒNG' CỦA THẺ CĂN CƯỚC VIỆT NAM CHO THẤY ĐIỀU GÌ? (BBC News Tiếng Việt)

 



Hành trình 'lòng vòng' của thẻ căn cước Việt Nam cho thấy điều gì?

BBC News Tiếng Việt

1 tháng 12 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ceqpejy52vdo

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/88f7/live/18def850-8f77-11ee-833d-0f8d294ddc97.png

Hình mãu thẻ căn cước

 

Một người dân sống tại Sài Gòn nhớ lại thời gian bị hối thúc ra xã để làm căn cước công dân gắn chip giữa đỉnh dịch Covid-19 vào tháng 7/2021.

 

Khi đó, công an tại một huyện ngoại thành TP HCM được huy động làm việc cả ngày lẫn đêm để kịp tiến độ cấp hàng triệu thẻ căn cước.

 

Một người dân nói với BBC News Tiếng Việt với điều kiện ẩn danh: "Hồi năm đó, hệ thống đọc dấu vân tay, chụp ảnh làm căn cước công dân của họ gặp vấn đề. Tôi phải chạy ra xã rồi chạy về nhà đợi, tới chiều tối lại chạy ra tiếp."

 

"Họ cũng lấy số thứ tự, nhưng tôi không hiểu rốt cuộc họ mần ăn thế nào mà cực cho người dân như tôi quá. Có mấy cô bác phải bỏ việc, dịch bệnh cũng ráng phải ra chờ đợi, cũng có người lớn tuổi bị hành như vậy. Khi đó tôi cũng lo sợ vì dịch bệnh tràn lan, thế nhưng đã không có lựa chọn nào khác."

 

Bên cạnh căn cước công dân, ứng dụng VNeID do Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư của Bộ Công an Việt Nam phát triển cũng là một mối đau đầu khác của người dân.

 

"Mấy tháng nay, tôi thấy công an hối thúc bà con ở xã cài ứng dụng VNeID, nhiều người dưới quê có điện thoại xịn đâu mà cài. Tôi nghe nói việc cài đặt này không có ép buộc nhưng công an xã nói họ phải chạy theo chỉ tiêu, nên bắt tôi cài đặt. Tôi coi trên mạng thấy cài tài khoản này rất nguy hiểm, vì có thể lộ thông tin, như ngân hàng... Nhưng không cài không được," người dân này cho biết.

 

Tuy không có quy định bắt buộc nhưng một người dân cho biết cô đã bị công an Việt Nam 'thúc ép' làm định danh điện tử VNeID trong những tháng qua.

 

Một người dân Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài nói với BBC News Tiếng Việt với điều kiện ẩn danh vì lý do an toàn.

 

"Công an xã kêu tôi phải gửi hộ chiếu, hoặc visa, giấy phép làm việc, giấy xác nhận đi học ở nước ngoài để minh chứng tôi đang ở nước ngoài. Họ nói tuy không bắt buộc nhưng bắt tôi phải làm để chạy theo chỉ tiêu thi đua gì đấy. Gia đình tôi cảm thấy rất phiền toái về chuyện này và đối với tôi đây là chuyện vi phạm quyền cá nhân, tôi hoàn toàn có quyền muốn cài đặt hoặc không cài đặt ứng dụng nào."

 

"Tôi thấy không có quy định nào bắt buộc người dân cài nhưng công an xã vẫn thúc ép, nhắn tin ngày đêm cho gia đình tôi. Anh công an xã nói gia đình tôi thông cảm vì đang chạy theo chỉ tiêu. Rốt cuộc chỉ tiêu nào ở đây?"

 

Vụ Việt Nam bị cáo buộc 'do thám điện thoại' chính khách, báo giới Mỹ và châu Âu có gây rủi ro ngoại giao?

 

 

Đổi thẻ ba lần trong tám năm

 

 Đây chỉ hai trường hợp trong hơn 80 triệu người dân đã tham gia đổi từ thẻ căn cước công dân có mã vạch sang gắn chip ở Việt Nam và cảm thấy phiền toái với hệ thống quản lý dữ liệu dân cư của chính quyền.

 

Dù có những ý kiến phản đối, Luật Căn cước đã được thông qua vào ngày 27/11 với tỷ lệ hơn 87% và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

 

Luật có nhiều nội dung quan trọng, nhưng dư luận dường như chỉ quan tâm đến tên của thẻ, đó là bỏ bớt từ "công dân", chỉ còn "Thẻ căn cước".

 

Đã có nhiều tiếng nói phê phán chính sách thay đổi liên tục, xáo trộn, tốn kém chi phí của Bộ Công an Việt Nam trước và sau khi Luật Căn cước được thông qua.

 

Hiện Bộ Công an Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ căn cước.

 

Khi dự luật căn cước được đưa ra bàn thảo, đã có đại biểu Quốc hội Việt Nam nêu rằng trong tám năm mà đổi thẻ ba lần thì "tạo dư luận không tốt".

 

Khi đó, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định thẻ căn cước "là phù hợp, không tác động đến chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội cũng như tâm lý người dân".

 

Luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội đánh giá với BBC News Tiếng Việt về con đường đi lòng vòng của thẻ căn cước công dân: "Mỗi lãnh đạo lên thì đều có sự thay đổi và muốn mang dấu ấn gì đấy trong nhiệm kỳ. Thế nhưng, thay vì dấu ấn tốt thì để lại tì vết. Tôi nghĩ họ đi lòng vòng do nhận thức từ lãnh đạo và cả từ ban tư vấn nữa."

 

"Xét về góc độ tích cực, họ đi lòng vòng rồi cũng trở về thẻ căn cước, ngắn gọn, dễ hiểu. Nếu không ảnh hưởng đến tính bảo mật thông tin của người dân thì rất tốt vì đó là quyền tự do thông tin, bảo mật thông tin là quyền hiến định," ông nói.

 

Vụ bắt giữ Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng và cuộc tranh cãi ‘dân túy’

 

Vạn Thịnh Phát: Vì sao bà Trương Mỹ Lan bị cho là 'rút của SCB' hơn 1 triệu tỷ VND mà bị xử lý 304.096 tỷ?

 

 

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ceqpejy52vdo

Lịch sử thay đổi từ chúng minh thư nhân dân đến thẻ căn cước  (1957-2023)

Nguồn: Nghiên cứu của BBC, Getty Images, BBC via Tran Vo

 

Vào năm 2016, chứng minh nhân dân đã được đổi qua thẻ căn cước công dân. Năm 2021, lại đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip, và năm 2024, đổi sang thẻ căn cước.

 

Như vậy từ năm 1957 tính ở miền Bắc và từ 1975 tính trên toàn quốc, Việt Nam đã trải qua các loại thẻ từ chứng minh nhân dân có chín chữ số, đến chứng minh nhân dân có 12 chữ sốcăn cước công dân mã vạchthẻ căn cước công dân gắn chip và hiện nay là thẻ căn cước.

 

Hiện nay, người dân muốn được cấp hoặc đổi thẻ căn cước công dân thì phải tới công an quận, huyện làm thủ tục. Thời gian làm thủ tục khoảng vài chục phút đến vài tiếng, tùy theo địa điểm, nhưng phải mất khoảng 2 tháng mới được cấp thẻ, dù theo quy định là chỉ từ 7 tới 15 ngày.

 

Trong quá khứ, việc chuyển đổi từ chứng minh nhân dân chín số sang thẻ căn cước công dân từng gây bất tiện rất nhiều cho người dân. Khi đó, họ phải cần đến giấy xác nhận đổi số chứng minh nhân dân để giao dịch ngân hàng và các thủ tục dân sự khác do thẻ căn cước công dân mới và thẻ chứng minh nhân dân cũ không cùng số, không liên kết với nhau.

 

Dù có thẻ căn cước, nhưng người dân phải luôn mang theo giấy xác nhận số chứng minh nhân dân cũ. Nếu ai đó quên mang theo khi đi giao dịch hoặc đánh mất giấy xác nhận này thì gặp rất nhiều phiền toái.

 

Một trong những điểm mới trong Luật Căn cước lần này là việc bổ sung thu thập mống mắt vào cơ sở dữ liệu. Trước đó, đã có dư luận quan ngại về khả năng có thể bị theo dõi nếu căn cước công dân có gắn chip.

 

Bộ Công an Việt Nam khẳng định bộ này hoặc bất cứ cơ quan nào cũng không thể theo dõi tình hình di chuyển của công dân khi họ mang thẻ căn cước gắn chip.

 

Từ Hoa Kỳ, luật sư Lê Quốc Quân đưa ra ý kiến, "Luật căn cước do Bộ Công an chủ trì biên soạn nên tư duy quản lý và giám sát luôn in đậm trong từng câu chữ, cái gì cũng muốn thu thập, gom vào để dễ bề quản lý, thay vì ban cho công dân sự tự do lựa chọn."

 

"Tôi cho rằng như một công cụ phục vụ lợi ích vội vàng và ngắn hạn mà ngăn cản sự sáng tạo lâu dài của đất nước," ông đưa ra góc nhìn.

 

Kinh tế: Nhà máy chật vật tìm người vì giới trẻ VN không muốn làm công nhân

 

 

Tham khảo một số nước

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/361e/live/bd090830-8f77-11ee-833d-0f8d294ddc97.png

Thẻ công dân Thái Lan có gắn chip và mã vạch

 

BBC News Tiếng Việt đã trao đổi với các đồng nghiệp BBC Tiếng Thái và một công dân sống lâu năm ở Ba Lan để tìm hiểu thêm về cách quốc gia họ làm thẻ công dân ra sao.

 

Ở Thái Lan, thẻ công dân đã thay đổi năm lần từ năm 1943 đến nay. Những lần đổi thẻ công dân của Thái Lan gồm các năm 1943, 1963, 1988, 1996 và 2009.

 

Vào năm 2009, thẻ công dân Thái Lan đã thay đổi từ thẻ nhựa sang được gắn chip và mã vạch, được gọi là smart card (thẻ thông minh).

 

Chịu trách nhiệm làm thẻ là Bộ Nội vụ, một cơ quan thuộc chính phủ Thái Lan chuyên trách các công tác hành chính, nội an, quản lý thảm họa, đất đai... Đáng chú ý, người dân có thể hoàn toàn thay đổi thẻ công dân thuận tiện và dễ dàng khi đi đến các trụ sở, quầy (booth) đổi thẻ nằm ở trạm tàu điện hoặc siêu thị.

 

Các đồng nghiệp Thái Lan cho chúng tôi biết quy trình làm thẻ chỉ mất hơn 10 phút và họ không phải đổi thẻ gì từ năm 2009 đến nay.

 

Hiện tại người dân Thái Lan đã bắt đầu sử dụng thẻ công dân điện tử, qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh và được chấp thuận khi tiến hành các thủ tục.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/711/cpsprodpb/cf7c/live/17021010-8f79-11ee-833d-0f8d294ddc97.jpg

Thẻ công dân Ba Lan

 

Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Ngô Hoàng Minh, một người làm nghề phiên dịch, công chứng tiếng Việt sinh sống ở Ba Lan từ năm 1991 đến nay, nói thẻ công dân của Ba Lan không có nhiều thông tin. Do đó, trong trường hợp bị rơi thẻ thì thông tin không bị lộ.

 

"Thẻ công dân của Ba Lan, theo tiếng Ba Lan nghĩa là thẻ cá nhân. Ban đầu thẻ công dân là một quyển sổ, có tên tuổi, địa chỉ, tình trạng vợ chồng, hộ khẩu. Đến năm 1992, họ đã thay quyển sổ bằng thẻ công dân. Trong thẻ này, họ bỏ thông tin về tình trạng hôn nhân, bỏ địa chỉ vì cho rằng là đây là thông tin mang tính cá nhân."

 

"Về sau thì họ càng làm rút gọn, bỏ luôn việc đăng ký hộ khẩu, chỉ còn số điện tử công dân, ngày tháng năm sinh… Thẻ công dân này họ cũng có đổi vài lần, có mã vạch, gắn chip, người dân cũng đi lấy dấu vân tay và thủ tục rất thuận tiện," ông đánh giá.

 

Vụ bắt giữ Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng và cuộc tranh cãi ‘dân túy’

 

Hiện chưa rõ thẻ căn cước sẽ là tên cuối cùng và liệu sẽ không còn chính sách nào mới trong thời gian tới của Bộ Công an hay không.

 

Sự kiện đổi tên thẻ căn cước công dân khiến một bộ phận người dân nhớ lại mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam màu xanh tím than, được cấp từ ngày 1/7/2022, một ví dụ khác cho thấy những vấn đề trong ban hành chính sách và triển khai thực hiện của Bộ Công an Việt Nam.

 

Năm ngoái, việc thiếu nơi sinh trong hộ chiếu đã khiến một số nước như Đức, Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech... không chấp nhận nhập cảnh cho công dân việt Nam.

 

Tranh cãi liên quan đến vấn này phải mất nhiều tháng, từ chỗ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an luôn khẳng định mình đúng, cho đến chỗ dần dần muốn "sửa đổi, bổ sung nơi sinh" và rồi chấp nhận từ năm 2023 sẽ trở lại ghi nơi sinh như cũ.

 

Trước đây, cũng từng có đề xuất đưa tên cha mẹ vào căn cước công dân nhưng sau khi bị phản ứng thì chính quyền đã không triển khai.

 

Quay trở lại, người dân giấu tên từ Sài Gòn chia sẻ với BBC News Tiếng Việt mong muốn của ông lúc này, "Tôi chỉ mong vụ thẻ căn cước này sẽ dừng tại đây, đừng để tốn kém tiền nhà nước và thời gian, sức lực của những người dân đen như tôi nữa."

 

 Vụ Việt Nam bị cáo buộc 'do thám điện thoại' chính khách, báo giới Mỹ và châu Âu có gây rủi ro ngoại giao?

 

--------------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

·         

Đức tạm dừng cấp visa lưu trú nhiều năm cho người Việt Nam có hộ chiếu mới

22 tháng 8 năm 2022

·         

Vụ Việt Nam bị cáo buộc 'do thám điện thoại' chính khách, báo giới Mỹ và châu Âu có gây rủi ro ngoại giao?

17 tháng 10 năm 2023

·         

Vụ bắt giữ Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng và cuộc tranh cãi ‘dân túy’

23 tháng 11 năm 2023

·         

Kinh tế: Nhà máy chật vật tìm người vì giới trẻ VN không muốn làm công nhân

2 tháng 11 năm 2023

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats